Giao lưu trực tuyến: Những thay đổi trong tuyển sinh đại học

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhiều yếu tố khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi phương án tổ chức kỳ thi từ thi THPT Quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT. Sự thay đổi đó phần nào tác động, buộc các cơ sở đào tạo đại học phải thay đổi phương án xét tuyển đầu vào.

Cùng với phương án xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH tăng chỉ tiêu cho phương án xét tuyển học bạ (thay vì 20% trong tổng chỉ tiêu như trước đây). Tuy nhiên, dư luận lại lo lắng về chất lượng đầu vào khi thời gian qua từng xảy ra những vấn đề chạy điểm, công bằng trong đánh giá kết quả học sinh. Xuất phát từ thực tế trên, Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Những thay đổi trong tuyển sinh đại học” từ 7h30-9h30 sáng thứ 6: 26/6/2020

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho khách mời ngay từ bây giờ

1. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế

2. PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

3. Thầy Nguyễn Hồng Phúc, Đại diện phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT

4. ThS. Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

5. ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân – Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

6, Thầy Tôn Thất Viễn Tương, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành giáo dục đã có kế hoạch ôn tập, giảm tải chương trình, thi thử ra sao trong điều kiện thời gian gấp rút và vừa qua học online?

Đức hải - haihoangduc87

Thầy Tôn Thất Viễn Tương, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT

Thầy Tôn Thất Viễn Tương, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT. Ảnh: Phan Thành

Dạy học qua truyền hình, Internet:

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh, nhằm đảm bảo thực hiện nội dung chương trình, đặc biệt giúp các em học sinh khối 12 THPT và học viên 12 giáo dục thường xuyên (GDTX) cũng như thí sinh tự do trên địa bàn toàn tỉnh học tập và ôn luyện kiến thức chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Trong thời gian nghỉ phòng chống dịch COVID-19 và sau khi học sinh trở lại trường, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chương trình dạy học và ôn tập trên truyền hình để học sinh học tập tại nhà: Lớp 12: 9 môn (gồm 268 tiết cả chương trình mới và ôn tập); Lớp 9: 3 môn (48 tiết); Lớp 5: 2 môn (16 tiết).

Song song với việc dạy học qua truyền hình, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc tổ chức dạy học qua Internet cho học sinh các khối lớp còn lại.

Về việc giảm tải chương trình:

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH ngày 30/3/2020 hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ 2 năm học 2019-2020; nhằm để các trường THCS, THPT tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh học kỳ 2, thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT tại Công văn số 1360/BGDĐT-GDTrH ngày 22/4/2020 về việc hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học kỳ 2 năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện các nội dung:

- Xây dựng kế hoạch dạy học theo chương trình tinh giản và tổ chức dạy học, kết hợp ôn tập, củng cố kiến thức, làm thế nào để lớp 9, 12 kết thúc chương trình vào ngày 30/6/2020, các khối lớp khác kết thúc trước ngày 15/7/2020.

- Sở GD&ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc xây dựng kế hoạch dạy học và triển khai dạy học tại các trường cũng như việc tổ chức cho học sinh thi thử. Nhìn chung, các đơn vị thực hiện đảm bảo yêu cầu, hoàn thành việc thực hiện chương trình trước 1 đến 2 tuần. Học sinh của các khối hiện nay đang thi học kỳ 2.

- Chỉ đạo các trường, khi học sinh đi học trở lại, nhà trường rà soát, tổ chức phụ đạo để bổ sung kiến thức cho những em không có điều kiện tham gia đầy đủ việc học qua Internet, trên truyền hình; đồng thời với việc thực hiện chương trình học kỳ 2, tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh và thực hiện việc kiểm tra thường xuyên và định kỳ theo quy định.

Đề thi bám sát chương trình tinh giảm nhưng cũng phân loại được học sinh.

- Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá học kỳ 2 năm học 2019-2020 đúng quy định tại Công văn số 1360/BGDĐT-GDTrH ngày 22/4/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sở GD&ĐT đã chuẩn bị cho phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2020 thế nào để đảm bảo tính hiệu quả, sàng lọc thí sinh?

Quốc Hùng - quochung78

Thầy Nguyễn Hồng Phúc, Đại diện phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT

Thầy Nguyễn Hồng Phúc, Đại diện phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT. Ảnh: Phan Thành

Sở GD&ĐT đã và đang triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ tốt nghiệp THPT năm 2020 nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất theo Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020:

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 13.107, trong đó thí sinh tự do khoảng: 1.250.

Số điểm thi dự kiến khoảng 35/600 phòng thi.

Điểm mới là năm nay là không có sự tham gia của đại học, lực lượng của Sở GD&ĐT được huy động gấp đôi, dự kiến khoảng 2.300 người (trưởng điểm thi: 35; PTĐT: 110; Thư ký: 160, cán bộ coi thi: 1.250, cán bộ giám sát: 145, Công an: 210, bảo vệ: 120, phục vụ: 120, y tế: 35).

