Ông Lê Bá Phúc - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Hầu hết tất cả các cơ sở xử lý trên địa bàn tỉnh đều là bãi chôn lấp, trừ khu lớn nhất là khu liên hợp Thủy Phương (bao gồm nhà máy sản xuất phân hữu cơ và chôn lấp). Bãi chôn lấp chính của tỉnh là bãi chôn lấp Thủy Phương tại thị xã Hương Thủy. Chất thải từ TP Huế, một phần của thị xã Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy... được vận chuyển và chôn lấp tại đây.
Bãi chôn lấp lớn thứ hai là Lộc Thủy tại huyện Phú Lộc, chôn lấp rác thải từ huyện Phú Lộc.
Thị xã Hương Trà cũng có một bãi chôn lấp, tiếp nhận chất thải từ 2 phường trong thị xã. Rác thải từ Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới và Nam Đông được chôn lấp tại các bãi chôn lấp của huyện.
Hiện nay, chỉ có bãi chôn lấp Thủy Phương và bãi chôn lấp Lộc Thủy được xếp vào danh sách các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Còn các bãi chôn lấp khác do địa phương quản lý, được xây dựng và vận hành trong thời gian dài, đều là các bãi chôn lấp đã xuống cấp, gây ô nhiễm và được đưa vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc phải xử lý.
Trong thời gian tới, với tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá ngày càng tăng, lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng nhiều, dẫn đến hạ tầng xử lý chất thải rắn hiện nay không kịp đáp ứng nhu cầu xử lý, đòi hỏi phải có sự đầu tư của nhà nước, huy động nguồn lực từ khối tư nhân, xã hội hoá để có đủ nguồn lực cho đầu tư xử lý chất thải rắn.
Trên thế giới có nhiều mô hình quản lý chất thải rắn mang lại hiệu quả: công tác quản lý và xử lý chất thải rắn của Nhật được đánh giá cao (ở Nhật việc thu gom và phân loại rác thải tại nguồn được áp dụng hiệu quả, công nghệ xử lý, thu hồi và tái chế được đầu tư đồng bộ). Việc áp dụng ở Việt Nam sẽ có những rào cản, cụ thể là vấn đề tài chính, khi chi phí để xử lý 1 tấn rác của Nhật Bản rất cao, cao gấp khoảng từ 5-7 lần so với chi phí cử Việt Nam hiện tại. Suất đầu tư của Nhật cũng rất lớn, cao gấp từ 3-5 lần của Việt Nam.
Rác thải tại Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy
Ông Trần Trung Khánh - Phó Giám đốc Huế Hepco
Hiện nay, trên thế giới cũng như Việt Nam có 3 phương pháp xử lý rác sinh hoạt chính là: chôn lấp, sản xuất phân sinh học, phương pháp đốt. Mỗi phương pháp có những ưu nhược điểm.
Cụ thể, phương pháp chôn lấp có ưu điểm là chi phí vận hành và đầu tư thấp, xử lý rác khối lượng lớn. Nhược điểm là chiếm nhiều diện tích đất, thời gian phân hủy chậm, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Phương pháp sinh học có ưu điểm là tạo ra sản phẩm hữu cơ, tiết kiệm bãi chôn lấp hơn, giảm ảnh hưởng đến môi trường, giá thành xử lý thấp. Nhược điểm là cần diện tích lớn để xây dựng nhà máy, chất lượng sản phẩm chưa cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Phương pháp đốt, ưu điểm diện tích đất nhỏ, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, giảm chất thải rắn đáng kể, thời gian xử lý ngắn. Nhược điểm là yêu cầu đầu tư lớn, chi phí xử lý cao, tay nghề cao, không phải tất cả chất thải đều đốt được. Tuy nhiên, trong quá trình đốt không kiểm soát tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường. Về công nghệ, tùy thuộc vào khả năng của từng địa phương để áp dụng phương pháp xử lý phù hợp.
Đến nay 90% chất thải rắn sinh hoạt thông thường đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp.