“Đảm bảo cho mọi người dân đều có lương hưu”

Tham gia BHXHTN, lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định, sẽ được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm cuộc sống khi về già. Trên thực tế sau một thời gian triển khai, tính tới 30/6/2019, mới chỉ có hơn 5.000 người tham gia, chiếm gần 72% kế hoạch đề ra. Điều này chứng tỏ ít người lao động thực sự quan tâm và tham gia loại hình bảo hiểm này. Nếu thực trạng này kéo dài sẽ tạo gánh nặng lớn cho các chính sách an sinh xã hội, bởi hàng trăm nghìn người lao động đến tuổi về hưu mà không có lương hưu.

Báo Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đảm bảo cho mọi người dân đều có lương hưu” từ 7h30 – 9h30 sáng thứ ba 23/7/2019.

Khách mời gồm có:

- Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh.

- Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động TB&XH.

- Ông Phạm Hồng Hải, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh.

- Chị Phạm Thị Thanh Sơn, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Lương (TX. Hương Thủy).

- Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy,  người tham gia BHXHTN.

Kính mời bạn đọc đặt câu hỏi cho các vị khách mời từ bây giờ:

Thưa ông, chính sách BHXH tự nguyện đã được triển khai thực hiện hơn 10 năm, tuy nhiên đến nay còn nhiều người dân vẫn chưa thực sự hiểu, chưa thực sự tin tưởng vào giá trị của BHXH tự nguyện. Vậy ông có thể cho biết BHXH tự nguyện là gì? Khi tham gia BHXH tự nguyện thì người dân được hưởng quyền lợi như thế nào?

Trần Thiện Tư - tutran

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh. Ảnh: Võ Nhân

Dù được triển khai từ rất sớm, nhưng do điều kiện KT – XH chưa đảm bảo và đến năm 1996, Luật BHXH chính thức được Quốc hội thông qua. Loại hình BHXH tự nguyện là loại hình hết sức mới, dành cho các đối tượng không bắt buộc tham gia BHXH.

Thế nhưng, khi có chính sách BHXH tự nguyện, một số cơ quan tổ chức, người dân chưa hiểu đầy đủ. Từ chỗ chưa hiểu nên chưa tin tưởng trong quá trình tiếp cận các chính sách. Vì thế, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Từ năm 2018, khi Trung ương ban hành Nghị quyết 28 về cải cách BHXH, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức được quan tâm đặc biệt. Ngành BHXH và toàn hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, có giải pháp tuyên truyền, giải thích, làm cho người dân, nhóm đối tượng không tham gia BHXH nhận thức đầy đủ.

Đến thời điểm này, việc tổ chức tuyên truyền sẽ dần dần lan tỏa, tin tưởng và trong tương lai sẽ tham gia nhiều hơn. Hai năm trở lại đây, trên toàn tỉnh có khoảng 5.000 người tham gia hình thức BHXH tự nguyện.

Người dân tham gia BHXH tự nguyện, được hưởng hai chế độ: hưu trí và tuất. Có thể đăng ký với các mức đóng khác nhau.

Mức đóng thấp nhất bằng bằng 22% mức chuẩn nghèo nông thôn (700.000 đồng), 22% của 20 lần mức lương cơ sở (29.800.000 đồng). Nhà nước hỗ trợ 30% đối tượng nghèo, 25% cận nghèo, 10% với đối tượng khác trên mức lương chuẩn nghèo trong vòng 10 năm.

Mức đóng tối thiểu đối với người tham gia BHXH tự nguyện là bao nhiêu? Điều kiện để một người tham gia BHXH tự nguyện nhận được hưu trí là như thế nào?

Hồ Thị Xuân Lan - xuanlan1982

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Về mức đóng BHXH tối thiểu tôi đã trao đổi, đó là bằng 22% x 700.000 đồng.

Hiện nay có nhiều phương thức đóng: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng; riêng 2 năm, 3 năm, 5 năm… sẽ được chiết khấu, giảm phần chi phí đóng. Hoặc đóng cho những năm đang còn thiếu do chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu nhưng không quá 10 năm.

