ClockThứ Bảy, 07/10/2023 14:53

Vai trò chủ động của người thầy

TTH - Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với cấp trung học phổ thông (THPT). Sau một năm thực hiện, thầy cô giáo và các em học sinh dần thích nghi với việc tổ chức dạy và học.

Tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ học

 Giờ học môn vật lý 11 tại Trường THPT Hương Thủy. Ảnh: QUANG PHÚC

Chương trình GDPT 2018 tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Để đáp ứng với yêu cầu mới, giáo viên phải chủ động từ việc nghiên cứu chương trình, lựa chọn sách giáo khoa đến việc thiết kế bài dạy, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá sao cho phù hợp.

Khác với chương trình GDPT 2006, cả thầy và trò đều quen với cách dạy và học bám vào sách giáo khoa, thì với chương trình GDPT mới, việc triển khai “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa khuyến khích giáo viên chủ động tìm tòi, sáng tạo trong dạy học, vừa đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kỹ chương trình các bộ sách giáo khoa để đưa ra sự lựa chọn bộ sách phù hợp cho cả học sinh và phụ huynh.

Qua một năm dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới, giáo viên phát hiện một vài bộ sách còn “sạn”. Dễ nhận thấy là sách quá dày, quá nhiều nội dung và ngữ liệu. Nếu giáo viên bám vào sách để dạy sẽ dẫn đến tình trạng làm nặng chương trình, quá tải về nội dung, học sinh dễ mệt mỏi và căng thẳng. Để khắc phục, thầy cô giáo cần chủ động nắm kỹ yêu cầu cần đạt của chương trình, khi xây dựng kế hoạch bài dạy cần lựa chọn nội dung kiến thức đáp ứng yêu cầu cần đạt để dạy học, tránh tình trạng sách viết gì thì dạy vậy. Vai trò chủ động, tích cực của giáo viên góp phần rất lớn cho sự thành công của đổi mới giáo dục.

Để đáp ứng với yêu cầu, thầy cô giáo năm nào cũng phải đi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của ngành. Các thầy cô giáo còn phải tự bồi dưỡng thường xuyên, thậm chí còn nghiên cứu cả chương trình, sách giáo khoa nước ngoài để nâng cao năng lực bản thân, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ hiệu quả cho nghề nghiệp. Tiến sĩ Đặng Xuân Điều, Trưởng bộ môn Phương pháp dạy học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho rằng: “Tính mở của chương trình GDPT 2018 đặt ra yêu cầu rất cao ở tính chủ động của người giáo viên. Đây vừa là cơ hội để giáo viên sáng tạo vừa là thách thức to lớn trong việc sử dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Để vượt qua thách thức, đáp ứng được chương trình mới, người giáo viên cần chủ động tự học, tự nghiên cứu để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”.

Khi chương trình giáo dục chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực thì tất yếu giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học. Từ chỗ đã quen với việc dạy học cung cấp kiến thức, nay chuyển sang dạy kiến thức để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đòi hỏi thầy cô giáo phải trăn trở, suy nghĩ để lựa chọn phương pháp dạy học, cách thức tổ chức dạy học phù hợp và hiệu quả. Tùy theo nội dung từng bài, từng đơn vị kiến thức, thầy cô lựa chọn phương pháp, kỹ thuật, cách thức tổ chức dạy học phù hợp. Việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực phải mềm dẻo, linh hoạt nhằm đáp ứng được các mục tiêu, hiệu quả của bài dạy; đồng thời, làm tăng tính hấp dẫn của bài học, môn học, kích thích được sự hứng thú học tập, khám phá tri thức mới của học sinh. Bên cạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, năm học qua, nhiều giáo viên cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá học sinh.

Do giai đoạn chuyển tiếp, trong nhà trường có cả hai đối tượng học sinh học cả hai chương trình GDPT 2006 và 2018 (khối lớp 10 học chương trình GDPT 2018, khối lớp 11 và 12 học chương trình 2006). Cách đánh giá của học sinh của hai chương trình có khác nhau. Chẳng hạn, Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT có quy định về điểm trung bình học các môn để lấy căn cứ xếp loại học lực học sinh trong học kỳ và cả năm, thì ở Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, quy định này đã không còn. Hoặc, thay vì xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình, yếu hay kém như Thông tư 58, thì Thông tư 22 do đánh giá sự phát triển năng lực của người học theo yêu cầu cần đạt của chương trình nên đánh giá kết quả học tập của học sinh theo 4 mức tốt, khá, đạt và chưa đạt đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số và 2 mức đạt hay chưa đạt đối với môn chỉ đánh giá bằng nhận xét.

Rõ ràng, để thực hiện thành công chương trình GDPT mới, đòi hỏi rất lớn vai trò chủ động, tích cực của giáo viên bởi họ chính là nhân tố bảo đảm và quyết định chất lượng giáo dục.

NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Return to top