Giao lưu trực tuyến: Tương tác cùng Hue-S

Tại thời điểm này, 145 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tham gia vào hoạt động xử lý phản ánh hiện trường trên cơ sở có phát sinh phản ánh thuộc thẩm quyền xử lý. Tính đến đầu tháng 12/2019, có 8.088 phản ánh của người dân, qua xác minh có 5.870 phản ánh đủ điều kiện theo quy định được tiếp nhận phân phối đến cơ quan chức năng xử lý. Tổng số phản ánh có sự tham gia đánh giá mức độ hài lòng của người dân là: 2.357 chiếm tỷ lệ 45.2% trên tổng số phản ánh đã được xử lý, trong đó tỷ lệ đánh giá từ mức chấp nhận trở lên chiếm gần 84%. Tổng số phản ánh có tương tác người dân là: 1.333, chiếm tỷ lệ 25.6% trên tổng số phản ánh đã được xử lý… 

Báo Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Tương tác" cùng Hue-S từ 8h đến 10h30 thứ sáu ngày 20/12/2019.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho các khách mời:

- Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

- Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông 

- Ông Lê Viết Phương, Phó trưởng Công an TP. Huế

- Ông Ngô Đức Long, Cán bộ địa chính - xây dựng UBND phường Phú Hội

- Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế

- Ông Lê Quang Lân, Đội phó Đội quản lý đô thị.

Tôi từng nghe 10 dịch vụ “trái tim” của đô thị thông minh, vậy cụ thể các dịch vụ đó là gì? Dịch vụ nào đang mang lại nhiều hiệu quả nhất?

Thùy Anh - thuyanh88

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT. Ảnh: Khánh Đăng

Đến thời điểm hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai 10 dịch vụ đô thị thông minh chính trong thực tế:

1. Dịch vụ Phản ánh hiện trường;

2. Dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera;

3. Dịch vụ giám sát thông tin mạng;

4. Dịch vụ giám sát dịch vụ hành chính công;

5. Dịch vụ thông tin cảnh báo;

6. Dịch vụ giám sát quảng cáo điện tử;

7. Dịch vụ giám sát hồ đập thủy điện;

8. Dịch vụ giám sát môi trường;

9. Dịch vụ thẻ điện tử;

10. Giải pháp giám sát an toàn thông tin mạng.

Ngoài ra còn có một số dịch vụ khác đang thí điểm.Trong số các dịch vụ đã triển khai thì dịch vụ phản ánh hiện trường được người dân sử dụng nhiều nhất và đem lại hiệu quả nhất bởi nó khắc phục được những hạn chế chồng chéo trong quản lý trước đây và tăng sự tham gia tương tác của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Ảnh: Thái Bình

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 8.088 phản ánh của người dân. Qua xác minh có hơn 5.870 phản ánh đủ điều kiện theo quy định được xử lý. Trong đó tỷ lệ xử lý quá hạn không quá 3,5%; tỷ lệ phản ánh được đánh giá từ mức chấp nhận trở lên là 84%. Tổng số cơ quan tham gia xử lý phản ánh hiện trường là 145 cơ quan. Thông qua dịch vụ phản ánh hiện trường đã giúp nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh xử phạt rất hiệu quả các hành vi vi phạm về quảng cáo, tín dụng đen; vi phạm vệ sinh môi trường; vi phạm giao thông thông qua dữ liệu, hình ảnh từ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Từ khi đưa kênh tương tác “Phản ánh hiện trường” vào, việc xử lý có khác gì so với cách tiếp nhận thông tin so với trước đây?

Bình Nguyên - binhhungnt0189

Ông Lê Quang Lân, đội phó Đội quản lý đô thị

Ông Lê Quang Lân, đội phó Đội quản lý đô thị. Ảnh: Khánh Đăng

Trước đây, việc tiếp cận thông tin phục vụ công tác xử lý vi phạm được tiến hành thông qua việc nắm bắt của cán bộ được phân công quản lý trực tiếp tại địa bàn, hoặc từ những thông tin trao đổi, phản ánh giữa các cơ quan, ban ngành của thành phố, của UBND các phường chuyển về để lãnh đạo Đội Quản lý đô thị căn cứ chỉ đạo xử lý hàng ngày trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị.

Tuy nhiên, từ khi UBND Tỉnh đưa kênh tương tác “Phản ánh hiện trường” vào, có thể nói, việc tiếp cận thông tin sẽ mang tính đa chiều hơn, những vấn đề phát sinh từ cơ sở khi được nhân dân phản ánh sẽ được lãnh đạo Đội Quản lý Đô thị nắm bắt và chỉ đạo xử lý một cách kịp thời đối với những hành vi phạm mới phát sinh từ cơ sở.

Nếu không có kênh thông tin này thì đôi lúc công tác nắm bắt tình hình vi phạm sẽ bị chậm hơn, quá trình chỉ đạo xử lý đôi lúc thiếu kịp thời, hình thành những sai phạm nghiêm trọng, điều này sẽ đưa các cơ quan chức năng vào sự việc đã rồi, khi xử lý cương quyết thì sẽ làm ảnh hưởng lớn, gây thiệt hại tài sản của dân cũng như của nhà nước.

