ClockChủ Nhật, 08/09/2024 06:46

Trở về để phụng sự quê hương

TTH - Sau 12 năm học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, năm 2022, TS. Hồ Ngọc Hân, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2009 đã chọn trở về Huế để được phụng sự cho quê hương.

Vượt mọi khó khăn, thực hiện thành công các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dânHết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân

 TS. Hồ Ngọc Hân

Khi những kết quả nghiên cứu qua gần 2 năm làm việc tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế có kết quả bước đầu, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với TS. Hồ Ngọc Hân.

Được xem như là người của công chúng từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2009, anh có thể chia sẻ quá trình học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài của mình sau khi giành vòng nguyệt quế?

Sau 1 năm tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2009, tôi bắt đầu sang Úc học cử nhân tại Đại học Swinburne. Tại đây, tôi lần lượt học lên thạc sĩ, sau đó là tiến sĩ chuyên ngành chỉnh sửa gene trên người. Quá trình học kéo dài liên tục, đến năm tôi 27 tuổi - năm 2018, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Năm 2019, sau 9 năm ở Úc tôi quyết định sang nước Anh làm việc trong môi trường mới. Tôi làm việc tại Viện Francis Crick, một viện nghiên cứu vi sinh hàng đầu thế giới ở London. Tại nơi làm việc mới, tôi tiếp tục nghiên cứu về cơ chế sửa đổi của DNA, lĩnh vực mà tôi đã học và bảo vệ luận án tiến sĩ ở Úc trước đó. Tôi được làm việc với những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Nhờ đó mà bản thân tiến bộ rất nhanh và có riêng cho mình những kết quả trong nghiên cứu khoa học.

 TS. Hồ Ngọc Hân làm việc trong phòng thí nghiệm

Nổi bật nhất là công trình nghiên cứu cơ chế sửa đổi DNA trên người. Với nhiều người, các DNA bị biến đổi rất sớm. Những người bị biến đổi DNA sẽ mắc ung thư sớm, từ khoảng 20 - 25 tuổi và thường sẽ khó sống qua được tuổi 30. Sau quá trình nghiên cứu, tôi tìm ra được một phương pháp giúp DNA bị phá hủy tìm lại được cấu trúc di truyền. Phương pháp này có tên là “Cơ chế tái tổ hợp tương đồng giúp sửa đổi những đứt gãy DNA trên cơ thể người”. Cơ chế giúp nghiên cứu ra được các loại thuốc kháng sinh để chống lại tế bào ung thư hiệu quả.

Sau 3 năm làm việc ở Anh, khi thấy mình đã tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức, tôi quyết định quay trở về Huế vào năm 2022. Hiện tại tôi đang làm việc và nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế.

Được biết, với khả năng của mình, anh có thể làm việc ở những môi trường có cơ hội phát triển, thu nhập cao hơn. Vì sao anh lại về Huế?

Khi tôi quyết định về Việt Nam, lúc đó vị giáo sư là thầy của tôi ở Anh mong muốn tôi ở lại. Khi tôi đã về Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gửi lời mời làm việc với thu nhập rất cao, gấp đến 10 lần công việc tôi đang làm hiện tại. Tuy nhiên tôi đều từ chối và kiên định với việc đã đến lúc để trở về nhà.

Tôi về Huế trước hết là vì gia đình. Nhà chỉ có hai chị em, mà chị gái đã ở nước ngoài. Ba mẹ đã lớn tuổi, cần có người chăm sóc sau này.

TS. Hồ Ngọc Hân thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm 

Lý do trên kết hợp với ý nghĩ được nung nấu ngay từ khi tôi bắt đầu đi du học là sẽ quay về Việt Nam để làm việc và cống hiến cho quê hương, đất nước. Ở nước ngoài, dù gặp nhiều thuận lợi trong công việc, nhưng tôi luôn cảm giác ở những nơi tôi đến chưa bao giờ là “nhà”. Huế, nơi tôi sinh ra và lớn lên vẫn chính là nơi tôi có cảm giác “nhà” thật sự. Nhận thấy với kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy, tôi đã có thể trở về để đóng góp, phụng sự quê hương. Hai yếu tố trên kết hợp lại, khiến tôi ra quyết định rất nhanh là trở về Huế.

Đi nhiều nơi, khi trở về, tôi thấy Huế luôn có những điều thật khác biệt so với các nơi khác. Cuộc sống nhẹ nhàng, môi trường sống thoáng đãng. Buổi chiều làm về có thể đi biển, ra sông Hương hóng mát, tối đến có thể chạy bộ thể dục… Nhu cầu về đời sống vật chất cũng ít áp lực hơn so với các nơi khác. Lĩnh vực y tế, giáo dục ở Huế cũng rất được quan tâm phát triển, là những yếu tố mà tôi quan tâm khi chọn nơi để xây dựng gia đình lâu dài.

Trở về quê hương làm việc và chấp nhận làm nhiều công việc khác ngoài nghiên cứu khoa học, sẽ khó tránh khỏi những dư luận của xã hội?

