Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Thay đổi nhỏ, lợi ích lớn

Mặc dù chuyển đổi số đang là xu thế, song tại Thừa Thiên Huế, với trên 98% DN nhỏ và siêu nhỏ, việc CĐS tương đối khó khăn. Có nhiều lý do, trong đó có vấn đề về tư duy, cách làm truyền thống. Ngoài ra, còn có một số lý do khác xuất phát từ khách quan. Nhằm tháo gỡ CĐS là vấn đề cấp bách hiện nay, Báo Thừa Thiên Huế Online tổ chức buổi GLTT với chủ đề: CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG DOANH NGHIỆP: THAY ĐỔI NHỎ, LỢI ÍCH LỚN.

Tham dự buổi GLTT có các khách mời:​

- Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông

- Nguyễn Đức Phú – Chánh VP Sở Khoa học Công nghệ

- Ông Phạm Văn Được – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

- Bà Hồ Sương Lan, CEO Cty TNHH Maries.

- Bà Nguyễn Thị An Nhàn, CEO Co-plus Nguyễn Thị An Nhàn

Phía Báo Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu:

- Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế;

- Ông Trương Diên Thống, Phó Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế.

Hiện nay, có bao nhiêu doanh nghiệp đã triển khai và chuyển đổi số thành công. So với các tỉnh thành khác, chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại Huế đang ở mức độ nào?

Duy Nguyễn - nguyenduy78

Ông Phạm Văn Được – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Ông Phạm Văn Được - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Ảnh: Phan Thành

Đến thời điểm cuối quý 3/2021, Thừa Thiên Huế có gần 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 90%. Hai năm qua, hoạt động của doanh nghiệp trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát kéo dài. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, làn sóng chuyển đối số trong doanh nghiệp để thích nghi với tình hình SXKD trong đại dịch trên địa bàn tỉnh lại được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Cộng đồng DN trong tỉnh đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, bằng cách áp dụng chuyển đổi số trong quản trị điều hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động SXKD có thể.

Mô hình kinh doanh trên môi trường mạng đã và đang được các DN tận dụng rất hiệu quả. Hình thức kinh doanh online ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm và có điều kiện thuận lợi đã thành công trong kinh doanh, nhưng cũng có doanh nghiệp còn mày mò do thiếu định hướng, thiếu sự chuẩn bị nền tảng số hóa nên cũng gặp khó khăn trong  kinh doanh.

Tuy chưa có cuộc khảo sát đầy đủ nhưng qua theo dõi tình hình chung, Hiệp hội nhận thấy đại bộ phận doanh nghiệp trong tỉnh, tùy cấp độ khác nhau, đều đã ít nhiều triển khai thực hiện chuyển đổi số để thích ứng với tình hình SXKD thời kinh tế số, cũng như để thích ứng với bối cảnh sống chung với dịch bệnh, với giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp đi tiên phong trong chuyển đối số ở Thừa Thiên Huế trước hết là các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp ngành dệt may, doanh nghiệp bưu chính viễn thông, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến thực phẩm...

Tuy vậy, để tìm một mô hình doanh nghiệp chuyển đổi số hoàn hảo, ứng dụng quản trị thông minh để thành công trong kinh doanh thì cũng chưa có nhiều, chỉ chiếm khoảng 5-10% số doanh nghiệp đang hoạt động. Ngoài một số doanh nghiệp khu vực FDI, các ngân hàng thương mại áp dụng chuyển đổi số khá thành công thì phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh đều mới có xu hướng đầu tư nâng cấp phần mềm và phần cứng công nghệ thông tin trong bối cảnh cần đáp ứng nhu cầu kinh doanh trong cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ để làm hài lòng khách hàng nên mới bắt đầu chuyển đổi số bằng ứng dụng các thành tựu của CM4.0 vào hoạt động quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp mình.

Trong 10 năm qua, Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ tin học vào các nội dung vận hành tổ chức và đã đạt được những kết quả đầu tiên. Gần đây, mặc dù gặp không ít những khó khăn nhưng chúng ta vẫn phát triển và được đánh giá là địa phương đi đầu về chuyển đổi số, luôn đứng top đầu so với các tỉnh thành trong nước. Tuy vậy, việc chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp còn ở mức trung bình so với doanh nghiệp các khu vực trong nước.

