Cạnh tranh tuyển sinh & vấn đề chất lượng

Tuyển sinh những năm gần đây khá khó khăn. Theo công bố điểm chuẩn đợt 1 năm 2019 của Đại học Huế, mức điểm của 137 ngành dao động từ 13 – 25 điểm. Tuy nhiên, có đến gần 60 ngành điểm chuẩn bằng điểm sàn; nhiều ngành cao hơn sàn không quá 1 điểm. 60 ngành điểm chuẩn dưới 15 điểm, tức là thí sinh chỉ cần đạt mỗi môn chưa tới 5 điểm.

Mặc dù các cơ sở đào tạo khẳng định yếu tố đầu vào chỉ quyết định một phần trong hoạt động đào tạo song theo nhiều người, với xuất phát điểm thấp, rất khó để đào tạo được những cử nhân, kỹ sư chất lượng. Xuất phát từ thực tế đó, Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề  “Cạnh tranh tuyển sinh & vấn đề chất lượng”… Buổi giao lưu diễn ra từ 7h30 -9h30 thứ tư ngày 4/9/2019

Thành phần khách mời:

1. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

2.TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân

3. PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

4. Ông Hồ Phan Minh Đức, Phó Giám đốc điều hành (EVP) kiêm Giám đốc đào tạo trọn đời Tập đoàn Corèle International (Scavi + Corele V)

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho khách mời ngay từ bây giờ

Ông đánh giá thế nào về kết quả tuyển sinh năm nay? Nếu so sánh cả về lượng lẫn chất so với năm 2018 và một vài năm trước thì điểm được và chưa được trong công tác tuyển sinh năm nay thế nào?

Hồng Huy - honghuy94

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế. Ảnh: Phan Thành

Kỳ tuyển sinh năm nay cơ bản ổn định, nguồn tuyển sinh vào Thừa Thiên Huế đạt mức độ cho phép nhưng chưa đạt chỉ tiêu đưa ra và còn nhiều điều phải bàn. Điểm thi cao hơn năm trước nên điểm sàn, điểm chuẩn tăng lên 1-3 điểm.

Tại ĐH Huế, khối ngành y dược, kinh tế, luật, du lịch vẫn giữ ở mức điểm cao so với mặt bằng các ngành đào tạo.

Tại Thừa Thiên Huế, lượng thi sinh đăng ký thi đại học khá cao so với mặt bằng chung của cả nước do hệ thống quảng bá, tư vấn tuyển sinh được rõ ràng hơn; việc gắn kết giữa thí sinh và doanh nghiệp tốt hơn.

Kỳ tuyển sinh vừa qua, thí sinh ảo tại ĐH Huế rất nhiều, có gần 1.500 thí sinh ảo số không nhập học khá lớn. Ngoài ra, các em đậu rồi nhưng không đến nhập học.

Theo tôi thời gian tới cần tuyên truyền, hệ thống phần mềm liên thông của Bộ Giáo dục & đào tạo cần phải hoàn thiện hơn nữa.

TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân

Thông thường lượng thí sinh ảo đến từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt ở miền trung trong những năm gần đây số lượng bạn trẻ đi xuất khẩu lao động theo diện du học rất đông, trong đó có Nhật Bản – thị trường yêu cầu có giấy xác nhận trúng tuyển Đại học (ĐH). Điều này dẫn tới việc gia tăng số lượng thí sinh ảo, với số lượng có thể lên đến hàng trăm nghìn ở toàn hệ thống, chiếm khoảng 5% số lượng thí sinh thi vào ĐH hằng năm.

TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân. Ảnh: P. Thành

Ngoài ra còn ở các ngành khác, các quốc gia khác cũng có yêu cầu tương tự,với yêu chí của trường ĐH sẽ được ưu tiên hơn, khiến nhiều bạn trẻ đăng ký thi vào ĐH để đạt được yêu cầu này.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng thí sinh đăng ký để thử thách bản thân. Hơn nữa, nhiều trường có lịch trình giảng dạy sớm hơn… khiến tâm lý thí sinh dao động, dẫn đến việc thay đổi quyết định.

Năm vừa qua, nhà trường mạnh dạn mở một số ngành mới. Ông đánh giá thế nào về tình hình tuyển sinh các ngành này?

Mẫn Nguyễn - mannguyen95

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế. Ảnh: P. Thành

Trường đại học Khoa học là trường thành viên của Đại học Huế với sứ mệnh đào tạo khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn. Việc mở ngành mới phải dựa trên cơ sở sứ mệnh của trường. Do vậy, năm nay, trường mở một số ngành mới trên cơ sở dịch chuyển từ khoa học cơ bản sang kỹ sư… Việc mở mới mã ngành mới cũng sẽ ảnh hưởng một số ngành khoa học cơ bản của trường. 7 mã ngành mới năm nay, chúng tôi mở có số lượng thí sinh khá tốt như kỹ thuật phần mềm, quản lý nhà nước, công nghệ hóa học,..; tuy nhiên có một số ngành ví dụ kỹ thuật sinh học thì vẫn khó khăn.

Năm nay, Trường đã có quyết định có sự thay đổi so với năm trước, đó là những ngành có ít thí sinh thì vẫn mở, thậm chí chỉ 10-15 thí sinh thì ngành này vẫn vận hành như kế hoạch đề ra.

Có ý kiến cho rằng điểm chuẩn một số ngành của ĐH Huế mà ĐH Phú Xuân không cao, liệu có dẫn đến tình trạng trường khó thu hút người học?

Nguyễn Văn Cương - cuongnguyenvan

TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân

Thông thường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, điểm chuẩn các trường tư thục có thấp hơn so với các trường công lập. Nếu các trường đại học công lập lấy điểm chuẩn thấp sẽ khó khăn hơn cho các trường tư thục, tuy nhiên sự hấp dẫn của trường tư thục vẫn phụ thuộc vào chính bản thân các trường.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2019. Ảnh: Hữu Phúc

Một lý do khác, đó là sức cạnh tranh của thị trường tại Huế còn thấp, về các chỉ số cạnh tranh của Đại học Huế khá tốt so với cả nước chứ không chỉ khu vực miền Trung. Trong khi đó các trường Đại học ít tên tuổi hơn tại Hà Nội và TP. HCM vẫn có thể tuyển được nhiều hơn.

Sức hấp dẫn của các trường đại học phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Do đó, để giải quyết bài toán giáo dục ĐH, cần giải quyết bài toán tổng thể về kinh tế - xã hội trước.

Những năm vừa qua, khối ngành du lịch của Huế tăng nên lượng nhập học ngành này tăng.

Tuy năm nay điểm chuẩn tăng, song lại có đến gần 60 ngành điểm chuẩn bằng điểm sàn; nhiều ngành cao hơn sàn không quá 1 điểm và có đến 60 ngành điểm chuẩn dưới 15 điểm. Nhiều người băn khoăn đầu vào thấp, khó có đầu ra chất lượng, quan điểm của ông thế nào?

Ngô Xuân - ngoxuanhai78

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

Hiện nay, việc tuyển sinh là tự chủ của các trường đại học. Điểm thi THPT chỉ là một yếu tố, vẫn còn nhiều hình thức khác như thi theo học bạ, thi theo năng lực; song, thí sinh vẫn lấy kết quả thi THPT để thi tuyển.

Thí sinh xác nhận nhập học năm 2019 tại Đại học Huế. Ảnh: Hữu Phúc

Chúng ta loay hoay về điểm chuẩn, điểm sàn nhưng tư duy thí sinh là chọn thành phố để học sau đó mới chọn trường. Do vậy, Thừa Thiên Huế cần làm thế nào để thu hút nhiều con em làm việc ở quê hương. Hiện bây giờ con số đó chỉ chưa tới 5%.

Ở tất cả xếp hạng thì ĐH Huế vẫn xếp vị trí cao nhưng thu hút thí sinh là vấn đề trăn trở, trong đó đầu ra phải đảm bảo. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp vả các ban ngành và doanh nghiệp...

Theo quan điểm của chúng tôi, điểm chuẩn như vậy không có vấn đề. Có số lượng thì mới bàn đến chất lượng. Kim chỉ nam của ĐH Huế lấy chất lượng, uy tín làm hàng đầu. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các vấn đề xã hội.

Với vai trò nhà tuyển dụng, ông nhận thấy, vấn đề đầu vào của sinh viên từ khi bước vào cánh cửa đại học có thực sự quan trọng?

Hoàng Trang - tranghue1991

Ông Hồ Phan Minh Đức, Phó Giám đốc điều hành (EVP) kiêm Giám đốc đào tạo trọn đời Tập đoàn Corèle International (Scavi + Corele V)

Ông Hồ Phan Minh Đức, Phó Giám đốc điều hành (EVP) kiêm Giám đốc đào tạo trọn đời Tập đoàn Corèle International (Scavi + Corele V). Ảnh: P. Thành

Là một nhà tuyển dụng, chúng tôi quan tâm kết quả đầu ra của quá trình đào tạo nhiều hơn những yếu tố đầu vào. Cụ thể hơn, chúng tôi quan tâm đến năng lực của sinh viên tốt nghiệp, bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ của sinh viên tốt nghiệp.

