Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp

Huế đang sở hữu một gia tài công trình kiến trúc kiểu Pháp lâu năm chỉ đứng sau  Hà Nội, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh. Mới đây, tỉnh đã công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu nhằm tạo cơ sở định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan, lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật…

Từ 240 công trình (số liệu thống kê năm 2000) nhưng đến nay, con số này đang giảm dần. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các công trình này trong điều kiện hiện nay vẫn còn nhiều điều cần bàn. Báo Thừa Thiên Huế Điện tử tổ chức giao lưu trực tuyến “Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp” diễn ra từ 8h – 10h thứ tư (ngày 20/6/2018).

Chương trình có sự tham dự của...

-        Lãnh đạo UBND TP. Huế

-        Lãnh đạo Sở Xây dựng

-        Hội kiến trúc sư tỉnh

-        Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh

-        Lãnh đạo trường THPT chuyên Quốc Học

Mời bạn đọc cùng đặt câu hỏi cho các khách mời ngay từ bây giờ!

Thừa Thiên Huế Online

Xin ông cho biết một số đặc trưng của nhà Pháp trên địa bàn? Qua mười mấy năm quan tâm đến lĩnh vực này, điều ông lo lắng nhất là gì?

Nguyễn Văn Hùng - hung2323

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh. Ảnh: Đức Minh

Các công trình kiến trúc kiểu Pháp phía Nam sông Hương được người Pháp quy hoạch năm 1897, đến nay vẫn còn nằm trên trục đường Lê Lợi, Hùng Vương, Nguyễn Huệ như khách sạn Sài Gòn Morin, trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường THPT Hai Bà Trưng, THPT chuyên Quốc Học, Ga Huế, Đại học Huế...

Nhiều công trình kiến trúc biệt thự có nét đặc trưng riêng, biết tận dụng thiên nhiên, nhà có hai cửa, về mùa hè mát, mùa đông ấm... Qua thời gian nghiên cứu, công trình kiến trúc Pháp bị phá dỡ do hết niên hạn sử dụng, có công trình thay đổi cải tạo như Sài Gòn Morin từ 2 tầng lên 4 tầng mang dáng dấp kiểu Pháp nhưng hệ thống cửa khác với trước, riêng mặt bằng ổn định theo kiến trúc ban đầu. Hệ mái cũng thay đổi. Tôi lấy làm tiếc về việc chi nhánh ngân hàng Đông Dương bị đập bỏ (nay là Trung tâm Học liệu Đại học Huế ). Tháng 4 năm 2017, thêm ngôi biệt thự Pháp ở số 5 Lý Thường Kiệt bị đập bỏ. Có nhiều khi tôi cảm thấy đơn độc trong cuộc "đấu tranh" để giữ lại những di sản quý này cho Huế.

Đồ họa: Đức Minh

Đến thời điểm này, đã có dự án chính thống đánh giá hiện trạng cụ thể, chất lượng đồ án từng công trình, tu bổ về công trình kiến trúc Pháp chưa hay chỉ mới tiến hành hoạt động thống kê khái quát phục vụ cho công tác quy hoạch đô thị?

Nguyễn Văn An - annguyen

Ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế

Ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP Huế. Ảnh: Đức Minh

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu. Đây là bước khởi đầu, cơ sở định hướng quan trọng để có động thái ứng xử với những công trình Pháp tiêu biểu.

Tòa nhà Bảo tàng Văn hóa Huế. Ảnh: Phan Thành

Đến bây giờ, chưa có một đề án đánh giá tổng thể, cụ thể chất lượng từng công trình. Tuy nhiên, thời gian trước cũng đã có một số dự án nhỏ để chỉnh trang, sửa chữa, cải tạo một số công trình nhằm nâng cao chất lượng sử dụng. Tôi nghĩ rằng, các ngành, các cấp nên tham mưu cho UBND tỉnh về đề án tổng thể để cụ thể hóa chủ trương của UBND tỉnh.

Về phía thành phố sẽ tham mưu với Sở Xây dựng và UBND tỉnh để nghiên cứu chính thống hơn nhằm phát huy giá trị các công trình Pháp tiêu biểu.

Vừa qua, UBND tỉnh đã công bố 27 công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn thành phố với mục đích bảo tồn... tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần thêm, hoặc bớt công trình. Phía thành phố, sở xây dựng cũng như các khách mời nghĩ gì trước thông tin này? Ông có thể chia sẻ quy trình lập kế hoạch và công bố 27 công trình kiến trúc Pháp đưa vào danh sách bảo tồn nói trên?

Hà Văn Nguyên - linhta

Ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế

Có hai quan điểm, một là những công trình xây dựng thời kỳ Pháp, hai là những giá trị kiến trúc của Pháp. Tôi nghĩ rằng, UBND tỉnh không dừng lại ở 27 công trình mà còn bổ sung thêm. Chúng ta đặt ra vấn đề tôn tạo kiến trúc, đóng góp cho cảnh quan đô thị, mang dấu ấn một thời kỳ.

Qua nhiều ý kiến, tôi vẫn chưa thấy thống nhất là việc giữ lại công trình thời kỳ Pháp hay kiến trúc của Pháp. Do vậy, cần làm rõ vấn đề này, để chúng ta có phương án giữ gìn hay phá dỡ phù hợp nhằm hướng tới mục tiêu quy hoạch đô thị.

Toàn cảnh khách sạn Sài Gòn Morin với lối kiến trúc Pháp sang trọng, nằm ở vị trí đắc địa. Ảnh: Phan Thành

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh

Nhà thờ Dòng chúa cứu thế trong danh sách UBND tỉnh đưa ra như thế không hợp lý, tên gọi chính xác là nhà thờ "Đức mẹ hằng cứu giúp", đây là kiến trúc tân thời. Tương tự, nhà thờ giáo xứ Phủ Cam cũng được xây dựng tân thời.

Tôi cũng xin bổ sung vào danh sách một số công trình như Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, ngôi trường nằm số 66 Bạch Đằng nay thuộc sở hữu tư nhân, trường Việt – Pháp Đông Ba (Trường tiểu học Phú Cát)...

Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng      

Hiện nay, tỉnh đã ban hành danh mục 27 công trình kiến trúc Pháp có giá trị và cần được bảo tồn và phát huy.

Về quy trình, Sở là đơn vị chủ trì để rà soát, cũng như có bước thống kê. Hiện nay, sau khi rà soát, danh sách còn 27 công trình.

Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Ảnh: Đức Minh 

Trong quá trình triển khai, lấy ý kiến rất nhiều ban hành, thành phố và các cơ quan liên quan, như Sở Văn hoá và Thể Thao tỉnh, các hội như hội kiến trúc sư, hội quy hoạch, hội lien hiệp văn học nghệ thuật, hội xây dựng… Cuối cùng chốt được danh sách này.

Chúng tôi khẳng định đây là 27 công trình có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử.

Đây là bước đi ban đầu để có kế hoạch dài hơi tiếp theo để phát huy, bảo dưỡng và duy tu.

Ông Phan Thế Đạt - Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh

Ông Phan Thế Đạt, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh. Ảnh: Đức Minh

Tôi đồng tình với ý kiến của anh Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng, theo tôi đây là danh sách trước mắt và mục tiêu đặt ra là công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc. Đây cũng là những công trình thuộc sở hữu của nhà nước và các tổ chức, chứ chưa kịp đưa vào danh sách một số công trình kiến trúc Pháp do tư nhân sở hữu.

Đơn vị đã khai thác về lợi thế của một công trình kiến trúc Pháp nằm ở vị trí địa lý đẹp này như thế nào về mặt giá trị và truyền thông?

Phan Đăng Bảo - dangbao

Th.S Nguyễn Phú Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Quốc học

Th.S Nguyễn Phú Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Quốc học. Ảnh: Đức Minh

Trường THPT chuyên Quốc Học Huế thành lập 1896 theo sắc dụ vua Thành Thái. Đến 1915, trường được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp. Đặc trưng của kiến trúc Pháp là các công trình xây dựng hài hòa vơi không gian, cảnh quan của trường cùng với việc khảo sát kỹ yếu tố phong thủy.

Với đặc trưng kiến trúc Pháp đã tạo được môi trường học tập rất tốt cho học sinh. Thời gian gần đây, nhiều khách nước ngoài thăm trường và cùng chung nhận xét đây là ngôi trường khi bước vào đã là muốn học rồi. Do vậy, mục tiêu nhà trường là tôn tạo những vẫn giữ nét đặc trưng của kiến trúc Pháp, nhằm tạo ra môi trường học tập lý tưởng cho học sinh.

Điển hình như cổng trường đã tự nhiên đại diện cho hình ảnh cấp độ THPT của Thừa Thiên Huế, nhà trường khai thác, khơi dậy lòng tự hào và đam mê của học sinh.

Năm 1990 trường được công nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia, từ đó nhà trường có những phương án gìn giữ nét kiến trúc. Hiện nay, hình ảnh Trường Quốc Học được nhiều người trong và ngoài nước chia sẻ, đó là cơ hội để nhà trường quảng bá hình ảnh, hướng tới mục tiêu hội nhập của nhà trường.

Công trình đã trải qua bao nhiêu đợt cải tạo? Công tác cải tạo được tiến hành ra sao để đảm bảo vẫn giữ nguyên kiến trúc Pháp? Đơn vị đã có những giải pháp gì để hạn chế tác động đến kiến trúc Pháp của công trình?

Trần Thị Thu Hương - thuhuongtran

Th.S Nguyễn Phú Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Quốc học

Từ năm 1915 đến nay, trường trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo; có một đợt cải tạo lớn nhất trong thập niên 90.

Khi nhà trường tôn tạo hay xây dựng công trình mới thì luôn có ý thức gìn giữ lại nét kiến trúc, họa tiết nguyên bản của thời Pháp. Điển hình như các dãy nhà, hành lang của công trình cũ được gìn giữ tốt, khi xây dựng công trình mới thì gìn giữ lối hành lang này để tạo ra nét hài hòa.

Trường THPT Quốc Học - một trong những ngôi trường mang đặc trưng kiến trúc Pháp rất đẹp. Giờ đây, ngoài phục vụ cho giáo dục, trường còn là điểm đến tham quan của nhiều du khách khi ghé Huế. Ảnh: Phan Thành

Đối với các công trình kiến trúc kiểu Pháp, việc cho tư nhân thuê có hợp lý? Thực tế có một số công trình bị cải tạo không còn nguyên trạng… Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nguyễn Văn Sĩ - sihan

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh

Những công trình kiến trúc Pháp sở hữu nhà nước, chúng ta chưa bàn đến vì đã có cơ chế quản lý. Nếu cho thuê sẽ có nhiều bất cập bởi người thuê tự ý điều chỉnh, thay đổi công năng sử dụng...

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh tham khảo tài liệu trả lời bạn đọc. Ảnh: Đức Minh

Riêng một số công trình kiến trúc Pháp thuộc quyền sở hữu tư nhân rất khó can thiệp. Trải qua thời gian, công trình xuống cấp chủ sử dụng phải đập bỏ để xây mới... Tuy nhiên, nếu người sử dụng vẫn giữ lại một vài nét mang dáng dấp kiến trúc Pháp thì công trình đó vẫn còn giá trị.

Công tác quản lý kiến trúc nhà Pháp tại Huế hiện nay như thế nào?

Nguyễn Văn Nam - namnguyen

Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Về công tác quản lý công trình kiến trúc Pháp, tỉnh đã ban hành các danh mục làm cơ sở để bảo tồn và phát huy.  

Trong thời gian qua, quỹ kiến trúc Pháp của chúng ta khá nhiều, tôi khẳng định đây là hình thái về kiến trúc khá đặc sắc. Tuy nhiên do sự phân bố của các công trình kiến trúc Pháp còn dàn trải, công tác quản lý công trình kiến trúc Pháp, đặc biệt là tư nhân chưa tốt, gây tình trạng mai một. Các công trình xuống cấp, chủ đầu tư ít quan tâm, hoặc do điều kiện kinh tế của người dân. Công tác định hướng bảo tồn, cũng như kêu gọi người dân tham gia bảo tồn chưa có động thái mang tính chất quyết liệt để phối hợp với chủ sở hữu các công trình này trong việc bảo tồn.

Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị cũng là một trong những công trình được xếp vào danh mục kiến trúc Pháp đặc trưng cần được bảo tồn. Ảnh: Phan Thành

Trên địa bàn có khá nhiều công trình kiến trúc pháp thuộc sở hữu nhà nước được cho thuê, hoặc dùng làm trụ sở cơ quan, vậy vấn đề sử dụng song song bảo tồn được tiến hành ra sao. Trong cải tạo phải chú ý điều gì? Đối với các công trình thuộc sở hữu tư nhân thì sao?

Trần Thị An Như - saobien

Ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế

Công trình nào cũng đều phải được sử dụng đúng mục đích và công năng, đồng thời đều phải quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng bảo trì.Trong quá trình sử dụng, cải tạo, bảo trì các công trình kiến trúc Pháp cần phải chú ý giữ gìn giá trị cốt lõi để phát huy giá trị công trình.

Đối với một số công trình xuống cấp các chủ đầu tư đã phối hợp với các cơ quan chức năng cải tạo, sửa chữa, kể cả công trình do tư tư nhân quản lý.

Tôi nghĩ cần có chính sách rõ ràng để khỏi xâm hại những công trình kiến trúc Pháp, đặc biệt là nhưng công trình đã được UBND tỉnh công bố.

Bảo tàng Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi, TP. Huế) nhìn từ trên cao - một trong những kiến trúc Pháp còn khá trọn vẹn. Ảnh: Phan Thành

Ngoài ra cần phải huy động, tập hợp được các nhà chuyên môn; đồng thời tăng cường nhận thức chung, cùng nhau bảo tồn giá trị kiến trúc đúng nghĩa. Việc công bố 27 công trình giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về những công trình, kiến trúc Pháp.

Chúng ta quản lý Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách từ trung ương dến địa phương. Tôi đồng ý với Sở Xây dựng phải xây dựng bằng được quy định quản lý đối với 27 công trình tiêu biểu đã được công bố để có hướng bảo tồn, sử dụng phù hợp.

Với một số công trình kiến trúc Pháp tư nhân, nếu chủ nhân của chúng cải tạo để phục vụ đời sống thì cần làm gì hay có hướng dẫn ra sao (như nhà Pháp ở phố cổ Hà Nội) để có sự thống nhất trong bảo tồn quỹ kiến trúc này không?

Nguyễn Hai Triệu - trieudola

Ông Phan Thế Đạt, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh

Với một số công trình kiến trúc Pháp tư nhân, nếu chủ nhân của chúng cải tạo để phục vụ đời sống thì cần làm gì hay có hướng dẫn ra sao (như nhà Pháp ở phố cổ Hà Nội) để có sự thống nhất trong bảo tồn quỹ kiến trúc này không?

Nếu các nhà kiến trúc Pháp do tư nhân sở hữu muốn cải tạo thì phải tìm hiểu các hình ảnh trước đây về ngôi nhà để đảm bảo tính nguyên bản của kiến trúc. Về cải tạo nội thất cần có sự khảo sát về kết cấu để khi cải tạo không ảnh hưởng đến cấu trúc và sự an toàn sử dụng. Quan trọng nhất nên có sự tư vấn của đội ngũ kiến trúc sư có chuyên môn trước khi cải tạo.

Về phía tư nhân quản lý công trình kiến trúc Pháp, ông bà muốn chia sẻ điều gì trong công tác bảo tồn nhà Pháp?

Mai Đình Lư - lumai

Th.S Nguyễn Phú Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Quốc học

Th.S Nguyễn Phú Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Quốc học (bên trái). Ảnh: Đức Minh

Công trình kiến trúc Pháp là tổng thể các tòa nhà xây dựng và môi trường xung quanh. Theo tôi, nếu làm việc gì trên khuôn viên phải để ý, không để phá vỡ không gian và môi trường. Nếu có nhu cầu cải tạo xây mới nên duy trì lối xây dựng và các họa tiết trang trí kết cấu của tường cửa theo công trình nguyên bản. Ở Huế yếu tố thời tiết tác động công trình rất lớn, muốn bảo tồn được thì cần có nguồn vốn đầu tư để công tác bảo tồn diễn ra thường xuyên.

Thời gian qua, có khá nhiều công trình kiến trúc Pháp bị “triệt hạ” ông nghĩ sao về điều này?

Nguyễn Thị Dung - dung23

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh

Biệt thự kiến trúc Pháp nằm ở số 5 Lý Thường Kiệt, TP. Huế bị đập bỏ. Ảnh: Phan Thành

Các công trình xuống cấp hết niên hạn sử dụng buộc phải triệt hạ hoàn toàn. Đa số các công trình kiến trúc Pháp xuống cấp phần hệ mái. Có những công trình bị đập bỏ rất đáng tiếc như công trình biệt thự số 5 Lý Thường Kiệt,TP. Huế bởi nó vẫn chưa xuống cấp trầm trọng. Nếu  tình trạng này xảy ra lần nữa, tôi đề nghị chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ và phải bảo vệ đến cùng.

Có nhiều kiến trúc Pháp được bên Pháp gửi thư sang báo đã hết hạn. Vậy chúng ta ứng xử với cảnh báo này như thế nào. Đã có phương án gì đối với các công trình hết hạn sử dụng này hay chưa?

Hoàng Hữu Nam - namhoang

Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Ông Lê Toàn Thắng (bên phải), Phó Giám đốc Sở Xây dựng trao đổi cùng biên tập viên tại buổi giao lưu. Ảnh: Đức Minh 

Cần khuyến cáo chủ đầu tư trên cơ sở thông báo của đơn vị tổ chức xây dựng để có cơ sở, như những trường hợp kết cấu công trình mất ổn định, có nguy cơ sụp đổ thì có biển báo, hạn chế người đi lại.

Đối với những công trình cần lưu giữ giữ gìn, cần có công tác bảo tồn và phát huy, có phương án cụ thể như gia cố, gia cường các công trình này.

Khó khăn lớn nhất trong công tác bảo tồn kiến trúc Pháp là gì? Hiện trên địa bàn có nhiều công trình kiến trúc Pháp đã xuống cấp nghiêm trọng, công tác kiểm định để kịp thời trùng tu bảo tồn ra sao?

Văn Đình Công - congvan

Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế cũng được xếp vào danh mục cần được bảo tồn được xây dựng theo kiến trúc Pháp. Ảnh: Phan Thành

Vừa rồi chúng ta mới có bước thống kê, trên cơ sở hệ thống công trình kiến trúc Pháp bố trí phân bố không đều ở nhiều nơi. Khó khăn lớn nhất là chúng ta chưa có đánh giá cụ thể về chất lượng công trình như thế nào. Nên chúng ta cần có công tác kiểm định đánh giá chất lượng, nhất là công trình có yếu tố tư nhân phải có những quy định mang tính chất bắt buộc.

Năm 2017, khu đất 26-28 Lê Lợi được giao cho một công ty tư nhân nghiên cứu đầu tư dự án Khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp (trong đó có trụ sở Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật tỉnh - một ngôi nhà Pháp dạng biệt thự với kiến trúc tuyệt đẹp). Hiện nay dự án này như thế nào? Với một công trình có giá trị, nếu đề xuất cần bảo quản, phát triển thì quy trình hoặc phương pháp tiến hành ra sao?

Tuyết Nhung - nhungnguyen

Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền, theo định hướng là không gian văn hoá nghệ thuật, khu vực điểm nhấn về không gian đô thị, phát huy các giá trị về văn hoá nghệ thuật, điểm đến cho du khách và người dân địa phương.

Trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tỉnh nằm ở địa chỉ 26 Lê Lợi, TP. Huế với kiến trúc Pháp. Ảnh: Phan Thành

Trong thời gian qua, tỉnh cũng có định hướng di dời, trụ sở Liên hiệp hội qua nơi khác, dành quỹ đất ở đây để đầu tư khu thương mại và dịch vụ, tạo bước đột phá và chuyển biến theo định hướng phát huy được khu đất này và các khu đất lân cận.

Đối với quy trình công nhận, chúng tôi đã rà soát và kiểm đếm, quy trình tiếp theo là đánh giá về mặt chất lượng công trình, xây dựng hồ sơ cụ thể cho từng công trình và đưa ra bước thứ tự ưu tiên trên cơ sở chất lượng hiện tại (ví dụ công trình nào xuống cấp trầm trọng thì ưu tiên trước), yếu tố về kiến trúc nghệ thuật, giá trị của công trình đối với không gian cảnh quan của khu vực, nơi tồn tại của công trình.

