|
Tác phẩm “Mẹ con” của họa sĩ Đặng Mậu Tựu |
Món quà dành cho Quê nẫu của Đặng Mậu Tựu lần này là những thước phim quay chậm về bức tường thành hồi ức đầy đủ gia vị, đầy đủ những ẩn nghĩa trong câu chuyện dài đậm đà bản sắc văn hóa của xứ Nẫu, và của riêng họa sĩ. Đơn cử như vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên trong Bốn mùa trời và đất, Hoa dân dã quê tôi, Mưa mùa. Quê hương được khai thác, mô tả theo chiều không - thời gian của ký ức, gắn bó với tháng năm trưởng thành của Đặng Mậu Tựu là hình ảnh những dấu tích của các địa danh, những con đường như một sự khai sáng, sự đổi mới của đời sống hiện tại: Con đường mới qua đèo Ô Phi, Nắng đầm Đề Di... Ở tuyến câu chuyện thứ hai, là những nét đặc thù từ những hình ảnh bao quát của văn hóa bản địa với hình tượng dân gian quen thuộc Chàng Lía; với thiên nhiên thời tiết, với đời sống lao động của con người thời xa xưa Đập lúa; về phong tục tập quán và cả nền ẩm thực riêng của xứ nẫu: Đổ bánh xèo lúc mưa dông, Tráng bánh, Ăn hàng đêm ở Quy Nhơn...
Đa số những ký ức về làng quê trong nét cọ của Đặng Mậu Tựu là những gam màu tươi sáng nồng nhiệt được thể hiện bằng chất liệu Acrylic. Những hình ảnh từ đời sống thường nhật của người dân làng chài lưới, quê hương của họa sĩ tựa như một dòng ký ức tuyệt đẹp: Hạnh phúc nhà ngư phủ trẻ, Trăng trên đồng muối Mỹ Thành và Người đàn bà vá lưới.
Thứ nữa, là khung trời viễn mộng của tuổi thơ trong tâm hồn người họa sĩ dưới những gam màu tổng hòa cùng các nét vẽ dung dị đời thường về sự tồn tại của con người, của những hình ảnh quen thuộc ở chốn làng quê từ con trâu, hay đụn rơm cho đến ngọn lửa đỏ trong góc bếp, kể cả đơn thuần là thú nằm võng của người xứ Nẫu như: Hạnh phúc của mẹ, xanh mướt tuổi thơ, Mẹ con, Ngoại tôi, Nhà có sân khấu mới, Đầu cơ nghiệp, Bắt cá sau đường bờ ruộng, Thương sao ngày ấy, Tuổi thơ tôi với đình làng Chánh Tường, Góc bếp ngày đã xa, Chim dòng dọc, Bạn của ngày xa và xen lẫn là những gửi gắm, nhắc nhở về những dấu mốc lịch sử như bức Kỷ vật - quê tôi ai có nhớ?
Cốt tử nhất, có lẽ không chỉ là những câu chuyện của đất trời thiên nhiên, đời sống mà tôi nhận diện được. Trong cuốn phim quay chậm này còn một số nỗi niềm vừa đau đáu từ ký ức của họa sĩ về huyền tích lịch sử như Nghĩ về hòn đá trắng chùa Thập Tháp, vừa thăng hoa với câu chuyện thú vị khi nghe ông chia sẻ ở bức Những người say nghề hát bội, mô tả hình ảnh người nông dân chất phác ban ngày ra đồng, ban đêm hóa trang thành những người nghệ sĩ hát bội. Với tôi, chân dung Đặng Mậu Tựu hệt như một lãng tử ham rong ruổi chinh phục những chuyến đi, những cuộc phiêu lưu của cuộc đời mình cho đến khi trở về bằng ký ức, bằng một tiếng thương Quê nẫu.
Trong khoảnh khắc đêm buông giữa những thanh âm rất nhẹ của tiếng mưa nhỏ giọt, của sự yên lặng trong thinh không những tháng ngày đông giá, buốt lạnh chuyển mùa cuối năm. Tôi chợt nhớ mấy câu trong bài thơ “tĩnh dạ tứ” của thi sĩ Lý Bạch, “Sàng tiền minh nguyệt quang/ Nghi thị địa thượng sương/ Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương” (Đầu giường trăng sáng soi, Giống như là sương trên mặt đất. Ngẩng đầu ngắm nhìn vầng trăng sáng, Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà). Một cảm thức đồng điệu với những kẻ phiêu bạt xa xứ, đi để mà trở về, để lắng nghe những nhịp đập ký ức tuôn tràn thổn thức bằng những câu chuyện lấp lánh sắc màu đủ đầy các cung bậc yêu thương. Đó cũng chính là một kết nối, một lý do cho cuộc triển lãm cá nhân lần thứ ba trong năm mang tên Quê nẫu của Đặng Mậu Tựu diễn ra từ ngày 20/12/2023 đến ngày 2/1/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, số 1 Nguyễn Tất Thành, TP. Quy Nhơn.