Theo tôi, quá trình đào tạo của các trường đóng vai trò quan trọng, là yếu tố then chốt để hình thành và phát triển năng lực của sinh viên, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng phù hợp để các em có thể gia nhập hiệu quả vào thị trường lao động.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng năng lực đầu vào của sinh viên cũng khá quan trọng đối với quá trình học tập, nghiên cứu và sự thành công của các em ở bậc đại học: đầu vào tốt và quy trình đào tạo tốt thì sẽ cho kết quả tốt. Đầu vào tốt không chỉ thể hiện qua điểm số ở bậc học phổ thông hay kết quả/điểm thi PTTH của các em mà quan trọng hơn, nó thể hiện ở khả năng sáng tạo, tư duy logic, sẵn sàng thay đổi, và chấp nhận thử thách của các em.

Tuy vậy, quy trình tuyển sinh hiện hành của phần lớn các trường đại học của chúng ta thiếu khả năng để lựa chọn được các em có những phẩm chất trên mà chỉ lựa chọn sinh viên dựa trên điểm số. Do vậy, tôi khuyến nghị quy trình tuyển sinh của các trường đại học cần được thay đổi, nên bao gồm nhiều hoạt động đánh giá, tuyển chọn sinh viên như: Đơn ứng tuyển (application), bài kiểm tra năng lực (tương tự như SAT- Scholastic Assessment Test, ACT - American College Testing của Hoa Kỳ), và phỏng vấn.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế (giữa). Ảnh: P. Thành

Có hai trường trong Đại học Huế liên kết mạnh với các doanh nghiệp và có nhiều doanh nghiệp tìm đến với trường là Trường đại học Nông Lâm và Khoa học. Nếu nói sinh viên Huế yếu là không đúng vì thực tế tại Trường đại học Khoa học chúng tôi nhiều doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh đã tìm đến để tuyển dụng, đặc biệt là một số ngành như Công nghệ thông tin, Điện tử, Kiến trúc,... Như vậy sinh viên phải tốt thế nào doanh nghiệp mới về tuyển chứ. Việc đào tạo lại các kỹ năng theo tôi giờ không quan trọng nữa vì nhà trường đã  liên kết với doanh nghiệp để đưa việc giảng dạy các kỹ năng vào chương trình của trường nên hiện việc đào tạo lại cho sinh viên là rất ít. Như vậy khó khăn ở đây chính là môi trường tuyển dụng ở Huế vẫn chưa tốt. Rất mong muốn các nhà tuyển dụng hỗ trợ và cùng nhà trường để tạo việc làm cho các em tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Qua tuyển dụng, ông đánh giá thế nào về số lượng cũng như chất lượng hay ưu, khuyết điểm của sinh viên Huế. Theo ông muốn cải thiện khuyết điểm, vai trò nhà trường cần làm gì?

Đức Tân - tanducqt

Ông Hồ Phan Minh Đức, Phó Giám đốc điều hành (EVP) kiêm Giám đốc đào tạo trọn đời Tập đoàn Corèle International (Scavi + Corele V)

Tôi có cơ hội tham gia quá trình tuyển sinh viên cho Chương trình đào tạo nghề (Apprenticeship) của Tập đoàn chúng tôi, cũng như tham gia quá trình tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào làm việc trong Tập đoàn.

Từ việc đánh giá hồ sơ cho đến phỏng vấn các ứng viên và theo dõi công việc của các em sau khi gia nhập Tập đoàn, tôi quan sát và nhận thấy rằng sinh viên đại học của chúng ta nói chung, chứ không chỉ riêng sinh viên ở Huế có một số điểm yếu cần được cải thiện để các em có thể thành công trong sự nghiệp sau này. Phần lớn các em thiếu những kỹ năng thiết yếu cho công việc như: kỹ năng trình bày và thuyết trình; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm; kỹ năng lãnh đạo; tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Đại diện bộ phận tuyển sinh ĐH Huế giới thiệu thông tin ngành nghề năm 2019 cho thí sinh. Ảnh: Hữu Phúc

Trong môi trường quốc tế hiện nay, Tiếng Anh là một kỹ năng quan trọng để thành công trong công việc thì đa phần sinh viên yếu kỹ năng này. Ngoài ra, các em chưa chuẩn bị hoặc thiếu những phẩm chất cần thiết để giúp các em thành công trong công việc như: sự kiên trì, lòng can đảm, sự ham thích tìm hiểu, khả năng ứng phó với sự thay đổi. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp thường không hài lòng về các em và về chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng hiện nay.

Khi so sánh giữa sinh viên ở Huế và sinh viên ở các thành phố khác như TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy rằng, sinh viên Huế có một số ưu điểm tỏ ra trội hơn như sự kiên trì, chịu khó, cố gắng vươn lên, và ít đòi hỏi quyền lợi. Nhưng những đức tính này hình như không phải do quá trình đào tạo mà do đặc thù của con người Huế.

Vậy làm sao cải thiện những điểm yếu nêu trên? Về phía bản thân các em sinh viên, tôi cho rằng trong những năm tháng học ở trường đại học, các em cần thiết phải tự trang bị, rèn luyện cho mình các kỹ năng bằng cách tham gia các khóa đào tạo kỹ năng. Hiện nay có rất nhiều khóa học kỹ năng trực tuyến miễn phí hoặc với học phí khá thấp, rất hữu ích cho các em như Udemy, Skillshare, Highbrow, CreativeLive… mà các em rất dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, các em nên tham gia các câu lạc bộ ở trường để học tập, rèn luyện và phát triển các kỹ năng cần thiết.

Về phía các trường, việc huấn luyện kỹ năng cho các em ngay trong quá trình truyền đạt kiến thức là một vấn đề cần chú trọng đúng mức. Các em cần được các giảng viên rèn luyện và phát triển các kỹ năng thiết yếu như giải quyết vấn đề, tư duy phê phán, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm… ngay trên ghế giảng đường đại học để chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập vào thị trường lao động.

Năm ngoái với mức điểm sàn Bộ GD&ĐT quy định là 17 điểm, Trường ĐH Sư phạm chỉ tuyển được khoảng 500 sinh viên, năm nay ngưỡng điểm sàn cao hơn, liệu rằng thí sinh sẽ ngại chọn sư phạm và trở thành mối lo cho những năm tiếp theo?

Không Tên - khongtentuoi

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

Tôi thấy trong nước nói chung và ĐH Huế nói riêng, tuyển sinh nhóm ngành sư phạm, khoa học cơ bản, nông lâm ngư, nghệ thuật hiện đều gặp khó khăn.

Từng nhóm ngành đều có đề án tái cấu trúc ngành nghề để có phương án, chính sách hỗ trợ. Muốn tồn tại cần có sự hấp dẫn từ nhiều phía. Vấn đề con người phải giải quyết thận trọng. Giảng viên khối khoa học cơ bản cần năng động hơn và phải thích ứng, phải tái cấu trúc lại các bộ môn.

Tình nguyện viên hướng dẫn sinh viên làm thủ tục nhập học năm 2019. Ảnh: Hữu Phúc

Riêng nhóm ngành sư phạm, chúng ta kiên quyết điểm đầu vào cao, tại ĐH Huế, năm 2018 là 17 điểm, năm 2019 là 18 điểm.

Vấn đề còn lại là giải quyết đầu ra. Hiện, theo luật khối sư phạm có nhiều chính sách, nhất là chính sách lương bổng nhưng chưa có quyết sách cụ thể.

Hiện đang tập trung khối ngành tiểu học, mầm non khá nhiều nên chưa phù hợp.

Các trường sư phạm đang tập trung nâng chuẩn và khối sư phạm hiện không quá lo.

Các ngành khoa học cơ bản lâu nay bị các trường than khó tuyển sinh. Tại nhà trường thì sao?

Phú Đạt - dathue21

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Như các trường khoa học khác trong cả nước, năm nay khoa học cơ bản vẫn trong tình trạng khó khăn vì các em e ngại ra trường khó có việc làm.

Thí sinh làm hồ sơ nhập học tại Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế. Ảnh: Minh Tâm

Năm nay, Trường đại học Khoa học có sự thay đổi khác, hai năm trước, nếu ngành nào ít sinh viên thì trường không đào tạo, nhưng năm nay, toàn trường vẫn tiếp tục đào tạo các ngành khoa học cơ bản. Trường đã có những đơn đặt hàng về những ngành khoa học cơ bản nên xin khẳng định: Các em học ngành khoa học cơ bản ra sẽ có việc làm!

Có thông tin do ít người học nên sẽ sáp nhập một số khoa. Việc thí sinh ít đăng ký vào trường liệu có làm giảm thương hiệu đào tạo của đơn vị?

Đức Hạnh - hanhnguyenqui76

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Chúng tôi cũng trong lộ trình sáp nhập đó nhưng phải rất thận trọng vì khi sáp nhập thì chuyên môn sâu không có. Tuy nhiên, việc sáp nhập và mở rộng bộ môn chuyên môn là cần thiết để tạo ra tính năng động. Do đó, trường có đề xuất với Đại học Huế chưa thực hiện đề án sáp nhập khoa để trường có những chính sách đề xuất với Chính phủ, Nhà nước để có chính sách phù hợp. Khoa học cơ bản phải tồn tại vì không chỉ ở Việt Nam mà cảnh báo chung của thế giới là nếu không có nhân lực khoa học cơ bản thì rất nguy hiểm. Do đó khoa học cơ bản vẫn phải tồn tại và trường hiện vẫn đào tạo bình thường.

Huế có cả trường công và trường tư thục là ĐH Phú Xuân. Sự cạnh tranh về tuyển sinh giữa hai mô hình trường ĐH diễn ra như thế nào? Với các trường tư thục khác thì ra sao?

