ClockThứ Năm, 17/06/2021 15:17

Thu hút thí sinh vào những ngành thế mạnh

TTH - Cùng với nhiều hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh, Đại học (ĐH) Huế và các đơn vị đào tạo triển khai nhiều giải pháp thu hút thí sinh vào những ngành thế mạnh, qua đó tăng chất lượng đầu vào và đầu ra.

Điểm chuẩn nhiều lớp chuyên Trường ĐH Khoa học ở mức 20549 thí sinh đạt kết quả sơ tuyển đợt 1 theo phương thức riêngĐH Huế tuyển bổ sung hơn 2.300 chỉ tiêu phương thức xét học bạ

Hỗ trợ học sinh lớp 12 trải nghiệm môi trường học tập ở trường đại học (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Nhiều ngành “hút” thí sinh

Đầu tháng 6/2021, Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế công bố kết quả sơ tuyển đợt 1 theo phương thức xét kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (học bạ) vào ĐH hệ chính quy của các trường ĐH thành viên, các khoa thuộc ĐH Huế và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị. Đáng chú ý, có hơn 22.100 nguyện vọng đăng ký xét tuyển/9687 hồ sơ. So với 3.916 chỉ tiêu, con số trên cho thấy sức hút của thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) theo phương thức xét học bạ.

Theo Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, kết quả sơ tuyển đợt 1 phương thức xét học bạ, nhóm các ngành về ngoại ngữ, kinh tế, du lịch, sư phạm, công nghệ thông tin… có lượng thí sinh ĐKXT khá lớn. Đặc biệt, một số ngành như luật (Trường ĐH Luật); quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị du lịch và khách sạn (Trường Du lịch); sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Hàn Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc (Trường ĐH Ngoại ngữ) hay quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế)… có lượng thí sinh ĐKXT vượt nhiều so với chỉ tiêu.

Lượng thí sinh ĐKXT lớn là một trong những cơ sở để Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế xem xét tăng mức điểm trúng tuyển (điểm chuẩn). TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, điểm trúng tuyển đợt 1 tuyển sinh vào ĐH hệ chính quy năm 2021 của ĐH Huế theo phương thức xét học bạ các ngành dao động từ 18 – 26 điểm, khá nhiều ngành tăng điểm so với các năm trước, nhất là những ngành có lượng thí sinh ĐKXT lớn. “Năm nay các ngành tại Trường ĐH Ngoại ngữ có mức điểm trúng tuyển phương thức xét học bạ khá tốt, trong đó ngành sư phạm tiếng Anh là 26 điểm; ngành ngôn ngữ Hàn Quốc có mức điểm chuẩn là 25; ngành sư phạm tiếng Trung Quốc và ngôn ngữ Trung Quốc cùng mức 24 điểm. Mức điểm 24 cũng có nhiều ngành khác như ngành quản trị du lịch và khách sạn (Trường Du lịch), giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm)…”, TS. Hào thông tin thêm.

Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, số liệu bước đầu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, lượng thí sinh ĐKXT dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021 vào các ngành của ĐH Huế cũng rất khả quan. Trong khi đó, kết quả sơ tuyển đợt 1 tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2021 theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo cũng đã có 549 thí sinh đạt kết quả sơ tuyển, cao hơn nhiều so với con số 320 năm 2020. “Sau khi thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT và tiến hành điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển mới có kết quả chính thức, song những số liệu bước đầu đang cho thấy tín hiệu tích cực về sự thu hút thí sinh”, lãnh đạo ĐH Huế cho biết.

ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế nhận định, các phương thức tuyển sinh riêng đạt kết quả gấp nhiều lần năm ngoái. Đó là điều kiện rất tốt để hy vọng chất lượng đầu vào của các thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.

Triển khai giải pháp tăng chất lượng

Theo lãnh đạo ĐH Huế, bên cạnh đặc trưng đa ngành, đa lĩnh vực, ĐH Huế đang tập trung hướng đến nâng cao chất lượng thông qua việc tăng dần chất lượng đầu vào lẫn đầu ra, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội, xây dựng và phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia và đáp ứng các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Năm 2021, song song với các hoạt động tư vấn, quảng bá tuyển sinh bằng nhiều hình thức, ĐH Huế cùng các đơn vị đào tạo kết nối chặt chẽ với các trường THPT để định hướng nghề nghiệp cho học sinh qua đó giúp học sinh lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp đam mê và năng lực. Cách làm trên cũng giúp đầu vào tuyển sinh ổn định, chất lượng và giảm tình trạng bỏ học để chuyển sang ngành học khác.

Cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng đầu vào, ĐH Huế và các trường sẽ chú trọng rà soát, cập nhật chương trình theo định kỳ 2 năm/lần để đảm bảo yếu tố đầu ra và yêu cầu nhà tuyển dụng; đồng thời tăng cường đổi mới các phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ mới vào phương pháp giảng dạy.

Trong đào tạo, các trường chú trọng hơn việc gắn kết với doanh nghiệp. PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm cho biết, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, nhà trường tăng cường kết nối doanh nghiệp từ quá trình xây dựng chương trình, tham gia giảng dạy, hỗ trợ hướng dẫn thực hành, thực tập, phỏng vấn tuyển dụng và các ngày hội việc làm. Giải pháp đẩy mạnh tính thực hành, thực tế cùng với việc gắn với doanh nghiệp nhiều hơn trong quá trình đào tạo sẽ giúp sinh viên ra trường có nền tảng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với thực tiễn thị trường lao động.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm cơ hội thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cột mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.

Thêm cơ hội thu hút đầu tư

TIN MỚI

Return to top