Tiết kiểm tra, đánh giá học sinh tại một lớp học ở Trường THPT A Lưới
Tập trung vào kiến thức cơ bản
Mới đầu tháng 6/2020, không khí ôn luyện thi tại Trường THPT A Lưới đã khá sôi nổi. Ngoài củng cố lại kiến thức, nhiều giáo viên đã cho học sinh làm quen với giải đề thi. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Vừa qua, học sinh khối lớp 12 được học qua truyền hình và cơ bản chương trình kiến thức chính cũng đã hoàn thành. Giáo viên ôn luyện sớm cho học sinh nhằm giúp các em ôn kỹ và giải được nhiều đề, đồng thời giải quyết những thắc mắc cho học sinh. Ngoài giờ học chính khóa, trường dành thêm khoảng 4 buổi để ôn luyện cho học sinh”.
Năm nay, công tác dạy - học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên việc ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới cũng cần có những thay đổi. Sau giai đoạn học qua truyền hình, hiện, các trường THPT tại huyện A Lưới và Nam Đông đã triển khai công tác ôn tập, chuẩn bị cho học sinh cuối cấp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thầy giáo Phạm Văn Tiển, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đông thừa nhận, mặt bằng chung của học sinh vùng cao còn nhiều hạn chế so các trường ở thành phố, vì thế nội dung kiến thức ôn tập cũng có những điểm khác.
Cùng với việc bám sát chương trình giảm tải và đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các giáo viên của trường xây dựng phương pháp ôn tập theo hướng gọn lại, tập trung kiến thức cơ bản nhất, chú trọng nội dung trong chương trình lớp 12. “Năm nay, 2 cơ sở của trường có gần 250 học sinh lớp 12. Công tác ôn tập được chia theo nhiều giai đoạn, bắt đầu từ học kỳ 1 (tháng 10/2019) theo hướng vừa học vừa ôn tập dần. Từ tháng 5, việc ôn tập được triển khai kỹ hơn khi cơ bản chương trình lớp 12 đã được giảng dạy hết. Dự kiến sẽ ôn tập đến hết tháng 7 và càng đến giai đoạn thi, giáo viên sẽ cho học sinh tập giải đề nhiều hơn”, ông Tiển khẳng định.
Điểm mà nhiều trường vùng cao chú trọng là cần tiến hành kiểm tra, đánh giá đối với học sinh về năng lực học tập, chuẩn bị cho kỳ thi. Thầy giáo Đoàn Chí Quýnh, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Hồng Vân cho biết, kết quả đánh giá dựa trên hệ thống kiến thức cơ bản vừa qua cũng cho thấy, tuy nhìn chung không quá nổi trội nhưng cơ bản học sinh có thể làm bài kiểm tra ở mức độ kiến thức cơ bản. Kết quả trên là thước đo để nhà trường tiếp tục đưa ra phương pháp ôn luyện hợp lý cho học sinh, tập trung kiến thức trọng tâm để học sinh dễ dàng tiếp cận. Ngoài các tiết học chính khóa, trường cũng dành các tiết tự chọn để ôn tập thêm cho học sinh.
Do thời gian kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dời đến tháng 8/2020, vì vậy các trường THPT ở các huyện vùng cao cũng dời lại thời gian thi thử, tập trung vào khoảng tháng 6 – 7, mỗi trường tổ chức từ 1 – 2 đợt thi.
Cần ý thức tự học
Để thuận lợi cho công tác ôn tập, từ đầu năm học nhiều trường vùng cao hai huyện Nam Đông và A Lưới đã cho học sinh đăng ký ôn tập các lớp theo các môn, tổ hợp môn lựa chọn bên cạnh 3 môn bắt buộc là toán – ngữ văn và ngoại ngữ. Tuy nhiên, đối với các học sinh có sức học yếu, việc chú trọng phụ đạo thêm là điều rất cần thiết.
Theo cô giáo Phạm Thị Ngân, giảng dạy môn lịch sử, Trường THPT Nam Đông, quá trình phân lớp ôn tập cũng đã phân luồng năng lực học tập của học sinh. Với những lớp trình độ khá hơn sẽ tiến hành ôn tập nhanh hơn và dành thời gian nhiều để các em giải đề, đồng thời mở rộng kiến thức giúp các học sinh có mong muốn vượt qua những câu hỏi mức độ khó hơn của đề thi nhằm xét tuyển vào ĐH. Đối với các lớp có nhiều học sinh sức học trung bình, yếu thì sẽ cố gắng ôn chậm, kỹ, gói gọn phạm vi nội dung kiến thức hẹp hơn, phù hợp với đề thi minh họa của Bộ và sức học các em.
Phương pháp từ các trường là cần thiết và phù hợp với học sinh vùng cao song về phía các học sinh sắp dự thi cũng cần chủ động tự học và kiên trì ôn tập theo kế hoạch. Việc ôn tập chuyên sâu và phụ đạo cho học sinh yếu sẽ được tiến hành kỹ hơn sau kỳ thi học kỳ 2 và đòi hỏi học sinh duy trì tính chuyên cần, nghiêm túc trong ôn luyện, tránh tình trạng nghĩ dễ, giảm tải chương trình mà lơ là hay xem nhẹ những buổi học, ôn tập cuối cùng của năm học.
Bài, ảnh: Hữu Phúc