Người ta đã từng nói, ở Roma (Ý) thì sống theo kiểu Roma, thì khi đã ở Việt Nam, đòi hỏi cũng sẽ sống theo kiểu Việt Nam. Đúng là ngoài thời gian ở phòng nghiên cứu, với ống nghiệm, tôi còn làm một số công việc khác. Với tôi, việc nào cũng đáng trân quý, miễn sao mang lại thu nhập chính đáng và chính sức mình bỏ ra.

Mỗi người một quan điểm, để theo đuổi đam mê lâu dài có thể bỏ ngoài tai những dư luận của xã hội. Không thể cứng nhắc tôi là nhà khoa học, chỉ nghiên cứu thôi, mà không làm những công việc khác nhau. Với tôi, luôn có kế hoạch “Lấy ngắn nuôi dài”.

Mục tiêu lâu dài của tôi là nghiên cứu ra một sản phẩm nào đó thật sự có sức ảnh hưởng lớn. Từ sản phẩm có chất lượng cao do chính mình nghiên cứu có thể khởi nghiệp, hình thành sản phẩm cụ thể, hỗ trợ cho thật nhiều người và xã hội. Tôi nghĩ rằng, mình sống sao để 10 năm, 20 năm, hay xa hơn nữa không cảm thấy hối hận. Còn những ý kiến hiện tại chỉ là một kênh để mình tham khảo, không lấy đó để làm nhụt chí của mình.

Thời điểm ở Anh, tôi dường như không có niềm vui vì phải vùi đầu 15 tiếng mỗi ngày vào công việc ở phòng thí nghiệm. Khi về Huế, cảm giác thật thoải mái, được sống trong môi trường mình thích, tự do sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Môi trường làm việc cởi mở, mọi người xem nhau như trong một gia đình.

Như anh đã chia sẻ, đi để trở về phụng sự quê hương. Vậy anh sẽ làm gì để đạt được mục tiêu lớn đó?

Tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế, tôi phụ trách phòng thí nghiệm sinh học phân tử. Trong tiến trình đưa Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, Viện được định hướng trở thành 1 trong 3 trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học Quốc gia. Trong tiến trình đó, tôi tự đặt mục tiêu sẽ đóng góp hết khả năng của mình để sớm đạt được.

Gần 2 năm làm việc tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế, hiện tôi đang tiến hành nghiên cứu ba đề tài khoa học; trong đó, 1 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài cấp tỉnh và 1 đề tài Đại học Huế. Các đề tài được nghiên cứu trên thực vật và đang được triển khai. Hiện tại chưa thể tiết lộ được nhiều, song kỳ vọng khi hoàn thành, những công trình này sẽ có tính đột phá, tác động lớn đến xã hội.

Với nghiên cứu khoa học, những cái dễ đã được làm. Để những nghiên cứu thật sự tác động lớn đến xã hội thì phải những nghiên cứu khó, thậm chí chưa ai làm. Trong kế hoạch, tôi đã có một số ý tưởng và một số đã bắt tay vào nghiên cứu. Hy vọng, trong vài năm tới, có thể cho ra một sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn như một giống cây mới có khả năng tự kháng lại mọi loại bệnh do vi rút gây ra. Lúc đó người nông dân không phải tốn nhiều tiền để mua thuốc bảo vệ, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa mang lại năng suất cao.

Xin cảm ơn anh!

Đức Quang (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (2)
LT
Lê Văn Tụy - 09/09/2024 19:35
Thật tuyệt vời!Tôi thích bạn @@
NH
Nguyễn Văn Hiếu - 09/09/2024 09:41
Tuyệt vời, chúc em luôn mạnh khỏe và thành công.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón các anh trở về trong lòng Tổ quốc

Ngày 19/5, tại tỉnh Salavan - nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh bạn đã long trọng tổ chức lễ tiễn đưa 12 hài cốt liệt sĩ (HCLS) quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở chiến trường Lào về nước.

Đón các anh trở về trong lòng Tổ quốc
Lê Brothers và hành trình trở về

“The Return - trở về” là câu chuyện được kể bằng hình ảnh và video vừa được anh em nghệ sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (Le Brothers) giới thiệu đến công chúng vào chiều 8/1 tại không gian nghệ thuật Manzi (số 2 ngõ Hàng Bún, Q. Ba Đình, Hà Nội).

Lê Brothers và hành trình trở về
“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu

Đặng Mậu Tựu, một họa sĩ tràn đầy năng lượng sáng tạo không biết mệt mỏi. Trở về với quê hương bản quán Bình Định, với nơi chôn nhau cắt rốn, ông mang theo cả một gánh hành trang nặng trĩu trái tim mình trong những câu chuyện của sắc màu. Vẫn phong cách tươi tắn sôi nổi, nhiệt huyết yêu thương của một họa sĩ của xứ dừa Tam Quan nhưng lỡ say mê sông Hương núi Ngự, ngỡ rằng đang ẩn mình trong cõi chiêm bao, hóa ra lại trần thế như một hạt bụi nhân gian vô thường vậy.

“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu

TIN MỚI

Return to top