ClockThứ Hai, 07/10/2024 19:31

Ghép tế bào gốc đồng loại: Mang lại cuộc sống mới cho bệnh nhi

TTH.VN - Từ cảnh phải truyền máu mỗi tháng, hai bệnh nhi ở TP. Đà Nẵng có cơ hội hòa nhập cuộc sống bình thường nhờ ghép tế bào gốc đồng loại. Lần đầu tiên ở miền Trung-Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba trên toàn quốc triển khai kỹ thuật phức tạp này, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế mở ra hướng điều trị cho trẻ bị suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư tái phát…

Tối ưu hóa điều trị bệnh lý nội khoa Cứu sống bệnh nhi viêm tụy hoại tử xuất huyết nặng hiếm gặpKý kết chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện đa khoa Cần ThơNgười mắc ung thư ngày càng tăng, xu hướng trẻ hóaBệnh nhân ghép tim xuyên Việt thứ 11 được ra việnKiểm soát nhiễm khuẩn và điều tra dịch bệnh mở rộng tại bệnh viện

Ê kíp thu tế bào gốc từ người hiến dưới sự hỗ trợ của GS Lawrence Faulkner  

Tìm cơ hội cho con

Bé Trần V. T. (42 tháng tuổi, TP. Đà Nẵng) bị tan máu bẩm sinh (thalassemia) từ 24 tháng tuổi. Trẻ vào bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng truyền máu hàng tháng theo chỉ định. Qua xét nghiệm HLA, T. phù hợp hoàn toàn với chị ruột, em được  chuyển đến BVTW Huế ghép tế bào gốc đồng loài (GTBGĐL).

Sau khi T. vào hóa chất diệt tủy, ê kíp y bác sĩ tiến hành thu tế bào gốc tủy xương từ chị gái em để truyền trực tiếp cho bệnh nhi (BN). Không may sau ghép, T. bị xuất huyết phế nang lan tỏa, một biến chứng hiếm gặp trong ghép tủy. Nhờ sự phát hiện, điều trị kịp thời, chăm sóc tích cực, em đã vượt qua một cách ngoạn mục. Chị Phạm T. Th., mẹ bé T. xúc động: “Sức khỏe cháu hồi phục rất tốt. Em không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn tận đáy lòng. Trong phòng bệnh, T. được theo dõi sát sao 24/24, các cô còn hướng dẫn cho em cách chăm sóc tránh nhiễm khuẩn cho con”.

Tương tự, BN Phạm Lê H.V. (8 tuổi, TP. Đà Nẵng) bị tan máu bẩm sinh từ lúc hơn một tuổi. Gia đình quyết tìm cơ hội cho con từ kỹ thuật GTBGĐL tại BVTW Huế khi chị gái có chỉ số HLA tương thích cao với V. Sau ghép, V. bị biến chứng sốt giảm bạch cầu hạt, song mức độ nhiễm trùng nhẹ nên phục hồi nhanh chóng. Chị Lê Thị T.V. mẹ bé V. chia sẻ: “Vì mắc thalassemia nên chế độ ăn uống của cháu phải kiểm soát nghiêm ngặt. Hàng tháng, canh tới lịch, ba mẹ xin phép nhà trường cho cháu nghỉ học đi truyền máu. Giờ đây về nhà, cháu sẽ có một cuộc sống bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Đây là giấc mơ lớn của gia đình mà đội ngũ y bác sĩ chính là người giúp chúng tôi đạt được ước nguyện đó. Xin gửi đến tất cả lời cảm ơn sâu sắc nhất”!

 Truyền tế bào gốc cho bệnh nhi Phạm Lê H.V.

Tan máu bẩm sinh là nhóm bệnh lý di truyền khác nhau gây thiếu máu hồng cầu nhỏ, khiến trẻ sống lệ thuộc vào truyền máu. Khi đến tuổi trưởng thành, căn bệnh này sẽ khiến người bệnh đau nhức xương do tình trạng tạo máu ngoài tủy. Theo TS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Trưởng khoa Ung bướu - Huyết học - Ghép tủy, Trung tâm Nhi, cuộc sống của trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh là những chuỗi ngày bị thải sắt, phải truyền máu hàng tháng. GTBGĐL là phương pháp điều trị tối ưu, giúp trẻ có một cuộc sống mới khỏe mạnh, bình thường. Đây là kỹ thuật thay thế tế bào không khỏe mạnh phục vụ điều trị các bệnh lý thalassemia, bạch cầu dòng tủy cấp tính, bạch cầu lymphocytic cấp tính, thiếu máu bất sản…

