ClockThứ Ba, 13/03/2018 06:15

Tuyển sinh gặp khó, đời sống người thầy khó theo

TTH - Nguồn tuyển sinh giảm, ngân sách quá eo hẹp, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế đang đứng trước những khó khăn và thách thức.

Tuyển sinh ngành năng khiếu, nghệ thuật tụt dốcTrường đại học Nghệ thuật Huế tập trung đào tạo tài năng nghệ thuậtTiếp tục một năm sóng gió

Tuyển sinh giảm, Trường đại học Nghệ thuật đối mặt với nhiều khó khăn

Khó về tài chính

Mấy năm nay, công tác tuyển sinh của Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế rơi vào tình cảnh “bi đát”. Từ chỗ gần 250 - 300 thí sinh trước đây, nay trường chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu, có năm chỉ 60 - 65 thí sinh. Toàn trường hiện có dưới 500 sinh viên, giảm 1/3 so với trước đây và khả năng còn giảm mạnh vì năm học này, 150 sinh viên sẽ tốt nghiệp.

Nguồn tuyển sinh sụt giảm khiến Trường đại học Nghệ thuật đang đối mặt với những khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của nhà trường. Chế độ chính sách đối với giảng viên ngày càng thu hẹp, gây khó khăn cho cán bộ,  công nhân viên.

PGS. TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Những năm trước đây cũng khó khăn nhưng nhà trường còn khắc phục được. Trường đại học Nghệ thuật có lẽ là trường duy nhất trong Đại học Huế không có chế độ phụ cấp cho bộ phận cán bộ hành chính. Các chế độ lương, hỗ trợ tết, hỗ trợ công tác phí, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đào tạo, chi nghiên cứu khoa học sinh viên… đều bị ảnh hưởng nặng nề. Một đề tài khoa học cấp trường chỉ có thể hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng, chỉ bằng một phần nhỏ của các trường khác.”.

Mấy năm nay, cứ đến tháng 10, Trường đại học Nghệ thuật không còn tiền để trả lương. Có năm, hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng phải cầm thẻ đỏ cá nhân vay tiền ngân hàng để trả lương cho cán bộ vào dịp giáp tết.

Mong cơ chế đặc thù

Tài chính khó khăn kéo theo nhiều hệ lụy. Mặc dù cơ sở vật chất đã được Đại học Huế đầu tư xây dựng khang trang hơn trước, nhưng trường không có kinh phí để nâng cấp, hoàn thiện, trang bị lại cho các phòng học, phòng làm việc của toàn bộ khối văn phòng - hiệu bộ. Bàn ghế ở các phòng học chắp vá, hội trường, phòng triển lãm không có, đặc biệt trang thiết bị làm việc, dạy học mang tính chuyên môn sâu, như ngành thiết kế thời trang, chuyên ngành media art, các xưởng tạo hình ở các khoa phòng cũng thiếu nhiều.

Sinh viên ít, đời sống khó khăn nên nhiều cán bộ giảng viên của Trường đại học Nghệ thuật không mặn mà với việc phấn đấu học tập nâng cao trình độ. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và khuyến cáo của Đại học Huế, mỗi trường đại học phải có ít nhất 17% - 20% tiến sĩ, tỷ lệ này của Trường đại học Nghệ thuật chưa đến 2%, ảnh hưởng nhiều đến việc đánh giá chất lượng đào tạo, vị thế của nhà trường trong khối trường đại học.

“Trong điều kiện khó khăn, nhà trường hỗ trợ 40 triệu đồng/người nhưng cũng chỉ có vài người đi học nghiên cứu sinh, một số đi học ở nước ngoài 7 - 8 năm rồi vẫn chưa về”, PGS. TS. Phan Thanh Bình âu lo.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, cán bộ văn phòng Khoa Điêu khắc, chia sẻ: “Ngoài lương ra, chúng tôi không có thu nhập gì thêm. Lương mỗi tháng 3 triệu đồng, tôi phải tằn tiện lắm mới sống được”.

Việc dạy thêm, làm thêm của cán bộ giảng viên cũng ít đi. Thu nhập từ việc sáng tác, trao đổi, triển lãm, các dự án trong nước, quốc tế... hầu như không còn. Các lò luyện thi của một số giáo viên mở ở ngoài cũng phải đóng cửa. Trong trường hình thành các nhóm vẽ, sáng tác, mở gallery lấy ngắn nuôi dài. Những người có tay nghề cao vẽ tranh gửi đi khắp nơi để trang trải thêm cuộc sống.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa, Trưởng bộ môn Đồ họa, Chủ tịch Công đoàn Trường đại học Nghệ thuật, trầm ngâm: “Đây là giai đoạn đỉnh điểm khó khăn của nhà trường. Năm 2013, khi trường phát triển tốt, có nhiều nguồn đào tạo, thu nhập khá ổn định, trong quy chế chi tiêu nội bộ của trường phụ cấp cho cán bộ hành chính 35% lương nhưng giờ quá khó khăn”.

Trước khó khăn của Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đã có hỗ trợ đáng kể, như: hỗ trợ tiền đối ứng xây dựng, đây cũng là năm đầu tiên Đại học Huế trả lương cho biên chế của Trường đại học Nghệ thuật 100% (trước đây là 80% và 60%). Điều đó giúp nhà trường đảm bảo yêu cầu tối thiểu là trả lương cho cán bộ giảng viên. 

Theo PGS. TS Phan Thanh Bình, Trường đại học Nghệ thuật là một trong những trường đặc thù, nên lượng sinh viên ít là xu thế tất yếu, thậm chí chỉ đào tạo vài sinh viên tài năng là chuyện bình thường. Mong muốn lớn nhất của nhà trường là được hưởng cơ chế đặc thù như các trường khác thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để không băn khoăn nhiều về chỉ tiêu mà tập trung đào tạo tài năng.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Mang nét vẽ làm đẹp nhiều công trình

Ngày 6/10, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế tổ chức đại hội đại biểu lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 – 2027.

Mang nét vẽ làm đẹp nhiều công trình
Ổi tháng Mười

Thu đến, những chùm ổi nhà nho nhỏ, xinh xắn được tôi chú ý trước nhất. Chưa thấy quả đâu nhưng chỉ cần nghe mùi thơm thanh thanh quyện vào trong gió là biết ngay trong tán lá xanh um tùm kia, thể nào cũng có chùm ổi vàng ươm, ngọt ngào đang tỏa hương.

Ổi tháng Mười
Sáng tạo trong chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân

Từ các hoạt động thể thao, văn hóa đến những buổi chia sẻ cân bằng cuộc sống, công đoàn và Công ty HBI Huế đang tạo nên một môi trường làm việc năng động, gắn kết cho đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ).

Sáng tạo trong chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân

TIN MỚI

Return to top