Chương trình hướng nghiệp cho học sinh THPT của Trường cao đẳng Công nghiệp Huế
Nhiều lựa chọn
Trong đề án tuyển sinh 2018, Trường cao đẳng Công nghiệp (CĐCN) Huế tuyển hơn 2.000 chỉ tiêu cao đẳng và trung cấp ở 5 khối ngành kỹ thuật và dịch vụ. Đó là các ngành thuộc lĩnh vực: công nghệ thông tin – truyền thông, kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí – nhiệt lạnh – động lực – xây dựng, Công nghệ hóa học – vật liệu – thực phẩm – nông nghiệp kỹ thuật cao.
TS. Đào Anh Quang, Phó Trưởng phòng Đào tạo - Công tác sinh viên, Trường CĐCN Huế, cho biết: Với các thí sinh đăng ký vào hệ CĐ cần tốt nghiệp THPT và đăng ký bằng điểm 3 môn theo các tổ hợp truyền thống. Thí sinh có thể chọn điểm thi THPT Quốc gia với tổng 3 môn từ 10 điểm trở lên, hoặc chọn điểm tổng kết học trong học bạ (điểm tổng kết học kỳ I hoặc điểm tổng kết cả năm 12) với tổng 3 môn từ 15 trở lên để đăng ký.
Từ các năm học trước, các ngành có nhu cầu cao của thị trường, như công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, kỹ thuật điện - điện tử ô tô, điện – điện tử, cơ khí và kế toán luôn thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký. Tuy nhiên, cũng có một số ngành hiện nay luôn thiếu nhân lực nhưng lại không thu hút được học sinh do đa số học sinh và phụ huynh chưa hiểu rõ về ngành. Điển hình như ngành điện tử truyền thông, công nghệ kỹ thuật hóa học – vật liệu, hướng dẫn du lịch.
Trường CĐ Sư phạm (CĐSP) Huế, chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ khối các ngành sư phạm năm nay là 146, giảm trên 50 chỉ tiêu so với năm trước. Một số ngành sư phạm còn giữ được “phong độ”, như mầm non, tiểu học, tiếng Anh thì các ngành khoa học tự nhiên như sư phạm lý, sinh đã không mở được lớp do không đủ chỉ tiêu. Trái lại, khối ngành giáo dục nghề nghiệp khá ổn định, vẫn là thế mạnh của trường với gần 700 chỉ tiêu (cả hệ CĐ và trung cấp). Những ngành được nhiều thí sinh lựa chọn theo học vẫn là: Quản trị kinh doanh, quản lý đất đai, quản trị văn phòng, tiếng Anh, tiếng Nhật, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang.
TS. Nguyễn Viết Thanh Minh, Phó Trưởng phòng Đào tạo – Quản lý khoa học, Trường CĐSP Huế cho biết, trường xét tuyển theo hai hình thức: 60% chỉ tiêu xét theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 40% xét theo điểm học bạ THPT của thí sinh.
Các ngành kỹ thuật sẽ là sự lựa chọn của nhiều thí sinh bởi cơ hội việc làm cao
Thay đổi cách đào tạo
Với hơn 200 doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ trong đào tạo và việc làm, sinh viên Trường CĐCN Huế có cơ hội học tập tại các doanh nghiệp và tìm được việc làm khi ra trường. Trường hình thành những trung tâm nghiên cứu thử nghiệm và phát triển sản phẩm, tạo môi trường học tập, rèn luyện và sáng tạo cho sinh viên.
Từ năm học 2018, Trường CĐCN Huế áp dụng chương trình học mềm, học sinh được lựa chọn tốc độ học và thời gian ra trường. Tùy theo nhu cầu, sinh viên được phép tự thiết kế chương trình học với thời gian học cao đẳng từ 2 năm đến 7 năm, chương trình học trung cấp từ 1 đến 5 năm. Ngoài ra, sinh viên được lựa chọn các chứng chỉ chuyên ngành để học giúp nâng cao trình độ và đa dạng hóa kỹ năng. Với hai kỳ nhập học chính của trường là học kỳ mùa thu (kết thúc vào 15 tháng 10) và học kỳ mùa xuân (kết thúc vào 15 tháng 3), sinh viên có thể tùy chọn thời điểm bắt đầu chương trình học.
Trường CĐSP Thừa Thiên Huế mở ra một hướng mới trong đào tạo là liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nhân lực có địa chỉ. Khảo sát của trường cho thấy, trên 78% sinh viên ra trường có việc làm. TS. Nguyễn Viết Thanh Minh, cho biết: “Để tạo điều kiện cho sinh viên chủ động tìm việc làm, trường thay đổi chương trình dạy và học, rút ngắn thời gian dạy bằng cách tăng tiết, tăng số buổi học”.
Chuẩn bị cho đợt tuyển sinh năm nay, một số trường CĐ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tư vấn tuyển sinh tới các điểm trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh và đưa thông tin tuyển sinh lên các trang mạng khá sớm.
Bài, ảnh: Phước Ly