Một bước ngoặt lớn

Có mặt trong đợt thu-truyền TBGĐL cho Phạm Lê H.V. chúng tôi cảm nhận được sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thao tác nhanh gọn, tỉ mỉ và chính xác của đội ngũ điều trị. Khi vòng trong tiến hành lấy tủy từ người hiến; ở vòng ngoài, việc tính toán, cập nhật kết quả xét nghiệm diễn ra nhịp nhàng. Tiếp đó, quy trình truyền TBG cho BN cũng nhanh gọn không kém. Cậu bé V. trên giường bệnh say sưa trò chuyện với các cô bác sĩ về ước mơ, sở thích mà không có bất cứ biểu hiện lo lắng, đau đớn nào.

Trực tiếp hướng dẫn ê kíp triển khai kỹ thuật mới này, GS Lawrence Faulkner, đến từ DKMS Foundation (Quỹ chống lại bệnh ung thư máu và cấy ghép tế bào gốc tạo máu) khá hài lòng với hai ca ghép. Sự hỗ trợ của GS Lawrence Faulkner mang đến phác đồ “điều kiện hóa” mới nhất ở Việt Nam, giảm chi phí, đạt hiệu quả tối ưu. Giúp cho đội ngũ BVTW Huế gần một tháng qua, chuyên gia người Ý bày tỏ sự lạc quan về việc triển khai và phát triển kỹ thuật này trong thời gian tới. Ông lưu ý: “Điều quan trọng nhất khi thực hiện GTBGĐL là sự kết hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong  ê kíp từ bác sĩ đến điều dưỡng, các khoa liên quan... Nhờ đó, việc thu-truyền tế bào mới diễn ra nhanh chóng. Các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân cần cẩn thận, hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng về sau”.

 Bệnh nhi được theo dõi, chăm sóc sát sao sau ghép

Trước khi triển khai kỹ thuật GTBGĐL, BVTW Huế đã có một thời gian triển khai kỹ thuật ghép TBG tự thân, kéo dài sự sống cho nhiều em nhỏ mắc bệnh ung thư ác tính như: U nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, u nguyên bào võng mạc giai đoạn muộn, lymphoma non hodgkin tái phát. Từ cuối năm 2019 đến nay, bệnh viện đã thực hiện được 43 ca. Đây cũng là nền tảng kiến thức và kinh nghiệm vững chắc trước khi tiến hành GTBGĐL. Bởi kỹ thuật này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về bệnh nhân, người cho cũng như các yêu cầu cao về mặt chuyên môn.

GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế cho hay: "Thành công GTBGTT trên các bệnh tan máu bẩm sinh mở ra một bước ngoặt lớn. Không chỉ là cứu cánh cho các cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh, kỹ thuật này còn đem lại nhiều hy vọng cho BN mắc căn bệnh khác cần tiến hành ghép TBG đồng loại như như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư tái phát mà chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới".

 

Chiều 7/10, BVTW Huế đã làm lễ ra viện cho 2 BN nói trên trong niềm vui của hai gia đình. Với kỹ thuật GTBGĐL, yêu cầu quan trọng nhất là phải tìm được người cho phù hợp HLA (kháng nguyên bạch cầu người trong máu). Sau khi dùng hóa chất diệt tủy bệnh nhân, các bác sĩ sẽ truyền tế bào gốc người hiến vào người nhận nhằm tạo ra hệ miễn dịch mới. Đây là phương pháp quan trọng trong điều trị các bệnh lý về máu như bệnh bạch cầu cấp, ung thư hạch và các bệnh lý di truyền, vì tế bào gốc của người cho có thể loại bỏ các tế bào ác tính còn sót lại và tái tạo hệ miễn dịch khỏe mạnh. 

 Clip GTBGĐL tại BVTW Huế

 

Bài, ảnh, clip: LINH GIANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

118 trường hợp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Ngày 7/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, đến nay đã điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho 118 ca (110 nam, 8 nữ). Trong số này có 99 đồng tính nam (MSM), 12 bạn tình bị nhiễm, 5 người nghiện ma túy, 2 khách hàng thuộc đối tượng khác.

118 trường hợp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV
Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế
Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải

Ngày 5/11, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp cùng Đoàn thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế, Huyện Đoàn Phong Điền tổ chức khởi công nhà nhân ái cho gia đình ông Lê Văn Nuôi (xã Điền Hải, Phong Điền).

Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải

TIN MỚI

Return to top