Thực hiện chặt chẽ các khâu theo đúng Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT: In sao đề thi; vận chuyển đề thi, bài thi; coi thi; làm phách; chấm thi; phúc khảo bài thi; xét công nhận tốt nghiệp…

Giám đốc Sở GD&ĐT đã ban hành ban chỉ đạo và các ban phụ, để phục vụ cho khâu chuẩn bị, đảm bảo kỳ thi diễn ra đúng như quy định của quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Là đơn vị đặc thù đào tạo khoa học cơ bản, tác động từ dịch COVID-19, học sinh nghỉ học có ảnh hưởng đến tuyển sinh của trường?

Thanh Lê - thanhlenguyen

ThS. Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

ThS. Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế. Ảnh: Phan Thành

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thời gian kết thúc năm học và kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh. Bộ GD & ĐT đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch kỳ thi THPT phù hợp.

Đối với công tác tuyển sinh của Nhà trường, do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước nên chúng tôi đã chủ động điều chỉnh và triển khai tốt kế hoạch TTTS, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển.

Cụ thể: Cập nhật kịp thời Đề án tuyển sinh; Điều chỉnh các mốc thời gian đăng ký xét tuyển phù hợp; Thông báo các phương thức xét tuyển, hình thức đăng ký xét tuyển... trên trang web; Cử cán bộ trực 24/24 để tư vấn, hướng nghiệp và giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh và học sinh về công tác tuyển sinh.

Đặc biệt, năm nay, Đại học Huế đã tổ chức hội đồng tuyển sinh riêng, hỗ trợ học sinh được xét tuyển online.

Dịch COVID-19 đã gây khó khăn thế nào trong quá trình quảng bá tuyển sinh của trường?

Thu Hoài - thuhoaihue89

ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân – Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân – Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế. Ảnh: Phan Thành

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quảng bá tuyển sinh (QBTS), đặc biệt trong đó có việc hợp tác với Sở GD&ĐT tỉnh trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Trước đó, nhà trường đã rất chủ động để làm việc với Sở và đã cơ bản thống nhất các nội dung triển khai giáo dục hướng nghiệp (GDHN) tại các trường THPT. Tuy nhiên, các công việc đã phải tạm dừng và nhà trường cũng rất tiếc khi chưa thể tham gia, hỗ trợ được nhiều cho các trường THPT trên địa bàn để định hướng nghề nghiệp cho các em thí sinh.

Tuyển sinh sư phạm tại trường năm nay có gì mới so với những năm trước?

Minh Tuấn - tuan1998

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế. Ảnh: Phan Thành

Trường ĐH Sư phạm là một trong những đơn vị sư phạm trên toàn quốc tiên phong mở các mã ngành mới. Các mã ngành mới gồm: giáo dục công dân, sư phạm âm nhạc, sự phạm công nghệ, sư phạm khoa học tự nhiên, giáo dục pháp luật, sư phạm lịch sử- địa lý và hệ thống thông tin. Các ngành đều gắn bó mật thiết với chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức đưa vào giảng dạy năm học mới.

Đáng chú ý, có một số ngành học theo hướng tích hợp liên môn như, sư phạm công nghệ, sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử-địa lý. Với việc quy hoạch phát triển nhân lực giáo viên có trình độ đại học của địa phương dạy học theo hướng tích hợp liên môn ở trường trung học cơ sở là rất cần thiết để đảm ứng với sự đổi mới của giáo dục hiện nay.

Chúng tôi cũng mở 6 mã ngành đạo tào bằng tiếng Anh. Ngoài ra, năm nay có sự thay đổi trong tổ hợp xét tuyển đối với các thí sinh.

Đối với sinh viên, nếu thi vào kỹ sư của Trường đại học INSA Center Val de Loire (Pháp) thì từ năm đầu tiên các em đã được công nhận là sinh viên của hệ thống đại học này.

Được biết, năm nay Sở GD&ĐT cùng nhiều trường ĐH tăng cường phối hợp để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh vào học trường ĐH tại Huế. Tình hình dịch bệnh vừa qua có ảnh hưởng đến kế hoạch này và các đơn vị đã giải quyết khó khăn thế nào?

Như Nguyện - ntnguyen90

Thầy Tôn Thất Viễn Tương, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT

Tại Sở GD&ĐT, các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX đều có thành lập Ban Tư vấn hướng nghiệp - Tuyển sinh nhằm cung cấp, hỗ trợ giúp đỡ thi sinh các thông tin mới về quy chế, thông tin về kỳ thi Ttốt nghiệp THPT, cũng như đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2020; đồng thời giải đáp các vướng mắc của thí sinh trong quá trình làm hồ sơ, trong việc lựa chọn ngành học, trường học.

