Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 và những năm tiếp theo, đến nay, các trường đại học vẫn chưa công bố phương án tuyển sinh riêng. Nhiều trường đại học cho biết, việc tuyển sinh vẫn chủ yếu dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học đều đang trong quá trình xây dựng phương án xét tuyển, nên chưa công bố chính thức kế hoạch tuyển sinh năm 2017. Dù đang trong quá trình bàn thảo, nhưng hầu hết các trường đều sẽ xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia mà không tổ chức thi riêng.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016
Ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Thủy lợi cho biết, trường đang nghiên cứu một số phương án tuyển sinh, sau đó sẽ lựa chọn phương án tối ưu nhất. Các phương án đều theo hướng sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
“Chúng ta đang trong quá trình đổi mới, phải đánh giá qua 1-2 năm khi chuyển sang hình thức thi mới. Khi đó, nhà trường mới quyết định nên tổ chức như thế nào cho phù hợp. Trong thời gian trước mắt, nhà trường cũng đang nghiên cứu nhưng trường cũng rất mong muốn làm sao sử dụng được tối đa kết quả của của kỳ thi THPT quốc gia, để xét tuyển. Như vậy sẽ hạn chế được phiền phức cho thí sinh cũng như phụ huynh và cũng giảm áp lực cho thí sinh cũng như công tác tổ chức của nhà trường”- ông Trần Khắc Thạc nói.
Do chưa có quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng mới nên nhiều trường chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố rồi mới xem xét phương án tuyển sinh năm 2017. Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trường không tổ chức thi riêng mà vẫn dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Ông Văn Hóa nói: “Trường không có ý định là có một phương thức tuyển sinh mới nào khác. Thực tế hiện nay, Bộ cũng không nói là các trường phải làm lại phương án và không nói rõ là cách để tuyển sinh như thế nào cho nên chúng tôi vẫn giữ phương án tuyển sinh như năm trước, tức là một phần tuyển từ điểm sàn của Bộ, một phần xét học bạ theo đề án mà Bộ đã ký cho trường. Bởi vì chúng tôi thấy là nếu mình có một phương án khác cũng không hợp lý”.
Một số trường có ngành đào tạo đặc thù, liên quan đến các môn năng khiếu như mỹ thuật, kiến trúc... dự kiến sẽ tổ chức thi riêng nhưng vẫn phối hợp xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia. Bên cạnh đó, một số trường chưa tin tưởng chất lượng của kỳ thi THPT Quốc gia do Sở Giáo dục- Đào tạo các địa phương tổ chức nên đang xây dựng phương án tổ chức thêm bài kiểm tra để xét tuyển.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho biết: “Trường sẽ làm đề án tuyển sinh riêng, trong đó có các điều kiện về tuyển thẳng học sinh từ các trường chuyên, học sinh giỏi kỳ thi quốc gia, học sinh giỏi kỳ thi kỹ thuật, học sinh phổ thông. Bên cạnh đó cũng có một phần xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp giữa điểm thi quốc gia. Trường có thể tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng vì một số ngành nghề của trường có đặc thù. Bởi vì mọi năm các trường đại học tổ chức thì hoàn toàn tin tưởng vào tính khách quan của kỳ thi, nhưng năm nay do giao về các Sở làm thì phải xem thi cử người ta tổ chức như thế nào”.
Theo Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 và những năm tiếp theo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học có thể sử dụng 4 phương thức tuyển sinh. Cụ thể, các trường có thể xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển dựa vào kỳ kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT và phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Theo VOV