ClockThứ Năm, 01/09/2022 06:45

Vơi bớt nỗi lo có con đến trường

TTH - Với mức lương khiêm tốn của bố mẹ, những đứa con của công nhân khó có được sự chăm sóc, phát triển ở một môi trường tốt. Thế nên, chính sách hỗ trợ con công nhân học các lớp mầm non ngoài công lập giúp người lao động yên tâm làm việc.

Chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người có côngNhiều phương pháp ôn luyện ngoại ngữ

Các bé Trường mầm non Scavi được nuôi dạy tốt

Những đứa trẻ về cuối cùng

Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân KCN Phong Điền có con nhỏ, nhà cách nơi làm việc vài chục cây số nhưng phải đem con theo đến ở trọ gần nơi làm việc. Khi con đến tuổi đi mẫu giáo, chị Thanh xin học cho con. Ngặt nỗi, trường tư học phí đắt đỏ, còn học trường công bố mẹ hay làm ca, về muộn trong khi hầu hết các trường không nhận giữ trẻ sau 5 giờ. Chị Thanh nói: “Vợ chồng tôi cũng tìm rồi nhưng chưa có trường vừa phù hợp về học phí, thời gian và  địa điểm. Đợt dịch cả 2 vợ chồng đều không có việc làm, nay quay lại phải tranh thủ tăng ca, thêm giờ để có tiền tiết kiệm. Nhiều người khuyên tôi gửi con ở quê cho ông bà, nhưng chúng tôi không muốn”. Tuy nhiên, đến 5 tuổi, các bé phải đến một trường mẫu giáo với chương trình đào tạo chuẩn quy định để bước vào bậc tiểu học sau đó!

Câu chuyện đi học của con chị Thanh gặp khó ngay từ đầu. Thực tế là, nhiều người không gửi được con nên đành để các em thui thủi trong nhà một mình. “Suốt thời gian con dưới 3 tuổi, tôi chấp nhận ở nhà trọ chăm con để một mình chồng đi làm. Khi con đủ tuổi đi học, tôi lại tiếp tục đi làm. Lúc chưa xin được cho con học, rất nhiều lần tôi phải khóa cửa để 2 chị em ở nhà trông nhau. Vẫn biết rằng, có rất nhiều rủi ro xảy ra nhưng không có cách nào khác. Bởi vậy, đi làm mà lòng tôi như lửa đốt, mong nhanh chóng để về”, chị Nguyễn Thị Xuân công nhân Khu công nghiệp Phú Bài chia sẻ.

Hoạt động trải nghiệm cho trẻ em con công nhân

Cần một môi trường an toàn

Mỗi ngày, chị Trần Thị Vân, công nhân Nhà máy may Scavi thức dậy từ 5 giờ 30 phút. Sau khi vệ sinh cá nhân, chị chở con bằng xe máy đến trường học cách nơi ở 2km. Gửi con cho cô giáo xong, chị qua công ty cách đó chỉ vài bước chân, bắt đầu ngày làm việc. Chị kể, với đồng lương chỉ đủ ăn, ngày trước đem con đi gửi trường tư cũng đã là vấn đề khi kinh tế thiếu trước, hụt sau. Từ ngày con đi học ở trường mầm non do công ty xây dựng, chị Vân an tâm vì bé được học tập và vui chơi trong môi trường sạch sẽ, giáo viên tận tâm. Hôm nào tăng ca, vợ chồng chị cũng không phải lo vì giờ giấc giữ trẻ của trường rất linh hoạt, có động lực để làm việc tốt hơn. “Học phí và chi phí bữa ăn cho trẻ mỗi tháng là 4,2 triệu đồng, trong khi phụ huynh chỉ đóng 500.000 đồng, phần còn lại tập đoàn hỗ trợ, chị Vân cho biết thêm.

Trường mầm non Scavi được xây dựng trên diện tích 7.000m2 với mức đầu tư 22 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Phong Điền (Phong Điền). Hiệu trưởng Trường mầm non Scavi, cô Nguyễn Trần Cẩm Thy cho rằng: “Con của công nhân lao động được học trong môi trường thuận tiện khi Tập đoàn Scavi không chỉ chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất mà còn đặc biệt quan tâm đến chất lượng giảng dạy và chăm sóc trẻ. Chương trình giảng dạy tại trường được kết hợp linh hoạt giữa chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo và phương pháp giáo dục tiên tiến Montessori (phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác) nhằm giúp trẻ hình thành và phát triển mạnh về kỹ năng sống; khích lệ phát huy tính độc lập, tư duy, sáng tạo và khả năng tiềm ẩn của trẻ thông qua một môi trường giáo dục thân thiện”.

Không riêng Phong Điền, ở TX Hương Thủy có 5 cơ sở mầm non tư thục nuôi dạy 265 trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Đã qua rồi cảnh người lao động thường hay xin nghỉ để ở nhà chăm con, vì các cháu thường xuyên đau ốm khi không được chăm sóc tốt. Bà Thích Nữ Diệu Thuần, chủ cơ sở mầm non tư thục Hoa Nghiêm (phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy) cho biết: Cơ sở nằm trong khu vực có khu công nghiệp, có 38,8% trẻ em là con công nhân; trong đó, nhiều trường hợp khó khăn về giờ giấc. Cơ sở được thành lập vào năm 2010 với diện tích trên 1.600m2, nuôi dưỡng 147 cháu ở 5 nhóm lớp. Đội ngũ giáo viên đủ, đảm bảo bình quân 2 cô/lớp đáp ứng được nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. 100% trẻ được bán trú, không xảy ra ngộ độc và dịch bệnh trong nhà trường nên phụ huynh yên tâm gửi con.

Hoạt động trải nghiệm cho trẻ em con công nhân

Giấc mơ đã thành hiện thực

Ngày 8/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (Nghị định số 105/2020/NĐ-CP). Chính sách này ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với bậc học mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng đặc biệt khó khăn; cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục trên địa bàn có khu công nghiệp và là chính sách an sinh xã hội dành cho trẻ em mầm non.

Theo đó, các cơ sở được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cũng như kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP, mức hỗ trợ tối thiểu quy định là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, HĐND tỉnh đã thống nhất mức đề xuất hỗ trợ của tỉnh là 30.000.000 đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Lý do mức đề xuất hỗ trợ cao hơn nhằm động viên, khuyến khích, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở GDMN độc lập, từ đó tăng tỷ lệ huy động trẻ (nhất là độ tuổi nhà trẻ) ra lớp.

Theo Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 cơ sở  giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục với trên 630 cháu theo học ở địa bàn có khu  công nghiệp đủ điều kiện để được hỗ trợ trang bị về cơ sở vật chất một lần và từ 2022 trở đi, hằng năm dự kiến có thêm 3 cơ sở được thành lập mới. Các em thuộc đối tượng quy định được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Giáo viên mầm non được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh bố trí thực hiện các chế độ chính sách theo đề án dự kiến năm 2021 là 934,16 triệu đồng và từ năm 2022 trở đi, ngân sách bố trí thực hiện các chế độ chính sách theo đề án dự kiến là 1.784,38 triệu đồng/năm.

Nhận được thông tin về sự hỗ trợ cần thiết kia từ phía Nhà nước, bất chợt, tôi nhớ tới chị Thanh, chị Vân và cả chị Xuân nữa khi chuẩn bị tư liệu cho bài viết này. Cũng như tôi, có lẽ họ đang vui bởi giấc mơ cho con học trường tốt, ở gần nơi làm việc của người lao động giờ đã thành hiện thực.

Bài: Huế Thu

Ảnh: Trường mầm non Scavi  cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường
Vơi bớt nỗi lo sạt lở

Nỗi lo sạt lở của các hộ dân sống dưới chân núi Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) thường trực nhiều năm nay như được vơi bớt khi HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án (DA) Trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc.

Vơi bớt nỗi lo sạt lở
Nỗi lo khi điện tăng giá

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Quyết định số 1046-QĐ/EVN, ngày 11/10/2024 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (giá điện). Theo đó, giá bán lẻ điện là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8% bắt đầu từ 11/10/2024.

Nỗi lo khi điện tăng giá
Phú Lộc: Thiếu giáo viên & nỗi lo chất lượng

Toàn huyện Phú Lộc đang thiếu gần 100 giáo viên và nhân viên. Đây là một rào cản rất lớn khiến các trường học khó đảm bảo tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày và nỗi lo ảnh hưởng chất lượng dạy học năm học 2024 - 2025.

Phú Lộc Thiếu giáo viên  nỗi lo chất lượng

TIN MỚI

Return to top