Trường chờ học sinh
Mặc dù đến 30/6 mới chấm dứt công tác tuyển sinh, nhưng ở không ít trường, Ban Tuyển sinh (BTS) đã “ngồi chơi xơi nước”. Cô Cái Thị Cẩm Hương, Quyền Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo (GD & ĐT) Phú Lộc cho biết, ở Phú Lộc học sinh (HS) xã nào đăng ký học xã đó, chỉ vài trường hợp đáng lẽ học tại Trường THCS Lộc Trì lại xin học THCS thị trấn Phú Lộc, nên tuyển sinh lớp 6 không “nóng”. Còn ở huyện Phú Vang, ông Lê Đình Phong, Trưởng phòng GD & ĐT huyện cho biết: “Dù đôi nơi vẫn thiếu phòng học, phòng chức năng nhưng không xã nào điều kiện CSVC của trường THCS khó và yếu đến nỗi HS phải “chạy trường” theo hướng chọn trường tốt”.
Tư vấn tuyển sinh tại Trường THCS Trần Phú
Không khí tuyển sinh yên ả là thực trạng chung ở hầu hết các trường chứ không riêng các trường ngoại ô, vùng xa. Gần cuối đợt, nhiều trường THCS kể cả một số trường “nóng” ở Huế, phụ huynh vẫn chưa tới làm thủ tục nhập học. Hỏi, đa phần trả lời “bận”. Phụ huynh cũng cho rằng, còn 2 tháng mới vào học, chưa vội, bởi thuộc diện “nội tuyến”.
Tại Trường THCS Trần Phú, cô hiệu trưởng cho biết, năm nay, trường được phân 160 chỉ tiêu/4 lớp, tỷ lệ phụ huynh trên địa bàn cho con em học tại trường cao, trường còn đón khoảng 10% con em các phường lân cận. Tại Trường THCS Thống Nhất, đã có hơn 50% HS nội tuyến làm thủ tục nhập học. Tại các trường THCS Phạm Văn Đồng, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Minh Khai, Duy Tân… công tác tuyển sinh cũng khá thong thả.
Chưa hết tình trạng “chạy” trường
Với sự đầu tư “hai chung”, chất lượng CSVC và đội ngũ, các cơ sở giáo dục bậc THCS ở Huế nói riêng và các huyện, thị xã nói chung đều “sàn sàn” nhau. Thực tế vẫn có sự phân cấp, các trường khu vực trung tâm, có truyền thống dạy và học tốt… đặc biệt trong tư duy phụ huynh, là địa chỉ giáo dục tốt, thì vẫn thành “điểm nóng”.
Các trường như Thống Nhất, Nguyễn Chí Diểu, Trần Cao Vân… từ đầu tháng 6 không khí tuyển sinh đã “khởi động”, bắt đầu từ ngoại tuyến. Chị H. phụ huynh trái tuyến cho biết, ngay đầu hè vợ chồng chị đã đôn đáo lên trường rồi lên Phòng GD&ĐT để bảo đảm một suất cho con vào trường N… Chị tâm sự, thật ra cháu có thể học trường Hùng Vương, Trần Phú hoặc Duy Tân, đều gần nhà, nhưng gia đình lại ngại đây là các trường… vùng ven. Có trường hợp hộ khẩu tại Phú Hậu nhưng ở trọ tại Trường An, đem hồ sơ tới trường Hùng Vương thì bị từ chối vì… trái tuyến. Phụ huynh này tâm sự, “cứ tưởng Trường Hùng Vương xa trung tâm, không ngờ”. Cuối cùng anh cũng phải… chạy vòng.
Nhiều phụ huynh cho rằng, mọi năm ngoại tuyến chỉ “một cửa” là hiệu trưởng, năm nay lại phải thêm “cửa” phòng giáo dục. Tại các bàn tuyển sinh, cách trả lời cho phụ huynh ngoại tuyến rất mơ hồ. Vì thế, phụ huynh cảm thấy mệt mỏi hơn. Điều tiếng không hay về chuyện chạy trường vẫn tồn tại, theo hướng phức tạp hơn.
Mặc dù thông tin “chung chỉ” việc chạy trường râm ran, nhưng khi chúng tôi tiếp cận và đề nghị cung cấp chứng cứ thì các bậc phụ huynh đều từ chối. Lý do đơn giản, con họ vẫn “nằm trong tay ngành” lỡ làm sao thì… tội con. Và, đã nhờ vả, bản thân phụ huynh cũng biết mình làm sai. Ở một góc độ nào đó, ngành GD&ĐT cần điều chỉnh để tránh phụ huynh nghĩ sai, làm sai.
Không phải “tự dưng” mà Bộ GD&ĐT xoá bỏ trường chuyên lớp chọn ở bậc THCS, đó là quyết định tầm vĩ mô để giảm tải. Các gia đình cho con học trái tuyến đều quan niệm để chọn cho con ngôi trường tốt nhất và làm mọi cách để đạt được mà không hề nghĩ đã vô tình đẩy con vào những tranh đua vất vả và không cần thiết từ quá sớm.
Bài, ảnh: Hương Giang