ClockThứ Tư, 27/04/2022 12:08

Ưu tiên nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

TTH - Hương Trà đang tập trung các nguồn lực để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG), nhằm mục tiêu nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Phú Vang: Trường Tiểu học Phú Diên 1 đạt chuẩn Quốc giaTrường thứ 38 của Hương Thủy đạt chuẩn Quốc giaGiáo dục Hương Thủy & mục tiêu xây dựng 100% trường học đạt chuẩn quốc gia

Giữ chuẩn, tránh rơi chuẩn là nhiệm vụ mà các trường đã đạt chuẩn quốc gia phải ưu tiên thực hiện (trong ảnh: Học sinh Trường TH số 1 Hương Xuân tập nghi thức)

Nỗ lực

Để thực hiện mục tiêu xây dựng trường ĐCQG trong giai đoạn vừa qua, ngành GD&ĐT Hương Trà đã lên phương án cụ thể triển khai thực hiện. Tham mưu cho UBND thị xã, phối hợp với các đơn vị trong triển khai đầu tư xây dựng trường ĐCQG; có kế hoạch chọn các trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đào tạo để xây dựng trường chuẩn quốc gia...

“Trên thực tế, công tác xây dựng trường ĐCQG đã đạt được những kết quả khả quan”, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hương Trà -bà Nguyễn Thị Huy thông tin.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục thị xã, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ tập trung ở các trường đạt chuẩn mới, mà còn phải duy trì các trường đã đạt chuẩn trước đó. Vì vậy, ngoài việc huy động các nguồn lực đầu tư cho các trường đăng ký đạt chuẩn, ngành GD& ĐT thị xã cũng tăng cường chỉ đạo các trường đã đạt chuẩn phải giữ vững và phát huy tiêu chí đạt chuẩn, tránh “rơi chuẩn”. Nhờ quan tâm đến xây dựng trường chuẩn, tại các nhà trường, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được quan tâm đầu tư. Cán bộ, giáo viên được tạo điều kiện để học tập, đảm bảo chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo.

Đến nay, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của Hương Trà đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đổi thay toàn diện chất lượng giáo dục, mang lại môi trường học tập thuận lợi, tốt nhất cho học sinh. Với 24/35 trường được công nhận ĐCQG, Hương Trà phấn đấu đến 2025 có 32 trường ĐCQG. “Với những công việc, công trình thị xã đang triển khai đầu tư xây dựng, đến 2025, kế hoạch có 90% trường học ở Hương Trà ĐCQG sẽ thực hiện được”, bà Nguyễn Thị Huy khẳng định.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong lộ trình đầu tư công trung hạn từ nay đến 2025, thị xã bố trí các công trình xây mới để công nhận đạt chuẩn cũng như bổ sung, xây dựng mới để thay thế các công trình đã xuống cấp. Dự kiến sẽ xây mới các trường: TH Hồng Tiến và MN Hồng Tiến, hoàn thiện MN Bình Điền; đầu tư 6 phòng học, khu hiệu bộ cho MN Bình Thành; TH Hương Toàn, MN Hương Xuân cũng được đầu tư giai đoạn 2022-2024 để được công nhận đạt chuẩn.

Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hương Trà cho biết: "Năm nay, tỉnh bố trí cho Hương Trà nguồn kinh phí sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất trường học khoảng 6,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp gần 1,2 tỷ đồng. Với 8 tỷ đồng, thị xã sẽ bổ sung cho 18 hạng mục công trình công nhận mới và công nhận lại (khoảng 10 trường) trong năm học 2022-2023".

Vẫn còn đơn vị gặp khó

Hương Trà hiện có 35 trường học trực thuộc Phòng GD&ĐT thị xã, 3 trường THPT trực thuộc sở.        

Đến nay, 2/3 trường THPT đã ĐCQG là Đặng Huy Trứ và Trường THPT Hương Trà, riêng Trường THPT Bình Điền đang hoàn thiện hồ sơ để được thẩm định và công nhận. 6/8 trường THCS đã đạt chuẩn, chỉ còn TH và THCS Lê Quang Bính (xã Hương Bình) và THCS Lê Thuyết (xã Bình Thành) chưa đạt.

Phó Hiệu trưởng Trường TH và THCS Lê Quang Bính, cô Trần Thị Thanh Phúc bày tỏ: "Hiện công tác xây dựng trường ĐCQG của đơn vị gặp một số khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất".

Với hơn 550 học sinh, việc thiếu các phòng học chức năng, khu hiệu bộ, tường rào mặt sau, hệ thống đường đi lối lại, mái che… gây không ít khó khăn cho công tác dạy học. Về phía nhà trường, dù làm rất tốt công tác xã hội hóa nhưng nguồn lực có hạn nên chỉ làm được những hạng mục nhỏ như xây bồn hoa, cây cảnh, lát đá trên diện tích nhỏ. “Sau nhiều năm kéo dài dự án đầu tư do thiếu kinh phí, hy vọng các hạng mục lớn sẽ sớm được khởi công để đến cuối 2022 nhà trường được công nhận đạt chuẩn”, cô Phúc mong mỏi.

Lãnh đạo Trường THCS Lê Thuyết thông tin, từ nguồn ngân sách của thị xã và địa phương, đã đầu tư để làm sân bóng, cải tạo sân chơi, bãi tập, tường rào. Theo lộ trình, kế hoạch trong năm nay sẽ hoàn thiện để trường được công nhận đạt chuẩn. Riêng khối tiểu học, thị xã còn 2/15 trường chưa ĐCQG là TH Hồng Tiến và TH Số 1 Hương Toàn. “Nhưng khó nhất là khối mầm non (MN), với chỉ 5/11 trường đạt chuẩn”, bà Nguyễn Thị Huy nói.

Khó nhưng thị xã đã quyết tâm thực hiện và lên kế hoạch xây dựng các trường MN trong lộ trình đầu tư công trung hạn. Phấn đấu đến 2025, 90% trường MN trên địa bàn ĐCQG. Ngoài nguồn đầu tư công, địa phương cũng dành nguồn đấu giá quyền sử dụng đất theo phân cấp được hưởng để sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị xây dựng trường ĐCQG ưu tiên cho các trường MN.

Mới đây, UBND thị xã Hương Trà đã làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh để xin chuyển giao khối công trình của Ban Chỉ huy Quân sự thị xã (hiện không sử dụng) cho địa phương để mở rộng Trường MN Sơn Ca (Tứ Hạ). Trước mắt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đồng ý cho sử dụng các hạng mục hiện có (nhà ở, nhà ăn của bộ đội) để cải tạo làm khu hiệu bộ, mở rộng sân chơi, đồng thời xây tiếp 8 phòng học cho trường.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vườn Quốc gia Bạch Mã: Nỗ lực ngăn chặn nạn bẫy thú rừng

Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã có diện tích tự nhiên hơn 37.423 héc ta, thuộc địa giới hành chính 15 xã, thị trấn của 3 huyện Phú Lộc, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) và Đông Giang (Quảng Nam). Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm VQG Bạch Mã cùng các đơn vị đã tích cực phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng. Nhờ đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ săn bắt, bẫy động vật rừng trái phép tại VQG này.

Vườn Quốc gia Bạch Mã Nỗ lực ngăn chặn nạn bẫy thú rừng

TIN MỚI

Return to top