Minh Thảo - minhthao91

TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân

Phú Xuân là trường ĐH tư thục, đương nhiên phải có điểm khác biệt và phải là điểm mạnh khác biệt thì mới cạnh tranh được. Thế mạnh của Trường ĐH Phú Xuân đó là gắn kết doanh nghiệp và đảm bảo việc làm cho sinh viên. Với lợi thế có các lãnh đạo xuất thân từ doanh nghiệp, ngay từ năm 2018-2019 nhiều ngành nghề của trường, các doanh nghiệp đã nhận hết sinh viên ngay từ khi chưa ra trường.

TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (bên phải) trao đổi cùng thư ký tại buổi giao lưu. Ảnh: P. Thành

Hiện nay, lượng sinh viên học đại học của Việt Nam còn rất thấp ở mức 35%, thấp hơn nhiều so với chuẩn quốc tế và cả với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Có một thực tế rằng rất nhiều thí sinh “bị loại” tại Việt Nam nhưng lại thành công tại nước ngoài. Đó là do tâm lý đánh giá giáo dục đại học Việt Nam chỉ như một “cuộc đua” bằng điểm đầu vào, một số bạn sinh viên nhiều khi không dám chọn học theo đam mê vì ngành mình đam mê điểm thấp quá, sợ bị chê cười. Đó là vấn đề xã hội đáng suy nghĩ. Chúng tôi cũng hi vọng báo chí sẽ góp phần truyền thông đúng đắn đến các em và gia đình.

Đối với chúng tôi, việc có kết quả ở phổ thông có nhiều cách đánh giá. Để thu hút sinh viên, Trường Đại học Phú Xuân có rất nhiều học bổng dành cho sinh viên. Ví dụ, Trường Đại học Phú Xuân rất coi trọng thái độ và sự năng động cho sinh viên. Những người có thái độ tốt và năng động thường thành công hơn so với các sinh viên chỉ có điểm học tập tốt. Vì vậy Phú Xuân có học bổng rất lớn (lên tới 90% học phí) cho các thí sinh là cán bộ lớp, các học sinh có thành tích hoạt động tốt. 30% sinh viên nhập học Trường Đại học Phú Xuân năm nay đã từng là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, có thành tích trong hoạt động. Có thể nói Phú Xuân là trường có tỷ lệ sinh viên từng là cán bộ lớp thuộc hạng cao nhất trên toàn quốc.

Tình trạng một số thí sinh giỏi, trong đó nhiều em tại Trường THPT Chuyên Quốc Học ít chọn các ngành của ĐH Huế để học mà lại học xa tại các trường ngoại tỉnh theo PGS là vì sao?

Thanh Toàn - thanhhuetoan

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

Theo tôi, quyền học là của mỗi cá nhân nên các em giỏi có nhiều lựa chọn, đó là xu hướng tất yếu. Tại Hà Nội, hay Tp. Hồ Chí Minh có nhiều học bổng và có ngành học mới lạ nên có thể thu hút học sinh. Chúng ta phải chấp nhận xu thế cạnh tranh.

ĐH Huế phải giữ chất lượng, uy tín và thay đổi vấn đề đầu ra rõ ràng hơn nữa. Sinh viên cần phải chấp nhận hy sinh, vất vả. Ngoài ra cần tư vấn trực tiếp gắn doanh nghiệp với tuyển sinh.

Cán bộ Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế hỗ trợ thí sinhlàm thủ tục nhập học. Ảnh: Minh Tâm

Sắp tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao tương tác, công nghệ thông tin, tiến tới xu hướng tuyển sinh cả năm, tuyên truyền quảng bá nhận thí sinh trong cả năm.

Chúng tôi sẽ lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn và làm thế nào 10% sinh viên ĐH Huế sau khi ra trường được làm việc ở tốp cao.

Việc tuyển dụng hiện nay từ đơn vị của ông và những doanh nghiệp khác mà ông biết có sự ưu tiên vùng miền không?

Bảo Khánh - nguoiquangbinh

Ông Hồ Phan Minh Đức, Phó Giám đốc điều hành (EVP) kiêm Giám đốc đào tạo trọn đời Tập đoàn Corèle International (Scavi + Corele V)

Hiện nay, việc tuyển dụng tại công ty Scavi Huế dựa trên năng lực và sự phù hợp của ứng viên đối với vị trí công việc, chứ không có sự ưu tiên vùng miền. Tất cả các ứng viên nộp đơn ứng tuyển vào Scavi Huế đều phải trải qua các vòng tuyển chọn: đánh giá CV (Curriculum Vitae - đơn xin việc) phỏng vấn trực tiếp, và các bài kiểm tra năng lực để công ty chúng tôi lựa chọn ứng viên phù hợp.

Tuy nhiên, đối với các vị trí lao động phổ thông như công nhân may, chúng tôi ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, cũng như đảm bảo khả năng gắn bó lâu dài của người lao động.