Hạ tầng công nghệ thông tin được xem là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp của anh/chị hiện đã đáp ứng được yêu cầu này hay chưa?

Đức Hạnh - hanhnguyenduc

Bà Hồ Sương Lan, CEO Cty TNHH Maries

Bà Hồ Sương Lan, CEO Cty TNHH Maries. Ảnh: Phan Thành

Vì tiền thân là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và thường xuyên giao tiếp với khách hàng qua các dịch vụ online, chúng tôi từ lâu đã xem hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố then chốt của quá trình hoạt động và vận hành doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong quá trình chuyển hướng doanh nghiệp để sản xuất và thương mại hàng thủ công mỹ nghệ, chúng tôi vẫn tiếp tục trang bị và hoàn thiện các trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp, kết nối và tương tác với khách hàng, cũng như cập nhật các ứng dụng mới và các sàn giao dịch thương mại điện tử đang là xu thế cho việc đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.

Doanh nghiệp của anh/chị thực hiện quá trình chuyển đổi số ra sao?

Minh Hải - nminhhai06

Bà Nguyễn Thị An Nhàn, CEO CoPLUS

Bà Nguyễn Thị An Nhàn, CEO CoPLUS. Ảnh: Phan Thành

CoPLUS bắt đầu triển khai số hóa từ năm 2018. Giai đoạn đó có thể khẳng định là quá trình thực hiện chủ yếu dựa theo bản năng và nhu cầu thực tế của công việc và khách hàng.

Đến giữa năm 2019, công ty thực sự nhìn nhận lại và bắt đầu có sự thay đổi. Ban điều hành công ty bắt đầu triển khai kế hoạch chuyển đổi số một lần nữa, khi cùng ngồi rà soát lại tình hình thực tế về nguồn lực nội bộ bao gồm các hạ tầng về dữ liệu, nhận thức của nhân sự, nguồn lực tài chính cũng như nhu cầu công việc thực tế cần đáp ứng để gia tăng hiệu quả quản lý, vận hành, đáp ứng nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng về dịch vụ của công ty.

Từ những gì đã trải qua trong suốt quá trình thực hiện chuyển đổi số cho CoPLUS, Nhàn nghĩ rằng nền tảng ban đầu và quan trọng nhất chính là 1 kế hoạch chi tiết, 1 chiến lược phù hợp, việc số hóa dữ liệu, có những con người phù hợp, nhận thức phù hợp và sẵn sàng 1 nguồn lực tài chính để nâng cấp công nghệ.

Trong quá trình chuyển đổi số, với DN chị, đâu là khó khăn lớn nhất?

Hoài Thanh - thanhhoai88

Bà Hồ Sương Lan, CEO Cty TNHH Maries

Lĩnh vực của doanh nghiệp chúng tôi là một lĩnh vực quá mới, trong khi lại sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống với số lượng sản phẩm rất lớn và rơi vào thời điểm chuyển đổi số.

Nhân viên công ty Maries kết nối khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: LM

Trong khi đó, các công ty tư vấn phần mềm chỉ hiểu về phần mềm của họ; cuối cùng, doanh nghiệp mua phần mềm về chỉ để “treo”, đa số chỉ dùng 10% hiệu quả.

Chúng tôi muốn làm sao để mã hoá toàn bộ sản phẩm mà doanh nghiệp thiết kế mỗi ngày. Khi bán hàng, làm sao để khách hàng nhận được các hình ảnh và kích thước của sản phẩm trong một thời gian nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh gọn và doanh nghiệp có thể kiểm tra sản phẩm mà không để xảy ra tình trạng thất thoát.

Bà Nguyễn Thị An Nhàn, CEO CoPLUS

Khi chuyển đổi số, doanh nghiệp có 2 xu hướng, xây dựng nền tảng bằng tài chính tự có, tìm kiếm nền tảng sẵn có và ứng dụng. Khó khăn trong việc tìm kiếm nền tảng là sự thích ứng giữa công cụ dự kiến và quy trình nội bộ.

Tại CoPLUS, vấn đề cũng được xem xét từ năm 2019 với việc tham khảo các chuyên gia. Nếu tự xây dựng nền tảng thì chi phí lớn, khá khó khăn đối với những doanh nghiệp nhỏ.

Kinh nghiệm của CoPLUS là nhìn nhận đâu là vấn đề cần ưu tiên nhất (3-5 vấn đề), sau đó tìm công nghệ phù hợp. Hiện tại, xu hướng phát triển về công nghệ rất mạnh mẽ. Do đó việc tìm kiếm công nghệ phù hợp không quá khó khăn, hoàn toàn có thể hiện thực hóa.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Sở có khảo sát đánh giá ở lĩnh vực này không?

Thế Thành - thethanh68

Nguyễn Kim Tùng – Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ

Ông Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ. Ảnh: Phan Thành

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp thực chất là hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) của một tổ chức, doanh nghiệp. Ví dụ, khi chúng ta thực hiện chuyển đổi số, ĐMST với công nghệ dệt hay công nghệ may thì cũng cần thực hiện các bước mua dây chuyền công nghệ, đổi mới quy trình công nghệ ở mức cao nhất của doanh nghiệp, cần thay đổi cả về quản lý, tổ chức, quy trình.

Tất cả các bước khi chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST cũng tương tự như khi thực hiện chuyển đổi số, từ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu công nghệ mới và chuyển đổi từ cơ cấu tổ chức, cách thức làm việc, quy trình quản lý, tạo ra những phương thức mới, sản phẩm mới

Công nghệ cho chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau là khác nhau, ở mức mức chuyển đổi số toàn diện là các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0 (AI, IoT, Blockchain, điện toán đám mây, 5G, AR, in 3D, phân tích dữ liệu lớn; thực tại ảo tăng cường (AR), thực tại ảo hỗn hợp MR,…).

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm ứng dụng công nghệ số. Ảnh: LM

Ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và thành công, đặc biệt trong giai đoạn thích ứng với tình trạng bình thường mới, đồng thời giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Ứng dụng công nghệ để số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp. Giúp kết nối, thu ngắn khoảng cách của các bộ phận trong doanh nghiệp; thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp; tối ưu năng suất làm việc của nhân viên; gia tăng chất lượng sản phẩm; nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Lợi ích lớn từ việc vận dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể kể đến đó là cắt giảm chi phí vận hành; tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian ngắn hơn; giúp tổng hợp báo cáo phân tích một cách nhanh chóng, chính xác hơn vấn đề được nghiên cứu, thúc đẩy lãnh đạo ra quyết định kịp thời; tối ưu hóa được năng suất chất lượng làm việc của nhân viên…

Thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện trong doanh nghiệp là cả một quá trình, chúng đặt ra các yêu cầu về cơ sở vật chất, công nghệ đồng bộ cho đến chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực. Tùy vào quy mô, mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp để lựa chọn các nền tảng công nghệ cho phù hợp.

Việc lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiệu quả sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Công nghệ quyết định 70% sự thành công của doanh nghiệp trong tất cả các bước chuyển đổi số doanh nghiệp. Nếu có công nghệ tốt, nguồn nhân lực tốt, tận dụng được công nghệ để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số thì đó là sự thành công lớn của doanh nghiệp.

Thời gian qua, ngành thông tin truyền thông đã hỗ trợ gì cho doanh nghiệp để chuyển đổi số?

Thùy Trang - trangtthue

Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông

Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông. Ảnh: Phan Thành

Đồng hành cùng chủ trương chung của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc triển khai Chuyển đổi số ở địa phương, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Về công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong lãnh đạo và người lao động trong doanh nghiệp, đây là vấn đề có vai trò rất quan trọng để doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh… hiểu rõ về chuyển đổi số. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, phóng sự liên quan tới các doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt với đặc thù là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; Phối hợp tổ chức, tham gia báo cáo tại các hội nghị, hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số.

Sở cũng đã tham mưu xây dựng ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2021. Ứng dụng này nhằm cung cấp hệ thống thông tin doanh nghiệp nhằm quảng bá được thông tin, hình ảnh, hoạt động và dịch vụ của doanh nghiệp có mặt trên thị trường internet; cung cấp hệ thống văn phòng điện tử trên nền tảng web, thực hiện số hóa cơ bản một số quy trình hoạt động của doanh nghiệp trên một nền tảng duy nhất, đảm bảo việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ trên giấy tờ truyền thống trở thành trải nghiệm số. Nghiên cứu và xây dựng các giải pháp kết nối, chia sẻ thông tin và hình ảnh doanh nghiệp trên các trang thông tin mạng xã hội.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu cùng lãnh đạo bộ Thông tin và Truyền thông ấn nút khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2021. Ảnh: LM​

Qua thời gian thí điểm, đến nay, cùng với sự ra đời của thẻ kiểm soát dịch bệnh được triển khai mã QR theo chuẩn quốc gia, hệ thống thông tin “tổ chức số” TCS được triển khai tại tên miền tcs.thuathienhue.gov.vn đã được triển khai rộng khắp cho các tổ chức doanh nghiệp, một phần hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch và hệ thống này cũng được định hướng phát triển các chức năng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Đồng thời sở cũng thực hiện vai trò dẫn dắt, đưa ra các bước dẫn nhập để giúp các chủ thể, doanh nghiệp… hiểu rõ và tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

COVID-19 là một cú hích đặc biệt buộc tất cả phải thay đổi cách sống và cách làm việc. Trong bối cảnh đó, ứng dụng kỹ thuật số là điều thiết yếu, là cách để doanh nghiệp “sống sót” trong điều kiện giãn cách, hạn chế tiếp xúc vật lý.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai các hoạt động hướng dẫn, chuyển giao cho các doanh nghiệp cũng như bà con nhân dân đưa các nông đặc sản của địa phương lên các sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn. Các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn của VNPT và Viettel sẽ có thể giúp các doanh nghiệp lớn nhỏ, hộ nông dân… quảng bá và bán hàng. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận rộng lớn với người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài.

Trên địa bàn tỉnh rất ít doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào kinh doanh? Tại sao họ lại không mặn mà với lĩnh vực này?

Văn Hiếu - vanhieu89

Nguyễn Kim Tùng – Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ

So với các tỉnh thành khác, doanh nghiệp ở Huế chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, do vậy nhiều rào cản xảy đến trong quá trình chuyển đổi số.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 5.437 doanh nghiệp đang hoạt động (tính đến ngày 31/12/2020), trong đó khoảng 1/3 doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt cho chuyển đổi số, tuy nhiên số doanh nghiệp còn lại vẫn đang hoạt động rất chậm chạp, rất mơ hồ về khái niệm “chuyển đổi số”; đặc biệt, với số lượng 4.620 là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 86,4% tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đây là lực lượng đang đối mặt với nhiều rào cản để có thể tham gia vào quá trình chuyển đổi số (kỹ năng số, nền tảng CNTT, tư duy kỹ thuật số…).

Các sản phẩm thủ công truyền thống Huế được doanh nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: LM

Thực tế các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện nay không biết bắt đầu từ chuyển đổi số từ đâu. Áp lực của các doanh nghiệp này bên cạnh việc giới hạn về nhân sự, trình độ, vốn đầu tư…, để hình thành được kỹ năng hội nhập với chuyển đổi số đang cần sự quan tâm, hướng dẫn cụ thể hơn nữa, gắn với từng doanh nghiệp để thực hiện.

Bên cạnh việc xem xét lại mức độ sẵn sàng, sự thích ứng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc chuyển đổi số, tiếp cận với công nghệ 4.0, chuyển đổi số không còn giới hạn trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Về phía Sở KHCN, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (trong đó có công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ, công nghệ số); xây dựng đề án “Cố đô khởi nghiệp” và một loạt các chính sách để tạo môi trường tốt nhất hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử.

Doanh nghiệp không quan tâm đến việc số hóa nghĩa là điều ấy chưa mang lại lợi ích cho họ. Vậy căn nguyên thực trạng này từ đâu?

Nguyễn Quang Minh - nqminh90

Bà Nguyễn Thị An Nhàn, CEO CoPLUS

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội thảo hỗ trợ các doanh nghiệp. Ảnh: LM

Quan trọng nhất, nếu doanh nghiệp vận hành mô hình kinh doanh truyền thống vẫn đang hiệu quả, dĩ nhiên doanh nghiệp sẽ chưa có động lực cải tiến, chưa kể các tác lực cạnh tranh trong thị trường không thực sự mạnh mẽ để có thể thúc đẩy các yếu tố cải tiến.

Đa số doanh nghiệp Huế có quy mô rất nhỏ, như kiểu mô hình kinh doanh gia đình, về mặt quản trị thì không chịu áp lực lớn về chi phí vận hành nên cũng không nhất thiết phải cải tiến. Phần còn lại, có lẽ là chưa nhận thức đủ rõ và có tư duy về chuyển đổi số.

Bà Hồ Sương Lan, CEO Cty TNHH Maries

Theo tôi, quan trọng nhất là cần có người dẫn dắt tiên phong, người chia sẻ, những người đã trải nghiệm dùng.

Các công ty sản xuất phần mềm CĐS hãy để khách hành của họ, những người đã sử dụng sản phẩm của mình và đã thành công chia sẻ, điều đó sẽ có tính khách quan hơn. Khi đó sẽ hình thành một hệ sinh thái về CĐS.

Ông Phạm Văn Được – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Trước hết là do nhận thức người đứng đầu chưa thấu đáo. Vấn đề là chuyển biến nhận thức như thế nào mà thôi. Ngoài ra, doanh nghiệp thiếu một số điều kiện về con người, hạ tầng, tài chính.

Vai trò các cơ quan quản lý thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số thành công cũng rất quan trọng.

Đối chiếu với thực tiễn tại doanh nghiệp, anh/chị cần hỗ trợ gì để chuyển đổi số thành công

Nguyễn Đình Quý - quynguyentt

Bà Hồ Sương Lan, CEO Cty TNHH Maries

Nhìn nhận tình hình thực tế trong DN, điều mà chúng tôi thấy quan ngại nhất là đội ngũ nhân sự mới cần có được sự hỗ trợ đào tạo để có thể hỗ trợ tốt cho các chủ doanh nghiệp, chia sẻ những công việc và cập nhật các ứng dụng, những tiện ích mà các phần mềm ứng dụng mới mang đến, cũng như cập nhật xu hướng mới của thế giới. Chúng tôi cần sự đào tạo liên tục, thường xuyên dành cho các đội ngũ cốt cán của các DN vừa và nhỏ. CĐS là vấn đề sống còn của DN, không chỉ là vai trò của chính chủ DN, mà CĐS cần được truyền thông mạnh mẽ và nhất quán đến mỗi nhân sự của DN để cùng nhau thích ứng. CĐS là một quá trình, chứ không phải là một bước để có thể nói là làm thì sẽ thành công. Điều này cần được hỗ trợ, đào tạo, nâng cấp và cập nhật liên tục để mỗi DN, tùy theo quy mô và nhu cầu để lựa chọn bước nào ưu tiên trước. Tôi tin đây là cơ hội, nếu DN nào sẵn sàng thích ứng và thay đổi sớm thì sẽ có nhiều bước phát triển đột phá, đi nhanh hơn, và có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.

Ứng dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp Huế. Ảnh: LM

Dịch COVID-19 bùng phát càng cho thấy rõ tầm quan trọng của quá trình CĐS. Vậy thời điểm nào, tất cả các DN Huế sẽ CĐS thành công. Tôi nghĩ CĐS trước tiên phải được cụ thể hóa dựa theo các ngành nghề khách nhau. Cơ quan Nhà nước càng truyền thông chi tiết, càng khiến các DN thực sự quan tâm và thấy rõ hình ảnh của mình trong đó, bởi mỗi phân khúc ngành nghề sẽ có những quy trình chuyển đổi lần lượt khác nhau. Còn về cơ bản tôi tin là DN nào cũng đã có sẵn cơ sở hạ tầng để có thể thích ứng và sẵn sàng chuyển đổi. Tôi không thể dự đoán được khi nào sẽ xong, bởi tôi tin nó sẽ không có kết thúc, nhưng quan trọng nhất là thời điểm bắt đầu và quyết tâm đổi mới từ từ.

Chúng tôi rất mong muốn là các hội thảo về CĐS sẽ được mở rộng cho các cán bộ chủ chốt của DN, để họ hiểu được tâm tư của chủ doanh nghiệp, mang lợi ích về cho doanh nghiệp và bản thân họ cũng chính là những người thực hiện.

Sau quá trình chuyển đổi số, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ra sao? Sự khác biệt nào thể hiện rõ nhất?

Duy Lâm - lamduynguyen86

Bà Nguyễn Thị An Nhàn, CEO CoPLUS

Việc làm việc và quản lý dữ liệu trên một hệ thống giúp tiết kiệm nhiều thời gian giao tiếp, đó có lẽ là lợi ích lớn nhất mà công ty đo lường được cho đến thời điểm này. Ngoài ra, việc tương tác chia sẻ dữ liệu trên hệ thống cũng được khách hàng đánh giá cao và bày tỏ sự hài lòng. Việc tương tác và chia sẻ dữ liệu online cũng giúp hạn chế việc sử dụng giấy tờ trong công việc.

So với các tỉnh thành khác, doanh nghiệp ở Huế chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ. Rào cản xảy đến trong quá trình chuyển đổi số phần lớn là tiềm lực. Điều này có đúng không và giải pháp nào giúp khắc phục rào cản này?

Lê Văn Hoàng - hoangvanletth

Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông

Số hoá có 3 mức độ: Số hoá dữ liệu, số hoá quy trình và số hoá về tổ chức.

Số hoá dữ liệu là bước đầu tiên, dữ liệu đầu vào được xem như “máu của doanh nghiệp”, để ứng dụng CNTT được vận hành thông suốt. Dữ liệu được xem như tài sản, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, số hoá dữ liệu là việc rất quan trọng. Khi dữ liệu đi kèm với những ý tưởng sáng tạo, sẽ tạo ra những giá trị riêng biệt.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu cùng lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp nghe giới thiệu các sản phẩm ứng dụng số. Ảnh: LM

Về vấn đề tiềm lực là rào cản, thực tế chứng minh là các DN có tiềm lực lớn lại rất chậm chuyển đổi số, trong khi các DN vừa và nhỏ lại rất tích cực với bước chuyển đổi này. Với các DN này, có thể hạn chế về tiềm lực tài chính, nhưng họ sẽ tận dụng tiềm lực về sự sáng tạo, năng động…

Tiềm lực có thể là một hạn chế, nhưng để khắc phục hạn chế này, cần phải ứng dụng kỹ thuật công nghệ. Với vai trò kiến tạo của nhà nước, điều quan trọng là doanh nghiệp phải nhận ra cơ hội, nắm bắt cơ hội để thành công.

Bà Nguyễn Thị An Nhàn, CEO CoPLUS

Nói rằng rào cản phần lớn là tiềm lực chỉ là ở góc nhìn một chiều. Định nghĩa về tiềm lực bao hàm khá nhiều yếu tố, bao gồm con người, tài chính... Chung quy lại, tất cả sẽ tùy thuộc vào câu chuyện bạn muốn cái gì, nguồn lực đang có là gì.

Ở CoPLUS, công ty đã trăn trở câu chuyện này từ năm 2019 song vẫn còn nhiều hạn chế. Về sau này, vào năm 2020, khi nguồn lực tốt hơn, công ty tích lũy, cân nhắc làm việc với nhiều chuyên gia để lựa chọn các công cụ phù hợp. Đây được xem là quá trình dài hơi, thực hiện từng bước để đạt được thành công.

Bà Hồ Sương Lan, CEO Cty TNHH Maries

Trước tiên, đó là rào cản về nhận thức. Đối với bản thân DN của chúng tôi, tôi nghĩ đó là một cơ hội, là 1 kênh đầu tư có hiệu quả;  tuy nhiên, điều đó cần sự hỗ trợ.

Thứ hai, trong các nền tảng số hoá, chúng tôi đã chọn kênh Facebook, vì nó đơn giản nhất và có lượng người dùng ở Việt Nam nhiều nhất. Và chúng tôi cũng đã tạo các gian hàng trên các sàn TMĐT trong nước, như là Shopee, Lazada, Tiki, và hướng đến các sàn TMĐT quốc tế, như Amazon, Etsy... nền tảng nào thích ứng với tiềm lực của DN thì sẽ được chọn trước. Chúng tôi sẽ chọn những nền tảng ít chi phí nhất.

Cuối cùng là nhân sự, 99% nhân sự ở DN chúng tôi là nữ. Bản thân nữ làm CNTT rất khó khăn. Nhưng dù sao chúng tôi cũng đã cố gắng và đã gặt hái được những thành quả ban đầu; chính vì thế, chúng tôi đang đi tiếp.

Hiện, Tỉnh hoặc Sở KHCN có chương trình hay đề án nghiên cứu, hoạt động gì liên quan đến chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh hay không?

Xuân Kiên - nguyenken90

Nguyễn Kim Tùng – Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ

Giới thiệu các ứng dụng công nghệ số cho khách hàng tại Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2021. Ảnh: LM

Hiện tỉnh đang có 2 chương trình lớn để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đó là Nghị quyết 21 về đổi mới sáng tạo và Nghị quyết 22 hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết 21 đang có khoảng 12 doanh nghiệp hưởng lợi, Nghị quyết 22 có 40 doanh nghiệp hưởng lợi.

Sở cũng có nhiều chương trình hỗ trợ giúp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, ví dụ như ứng dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất nước mắm tại các địa phương vùng biển.

Việc chuyển đổi số rất cần thiết trong giai đoạn này đối với doanh nghiệp. Hiện còn khá nhiều rào cản, ví dụ như hạn chế về nguồn lực bán hàng, sản phẩm cam Nam Đông là một điển hình.

Theo ông, đâu là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công?

Xuân Thịnh - lnxuanthinh

Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông

Theo tôi, để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thì nhận thức của người đứng đầu (chủ doanh nghiệp) rất quan trọng.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp đến thời điểm này cũng đã diễn ra một cách sâu rộng. Tuy nhiên chuyển đổi số là một khái niệm khá mới, cần sự nhận thức một cách sâu sắc, đặc biệt là từ người đứng đầu (chủ doanh nghiệp). Từ nhận thức sẽ dẫn đến hành động, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tiến trình chuyển đổi số bên cạnh sự hỗ trợ, đi đầu, kiến tạo của chính quyền. 

Ý kiến cá nhân của anh/chị như thế nào về quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại Huế. Muốn tiến nhanh, cần những giải pháp gì?

Gia Bảo - baogiahuenguyen

Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông

Theo tìm hiểu và khảo sát, chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy sự thay đổi nhận thức một cách tích cực về công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt, liên hệ trực tiếp với Sở Thông tin và Truyền thông để tìm hiểu các mô hình, chính sách cũng như những hỗ trợ bước đầu trong chuyển đổi số. Theo tôi nhận thấy đây đã là một trong những thành công bước đầu trong công tác truyền thông.

Mặc dù vậy, cũng không ít doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nhạy bén hoặc còn trông chờ vào sự hỗ trợ, các chính sách từ chính quyền trong chuyển đổi số.

Về giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế nói riêng, chúng tôi cho rằng yếu tố quyết định vẫn là người đứng đầu. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chuyển đối số trong thời đại 4.0 sẽ thúc đẩy được chuyển đổi số nhanh hơn và mạnh hơn. Mặc khác, tiềm lực quy mô của doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển đổi số, vì vậy doanh nghiệp cần chọn cho mình những bước đi phù hợp để không bỏ lại phía sau trong thời đại số.

Ông Phạm Văn Được – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Doanh nghiệp Huế ngại tham gia vào các sàn thương mại điện tử tầm quốc tế, do vậy cần bắt đầu bằng những sân chơi vừa tầm. Chúng tôi đang tiến tới thành lập một sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp, điều đó phần nào giải quyết được bài toán tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua.

Chúng ta cần tuyên truyền nhận thức, tạo sân chơi chuyển đổi số, tạo ra nhiều mô hình hay để có điều kiện đóng góp ý kiến để có quá trình chuyển đổi số thuận lợi hơn.

Khách mời chụp ảnh lưu niệm sau chương trình giao lưu. Ảnh: Phan Thành

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương trình giao lưu trực tuyến đến đây xin kết thúc, những câu hỏi gửi đến sau chúng tôi sẽ chuyển đến khách mời để trả lời cho bạn đọc.

Xin cảm ơn bạn đọc đã theo dõi và tương tác.