Năm 1975, tôi đã được dự kỳ thi vào lớp 6 Trường cấp 2 - 3 Hương Thủy, một kỳ thi đầu đời và được tổ chức theo kiểu cũ. Chúng tôi thi 2 môn văn và toán. Kết quả kỳ thi được công bố công khai. Toàn bộ thí sinh và phụ huynh tập trung ở sân trường, nghe đọc danh sách trúng tuyển theo thứ tự từ cao xuống thấp. Tôi nhớ, thủ khoa là anh Hồ Diên, sau này học chung lớp 6 với tôi. Đã nhiều năm sau đó, tôi không quên danh sách những người đỗ cao năm ấy và nhận thấy họ rất xứng đáng. Còn việc chuẩn bị cho kỳ thi, đang học lớp 5 dang dở thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau giải phóng không lâu, tôi trở lại trường, tiếp tục chương trình học và cũng như các bậc đàn anh trước đó dự thi vào lớp 6 mà cứ như làm một bài kiểm tra bình thường.
Mấy chục năm nay, kỳ thi vào đầu cấp trung học cơ sở không còn tổ chức, riêng kỳ thi vào đầu cấp trung học phổ thông thì năm có, năm không tùy theo trường. Một thời ở Huế căng thẳng chuyện thi vào các trường công lập trung học phổ thông. Sau đó có thêm nhiều trường công lập kịp thời được mở ra, sự căng thẳng có phần dịu đi nhưng lại tập trung ở trường chuyên (Quốc Học) hay trường chất lượng cao (Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ)…
So về căng thẳng thì kỳ thi vào các trường trung học phổ thông công lập, đặc biệt là đối với những thương hiệu hàng đầu ở Huế không hề kém kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Kế hoạch ôn thi diễn ra đối với nhiều học sinh rất sớm và căng thẳng với các chương trình học thêm tập trung hay tại nhà, rồi luyện thi cấp tốc, đủ cả. Mục tiêu đối với nhiều học sinh rất cao, không được Quốc Học thì ít ra cũng vào Hai Bà Trưng hay Nguyễn Huệ. Vậy nên, không đạt nguyện vọng có nhà, cả cha mẹ, con cái đều… buồn ơi là buồn.
Việc xếp hạng các trường trung học phổ thông một cách không chính thức đã cho thấy, khác với kỳ thi chọn nghề (đại học), kỳ thi vào trường trung học phổ thông công lập chỉ đơn giản cần xác định là chọn môi trường học tập cho phù hợp. Không phải bao giờ việc được ngồi vào trường Quốc Học hay Hai Bà Trưng cũng là sự lựa chọn tốt nhất. Điều quan trọng là phải dựa vào năng lực và điều kiện của mỗi học sinh.
Một khi đã thấy rõ năng lực thực sự của mình thì việc học tập và ôn luyện là rất quan trọng. Tôi tâm đắc với chia sẻ của em Nguyễn Thị Vân Nhi, thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học vừa qua ở Nghệ An: “Nếu không thi vào các trường chuyên, các bạn không cần thiết phải đi học thêm mà chỉ cần chú ý tập trung nghe giảng trên lớp. Kiến thức phải được tích lũy trong suốt cả quá trình chứ không nên đợi đến sát kỳ thi mới tập trung học. Các bạn nên luyện tập các dạng bài để làm quen và trong quá trình thi cần vận dụng linh hoạt kiến thức, không nên rập khuôn và cứng nhắc”.
Đừng quá khắt khe với việc ôn thi và luyện thi vào trung học phổ thông. Dù thế nào chăng nữa thì cũng không nên quá căng thẳng chuyện đậu - rớt, nhất là từ phía các bậc phụ huynh học sinh. Đây chỉ là những bước đi đầu tiên, cơ hội khẳng định còn rất nhiều trong đời người học sinh. Điều đặc biệt là, hãy biết “quẳng gánh lo đi” để tập trung cho chuyện học, đừng quá mặc cảm bởi “mộng không thành”, vì mình không phải là học sinh Quốc Học, Nguyễn Huệ hay Hai Bà Trưng.
Đan Duy