Cán bộ BHXH tỉnh giải quyết tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thắc mắc của người dân tại BHXH tỉnh. Ảnh: Lê Thọ

Tổng thời gian, tối thiểu 20 năm sẽ được giải quyết chế độ hưu trí. Điều kiện để nhận chế độ hưu trí, nếu đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ. Trong đó, bao gồm cả thời gian đóng BHXH tự nguyện hoặc bao gồm thêm BHXH bắt buộc.

Trong quá trình tham gia, người lao động có nhu cầu không đóng tiếp sẽ được trợ cấp một lần. Ngoài ra, có các trường hợp thanh toán ngay: bệnh hiểm nghèo, định cư nước ngoài…

Khi hưởng chế độ hưu trí, sẽ bao gồm lương hưu và BHYT. Qúa trình hưởng, mức tiền lương cơ sở tăng thì lương hưu sẽ tăng theo. Khi qua đời hưởng thêm tiền tuất và mai táng kèm theo.

Tình hình lao động tự do ở Thừa Thiên Huế hiện nay như thế nào và việc phối hợp tuyên truyền tham gia BHTN ở đơn vị tiến hành ra sao?

Hồ Hữu Thiên - thienho

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động TB&XH

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động TB&XH. Ảnh: Võ Nhân

Hiện toàn tỉnh có 583.000 người có việc làm và hợp đồng lao động; trong đó, làm việc trong các doanh nghiệp khoảng 95.000 lao động, trong các cơ quan Nhà nước khoảng 50.000 người và 428.000 lao động phi kết cấu, không đóng bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, theo quy định, lao động đủ 18 tuổi trở khi làm việc tại các doanh nghiệp từ 1 tháng trở lên đều phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Có thể nói, quy mô doanh nghiệp ở Huế rất nhỏ nên việc chấp hành các quy định Nhà nước nói chung và bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện vẫn chưa tốt.

Vì thế, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền cho người lao động các chính sách; trong đó, có bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện. Đồng thời tham mưu nhiều văn quyết định, văn bản để tăng cường tuyên truyền các chính sách, bảo hiểm để phát triển nhanh; trong đó, bảo hiểm xã hội và y tế là hai trụ cốt quan trọng.

Lao động tự do có thể tham gia BHXHTN để đảm bảo lương hưu về sau. Trong ảnh: Ngư dân thả lưới trên biển ở huyện Phú Lộc. Ảnh: M. Lê

Hiện, số lượng lao động phi kết cấu vẫn còn rất nhiều, điều này thể hiện kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào cá thể là chủ yếu, người lao động làm việc trong môi trường không ổn định.

Do đó, những giải pháp được đưa ra là công tác tuyên truyền các chính sách của bảo hiểm xã hội, làm cho người dân biết lợi ích của bảo hiểm tự nguyện.

Hiện nay, bảo hiểm xã hội tự nguyện có hai chính sách lương hưu và tử túc. Hiện, để đóng bảo hiểm xã hội có lương hưu phải mất 20 năm, nhiều người chưa giải quyết được nhu cầu của cuộc sống trước mắt nên không đủ thu nhập để đóng bảo hiểm. Do đó, xây dựng chính sách bảo hiểm linh hoạt, đa dạng là giải pháp cần được đặt ra.

Vì sao chị tham gia BHTN, những thành viên trong gia đình chị thì sao?

Phạm Bảo Đạt - datbao

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, người tham gia BHXHTN

Ngoại trừ hai cháu nhỏ, các thành viên trong gia đình tôi đều đóng bảo hiểm bắt buộc. Đây là loại hình bảo hiểm rất tốt. Tuy nhiên, sau khi chuyển việc và ra ngoài làm, tôi quay lại bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tôi rất yên tâm với loại hình bảo hiểm này.

Trước đây, khoản bảo hiểm tôi đóng rơi vào khoảng hơn 1 triệu đồng/ tháng. Việc đóng hàng tháng này rất bất tiện vì dễ quên, các nhân viên bưu điện phải thường xuyên nhắc nhở. Sau này, nhờ sự hướng dẫn của nhân viên bưu điên, tôi chuyển sang đóng theo từng quý, hoặc từng năm. Hình thức này thuận tiện hơn, giúp tôi giải quyết các bất tiện trước đó.

Nhận thức của chị về lợi ích khi tham gia BHXHTN? Chị nhận thấy việc tuyên truyền có đến được đúng đối tượng và phát huy hiệu quả thực sự?

Lê Phạm Bảo Hóa - lebaohoa134

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, người tham gia BHXHTN

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy,  người tham gia BHXHTN. Ảnh: Võ Nhân

Nếu chúng ta quảng bá rộng rãi, tất cả người lao động chắc chắn sẽ mua bảo hiểm tự nguyện. Trên cương vị là người đi trước, tôi cũng đã giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp. Là người tham gia nhiều loại hình bảo hiểm... song tôi cho rằng bảo hiểm xã hội vẫn là loại hình bảo hiểm an tâm hơn vì đây là chủ trương, chính sách của Nhà nước. Do đó, nếu việc quảng bá rộng rãi được triển khai, nhiều khả năng người lao động sẽ mua.

Ông nhận xét như thế nào về việc triển khai mô hình phối hợp giữa Bưu điện và BHXH?

Lê Thị Thu Hằng - hangle345

Ông Phạm Hồng Hải, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh

Ông Phạm Hồng Hải, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh. Ảnh: Võ Nhân

Nói đến “lương hưu”, người dân đầu tiên sẽ nghĩ đến BHXH - cơ quan quản lý BHXH của Nhà nước, và tiếp đến sẽ nghĩ đến Bưu điện vì Bưu điện đã thực hiện việc chi trả lương hưu từ năm 2013, nên người dân cũng nhìn nhận Bưu điện như một cơ quan phối hợp triển khai các chính sách liên quan đến việc chi trả BHXH. Do vậy triển khai mô hình phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội và Bưu điện là rất hợp lý.

Bưu điện có mạng điểm 172 điểm phục vụ/152 xã phường và có mạng lưới nhân viên hoạt động đến thôn xã; lực lượng nhân viên có 603 người và trên 300 cộng tác viên, tuyên truyền viên lực lượng này luôn cơ động và hiểu biết địa bàn, đến từng hộ dân.

Bưu điện thường tổ chức các hội nghị tuyên truyền vào ban đêm, ngày thứ bảy, chủ nhật để tạo điều kiện cho người dân là lao động tự do có điều kiện tham gia hội nghị. Giao qua kênh bưu điện, BHXH có thời gian hơn để thực hiện công tác quản lý, giám sát và hỗ trợ.

Nhân viên Bưu điện tư vấn chính sách sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Q. Thiều

Bưu điện là một kênh truyên truyền về BHXH được nhà nước giao nhiệm vụ. Ngoài việc ra quân tuyên truyền cổ động, tuyên truyền qua hợp tác xã, các kênh kinh tế phi kết cấu, thì có một lực lượng lớn người dân lao động tự do khó tiếp cận hơn. Trong thời gian gần đây, Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra mắt kênh tuyên truyền qua mạng xã hội. Đây được coi là một phương thức rất phù hợp vì có thể tiếp cận được các đối tượng là người lao động tự do, nhất là người trẻ, thông qua các hình thức hỏi đáp - tư vấn trực tiếp, được phản hồi nhanh chóng... Do đó, hiệu quả mang lại khá cao. 

Có ý kiến cho rằng hưu trí bị thị thiệt thòi qua những đợt tăng lương. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Lê Văn Cường - cuongle

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động TB&XH

Ý kiến này hoàn toàn không đúng. Hiện mức hưởng lương hưu vẫn ở mức cao nhất theo quy định.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 10/2019/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2019 hướng dẫn mức điều chỉnh lương kể từ 1/7/2019. Theo đó, mức tăng lương hưu tăng 7,19% so với mức cao hưu trước đó. Mức tăng này bằng với mức tăng lương của các cán bộ làm việc trong các cơ quan Nhà nước.

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh:

Ý kiến của dư luận trên là không có cơ sở. Bởi mức tăng lương hưu bằng với mức tăng của cán bộ, công nhân viên Nhà nước. Quay ngược lại thời gian ở những lần điều chỉnh tăng lương trước, mức tăng lương hưu cũng bằng mức tăng của cán bộ, công nhân viên nhà nước.

Tình hình thu gặp khó khăn ở địa phương chị như thế nào và đã xử lý ra sao?

Nguyễn Đăng Bảo - baonguyen

Chị Phạm Thị Thanh Sơn, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Lương (TX. Hương Thủy)

Tình hình thu BHXHTN ở địa phương của chúng tôi thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Ở phường Thủy Lương (T.X Hương Thủy), đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, lao động chủ yếu dựa vào nông nghiệp, số còn lại là tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao so với toàn thị xã 3,9%, nhận thức của người dân cũng còn thấp.

Nhiều lao động thời vụ vẫn chưa quan tâm đóng BHXH tự nguyện. Ảnh: L.Thọ

Từ thực trạng trên, tôi nghĩ nếu không vào cuộc để đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXHTN thì cuộc sống của người dân vẫn không thoát ra khỏi cảnh nghèo khó và trở thành một gánh nặng cho Đảng, nhà nước và địa phương khi về già. Chính vì vậy, tôi đã vận động người dân tham gia BHXHTN để đảm bảo an sinh xã hội, với mức lương hưu tối thiểu 700.000đ/tháng và mỗi tháng chỉ đóng 138.200 đồng/tháng/người. Như vậy mỗi ngày tiết kiệm khoảng 5.000 đồng là có thể tham gia được. Sau khi nghe chia sẻ và phân tích rõ quyền lợi khi tham gia BHXNTN, đã có hơn 20 người tham gia trong năm 2018.

Thời gian tới với trách nhiệm của mình, tôi sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền vận động để số người lao động tham gia BHXHTN ngày càng tăng lên, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng phường Thủy Lương ngày càng phát triển hơn.

Tôi đề nghị thời gian tới để thu hút người lao động tham gia ngày càng nhiều hơn, cần thực hiện một số cách làm sau:

Thứ nhất: Tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên ở cơ sở.

Thứ hai: Tổ chức các lớp hội thảo tại cơ sở và có các hoạt động như hỏi đáp tặng quá để khuyến khích người lao động tham gia.

Thứ ba: Có các chính sách ưu đãi như các loại hình Bảo hiểm nhân thọ khác.

Cách thức đóng ở địa phương tôi là theo quý, hoặc 6 tháng đóng một lần, và đôi khi chị em chưa có tiền đóng thì chi hội trưởng có thể cho mượn để đóng. Đây là một cách làm hay để khuyến khích mọi người tham gia.

Là cán bộ phụ trách công tác BHXHTN, ông (bà) đánh giá như thế nào về tình hình tham gia BHXHTN của người dân?

Nguyễn Văn Tiến Thụy - thuynguyen

Chị Phạm Thị Thanh Sơn, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Lương (TX. Hương Thủy)

Chị Phạm Thị Thanh Sơn, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Lương, TX. Hương Thủy (giữa). Ảnh: Võ Nhân

Theo tôi, hiện nay đời sống của người dân ngày càng ổn định và có chiều hướng khá lên, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Tôi đơn cử như tình hình người dân tham gia BHYT trước đây tỷ lệ thấp do người dân chưa hiểu rõ quyền lợi thiết thực. Vì vậy chúng tôi phải thông qua tuyên truyền vận động và thực tế có nhiều người được hưởng lợi từ BHYT khi phải chữa trị tại bệnh viện, nếu không có BHYT thì người dân phải đóng số tiền rất lớn ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, thậm chí rơi vào khủng hoảng kinh tế. Từ đó, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và người dân đã hiểu lợi ích của BHYT và đến nay ở địa phương chúng tôi có trên 98% người dân tham BHYT.

Trở lại với BHXHTN, do thời gian đóng quá dài mà hưởng thụ muộn nên bước đầu triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Song tôi tin rằng, với thực tế đời sống hiện nay của người dân, nếu chúng ta quyết liệt trong chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đội ngũ cộng tác viên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền và có những chính sách ưu đãi, chắc chắn rằng thời gian tới người dân sẽ quan tâm hơn và tham gia BHXHTN ngày càng nhiều hơn. Tôi nghĩ, cần đưa chỉ tiêu này vào nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tích cực phối kết hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì tỉ lệ người dân sẽ tham gia cao hơn.

Nhân viên Bưu điện tỉnh đến tận nhà dân để tuyên truyền về bảo hiểm tự nguyện. Ảnh: Quang Thiều

Về công tác tuyên truyền, lúc đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, phải lồng ghép vào các chương trình nhưng không hiệu quả vì thời gian không nhiều. Do vậy nhiều người dân không muốn tham gia, tỉ lệ lúc đầu còn ít. Sau đó, chúng tôi đổi mới hình thức tuyên truyền bằng cách tổ chức các sinh hoạt chuyên đề tập trung vào hai đối tượng trong độ tuổi lao động và người cao tuổi. Năm 2018, chúng tôi đã đạt được kết quả tốt khi vận động được 20 người tham gia. Năm nay, chúng tôi cũng sẽ cố gắng tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về BHXHTN và tham gia nhiều hơn.

Đánh giá tình hình vận động người dân tham gia BHXHTN cả mặt được và chưa được ? Đâu là khó khăn dẫn đến tỷ lệ chưa cao ?

Phạm Hương - huongpham

Ông Phạm Hồng Hải, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh

Từ tháng 12/2014, BHXH đã đồng ý cho Bưu điện thực hiện như một kênh phát triển người tham gia BHXH tự nguyện nhưng công tác truyền thông chưa mạnh, chưa sâu, đồng thời cũng chưa có diễn đàn để người dân trao đổi (thông tin 2 chiều). Do đó, kết quả phát triển người tham gia BHXH tự nguyện chưa cao.

Sau 6 tháng đầu năm 2019, Bưu điện tỉnh đã phát triển được 1.789 người (đạt 67% KH năm) tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh Quang Thiều

Tuy nhiên, từ tháng 12/2018 đến nay, cách truyền thông để người dân hiểu và từ đó tham gia BHXH tự nguyện đã được thay đổi. Thông qua việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, việc tuyên truyền đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, từ tháng 1/2019, Bưu điện tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền từng tháng, hiệu quả được nâng cao rõ rệt, sau 6 tháng phát triển được 1.789 người (đạt 67% KH năm). Từ đó Bưu điện tỉnh cam kết hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2019. 

Có nhiều khó khăn phải đối mặt, tuy nhiên 2 khó khăn lớn nhất của chúng tôi là phải xác định được đúng đối tượng có nhu cầu và thứ hai là phải mời được đối tượng đến dự hội nghị để qua đó, người dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ về BHXH tự nguyện, từ đó sẽ tham gia.

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh:

Việc vận động người dân, các khách mời đã đánh giá khá rõ ràng.

Tuy nhiên, đánh giá sâu, công tác tuyên truyền được đề cập trong các văn bản được ban hành. Công tác tuyên truyền trong giai đoạn này chưa thật sự đầy đủ. Ngay nhận thức các ngành, cấp và trong BHXH chưa đạt yêu cầu mà nhu cầu xã hội đòi hỏi.

Người dân đến BHXH tỉnh để được tư vấn về các chính sách BHXH. Ảnh: Lê Thọ

Nghị quyết 28 về cải cách BHXH đã xác định rõ mục tiêu, giải pháp. Tôi cho rằng đó là những giải pháp căn cơ để đẩy mạnh.

Ngành BHXH đã phối hợp với nhiều tổ chức để tuyên truyền đến cán bộ cơ sở, người dân nằm trong diện tham gia BHXH tự nguyện.

Từ 2018 đến nay, ngành BHXH phối hợp với bưu điện, tổ chức đại lý để chuẩn hóa, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Từ hội nghị truyền thông đến mạng xã hội. Việc này rất là tốt, nhưng không dừng lại ở đó mà tiếp tục có những giải pháp hiệu quả hơn nữa.

 

Chị thấy có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc tham gia loại hình này không? Có bất cập nào cần phải điều chỉnh?

Nguyễn Hùng Sơn - son123

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, người tham gia BHXHTN

Nếu được thay đổi, tôi mong muốn bảo hiểm xã hội sẽ tương tự với bảo hiểm bắt buộc như được hưởng chế độ thai sản. Ngoài ra, khi đau ốm, người đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng phần trăm hỗ trợ. Điều này có thể xem là động lực để người lao động đặt niềm tin và lựa chọn mua bảo hiểm xã hội nhiều hơn.

Lao động tự do có thu nhập thấp dường như chưa tiếp cận với chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh: Lê Thọ

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh:

Ở dưới giác độ chính sách phải dựa trên quy định chặt chẽ. Trường hợp mở thêm các chế độ phải tăng mức đóng. Nguyên tắc có đóng, có hưởng. Nguyện vọng của chị em là chính đáng. Cơ quan chuyên môn đang nguyên cứu, mở rộng thêm một vài chế độ và tiến hành thí điểm.

Theo ông, đối tượng nào là khó vận động tham gia BHXHTN nhất ?

Nguyễn Xuân Hoàng - hoangnguyen

Ông Phạm Hồng Hải, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh

Nhà báo Thu Huế (ngoài cùng bên trái) dẫn chương trình tại buổi giao lưu. Ảnh: Võ Nhân

Người trẻ tuổi là nhóm đối tượng khó vận động nhất. Thống kê của chúng tôi cho thấy, những người có độ tuổi dưới 35 thường ít tham gia các hội nghị tuyên truyền, ít quan tâm đến tự nguyện. Nguyên nhân được cho là do nhóm đối tượng này thường có nhiều thay đổi trong công việc, chưa xác định các mục tiêu lâu dài, họ còn nhiều mối bận tâm khác muốn ưu tiên hơn nên có thể gác lại việc tham gia sau đó. Ngoài ra, lực lượng lao động tự do ở khu vực thành thị thường lao động phân tán, ít gắn với địa bàn dân cư nên ít tham gia các hội nghị tuyên truyền và tham gia BHXH tự nguyện.

Về mặt giải pháp, chúng tôi tăng cường tổ chức các hội nghị tuyên truyền các chính sách BHXH tự nguyện để có tiếp cận đến đa dạng các nhóm đối tượng hơn. 

Tình trạng phổ biến là những người đã tham gia BHXH nhưng chưa đủ năm về hưu nên họ đóng tiếp, còn mở rộng số đối tượng mới tham gia gặp khó khăn, ông nghĩ sao về điều này?

Nguyễn Phú - phunguyen

Ông Phạm Hồng Hải, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh

Tôi nghĩ nói như vậy chưa chính xác. Thực tế tỷ lệ này không cao, một số người đóng BHXH chưa đủ tuổi hoặc chưa đủ năm nên họ có thể tính toán để chờ ngày hưởng chế độ hưu trí. Số người tham gia BHXH tự nguyện mới chiếm tỷ lệ cao hơn.

Đây là một chính sách an sinh xã hội của nhà nước, nên việc mở rộng đối tượng tham gia mới sẽ không  quá khó khăn. Điều quan trọng nhất là cần truyền thông đầy đủ chính sách này đến đúng đối tượng.

Vì sao lao động tự do không mặn mà với lương hưu - “của để dành” cho người lao động khi về già? Phải chăng một số chính sách về lương hưu vẫn còn bất cập.

Vũ Quang Nhân - nhanvu

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động TB&XH

Qua nghiên cứu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động và người dân, phần lớn quan tâm đến thu nhập khi về già, nhưng trên thực tế số lượng tham gia bảo hiểm tự nguyện còn thấp. Những lao động tự do không tham gia đóng bảo hiểm, hoặc những người có điều kiện lại không tham gia vì họ không lo kinh tế khi về già.

Một số người tham gia cho rằng cần linh hoạt cách thu để người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn phương thức phù hợp với công việc của họ. Ảnh: M.Lê

Lý do là công tác tuyên truyền, giải thích các chính sách đến các đối tượng đóng bảo hiểm tự nguyện đã làm, nhưng vẫn chưa tốt, chưa vươn tới nhiều đối tượng. Do đó, công tác tuyên truyền phải qua nhiều phương tiện, giải pháp, phương tiện hơn.

Thứ hai, do thực trạng việc làm của người lao động không ổn định, thu nhập thấp. Như một lao động ở cơ sở du lịch vào khoảng 3 - 4 triệu đồng, hay ở doanh nghiệp may mặc 4 - 5 triệu đồng... Với mức thu nhập này không đáp ứng được nhu cầu đời sống hằng ngày.

Chính sách bảo hiểm chưa hấp dẫn, chưa năng động bằng các bảo hiểm nhân thọ của các đơn vị kinh doanh hiện nay do các bảo hiểm này phát triển mạng lưới, tổ chức cộng tác viên tốt hơn.

Có thể nói lý do chính là do thu nhâp, người lao động chưa giải quyết được nhu cầu trước mắt. Do đó, giải pháp căn cơ là phải phát tiển kinh tế, nâng cao mặt bằng thu nhập chung, khi đó mới thu hút đóng bảo hiểm tốt hơn.

Là người phụ trách cơ quan BHXH, ông có khuyến nghị gì để cải thiện việc tiếp cận BHXH tự nguyện của NLĐ?

Nguyễn Xuân Quang - quangho

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Thời gian qua, BHXH trong nhiều chuyên đề, hội nghị… chúng tôi đã đề cập rất nhiều. Đã đến lúc người dân phải nhìn nhận lại BHXH tự nguyện. BHXH tự nguyện do BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện thông qua các đại lý, đó là loại hình bảo hiểm nhằm ổn định cuộc sống của người dân, giúp cho người dân đỡ túng quẫn trong cuộc sống sau này. BHXH tự nguyện khác hoàn toàn bảo hiểm thương mại.

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh trao đổi cùng biên tập viên tại buổi giao lưu. Ảnh: Võ Nhân

Ngoài phần hỗ trợ, tới đây BHXH tỉnh đã lấy ý kiến các ngành, trình UBND tỉnh đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Việc tham gia BHXH giúp người dân an tâm, đảm bảo cuộc sống hạnh phúc, đây là việc tốt, chính sách hết sức nhân văn.

Nếu người dân có nhu cầu tham gia, ngành bảo hiểm luôn đáp ứng đủ.

Cần những giải pháp gì để lao động phi kết cấu tham gia BHXHTN, đảm bảo an sinh xã hội lúc về già?

Lê Thanh Thơ - thole

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động TB&XH

Để thu hút lao động tự do đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian đến cần tập trung một số giải pháp chính như sau:

Thứ nhất vẫn là tuyên truyền chính sách bằng nhiều hình thức, phương tiện. Tăng cường đối thoại, tư vấn cho người dân, như việc xuất khẩu lao động đã làm trước đó. Phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, cả hệ thống chính trị, từ cấp xã trở lên đều phải tham gia tuyên truyền, đặc biệt là các hội, đoàn thể, tác động vào các hội viên của mình.

Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cấp cần đa dạng hóa các gói bảo hiểm, thay vì gói hai chế như hiện nay. 

Đại lý thu bảo hiểm xã hội mở rộng, đa dạng hóa hình thức thu, có thể thu theo quý, hàng năm; sử dụng công nghệ vào thu phí, có thể thu qua qua ngân hàng.

Tiếp đến, để phát triển các đối tượng, tỉnh ta nói riêng và các địa phương khác tăng phát triển kinh tế, tăng thu nhập, khi có thu nhập mới giúp người dân tham gia các gói bảo hiểm, đảm bảo an sinh xã hội.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trả lời tại buổi giao lưu. Ảnh: Võ Nhân

Nguyễn Thị Thanh Thủy, người tham gia BHXHTN:

Đại diện cho người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, tôi nghĩ nếu có trụ điểm nhỏ tại từng địa phương nhất định để đóng bảo hiểm thì sẽ rất tốt. Từ đó, người tham gia đóng bảo hiểm sẽ thuận tiện hơn.

Ông Nguyễn Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh:

Tăng cường ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính đóng, hưởng BHXH.

Trong 4 năm vừa qua, đã nỗ lực rất nhiều trong ứng dụng CNTT. Hiện nay cơ sở dữ liệu 96 triệu người dân đã được BHXH thiết lập. Nếu để ý, đăng ký số điện thoại, tương tác với BHXH và sẽ được phản hồi. Trong thời gian tới, tiếp tục đổi mới ứng dụng CNTT trong việc quản lý, đóng, hưởng BHXH. Việc ứng dụng CNTT phải đáp ứng phù hợp với từng đối tượng.