ĐH Huế và các trường đã đưa ra nhiều giải pháp về tuyển sinh như đẩy mạnh tư vấn trực tuyến, quảng bá tuyển sinh qua facebook, kết hợp các trường phổ thông. Thời gian tới, cần thêm những giải pháp gì để tuyển sinh tốt hơn?

Minh Hoang - hoangminhhue

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

Trong 2 năm vừa rồi, chúng tôi tư vấn tuyển sinh tập trung vào đầu mối chung.

Việc quảng bá tuyển sinh chỉ một phần, việc định hướng cho sinh viên là vấn đề của cả gia đình và xã hội.

Toàn cảnh nhập học tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế. Ảnh: Hữu Phúc

Giải pháp của chúng tôi để tuyển sinh tốt hơn là vẫn tiếp tục giữ truyền thông, tìm học bổng cho nhiều ngành khác nhau; gắn doanh nghiệp vào công tác tuyển sinh; tiếp tục đưa ra chính sách cho nhóm ngành đặc thù. Những ngành đầu ra tốt vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng; hỗ trợ sinh viên trong vấn đề khởi nghiệp ngay khi ngồi trên ghế nhà trường; tư vấn, tuyển sinh trong cả năm chứ không theo mùa vụ….

Tiếp nhận một cơ sở giáo dục có học hiệu thấp, làm sao nhà trường có thể cạnh tranh chất lượng? ĐH tư thục và công lập có cách làm khác nhau về tuyển sinh, nhất là giải pháp quảng bá tuyển sinh, với Trường ĐH Phú Xuân, liệu có “lối đi riêng”?

Thanh Tâm - tamthanhthanh

TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân

Thực ra thì chương trình đào tạo, phương thức triển khai và chất lượng đào tạo của Trường Đại học Phú Xuân đã thay đổi rất nhiều và đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, Trường ĐH Phú Xuân mới cam kết việc làm cho sinh viên ra trường. Tuy nhiên, từ việc thực hiện đến nhìn nhận của phụ huynh và sinh viên sẽ có một khoảng cách. Việc này cần thời gian để có được sự tin tưởng của phụ huynh và sinh viên.

“Lối đi” của Trường Đại học Phú Xuân chính là tập trung vào giá trị cốt lõi dành cho người học, đó là lo được công ăn việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Thực tế kết quả tuyển sinh của Trường ĐH Phú Xuân có những bạn điểm khá cao từ 22-24 điểm, có nhiều bạn học trường chuyên cũng đã lựa chọn trường. Đó là những tín hiệu tích cực dành cho hành trình phát triển của Trường ĐH Phú Xuân.

Trường ĐH Khoa học có rất nhiều ngành, vậy hướng tập trung các ngành mũi nhọn mà thị trường lao động có nhu cầu như thế nào?

Lê Chung - plchungcv

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Nhà trường có gần 30 ngành, trong đó có một số ngành mũi nhọn: Công nghệ thông tin, Báo chí, Kiến trúc, Điện tử. Rõ ràng, do những ngành này có đầu ra tốt nên sinh viên mới vào nhiều.

Bên cạnh chú trọng đến chất lượng đào tạo thì đầu ra cho sinh viên rất quan trọng, do đó chúng tôi đã đưa nhu cầu của các nhà tuyển dụng vào chương trình giảng dạy để sinh viên ra trường là đáp ứng được ngay nhu cầu của xã hội. Ví dụ như ngành Công nghệ thông tin là ngành có số lượng sinh viên vào rất lớn. Tuy nhiên năm nay chúng tôi không tập trung nhiều vào số lượng để nâng cao chất lượng đầu vào, tạo môi trường ổn định cho thị trường lao động sau này.

Thời gian gần đây, Trường có ký kết đào tạo theo đơn hàng và đào tạo hướng về mảng CNTT. Dựa trên cơ sở nào đơn vị phát triển hướng đi này và “đầu ra” có đảm bảo hay không?

Bích Trâm - nguoixuhue89

TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân

Dựa trên phân tích về điểm mạnh của nguồn nhân lực ở Huế, chúng tôi định hướng chú trọng mảng ngành CNTT. Thực tế, ngành CNTT là ngành dựa trên nguồn nhân lực mà không cần thêm các điều kiện kinh tế-xã hội khác. Do đó rất phù hợp khi triển khai ở Huế.

Lớp chuyển nghề lập trình viên tại Trường ĐH Phú Xuân. Ảnh: Minh Tâm

Đáng mừng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp CNTT đã đổ về Huế để xây dựng và phát triển, từ đó “đầu ra” cho các SV mang ngành CNTT cũng được gia tăng. ĐH Phú Xuân trong năm 2019-2020 cam kết đảm bảo việc làm cho SV mảng ngành này, đương nhiên phải đảm bảo về mặt học thuật. Chúng tôi ước muốn Huế sẽ trở thành một trung tâm đào tạo CNTT cho cả nước.