Học sinh THPT ở TP. Huế tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: Hữu Phúc

Ban Tư vấn của các trường THPT, GDNN-GDTX tổ chức phổ biến cho học sinh, giáo viên những nội dung cơ bản, những nội dung mới về Quy chế Kỳ thi Tốt nghiệp THPT; Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2020; cung cấp đến học sinh những cách định hướng chọn ngành, trường học phù hợp với khả năng, nguyện vọng và sở thích của mình. Đặc biệt thông tin đến học sinh Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 3/02/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế. Với mục tiêu của kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.000 nhân lực công nghệ thông tin phục vụ phát triển Công nghiệp phần mềm tại Huế.

Ngày 6/6/2020, Sở đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Tỉnh và Đại học Huế tổ chức Hội nghị “Gặp mặt học sinh trường THPT về định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT” với hơn 450 đại biểu giáo viên, phụ huynh và học sinh có định hướng trong lĩnh vực CNTT. Hội nghị do Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì đã đạt được kết quả mong muốn.

Ngày 14/6/2020, Sở phối hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi “Tư vấn tuyển sinh – Hướng nghiệp năm 2020” tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên Huế với hơn 4.000 học sinh trên địa bàn TP. Huế tham dự.

Ngày 21/6/2020, Sở phối hợp Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh tư vấn hướng nghiệp cho 60 học sinh THPT yêu thích và có khả năng CNTT để định hướng học tập và làm việc về Công nghiệp phần mềm tại Huế.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD&ĐT, sau khi có kết quả thi, các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức tư vấn cho các thí sinh nhằm việc thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đúng quy định và đạt kết quả trúng tuyển cao nhất, phù hợp với kết quả thi.

Nhà trường đã tư vấn, quảng bá tuyển sinh như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua và mục tiêu của nhà trường thế nào trong mùa tuyển sinh năm nay?

Phan Huy - phanhuynguyen

ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân – Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

Như tôi đã nêu ở trên, trong tình hình khó khăn của dịch COVID-19, nhà trường cũng đã nhanh chóng triển khai các hoạt động quảng bá tuyển sinh (QBTS) Online qua các Facebook, Google hay qua chương trình giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trên Đài TRT….

ĐH Huế trong livestream quảng bá tuyển sinh 2020. Ảnh: Hữu Phúc

Và đặc biệt, trường ĐHNL là một trong những trường ĐH đầu tiên triển khai và năm nay vẫn duy trì hình thức QBTS trực tuyến (livestream). Năm nay, trong bối cảnh cách ly xã hội thì công cụ này càng thể hiện rõ ưu thế trong việc tiếp cận, tư vấn, giải đáp cho thí sinh. Đặc biệt là chúng tôi còn mời các doanh nghiệp tham gia các chương trình livestream, giải đáp cho các em về cơ hội việc làm sau này. Chúng tôi đã tổ chức tư vấn 10 số, trong đó có 8 số tham gia của doanh nghiệp. Và sau dịch COVID-19, nhà trường đã triển khai tư vấn tuyển sinh (TVTS) trực tiếp tại các trường THPT.

Chủ trương của trường là lồng ghép QBTS với giáo dục, định hướng nghề nghiệp. Cho nên, ngoài việc đưa thông tin đến các em thí sinh một cách đầy đủ nhất, như thông tin về chỉ tiêu, hình thức xét tuyển, tổ hợp… trường còn tập trung vào việc tư vấn, giới thiệu về cơ hội việc làm, nhu cầu xã hội, học bổng, môi trường học tập...

Tác động do tình hình dịch COVID-19, tuyển sinh ĐH Huế năm nay có những thay đổi căn bản như thế nào so với các năm?

Xuân Lộc - locxuan95

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế

Tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có công tác tuyển sinh. Trước tình hình đó, Đại học Huế đã có những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh để phù hợp với tình hình mới.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế. Ảnh: Phan Thành

Năm nay, Đại học Huế tuyển 14.095 chỉ tiêu cho 146 ngành đào tạo của 8 trường đại học thành viên, 4 khoa và phân hiệu, trong đó có 14 ngành đào tuyển sinh mới. Dự kiến, các ngành này đáp ứng nhu cầu xã hội và nhu cầu nhân lực trong tương lai rất lớn. Đẩy mạnh các nhóm ngành đặc thù như công nghệ thông tin và du lịch, các ngành đào tạo song ngữ, nông lâm, ngoại ngữ, kinh tế, y dược... Chúng tôi cũng tăng cường nhiều loại học bổng nhằm hỗ trợ tốt nhất và thu hút người học. Đặc biệt, Đại học Huế miễn phí cho tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển đối với các hình thức xét tuyển online và sử dụng kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ).

ThS. Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực trong những lĩnh vực đang cần, năm 2020, trường ĐH Khoa học đã mở thêm 9 ngành đào tạo mới gồm: Quản trị và phân tích dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm (đào tạo theo cơ chế đặc thù), Toán kinh tế, Quản lý nhà nước, Kỹ thuật sinh học, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật môi trường, Quy hoạch vùng và đô thị, Địa kỹ thuật xây dựng.

