ClockThứ Ba, 01/09/2020 17:01

Ưu tiên đào tạo trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19

TTH.VN - Nhằm giảm áp lực cho công tác cách ly khi có hàng ngàn sinh viên của Đại học (ĐH) Huế và các trường trở về từ các địa phương có dịch để bắt đầu năm học mới, các cơ sở giáo dục tại Huế đang ưu tiên phương án đào tạo trực tuyến, đồng thời xây dựng kế hoạch đón tiếp học viên, sinh viên.

Thí sinh từ vùng dịch được hướng dẫn nhập học trực tuyếnCó phương án đón tiếp, cách ly 8.000 sinh viên nhập học đến từ vùng dịchThí sinh nhập học vào Đại học Huế từ 20/8 đến ngày 10/9

Một số sinh viên không đến từ vùng dịch được hướng dẫn nhập học trực tiếp nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch

Trước mắt sẽ đào tạo trực tuyến

Ngay trước thềm năm học mới 2020 – 2021, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế đã thông báo đến sinh viên kế hoạch học tập học kỳ 1, trong đó tổ chức lập lịch và đào tạo trực tuyến cho sinh viên khóa 40 (hệ 5 năm), khóa 41, khóa 42, khóa 43 thông qua dịch vụ Google Calendar, Google Classroom và Google Meet kể từ ngày 14/9. Riêng đối với sinh viên khóa 44 đang chuẩn bị nhập học, nhà trường sẽ thông báo lịch học và phương thức đào tạo sau khi ổn định số lượng sinh viên.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học chia sẻ: “Kế hoạch của nhà trường ban đầu là đào tạo trực tiếp, song với tình hình dịch COVID-19 và tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng có chỉ đạo sinh viên ở các vùng có dịch muốn trở lại học tập, nghiên cứu ở các đơn vị thuộc ĐH Huế phải đăng ký và thông báo trước ít nhất là 14 ngày để Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh theo dõi, ĐH Huế và các đơn vị phối hợp với các địa phương tổ chức cách ly tập trung đủ 14 ngày theo quy định. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và giảm áp lực cho khu cách ly khi số lượng người học lớn, nhà trường nghiên cứu và đưa ra phương án trước mắt đào tạo trực tuyến. Riêng với tân sinh viên, kế hoạch nhập học có thể vào tháng 10”.

Hiện, nhiều trường ĐH tại Huế cũng lựa chọn phương án đào tạo trực tuyến trong giai đoạn dịch. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, sinh viên năm từ năm thứ hai đến năm thứ tư sẽ học trực tuyến trong 4 tuần, sau đó tùy tình hình dịch để có kế hoạch tiếp theo. Nhà trường hướng dẫn đến cán bộ, giảng viên để xây dựng kế hoạch đào tạo, đảm bảo trong tình huống sinh viên từ vùng dịch ra Huế và bị cách ly vẫn có thể tự học và học trực tuyến. Đối với tân sinh viên, Trường ĐH Ngoại ngữ dự kiến chia các đợt nhập học. Những thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét học bạ, tuyển thẳng, tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và điểm học bạ không đến từ vùng dịch sẽ nhập học từ 3 - 4/9, đồng thời bắt đầu học 14/9; sinh viên đến từ vùng dịch nhập học trực tuyến từ 3 - 8/9, tập trung về trường trong tháng 10 cùng với sinh viên trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp. Sinh viên trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp nhập học 10/10, bắt đầu học từ 19/10.

Giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ giảng dạy trực tuyến cho sinh viên

Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, ĐH Huế có khoảng 40.000 sinh viên và hàng ngàn học viên sau ĐH, trong đó có hàng ngàn sinh viên, học viên ở các địa phương có dịch. Trong trường hợp tổ chức học tập trung trở lại, các sinh viên trên khi đến Huế phải được cách ly theo quy định. Tuy nhiên, số lượng sinh viên lớn sẽ dẫn đến áp lực cho các khu cách ly cùng các vấn đề liên quan, vì vậy, phương án đào tạo trực tuyến trong giai đoạn hiện nay được các trường, đơn vị trực thuộc ĐH Huế lựa chọn.

Với các trường ĐH không thuộc ĐH Huế, phương án đào tạo trực tuyến cũng được ưu tiên. TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân cho biết: “Chúng tôi đào tạo trực tiếp cho các sinh viên không phải ở vùng dịch. Riêng các sinh viên đến từ vùng dịch được hướng dẫn và giảng dạy online. Khi dịch bệnh ổn định, sẽ đón tiếp các em trở lại học tập trung”.

Tính toán phương án đón tiếp người học

Theo đại diện các trường, tuy có thông báo đào tạo trực tuyến nhưng sẽ có nhiều sinh viên, trong đó một số sinh viên đến từ vùng dịch trở lại Huế, việc nắm bắt tình hình và hướng dẫn thực hiện cách ly theo quy định là rất cần thiết. Đại diện Trường ĐH Khoa học cho biết, nhà trường đã thông báo sinh viên ở các vùng dịch trở lại học tập cung cấp thông tin cho các khoa để tổng hợp thông tin và báo cáo với ĐH Huế nhằm có phương án tiếp nhận qua các chốt kiểm tra liên ngành, đưa về cách ly y tế tập trung theo quy định.

PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật cho hay, kế hoạch nhà trường đào tạo trực tuyến, song dự kiến sẽ chia 3 đợt để đón tiếp sinh viên vào cuối tháng 9, nửa đầu tháng 10 và cuối tháng 10. Việc chia nhiều đợt để đảm bảo giãn cách, tránh gây áp lực lớn cho các khu cách ly tập trung.

Các trường sẽ đưa ra phương án cụ thể đón tiếp tân sinh viên trong thời gian tới

Đối với tân sinh viên nhập học, trong cuối tháng 8, đầu tháng 9 các trường chủ yếu mới chỉ đón tiếp các thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét học bạ, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển với lượng thí sinh không quá lớn. Tuy nhiên, những thí sinh từ vùng dịch được hướng dẫn nhập học trực tuyến. Riêng với các thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, dự kiến sẽ nhập học vào tháng 10/2020.

TS. Nguyễn Công Hào cho biết, ĐH Huế đã rà soát, phối hợp với Sở Y tế lập danh sách để có phương án đón tiếp, cách ly các lưu học sinh Lào (hiện là sinh viên của các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế) sẽ trở lại Huế để học tập. Hiện, có hơn 300 sinh viên đến từ nước bạn Lào học tập tại các cơ sở giáo dục ĐH thuộc ĐH Huế. Tất các sinh viên trên sẽ được thông báo, hướng dẫn nhập cảnh vào 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay (tỉnh Quảng Trị), sau đó tỉnh sẽ có phương án cách ly tập trung. ĐH Huế và các trường sẽ tính toán phương án đảm bảo kế hoạch giảng dạy cho sinh viên.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top