Trong thời gian tới, Trường Đại học Phú Xuân cũng kết hợp các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới đến mở cơ sở tại Huế nhằm xây dựng một hệ sinh thái về CNTT. Mục đích làm sao có thể có được 10.000 nhân lực ngành CNTT tại Huế, từ đó các đơn vị đào tạo tại Huế về ngành CNTT cũng sẽ được hưởng lợi chung.

Một số ngành nghề hiện nay rất cạnh tranh về nhân sự, song đào tạo tại Huế chưa đáp ứng nguồn nhân lực về chất và lượng, theo ông lý do vì sao?

Như Quỳnh - nhuquynhtruong

Ông Hồ Phan Minh Đức, Phó Giám đốc điều hành (EVP) kiêm Giám đốc đào tạo trọn đời Tập đoàn Corèle International (Scavi + Corele V)

Nếu nhận định rằng đào tạo ở Huế chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực, cả về chất và lượng thì tôi cho rằng thiếu thuyết phục vì thiếu dữ liệu về vấn đề này.

Cá nhân tôi cho rằng, đây là vấn đề chung của hệ thống đào tạo của cả quốc gia, chứ không riêng gì của Huế. Các khảo sát về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được thực hiện bởi các tổ chức trong và ngoài nước trong những năm gần đây đều đánh giá rằng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay thấp so các nước lân cận.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm/10, xếp thứ 11/12 nước tham gia xếp hạng của tổ chức này. Bản báo cáo trong khuôn khổ Asia Programs của Trường chính trị Kennedy thuộc Đại học Harvard do tác giả Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thực hiện với tựa đề: “Giáo dục đại học – cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó” có nêu rằng các trường đại học Việt Nam chưa tạo ra được lực lượng lao động có trình độ như đòi hỏi của nền kinh tế Việt Nam. Các cuộc điều tra do các hiệp hội nghề thuộc Chính phủ thực hiện cho thấy khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam không tìm được việc làm đúng chuyên môn, một bằng chứng cho thấy sự thiếu liên kết nghiêm trọng giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường.

Bản báo cáo dẫn chứng trường hợp Hãng Intel tuyển nhân sự cho cơ sở sản xuất của họ ở Việt Nam, trong 2.000 sinh viên tốt nghiệp tham gia dự tuyển, chỉ có 40 ứng viên (tương đương 2%) đạt yêu cầu tuyển dụng. Intel xác nhận rằng đây là kết quả tệ nhất mà họ từng gặp ở các quốc gia mà họ đầu tư.  

Những số liệu trên đây cho chúng ta thấy rằng có một khoảng cách lớn giữa việc đào tạo ở các trường đại học Việt Nam và nhu cầu về nguồn nhân lực của thị trường. Các trường đại học Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến nhu cầu của xã hội. Các kiến thức và kỹ năng trang bị cho sinh viên trong các chương trình đào tạo ít phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của công việc hiện tại và tương lai vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động.

Một trong những giải pháp để cải thiện vấn đề trên là cần tăng cường tính liên kết trong hoạt động đào tạo giữa các Trường đại học, cộng đồng doanh nghiệp thông qua chương trình thực tập nghề/đào tạo nghề cho người học, với sự hỗ trợ của chính phủ bằng các chính sách phù hợp.

Chẳng hạn như, chính phủ Anh Quốc đã thực hiện chính sách thu thuế đào tạo nghề đối với các doanh nghiệp để đầu tư trở lại cho hoạt động thực tập nghề, đào tạo nghề cho người học. Cụ thể là Chính phủ Anh đánh thuế tất cả các nhà tuyển dụng trên toàn bộ lãnh thổ Vương quốc Anh để tạo nguồn ngân sách tài trợ cho học nghề theo hình thức thực tập nghề/đào tạo nghề. Việc đánh thuế này là bắt buộc, từ 4/2017, làm cơ sở cho những mục tiêu lớn hơn trong quá trình cải thiện kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng lao động: Các doanh nghiệp phải đóng thuế đào tạo nghề cho chính phủ, nhưng mỗi khi doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên vào thực tập nghề - đào tạo nghề thì doanh nghiệp sẽ được nhận lại lợi ích: doanh nghiệp nhận càng nhiều người học nghề thì càng có nhiều tài trợ từ chính phủ cho chương trình đào tạo nghề của mình.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đóng góp vào quá trình đào tạo bằng cách tham gia vào xây dựng bộ tiêu chuẩn về nghề nghiệp. Và các trường dựa vào bộ tiêu chuẩn này để tham khảo trong quá trình xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo. Những bộ tiêu chuẩn nghề này được soạn thảo bởi một Hội đồng (tạm gọi là Hội đồng nghề) bởi các doanh nghiệp, các trường lớn đề xuất.

Nhà trường có hướng giải quyết thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Minh Châu - chaunnhue

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Liên quan đến nâng cao chất lượng đào tạo thì có nhiều vấn đề là như cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy,… Cơ sở vật chất của trường chúng tôi khá tốt vì được nhà nước và nhiều doanh nghiệp hỗ trợ. Vì vậy nâng cao chất lượng đào tạo thì không chỉ trường ĐH Khoa học nói riêng mà nhiều trường đều phải có động thái đó, như phải cải tạo chương trình, cải thiện các kỹ năng cho các em để đáp ứng nhu cầu xã hội, như vậy mới thu hút các em được.

Theo ông, sinh viên Huế thời gian tới cần cải thiện những vấn đề gì? DN đã có sự tương tác trở lại như thế nào đối với đơn vị đào tạo về nâng cao chất lượng trong quá trình giảng dạy?

Trần Như Ý - svhueviet

Ông Hồ Phan Minh Đức, Phó Giám đốc điều hành (EVP) kiêm Giám đốc đào tạo trọn đời Tập đoàn Corèle International (Scavi + Corele V)

Tôi không chỉ đưa ra lời khuyên dành riêng cho sinh viên Huế mà cho sinh viên ở tất cả các vùng miền của đất nước. Mới đây, Tập đoàn tư vấn quản trị hàng đầu thế giới - Boston Consulting Group đã đưa ra bộ 16 kỹ năng thiết yếu rất quan trọng của Thế kỷ 21 mà mỗi người cần học tập và rèn luyện suốt cuộc đời để thành công. Bộ 16 kỹ năng này được chia thành 3 hạng mục chính:

Các kiến thức nền tảng (cần thiết cho công việc hàng ngày): khả năng đọc, viết; khả năng làm việc với các con số; kiến thức về khoa học; kiến thức về công nghệ thông tin và truyền thông; kiến thức về tài chính; kiến thức về văn hóa và con người.

Sinh viên tham gia phỏng vấn ứng tuyển tại ngày hội việc làm tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế. Ảnh: Minh Tâm

Các kỹ năng (liên quan đến việc xử lý vấn đề khó khăn): Tư duy phê phán, giải quyết vấn đề; sáng tạo; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm.

Các phẩm chất cá nhân (cần có trong môi trường thay đổi thường xuyên của thế kỷ 21): Sự ham thích tìm hiểu; khả năng chủ động, sáng kiến; Sự kiên trì; Khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới; Khả năng lãnh đạo; Nhận thức về sự tương đồng, khác biệt về văn hóa, xã hội.

Tôi khuyên các sinh viên, trong các năm học ở giảng đường đại học, bên cạnh việc học kiến thức chuyên môn (mà hãy học cho đàng hoàng, tới nơi tới chốn), các em cần phải học tập, rèn luyện các kỹ năng trên đây để chuẩn bị hành trang cho tương lai của mình. Ngoài ra, trong môi trường toàn cầu hóa, các em sinh viên cần phải trang bị cho mình kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh thật xuất sắc để các em tự tin giao tiếp, kết nối tốt với công động quốc tế.

Về phía các trường, tôi hy vọng rằng, lãnh đạo các trường đại học nên xem xét điều chỉnh chương trình đạo tạo, hoạt động đào tạo một cách thích hợp hơn. Trong những năm đầu, ví dụ trong 2 năm đầu, các trường chưa cần thiết phải giảng dạy cho các em về chuyên môn mà nên dành thời gian đó để giảng dạy cho sinh viên các môn học khác nhau liên quan đến việc hình thành những kiến thức nền tảng vững chắc cho các em tự tin bước vào đời sau khi tốt nghiệp, từ khoa học xã hội, nhân văn, nhân chủng học, văn hóa (kể cả sự đa dạng văn hóa), nghệ thuật, quản lý tài chính cho đến máy tính/công nghệ thông tin truyền thông, kỹ năng nói trước công chúng, tranh luận/biện luận…

Bên cạnh đó, việc lồng ghép huấn luyện kỹ năng, phẩm chất cho các em trong quá trình truyền đạt kiến thức cũng đóng vai trò quan trọng. Các em cần được học, rèn luyện và phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phê phán, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm… ngay trên ghế giảng đường đại học. Các em cần được trang bị đủ kỹ năng để có thể đương đầu với thực tiễn đầy thách thức của thị trường.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Sinh viên miền Trung có điểm yếu là sự nhút nhát, vì vậy phải đưa kỹ năng nói và thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, và Anh văn vào chương trình giảng dạy. Tôi nghĩ những kỹ năng đó các em phải cần trau dồi. Đặc biệt, các em phải có định hướng tương lai cho mình nên ngay từ ở trường phổ thông định hướng phải tốt để các em biết cái mình thích và chọn ngành phù hợp