Trong đó ngành Quản trị và phân tích dữ liệu và ngành Kỹ thuật phần mềm là những ngành hiện nay và tương lai nhu cầu về nguồn nhân lực là rất lớn. Ngay tại tỉnh, nhu cầu tuyển dụng đến năm 2025 là 10.000 người.

Trong 9 ngành mới mở, có 4 ngành: Kỹ thuật sinh học, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ kỹ thuật hóa học và Địa kỹ thuật xây dựng được đào tạo trong thời gian 4,5 năm, cấp bằng Kỹ sư.

Đối với 9 ngành mới mở, trường đã tăng cường cả về phương thức và tần suất tuyên truyền. Nhà trường tận dụng tối đa hình thức tuyên truyền Online để học sinh và phụ huynh nắm bắt.

Năm nay, nhà trường đưa ra chỉ tiêu xét tuyển học bạ đến hơn 50% và nhiều ngành cũng lần đầu áp dụng phương thức này. Nhà trường đã tính toán như thế nào để đưa ra tỷ lệ xét tuyển trên?

Ngọc Bảo - baongocnnt

ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân – Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

Năm nay có lẽ là một năm quá đặc biệt và rất nhiều biến động, điều chỉnh về kỳ thi THPT quốc gia nên đã tạo nên tâm lý rất lo lắng cho thí sinh và cả phụ huynh. Ban đầu trường dự tính khoảng 30% xét tuyển học bạ. Nhưng đến giữa tháng 4 vẫn chưa có phương án thi THPT cụ thể.

Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm thực tế tại mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Hữu Phúc

Nắm bắt tình hình đó, nhà trường cũng rất nhanh chóng thích ứng, xác định phải tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ và 3 ngành Công nghệ thực phẩm, Thú y, Chăn nuôi cũng lần đầu tiên xét tuyển theo hình thức này. Mục đích là để thuận tiện cho các thí sinh, tạo tâm lý yên tâm không bị lỡ cơ hội vào trường và tránh ảnh hưởng, thay đổi nhiều trong đề án tuyển sinh của trường.

Ngoài nỗi lo đầu vào, những vấn đề đặt ra trong mùa tuyển sinh năm nay của nhà trường là gì?

Mỹ Ý - ntmyy86

ThS. Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Hiện nay tất cả các trường Đại học đều quan tâm đến nguồn tuyển sinh đầu vào vì 2 lý do căn bản: (1) Có sự cạnh tranh giữa các trường ĐH trong nước và quốc tế tại Việt Nam (2) Sự thay đổi nhận thức của xã hội, của phụ huynh và học sinh khi không nhất thiết bằng mọi giá phải học đại học mà căn bản là có việc làm. Tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển THPT, không học đại học đang ngày càng tăng.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Hữu Phúc

Trước đây, trường ĐH Khoa học là đơn vị đặc thù đào tạo khoa học cơ bản, nhưng hiện nay bên cạnh 19 ngành cấp bằng Cử nhân, 2 ngành cấp bằng Kiến trúc sư, trường đang đào tạo 6 ngành cấp bằng Kỹ sư đó là: Kỹ thuật sinh học, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Công nghệ Sinh học, Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông và Địa kỹ thuật xây dựng.

Như vậy, hiện nay, trường ĐH Khoa học là đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều ngành học đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho học sinh có thể lựa chọn ngành học mà mình ưa thích.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh trong mùa tuyển sinh năm nay, Nhà trường đã quan tâm đến các vấn đề:

- Tăng cường các phương thức tuyên truyền tuyển sinh, đặc biệt là đối với 9 ngành đào tạo mới mở

- Hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển thuận lợi bằng hình thức đăng ký xét tuyển online

- Nhiều loại hình học bổng khuyến học của Trường và của Khoa dành cho tân sinh viên.

ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân – Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

Hiện tại như mọi người biết, số lượng người thí sinh thi đại học đang có xu hướng giảm do có sự phân luồng giữa nhu cầu học đại học và khối nghề nghiệp. Do đó, việc tuyển sinh khá khó khăn hơn so với trước.

Giải pháp của nhà trường là đặt mục tiêu hiệu quả đầu ra, sinh viên ra trường có việc làm ngay.

Như vừa qua, ngày hội việc làm tổ chức, có 1.000 sinh viên ra trường thì có đến 4.000 chỉ tiêu. Thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT để tăng cường tư vấn tuyển sinh, vì nhu cầu việc làm ở khối ngành nông lâm đang rất lớn.

Nhiều thí sinh có thắc mắc giữa các hình thức tuyển sinh, có sự đào tạo chung giữa các hình thức.

Với xu hướng tự chủ của các trường và cạnh tranh tuyển sinh, việc lựa chọn các phương án xét tuyển như học bạ có đáng lo? Các trường làm thế nào để thu hút đầu vào chất lượng?

