ClockChủ Nhật, 17/06/2018 15:19

Bộ GDĐT “bắt bài” chiêu ăn gian giờ thi tổ hợp của thí sinh

Năm nay, Bộ GDĐT sẽ yêu cầu giám thị thu toàn bộ đề thi, giấy nháp thi, giấy báo dự thi và các vật dụng liên quan, để kiên quyết ngăn chặn tình trạng thí sinh ăn gian giờ làm bài thi môn tổ hợp như đã xảy ra trong năm 2017.

Khâu bảo quản đề thi THPT quốc gia được Bộ GDĐT đặc biệt quan tâm. Ảnh: Hải Nguyễn

Thí sinh "truyền tai" ăn gian giờ làm bài thi tổ hợp

Từ năm 2018 đến 2020, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định như năm 2017, vẫn áp dụng bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Với bài thi này, thí sinh làm bài các môn thi thành phần trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm. Hết thời gian làm bài của môn thi thành phần cuối cùng của bài thi tổ hợp, cán bộ coi thi mới thu phiếu trả lời trắc nghiệm.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã xảy ra tình trạng thí sinh ăn gian giờ làm bài ở môn thi này.

Theo quy định của Bộ GDĐT, mỗi môn thành phần trong bài thi tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút, nhưng thời gian chờ để chuẩn bị cho một thi kế tiếp sau khi môn thi trước kết thúc là 20 phút. Nhiều sĩ tử đã nghĩ ra “mẹo” tận dụng triệt để thời gian chờ này để làm bài.

Cụ thể, thí sinh truyền tai nhau "ăn gian" giờ làm bài bằng cách chép đề môn thi trước vào bất kỳ đâu có thể, ví dụ như thẻ dự thi, hộp bút hoặc mặt bàn.

Sau đó, trong 20 phút chờ phát đề để làm bài môn kế tiếp, thí sinh tiếp tục suy nghĩ, tìm đáp án. Đến thời gian làm bài môn tiếp theo, thí sinh sẽ tô đáp án của các môn trước vào phiếu trả lời trắc nghiệm.

Trong quy chế thi hiện nay chưa quy định chi tiết về điều này. Trong khi chỉ còn một tuần nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2018, dư luận băn khoăn nếu năm nay thí sinh tiếp tục lách quy chế, gian lận theo cách này, sẽ là không công bằng giữa các thí sinh với nhau.

Kiên quyết ngăn chặn

Chia sẻ với phóng viên, ông Nam Nhật Minh - Phó trưởng phòng Quản lý thi và Tuyển sinh (Bộ GDĐT) thừa nhận đúng là trong mùa thi năm 2017 có thông tin phản ánh về tình trạng này.

Để ngăn chặn và đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra công bằng, nghiêm túc, Bộ GDĐT đã đưa ra nhiều giải pháp.

Ông Nam Nhật Minh – Phó trưởng phòng Quản lý thi và tuyển sinh. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Đầu tiên, thời gian cách nhau giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp sẽ rút ngắn xuống còn 10 phút thay vì 20 phút như năm ngoái. Việc này đã phổ biến kỹ đến các cán bộ coi thi.

Thứ hai, phiếu trả lời trắc nghiệm sẽ được đóng vào các phong bì niêm phong trước khi mang đến phòng thi và đảm bảo mỗi thí sinh chỉ có duy nhất một phiếu trả lời trắc nghiệm.

Thí sinh cần đặc biệt cẩn thận trong việc tô mã đề, mã dự thi để tránh những sai sót. Trong trường hợp phiếu trả lời bị rách thì phải báo cáo lên giám thị coi thi để có thể đổi phiếu dự phòng theo quy định, nhưng phải có biên bản trả lại phiếu cũ.

Một điểm mới nữa để ngăn chặn tình trạng “ăn gian” giờ làm bài là kết thúc mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp, giám thị sẽ thu lại giấy nháp thi, đề thi, mọi vật dụng mà thí sinh có thể ghi chép liên quan đến đề thi của môn thi thành phần trước.

Bộ GDĐT cũng đã quán triệt, yêu cầu giám thị nghiêm túc giám sát, nếu phát hiện có thí sinh làm việc này (có dấu hiệu chép đề thi ra mặt bàn hay vật dụng nào đó) thì phải nhắc nhở, yêu cầu xóa hoặc thu ngay những vật dụng đó, để đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, khách quan với mọi thí sinh.

Theo Lao động

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự tin để thi tốt

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đang bước vào thời điểm… đếm ngược. Đây là kỳ thi quan trọng không chỉ đánh dấu bước ngoặt kết thúc 12 năm học, mà còn là căn cứ để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Vấn đề đặt ra, để tự tin “vượt vũ môn”, học sinh cần chuẩn bị những gì?

Tự tin để thi tốt
Return to top