Công tác này cần sự phối với với chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước, cơ quan chuyên môn…

Quy trình công nhận một công trình kiến trúc có giá trị. Đồ họa: Minh Max

 

Ông đánh giá thế nào về công tác bảo tồn kiến trúc Pháp hiện nay? Vấn đề ưu tiên nhất trong việc bảo tồn kiến trúc Pháp thời điểm này là gì?

Mai Lê - lele

Ông Phan Thế Đạt, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh

Công tác bảo tồn kiến trúc Pháp hiện thiếu sự chủ động, điều này thể hiện qua việc chúng ta chậm thành lập các hội đồng đánh giá và lập danh mục cần bảo tồn. Chính vì vậy nên trong thời gian vừa qua có nhiều công trình kiến trúc Pháp dần mất đi. Vấn đề ưu tiên trong bảo tồn kiến trúc Pháp hiện nay là gấp rút lập lý lịch của công trình bằng cách khảo sát kỹ hiện trạng, đưa ra các khuyến cáo, kiến nghị để bảo tồn và gìn giữ di sản.

Thời gian qua, một số công trình kiến trúc Pháp đã bị phá dỡ. Theo dõi báo chí, chúng tôi thấy có hai quan điểm: Phía cho rằng công trình xuống cấp, làm mới để đảm bảo an toàn và phát triển kinh tế; phía bảo tồn thì khăng khăng phải giữ vì đó là quỹ di sản kiến trúc đô thị. Vậy những người làm công tác quản lý, khách mời nên chọn điểm nhìn nào để có sự đánh giá chân xác về vấn đề này?

Trần Thị Mỹ Vui - myvui

Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Quan điểm của tôi, các công trình kiến trúc nói chung, kiến trúc Pháp nói riêng, chúng ta cần cân nhắc.

Đầu tư là xác định giá trị kiến trúc nghệ thuật của công trình, tiếp theo là chất lượng của công trình đang như thế nào, vấn đề thứ 3 là quỹ kiến trúc không tập trung nên định hướng bảo tồn và phát huy để cảm nhận được giá trị kiến trúc là một vấn đề để nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần xác định công trình này góp phần gì trong định hướng về không gian đô thị, khi nó tồn tại thì không gian đô thị có đặc trưng, đặc thù và đẹp hay không.

Trong những trường hợp mà vấn đề phát triển lớn hơn, yếu tố giá trị ít hơn thì chúng ta phải hy sinh, dành quỹ đất đó để phát triển, sau khi cân nhắc rất kỹ lưỡng, vừa bảo tồn và vừa phát huy được giá trị, nhất là đáp ứng được phát triển chung của xã hội.

Ông Phan Thế Đạt, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh 

Cần bảo tồn và phát huy giá trị, hai cái này không thể tách rời. Bản thân di sản phải “sống” được, cần gắn liền di sản với du lịch dịch vụ chứ không nên “bảo tàng hóa” di sản, như vậy mới đảm bảo tiêu chí bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh

Bảo tồn và phát triển cần có quy hoạch khu vực nào rõ ràng, chứ nếu nói phát triển mà tháo dỡ thì còn gì nữa là quỹ kiến trúc. Tôi không hiểu cách bảo tồn của mình là ra sao. Theo tôi đến thời điểm này cần phải bảo tồn di sản. Tôi đề nghị gắn bản lịch sử từng công trình và những vấn đề liên quan đến công trình đó.

Quy hoạch bảo tồn kiến trúc Pháp có nên được triển khai?

Hoàng Hải - hoanghai832017

Ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế

Tại đây đã có nhiều quan điểm khác nhau về việc bảo tồn hay phát triển nhưng mục tiêu là vừa bảo tồn vừa phát triển..