Hữu Bằng - banghuu76

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế

Đại học Huế đã có những điều chỉnh trong công tác quảng bá tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh.

Về mặt quảng bá tuyển sinh, Đại học Huế đẩy mạnh tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin. Xây dựng phóng sự “Toàn cảnh tuyển sinh của Đại học Huế” và phát trên sóng VTV1, VTV3 và VTV8 trong tháng 3 và tháng 4 và phát lại trên sóng các đài tuyền hình địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Nam trong tháng 6.

Lãnh đạo Khoa Kỹ thuật và Công nghệ ĐH Huế tư vấn tuyển sinh cho học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học Huế. Ảnh: Hữu Phúc

Tư vấn và quảng bá tuyển sinh trên trang fanpage  www.facebook.com/tuyensinhdaihochuetuyensinhdhh@hueuni.edu.vn. Tổ chức 2 buổi tư vấn trực tuyến theo hình thức Livestream.

Phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng 11 chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh. Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền trên Báo Thừa Thiên Huế và kết cùng Báo Tuổi trẻ tư vấn tuyển sinh trực tiếp cho các tình miền Trung.

Về kế hoạch tuyển sinh, ngoài 2 phương thức xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT), Đại học Huế đã điều chỉnh kế hoạch công bố kết quả xét tuyển sớm hơn đối với 3 phương thức xét tuyển còn lại. Cụ thể, phương thức xét tuyển theo kết quả học bạ, công bố kết quả xét tuyển ngày 20/7/2020, phương thức xét tuyển theo quy định riêng của Đại học Huế công bố kết quả ngày 9/9/2020 và kết quả kết hợp học bạ và thi năng khiếu ngày 2/9/2020.

Việc cạnh tranh trong tuyển sinh là một xu hướng tất yếu trong việc đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Đại học Huế và các trường đại học thành viên, các khoa, phân hiệu thuộc Đại học Huế đối với các cơ sở giáo dục đại học khác. Tỷ lệ xét học bạ của các đơn vị trong Đại học Huế ở mức độ vừa phải. Để thu hút đầu vào chất lượng, trước hết cần số lượng thí sinh khá giỏi đăng ký xét tuyển vào Đại học Huế tăng lên. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là khẳng định thương hiệu, chất lượng đầu ra của sinh viên phải đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng lao động. Để làm được điều này, Đại học Huế đã chỉ đạo các trường quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, tăng cường trang bị cơ sở vật chất và tăng các giờ học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp (đối với các ngành có nội dung học thực hành).

ThS. Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Để xét tuyển đại học, cao đẳng, có nhiều phương thức như xét học bạ, dưa vào kết quả kỳ thi THPT. Để đánh giá nguồn tuyển nào chất lượng thì rất khó.

Tuy nhiên, tôi cho rằng dù là xét tuyển theo phương thức nào thì Bộ GDĐT cũng đưa ra ngưỡng xét tuyển nhất định để đảm bảo chất lượng đầu vào của học sinh, quan trọng là trong quá trình đào tạo. Do đó, chúng ta không nên quá lo lắng về bất kỳ phương án nào.

Để giải quyết bài toán chất lượng đầu vào đối với những ngành mũi nhọn thì cần phải làm gì?

Thanh Thanh - nguyenthanh78

ThS. Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Để giải quyết bài toán chất lượng đầu vào đối với các ngành mũi nhọn nêu trên, đơn cử như ngành CNTT,  trường đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút học sinh giỏi và đam mê theo học, cụ thể:

Tư vấn, hướng nghiệp về ngành đào tạo, chương trình đào tạo, cơ hội, vị trí việc làm, mức thu nhập, nhu cầu của xã hội đối với SV tốt nghiệp các ngành trên.

Tham gia tư vấn, hướng nghiệp về nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT do tỉnh tổ chức

Sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học trong giờ thực hành. Ảnh: Hữu Phúc

Tham gia tư vấn, hướng nghiệp chuyên sâu cho học sinh đam mê ngành CNTT do Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Có các chính sách học bổng ưu đãi cho tân sinh viên có điểm đầu vào cao.

Trong quá trình đào tạo, Nhà trường có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng. Sinh viên được tham gia thực hành, thực tập, thực tế tại doanh nghiệp. Đặc biệt đối với ngành Kỹ thuật phần mềm được đào tạo theo cơ chế đặc thù của Bộ, doanh nghiệp sẽ tham gia giảng dạy khoảng 30% khối lượng toàn khóa học, SV được học tập, trải nghiệm trong môi trường thực tế, được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Từ thực tiễn giảng dạy, nếu so sánh giữa đầu vào dựa vào kết quả thi và xét học bạ, ông nhận thấy điểm khác nhau như thế nào về chất lượng trong đào tạo?

Văn Thắng - thangvannguyen

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

Câu hỏi này theo tôi khá khó để trả lời, điều này phải khẳng định qua thực tiễn, nếu xét theo quá trình thì các em xét tuyển học bạ có mặt bằng tương đối đều.

Cán bộ Trường ĐH Sư phạm giới thiệu những điểm mới trong tuyển sinh 2020. Ảnh: Hữu Phúc

Tại Trường ĐH Sư phạm, Đại học Huế, việc xét tuyển sinh viên khối ngành sư phạm với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ) với điều kiện xét tuyển rất cao, đó là tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải >=24.0

ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân – Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

Về vấn đề này, tôi cũng xin chia sẻ là rất nhiều thí sinh đã hỏi là trúng tuyển theo điểm thi THPT và xét học bạ thì học có khác gì nhau không? Cũng thông qua chương trình này tôi có giải đáp như sau: Việc học, đào tạo cho tất cả các thí sinh dù trúng tuyển ở hình thức nào cũng như nhau, không có gì khác và các em cũng học chung một lớp, chung một chương trình đào tạo.

ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân - Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế (trái) trả lời các câu hỏi của bạn đọc thông qua Biên tập viên Thừa Thiên Huế Online. Ảnh: Phan Thành

Hiện tại, trong quá trình đào tạo chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi, đánh giá thì thấy rằng chất lượng sinh viên cũng khá đồng đều, không có sự chênh lệch lớn về khả năng tiếp thu kiến thức giữa các hình thức xét tuyển, đầu vào. Nhà trường đã tuyển sinh theo phương thức học bạ năm nay là năm thứ 3, đến nay, khóa tuyển sinh theo học bạ đầu tiên (2018) đã bắt đầu đi thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp và chúng tôi cũng đã nhận được các phản hồi cũng rất tích cực về chất lượng, khả năng đáp ứng của sinh viên trong đó có các em xét tuyển theo học bạ. Đây là điều quan trọng nhất bởi tuyển sinh - đào tạo – việc làm là một quá trình xuyên suốt và kết quả cuối cùng vẫn là chuẩn đầu ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, sinh viên ra trường phải có việc làm.

Năm nay, nhiều ngành tại trường sử dụng phương thức xét học bạ. Đối với các ngành sư phạm, đầu vào thí sinh từ phương thức xét học bạ có đáng lo không, thưa ông?

Thảo Nguyên - nguyenthao95

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

Một lớp học tại Trường ĐH Sư phạm. Ảnh: Hữu Phúc

Đến ngày 26/6, Trường ĐH Sư phạm, Đại học Huế đã có 671 thí sinh tham gia xét tuyển học bạ với 908 nguyện vọng, điều đó chứng tỏ thí sinh đang quan tâm đến ngành sư phạm.

Với cách làm của Bộ GD&ĐT hiện nay dễ nảy sinh thí sinh ảo, đây là điều đáng lo ngại.

Chúng tôi thông qua tư vấn tuyển sinh, thường xuyên liên lạc để tác động đến tâm tư, nguyện vọng của thí sính.

Việc liên kết với DN đưa SV đi thực hành thực tập như thế nào, ông có thể nói rõ hơn về việc này được không?

Trần Phú Quốc - tranphuhue

ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân – Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

Việc liên kết doanh nghiệp, chúng tôi có 3 hình thức nổi bật:

Thứ nhất là “Học kỳ doanh nghiệp” thì nhà trường sẽ liên kết với các doanh nghiệp trong nước để đưa sinh viên đi thực hành, thực tập trong vòng khoảng 6 tháng. Ở đây, sinh viên được trải nghiệm như một người lao động tham gia sản xuất thực sự và được còn được trả lương trong quá trình thực tập. Các chương trình này giúp các em học hỏi được thêm nhiều kiến thức, thực hành tay nghề. Như vậy là các em vừa học vừa có thể làm việc và có nhiều chương trình mang lại nguồn thu nhập đến 50-60 triệu đồng/3-4 tháng.

Sinh viên ĐH Huế thi hùng biện tiếng Anh. Ảnh: Hữu Phúc

Thứ hai là “Chương trình internship” (thực tập nghề nghiệp) nước ngoài có hưởng lương được thực hiện 3 năm và đã có trên 300 sinh viên được đi thực tập nghề nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm tại Nhật Bản, Israel, Đan Mạnh, Đài Loan. Bởi các thị trường lao động nước ngoài này cũng đang rất thiếu nguồn lao động liên quan đến lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Ngoài việc tích lũy được kiến thức, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh, sinh viên còn tích lũy được tài chính khá lớn có lên đến vài trăm triệu đồng.

Thứ ba là “Đào tạo theo đặt hàng”, nhu cầu của doanh nghiệp có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tham gia ngay vào quá trình đào tạo của trường thay vì chỉ tham gia tuyển dụng. Sinh viên được tuyển chọn vào các lớp chất lượng cao, có sự tham gia giảng dạy của doanh nghiệp và được đảm bảo đầu ra, được hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt và thực tập trực tiếp tại các trang trại. Sinh viên được trả lương cho các đợt thực tập, thực tế nghề tại công ty, được bố trí việc làm ngay khi ra trường và lương của sinh viên tham gia chương trình này bằng 150% lương của kỹ sư cùng ngành.

