Ông Nguyễn Văn Choi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư hợp tác quốc tế Daystar
Theo quan điểm của tôi có 2 trường hợp khác nhau:
Trường hợp thứ nhất: Do ý thức của người dân, nhất là những ở vùng quê, họ không nắm rõ nhiều về vấn đề pháp lý và hay dễ tin vào những cá nhân, hay tổ chức mà họ hay gọi là “đường dây” bao trọn gói. Họ dễ tin và yên tâm khi nghe hứa được lo liệu tất cả, nếu không đi được cũng không mất gì.
Hơn nữa, vì đã có nhiều người đi thành công bằng đường dây này và phía "đường dây" đưa ra những dẫn chứng như hình ảnh hay clip của những người đã trót lọt sang được nước ngoài để lấy niềm tin với người dân. Nói chung, những cá nhân, tổ chức này cũng đưa ra những lời hay, như: không đi được cũng không mất gì cả và nếu đi được thì mức lương rất cao, có nhiều cơ hội đổi đời...
Ông Nguyễn Văn Choi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư hợp tác quốc tế Daystar (bên phải) trao đổi với BTV thuathienhueonline. Ảnh: Thanh Toàn
Tất nhiên, một rủi ro rất lớn là đi lao động "chui" không được pháp luật trong nước và nước ngoài bảo vệ nên rủi ro đến tiền bạc và cả tính mạng. Việc này, cá nhân, tổ chức trái phép đưa đi không bao giờ nói ra nên người dân không lường trước được và dễ bị mắc lừa.
Trường hợp thứ hai: Một số người biết đi lao động "chui", không được pháp luật trong nước và nước ngoài bảo vệ, nhưng họ vẫn chấp nhận bởi vì họ bị cám dỗ bởi đồng tiền, nghĩ rằng đó là con đường kiếm tiền nhanh nhất. Nhưng họ quên mất một điều rằng, cái giá phải trả là quá lớn và đôi khi là cả tính mạng, như: vụ 39 người chết trong container ở Anh vừa rồi. Vì vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền việc này nhiều hơn để "thức giấc" và đánh tan những giấc mơ hão huyền, chết người này đến với người dân.
Thượng tá Lê Thanh Phú, Trưởng phòng PA03, Công an tỉnh
Ở góc độ công tác an ninh trật tự, theo tôi thì đó là do một số người dân chưa am hiểu pháp luật, móc nối đường dây đưa người đi thăm thân ở nước ngoài, lòng tham của con người bất chấp, kể cả việc chưa hiểu về luật và công việc sẽ làm.
Đề nghị cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông phối hợp tuyên truyền mạnh mẽ nội dung này. Một số công ty XKLĐ có uy tín vẫn bị lợi dụng nên đây là vấn đề nhạy cảm.
Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực ngăn chặn đường dây tổ chức lao động ra nước ngoài, đảm bảo môi trường lao động và tình hình ANTT được đảm bảo hơn.
Ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Vinh An, huyện Phú Vang
Đối với địa phương, trình độ am hiểu của người dân đối với vấn đề còn hạn chế. Chính vì vậy, các công ty môi giới lợi dụng tâm lý người dân muốn xuất khẩu nhanh để đổi đời nên chấp nhận đi được bằng mọi cách, thủ tục nhanh gọn, chứ chưa hiểu được phải theo con đường chính thống. Tuy nhiên, thực chất sang nước ngoài làm việc thì phải làm trái ngành nghề, mức lương không như cam kết. Do đó người dân trước đây thì nôn nóng, giờ khi phát hiện vấn đề dễ nảy sinh việc không tin tưởng vào XKLĐ.
Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền
Tôi hoàn toàn đồng ý với các ý kiến mà anh Choi và anh Phú vừa nêu ra. Tôi muốn đề cập thêm một nguyên nhân nữa, đó là do các đối tượng lừa đảo đánh đúng vào tâm lý của những người lao động muốn đi xuất khẩu nước ngoài. Thực tế, người lao động muốn đi xuất khẩu chính ngạch phải đáp ứng đủ nhiều điều kiện, phải đầy đủ thủ tục để được cấp visa, phải trải qua thời gian học ngoại ngữ và chờ đợi… trong khi nhiều người lao động có tâm lý rất nôn nóng. Những kẻ lừa đảo cũng lợi dụng điều đó để vẽ ra những viễn cảnh hấp dẫn cho người lao động, khiến họ muốn đi theo con đường trái phép để được rút ngắn một số giai đoạn, thủ tục và thời gian.
Vấn đề này cũng cần phải xét đến góc độ quản lý nhà nước. Các cơ quan nhà nước cần phổ cập thông tin đầy đủ hơn đến người dân, đồng thời có sự kết hợp để xem xét tính hợp pháp của các công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu nước ngoài.