Một phần gian tư vấn của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: LV
Điểm thi cao vẫn lo trượt đại học
Ngày hội tư vấn xét tuyển có gần 80 gian hàng tư vấn của các trường ĐH, CĐ và trường nghề. Đại diện các trường đã trực tiếp hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ đăng ký xét tuyển và tư vấn nộp hồ sơ xét tuyển với cơ hội trúng tuyển cao nhất. Nhiều thí sinh, phụ huynh đặt các câu hỏi về quy trình thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, cũng như lo lắng điểm chuẩn năm nay sẽ tăng cao; nếu dựa vào điểm chuẩn năm 2016 để chọn ngành phù hợp điểm thi đã công bố thì có đáng tin cậy...? Thí sinh Nguyễn Thị Khánh Huyền, Trường THPT Hậu Lộc 4, (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết: Điểm thi khối A năm 2017 của em là 27,5 điểm. Tuy nhiên, qua theo dõi phổ điểm theo khối nhận thấy nhiều bạn đạt điểm khá cao. Vấn đề khiến Huyền lo lắng nhất là điểm cao vẫn trượt đại học hoặc trúng tuyển vào ngành không yêu thích. Theo Huyền, trước đó, em đã đăng ký hai nguyện vọng vào hai ngành của Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) là Kinh tế đối ngoại và Kinh tế quốc tế. Hiện nay, em còn phân vân chưa biết chọn ngành nào xếp vào vị trí nguyện vọng 1.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Mạnh Lâm (Thanh Hóa) có kết quả thi khối B là 21,5 điểm cho rằng, với số điểm này, em cảm thấy không khả quan với các nguyện vọng đã đăng ký trước đó cho nên muốn thay đổi nguyện vọng. Tuy nhiên, do thiếu thông tin về đào tạo, nhu cầu việc làm của một số trường, cho nên Lâm vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Chị Nguyễn Thu Hường, phụ huynh học sinh đến từ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Năm 2016, con chị tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được 78 điểm. Theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu thí sinh không trúng tuyển có thể sử dụng điểm thi đã đạt để xét tuyển vào đại học năm 2017. Năm nay, con chị Hường có nguyện vọng xét tuyển vào Khoa Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì vậy, điều chị băn khoăn là với mức điểm nêu trên, khi quy đổi ra thang điểm 10 thì sẽ tương ứng là bao nhiêu điểm.
Theo TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, theo dữ liệu điểm thi năm 2017, số điểm 8 trở lên tăng rõ rệt. Nếu nâng điểm chuẩn lên 0,2 điểm so với năm 2016 thì số lượng thí sinh trúng tuyển tăng lên khá nhiều. Vì thế, Trường ĐH Ngoại thương sẽ rất thận trọng trong việc nâng mức điểm chuẩn và thực tế, điểm chuẩn nói chung của các ngành sẽ ổn định so với năm trước. Trong khi đó, theo PGS, TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với kết quả thi năm nay, có thể thấy rõ mặt bằng điểm cao hơn năm 2016. Về lý thuyết, mặt bằng chung lên cao, thì điểm xét tuyển đại học sẽ tăng. Tuy nhiên, mức cụ thể thế nào phải căn cứ vào mức điểm đã đạt của những thí sinh đăng ký vào từng ngành xét tuyển. Dự kiến, sau khi Bộ GD và ĐT công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (ngày 12-7), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ với mức điểm khác nhau giữa các ngành khác nhau nhưng chắc chắn không dưới 21 điểm; đồng thời áp dụng thêm các tiêu chí phụ. Trước những băn khoăn của thí sinh về điểm chuẩn có thể tăng cao, PGS, TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT) cho rằng, sau khi Bộ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, trên cơ sở đó các trường sẽ đưa ra mức điểm chuẩn.
Không nên bỏ qua cơ hội thay đổi nguyện vọng
Qua phân tích phổ điểm của Bộ GD và ĐT cho thấy, so với năm 2016, năm 2017 phổ điểm trung bình khối A khoảng 18 điểm; khối A1, khối B là 17 điểm và khối C là 16 điểm; khối D là 14 điểm. Như vậy điểm trung bình các khối cao hơn năm 2016 khoảng từ 1 đến 2 điểm, thuận lợi trong xác định điểm trúng tuyển vào các trường ĐH.
Đáng chú ý, năm 2017, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được Bộ GD và ĐT chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật hoạt động xét tuyển theo nhóm trường miền bắc (gồm 56 trường). Đến nay, phần mềm tuyển sinh, lọc ảo do trường này đảm nhận đã và đang chạy thử nghiệm. Khi có dữ liệu chính thức, thông qua bộ lọc ảo, thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì các nguyện vọng khác sẽ được phát hiện và không được xem xét. Theo quy chế, năm nay, bộ lọc ảo sẽ chạy sáu lần thay vì ba lần như các năm trước. Bộ lọc này sẽ hoạt động liên tục, các trường thuộc nhóm có thể xem xét, thường xuyên cập nhật thông tin. Sau khi việc lọc ảo hoàn tất, thông tin sẽ được gửi về Bộ GD và ĐT, từ đây dữ liệu được chuyển về các trường, như vậy sẽ không xảy ra hiện tượng một thí sinh trúng nhiều nguyện vọng.
Về thay đổi nguyện vọng xét tuyển, PGS, TS Trần Văn Nghĩa lưu ý, thí sinh cần cân nhắc kỹ, không nên bỏ qua cơ hội được thay đổi nguyện vọng. Năm nay, các trường sẽ tuyển sinh bình đẳng với tất cả các nguyện vọng. Chỉ cần thí sinh đạt điểm cao, xét từ trên xuống đến ngưỡng điểm xét tuyển thì sẽ trúng tuyển, không lệ thuộc vào nguyện vọng 1, 2 hoặc 3 mới trúng tuyển... Tuy nhiên, nếu có quá nhiều thí sinh có điểm tương đương, các trường có thể quy định tiêu chí phụ. Tiêu chí phụ có thể xem xét điểm một trong ba môn của tổ hợp xét tuyển hoặc xem xét ưu tiên những thí sinh có nguyện vọng một vào ngành, hoặc trường.
Về quy trình thay đổi nguyện vọng, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD và ĐT) cho biết, theo quy định, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức. Phương thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến chỉ áp dụng cho thí sinh không tăng thêm số nguyện vọng đăng ký xét tuyển và không điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng so với đăng ký ban đầu hoặc có điều chỉnh ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải điều chỉnh bằng phiếu và thực hiện tại điểm tiếp nhận (nơi đăng ký dự thi THPT quốc gia).
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các trường có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm theo đề án mà trường đã công bố. Nếu không trúng tuyển đợt một (đầu tháng 8), thí sinh có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung nếu trường còn chỉ tiêu.
Theo Nhân dân