Việc liên kết với các đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức doanh nghiệp để đưa sinh viên đi thực tập, thực hành như trên cũng đã và đang được nhà trường xác định là chương trình trọng điểm và sẽ tiếp tục mở rộng về quy mô.

Với những ngành xét tuyển học bạ lớn, nhà trường sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm chuẩn như thế nào?

Trí Minh - triminh99

ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân – Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

Sử dụng kết quả học tập các môn trong tổ hợp môn xét tuyển ở cấp THPT của 2 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12 để xét tuyển. Điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển là điểm trung bình chung (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) mỗi môn học của 2 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12. Điều kiện xét tuyển là tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải >=18.0. Như vậy ngưỡng đảm bảo chất lượng cho hình thức xét tuyển bằng học bạ cho 3 môn là thấp nhất 18 điểm.

Đến thời điểm này, trường nhận 595 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 trong tổng 1.327 thí sinh xét tuyển theo hoc bạ.

Tại trường, một số ngành sẽ phải tổ chức thi thêm kỳ thi năng khiếu. Nhà trường đã chuẩn bị cho tuyển sinh năng khiếu như thế nào khi bối cảnh tuyển sinh chung vừa qua có nhiều thay đổi?

Minh Hòa - hoaminhhue

ThS. Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Đối với 2 ngành kiến trúc, quy hoạch vùng và đô thị sẽ có 3 tổ hợp xét tuyển: V00, V01, V02.

Ngoài các môn thi văn hóa, thi sinh phải thi môn năng khiếu. Môn thi năng khiếu (Vẽ mỹ thuật) sẽ thi chung lịch do ĐHH tổ chức, bắt đầu từ 14/8

Lưu ý, các em học sinh không dự thi năng khiếu là môn vẽ mỹ thuật tại ĐHH, thì các em có thể sử dụng kết quả dự thi môn năng khiếu tại các trường như: ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội, Đh Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa Tp Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng cho việc xét tuyển.

Hằng năm, ĐHH sẽ tổ chức 1 hội đồng tuyển sinh chung cho các trường. Tuy nhiên, trong mùa dịch COVID-19, tạo kiều kiện cho thí sinh tại các vùng khác, với điều kiện sau khi có tổng số hồ sơ đăng ký của thí sinh, thì ĐHKH sẽ xin phép ĐHH tổ chức hội đồng thi tại các địa phương đó.

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

Đối với ngành sư phạm mầm non, nội dung thi năng khiếu có đổi khác so với mọi năm. Nếu như mọi năm, thí sinh phải thi 3 nội dung gồm: hát, đọc diễn cảm và kể chuyện theo tranh. Năm nay, thí sinh chỉ cần thi hai nội dung chính là hát và đọc diễn cảm.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm trình diễn phần thi áo dài. Ảnh: Hữu Phúc

Đối với ngành sư phạm âm nhạc thì nội dung  thi vẫn không thay đổi so với mọi năm trước.

Thực hiện theo quy định chung của Đại học Huế

 

Nhà trường có tính đến việc nâng chuẩn trong bối cảnh tuyển sinh vẫn khó khăn và tỷ lệ xét học bạ tăng?

Quỳnh Diễm - quynhdiemht11

ThS. Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Trước hết phải thống nhất rằng để đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội cần thỏa mãn đồng thời 4 yếu tố đó là:  Người học (chất lượng đầu vào); Người thầy (Chất lượng đội ngũ giảng viên); Chương trình đào tạo và Cơ sở vật chất.

Về chất lượng đội ngũ giảng dạy, phải nói rằng qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, hiện tại Trường ĐH Khoa học tự hào khi quy tụ được đội ngũ giảng viên gồm các GS, PGS, TS đầu ngành, những nhà giáo có chuyên môn cao, tâm huyết và tận tâm với sinh viên.

Về chương trình đào tạo, định kỳ 2 năm, Nhà trường tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở khảo sát ý kiến của các bên liên quan đặc biệt là ý kiến của nhà tuyển dụng và cựu sinh viên với phương châm: Dạy những gì xã hội cần chứ không phải những gì Nhà trường có.

Từ nguồn lực của Nhà trường, của các dự án và sự hợp tác với doanh nghiệp, về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên. Đặc biệt được trang bị hiện đại, đạt chuẩn có các phòng máy tính của khoa CNTT, 2 phòng studio sản xuất chương trình truyền thanh và truyền hình được mô phỏng 100% như thực tế của khoa Báo chí; các thiết bị máy móc phân tích hiện đại của Khoa Hóa học, Sinh học, Môi trường…

Vấn đề còn lại là yếu tố người học (chất lượng đầu vào). Dù trong bối cảnh tuyển sinh có khó khăn, nhưng trường đã thống nhất quan điểm phải đảm bảo chất lượng đầu vào, mong muốn những thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường phải dựa trên năng lực, đam mê, sở trường của mình và phải đủ chuẩn để có thể theo học và khi tốt nghiệp phải đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Về phương thức xét tuyển, năm nay, nhà trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào học bạ, còn lại là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết hợp với thi năng khiếu cho 2 ngành Kiến trúc; Quy hoạch vùng và đô thị.

Các trường tăng tỷ lệ xét học bạ dẫn đến lo ngại về tiêu cực trong việc đánh giá kết quả. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào, nhất là thực trạng tại Huế?

Đức Hạnh - hanhnguyeduc

Thầy Tôn Thất Viễn Tương, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT

Sở GD & ĐT đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo trường và giáo viên kỹ năng ra đề kiểm tra, đánh giá sát học sinh. Vấn đề ghi điểm trong học bạ là kết quả của cả một quá trình được kiểm soát chặt chẽ. Các đầu điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ được cập nhật thường xuyên và theo định kỳ trên cổng thông tin điện tử của ngành và đảm bảo không có thể tự ý điều chỉnh được. Mặt khác, điểm học bạ của học sinh được thực hiện bởi nhiều giáo viên của 13 đến 14 môn học nên trong công tác đánh giá, việc chạy điểm tiêu cực sẽ không thể thực hiện được.

Thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Hữu Phúc

Nhiều năm nay, kỳ thi THPT quốc gia đã sử dụng điểm học bạ trong việc xét tốt nghiệp THPT. Tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế về công tác đánh giá và tổ chức kỳ thi qua nhiều năm; không có biểu hiện bất thường nào về điểm số, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi.

Thầy Nguyễn Hồng Phúc, Đại diện phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT:

Việc nhập điểm qua cổng thông tin điện tử đã được triển khai trong rất nhiều năm. Điểm đánh giá qua học bạ phải trùng khớp với điểm trên cổng thông tin điện tử,... nên rất khó xảy ra vấn đề tiêu cực.

Tuyển sinh sư phạm gặp khó khăn gì và những chính sách nổi bật gì để hấp dẫn thí sinh? Theo ông nên có cách làm gì mới để vừa đảm bảo số lượng vừa đảm bảo chất lượng?

Nguyên Tâm - tamnguyehue

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

Năm 2019, ngưỡng đầu vào ngành sư phạm là 18 điểm. Với mức điểm này, các em cũng có thể đậu vào các trường top đầu của cả nước. Ở các trường khác ngoài sư phạm tại ĐH Huế, với 15-16 điểm, các em đã trúng tuyển. Chính những điều đó gây ra sự khó khăn nhất định trong công tác tuyển sinh của chúng tôi.

Hiện nay, chúng tôi đang đa dạng hóa chuẩn đầu ra, tìm kiếm nhiều môi trường làm việc mới cho các em. Nhà trường cũng có những chính sách học bỗng tài trợ từ trong và ngoài nước.

Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các cơ hội học tập nước ngoài cho sinh viên.

Đối với tuyển sinh sư phạm, việc Bộ GD&ĐT nâng ngưỡng đầu vào đáp ứng được yêu cầu giáo dục thực tiễn hiện nay, song Nhà nước cũng nên có cam kết đầu ra để sinh viên an tâm học sư phạm.

Từ năm 2021, các cơ sở giáo dục hoàn toàn được giao tự chủ tuyển sinh nên vấn đề đầu vào lại càng được lo ngại hơn. ĐH Huế có giải pháp gì để đảm bảo chất lượng đầu vào?

Hoàng Hải - hoanghai89

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế

Các trường ĐH tại Huế quảng bá tuyển sinh bằng nhiều hình thức. Ảnh: Hữu Phúc

Việc ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những thay đổi trong tuyển sinh, dự báo công tác tuyển sinh năm nay sẽ có những khó khăn nhất định. Theo đó, Đại học Huế đã có một số giải pháp sau:

- Tăng cường công tác quảng bá tuyển sinh trên mọi kênh thông tin, mọi lúc, mọi nơi. Tập trung vào những lợi thế vốn có so với các cơ sở giáo dục đại học khác để thông tin cho thí sinh biết như đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo, học phí ổn định và rẻ, môi trường học tập và sinh hoạt lý tưởng, nhiều cơ hội học bổng và cơ hội thực tập, thực tế ở nước ngoài khi học tập ở Đại học Huế.

- Thông tin về cơ hội việc làm rất lớn khi học tập tại các trường đại học thành viên, các khoa và phân hiệu thuộc Đại học Huế.

- Đẩy mạnh thương hiệu của Đại học Huế trên các kênh thông tin, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia vào năm 2022 đã được thể hiện trong Nghị Quyết của Chính phủ.