Để giải quyết bảo tồn hay phát triển phải phụ thuộc vào những công trình cụ thể vì công tác quản lý rất đa chiều về quy định, quy hoạch và công tác bảo tồn. UBND tỉnh cũng sắp ban hành quy định quản lý công trình kiến trúc Pháp

Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001, điều 8 quy định: Mọi di sản văn hóa có xuất xứ trong nước hoặc từ nước ngoài đều cần được bảo vệ và phát huy giá trị. Từ 240 công trình (số liệu thống kê năm 2000) nhưng đến nay, con số này đang giảm dần. Vậy chúng ta nên chờ công trình được công nhận di sản rồi mới bảo tồn hay là ưu tiên bảo tồn các công trình “sống” đang được khai thác sử dụng?

hà văn hải - hntom86

Ông Phan Thế Đạt, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh

Việc thành lập hồ sơ di sản mất nhiều thời gian. Trước mắt để bảo tồn, chúng ta nên chủ động thành lập các hội đồng đánh giá của địa phương, của tỉnh, thành phố và sau đó đưa vào các danh mục công trình cần phải được ưu tiên bảo tồn.

Tranh luận về phương án bảo tồn. Ảnh: Đức Minh

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh

Trước mắt phải bảo tồn các công trình “sống” vì chưa làm được hồ sơ khoa học để giữ lại, còn không sẽ mất dần. Tôi đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm các công trình có giá trị khác. Và có biện pháp bảo vệ khẩn cấp.

Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Việc bảo tồn dựa trên các giá trị thực tế nội tại của công trình, chúng ta không chờ đến khi công trình được công nhận di sản rồi mới bảo tồn. Bằng chứng là không phải tất cả 27 công trình trong danh sách đều được công nhận là di sản.

Có ý kiến cho rằng \"Đập bỏ là cách giải quyết thô thiển\". Phá thì dễ, xây mới khó. Vậy nên ứng xử như thế nào với việc bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp có giá trị?

Thành - hoanghai832017

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh

Có những công trình phải đập bỏ để xây mới vì hết thời gian sử dụng. Nhưng ngược lại, có những công trình phải bảo vệ bởi nó mang dấu ấn lịch sử, kiến trúc còn khá nguyên vẹn.

Ông Phan Thế Đạt, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh       

Di sản kiến trúc ngoài yếu tố nghệ thuật kiến trúc thì còn phải đảm bảo an toàn sử dụng. Việc bảo tồn phải gắn với an toàn công trình và tính mạng con người.

Có mô hình bảo tồn công trình kiến trúc Pháp nào trong và ngoài nước mà chúng ta có thể vận dụng hay những kinh nghiệm hay từ họ?

Lê Thị Thu Vân - vannguyen

Ông Phan Thế Đạt, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh

Hiện tại ngay cả Hà Nội cũng trăn trở trong bảo tồn kiến trúc Pháp. Ở Huế thì kiến trúc Pháp còn rải rác. Hà Nội còn nhiều tuyến phố kiến trúc Pháp và họ đang lập thiết kế đô thị, trong đó có quy định cụ thể về bảo tồn như thế nào. Huế có thể học tập Hà Nội bằng cách lập thiết kế đô thị để có căn cứ pháp lý để gìn giữ công trình kiến trúc Pháp. 

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh

Tôi nghĩ cần học Hà Nội bởi họ bảo tồn kiến trúc biệt thự Pháp rất tốt. Có những công trình rất độc đáo, lỏm thỏm giữa thị thành nhưng vẫn được gìn giữ rất tốt.

Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Theo tôi được biết, hiện nay, mô hình bảo tồn riêng cho công trình kiến trúc Pháp, tôi vẫn chưa có thời gian để tìm hiểu. Tuy nhiên, một số định hướng cho hình thức quản lý kiến trúc công trình, chúng ta có thể tham khảo ở mô hình Phố cổ Hà Nội, hoặc Đô thị Sapa và một số đồ án quy hoạch ở một số địa phương.

Trong các đồ án quy hoạch, vẫn ẩn hiện những quy định về quản lý kiến trúc, cảnh quan đối với các công trình kiến trúc Pháp; tuy nhiên, mức độ chi tiết để đáp ứng yêu cầu quản lý vẫn ở mức độ định hướng. Chính vì vậy, thời gian tới, chúng ta cũng khẩn trương xây dựng quy định quản lý nhằm có cơ sở bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả.