TS. Thái Kim Lan
TS. Thái Kim Lan. Ảnh: Phan Thành
Tôi nghĩ, đây là bước đầu để áo dài phổ biến nhiều hơn và lan tỏa rộng rãi.
Vì sao có sự phản đối nam công chức mặc áo dài? 100 năm nay, áo dài nam áo không được phổ biến so với áo dài nữ, nhất là giai đoạn cách tân trang phục nam và nữ ở thế kỷ XX, nên áo dài nam bị đẩy lùi phía sau “hậu trường”. Áo dài nam thi thoảng xuất hiện ở một số lễ hội, trong các hoạt động gia đình; còn bên ngoài, áo dài nam bị lãng quên. Đó là lý do tại sao khi Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị mặc áo dài nam trở lại thì sự phản đối là hiển nhiên. Không thể trách người phản đối vì họ đã quá quen thuộc với trang phục hiện đại.
Tôi nghĩ thời gian đến, việc mặc áo dài nam sẽ được công chúng công nhận vì áo dài nam nữ cần bình đẳng, chứ không thể áo dài nữ được ca ngợi còn áo dài nam không được quan tâm.
Trở lại áo dài nam là trở lại ý thức khác, là bản sắc, tự tin, độc lập trên phương diện văn hóa, tư cách con người; khơi dậy vấn đề này là rất cấp thiết để nhận diện bản sắc, nhận diện tính văn hóa mình ra bên ngoài.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao
Đoàn dâng hương trong trang phục áo dài đến lăng Trường Thái dự lễ tri ân. Ảnh: Bảo Minh
Chúng ta chịu ảnh hưởng văn minh phương Tây, có suy nghĩ cho rằng cần đoạn tuyệt với quá khứ, hướng tới văn minh. Tôi nghĩ đó không chỉ ở vấn đề trang phục. Áo ngũ thân của người đàn ông Việt Nam một thời gian dài mất chỗ đứng. Khi chúng ta quay trở lại thì không dễ dàng, nhưng tôi tin tưởng vào việc khôi phục thành công loại trang phục này.
Sau năm 1975, ở miền Bắc, đa số phụ nữ không biết áo dài là gì, đến thời kỳ đổi mới người ta mới mang áo dài ra mặc lại. Tại Huế, năm 1989, áo dài nữ mới phục hồi trở lại. Cuộc phục hưng của áo dài nam cần thời gian, song áo dài nam cũng phải cải biến trong từng hoàn cảnh khác nhau.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa
Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao mặc áo dài nam chào cờ sáng thứ 2 tuần đầu tháng đã tạo ra một phản ứng rất nhiều chiều, ủng hộ có, chê bai có, thậm chí là dè bỉu cũng có.
Tôi nghĩ đây là hiện tượng bình thường, bởi quá lâu rồi, áo dài nam đã mai một, biểu hiện của sự đứt gãy văn hoá trong áo dài. Trải qua 4 giai đoạn bị dẹp bỏ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa. Ảnh: Phan Thành
Sớm nhất là khi thế hệ ông cha chúng ta cổ vũ phong trào Duy Tân, cùng việc cắt múi tóc, vận động để thay vào đó là âu phục như một sự đổi mới.
Thứ hai là thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn, xu hướng đoạn tuyệt với cái cũ. Trên tờ báo Phong Hoá, Ngày Nay, có mục Hý Họa hằng tuần đều có hình ảnh của 2 nhân vật rất đặc biệt: Xã Xệ và Lý Toét, mặc áo dài và khăn đóng, cái gì ngớ ngẩn nhất, đều thể hiện qua nhân vật này.
Thứ ba, hai cuộc chiến rất ác liệt, diễn ra đi liền với cuộc sống khắc khổ ở phía Bắc, làm chiếc áo dài không còn phù hợp với xã hội lúc đó.
Thứ tư, áo dài chỉ còn tồn tại 2 dạng: Tế tự tín ngưỡng ở làng xã, nhưng cũng rất ít; phổ biến nhất ở trên sân khấu (hài, tuồng), những nhân vật mặc áo dài đều là những nhân vật phản diện, hình ảnh áo dài trở thành đại diện cho cổ hủ, lạc hậu, như là sự trái ngược với sự tân tiến.
Chính điều đó tạo ra sự đứt gãy. Vì vậy, cần thiết phải khôi phục vẻ đẹp của áo dài nam.
Riêng đối với Huế, áo dài nam có vẻ đẹp đa sắc màu hơn các địa phương khác, đây là vùng đất kinh kỳ. Tôi tin rằng, vẻ đẹp của những chiếc áo dài nam không thua kém gì trang phục của những nền văn hoá khác.
Cần khôi phục và quảng bá vẻ đẹp của áo dài ngũ thân, làm cho nó thấm vào lòng người, giúp họ hiểu, thay đổi nhận thức về áo dài ngũ thân.