Ngoài ra, qua kênh thông tin phản ánh hiện trường này sẽ giúp lãnh đạo Đội quản lý đô thị phát hiện được những vấn đề báo cáo chậm trễ hoặc bao che của cán bộ trong quá trình quản lý dưới địa bàn. Giúp giám sát tốt hơn tình hình, diễn biến dưới địa bàn và làm cơ sở để xử lý những sai phạm của cán bộ trong đơn vị.

Có thể nói đây là một kênh thông tin mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là đối với những cơ quan làm công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính như Đội quản lý đô thị.

Là chính quyền cấp phường, kênh “Phản ánh hiện trường” có “làm khó” và tăng thêm khối lượng công việc cho địa phương?

Minh Trí - triminh84

Ông Ngô Đức Long, Cán bộ địa chính - xây dựng UBND phường Phú Hội

Ông Ngô Đức Long, Cán bộ địa chính - xây dựng UBND phường Phú Hội. Ảnh: Khánh Đăng

Qua gần 1 năm triển khai hệ thống thông tin dịch vụ đô thị thông minh chúng tôi nhận thấy đã làm giảm khoảng cách giữa Nhân dân và các cơ quan chính quyền. giúp người dân thể hiện tâm tư nguyện vọng của mình một cách thuận lợi và làm đơn giản, giảm tối thiểu sự phiền hà, e ngại đến các cơ quan công quyền.

Vì những thuận lợi đó nên người dân cũng gửi gắm những phản ánh kiến nghị của mình lên các cơ quan chức năng ngày một nhiều hơn. Đa số các phản ánh của người dân về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, tranh chấp dân sự, là cơ quan cấp cơ sở nên các phản ánh này đều thuộc thẩm quyền của UBND phường xử lý và giải quyết nên khối lượng công việc phải giải quyết so với trước đây tăng lên là điều chắc chắn.

Từ khi áp dụng kênh tương tác “Phản ánh hiện trường”, ngành môi trường đô thị có chịu nhiều áp lực hơn không? Đơn vị đã có quy trình gì trong việc xử lý phản ảnh mỗi ngày?

Hữu Lộc - lochuu1993

Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế

Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế. Ảnh: Khánh Đăng

Thời gian qua, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 550 phản ánh với mức độ hài lòng trên 86%. Điều này tạo nên động lực cho chúng tôi phấn đấu hoàn thành công việc. Thực ra áp lực cũng bình thường vì công việc của chúng tôi hằng ngày đều như vậy, công ty cũng đã ban hành nhiều quy trình hướng dẫn và yêu cầu về mặt kỹ thuật, chất lượng trong công việc. Tuy nhiên, khi có phản ánh hiện trường thì người lao động phải “tự giác hơn” vì không chỉ là công ty giám sát hoạt động như trước đây mà còn toàn thể mọi người dân đều giám sát công việc của người lao động.

Về Quy trình trong việc xử lý phản ánh hiện trường:

Căn cứ QĐ 75/QĐ-UBND ngày 19/12/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường; Ngày 15/01/2019 Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế đã ban hành Quyết định số 28/QĐ-MTĐT quy định về việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh hiện trường từ Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh. Trong đó, phân công trách nhiệm cho các đ/c trong Ban Giám đốc theo từng lĩnh vực phụ trách như vệ sinh môi trường, điện, thoát nước, dự án… từ đó, chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xí nghiệp liên quan tiếp nhận thông tin, kiểm tra, xử lý và phản hồi thông tin theo đúng thời gian quy định.

Bên cạnh đó, công ty cũng điều chỉnh quy định về xử lý những trường hợp làm không đúng quy trình, quy định của công ty, không đảm bảo chất lượng, an toàn lao động… để người dân phản ánh trên hệ thống thì công ty cũng làm căn cứ để xử lý như một hình thức phạt nguội qua hình ảnh đối với nguồi lao động. Từ đó, chất lượng công việc và mức độ hoàn thành công việc đã được nâng lên.

Ông có thể đánh giá hiệu quả mang lại thông qua kênh “Phản ánh hiện trường” từ góc độ đơn vị mình. Trong quá trình thực hiện ông thấy có thuận lợi và khó khăn gì?

Hồng Trang - trangk29

Ông Lê Viết Phương, Phó trưởng Công an TP. Huế

Ông Lê Viết Phương, Phó trưởng Công an TP. Huế. Ảnh: Khánh Đăng

Có thể nói, kênh “Phản ánh hiện trường” giúp ích rất nhiều cho công tác của ngành công an, là cánh tay nối dài của ngành.

Trong 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh có 582 vụ tai nạn, trong đó có 25 vụ gây tai nạn xong thủ phạm bỏ trốn khỏi hiện trường. Nhờ nỗ lực của bản thân lực lượng công an, và nhờ hệ thống Hue-S, trích xuất camera, chúng tôi đã giải quyết được toàn bộ 25 vụ, không nợ người dân vụ nào. Có vụ tưởng chừng đã bế tắc nhưng sau 29 ngày, xem xét kỹ các trích xuất từ camera giám sát, chúng tôi đã giải quyết được.

Thuận lợi:

Là cánh tay nối dài giúp ngành CA rất nhiều trong việc xử lý công việc. Ví dụ như chúng tôi ở cơ quan, không tận mắt chứng kiến vụ việc nhưng nhờ hệ thống mà vẫn giải quyết được

Khó khăn:

Người dân khi phản ánh không rõ, dẫn đến chỉ số hài lòng của người dân không cao. Ví dụ có phản ảnh lái xe đánh võng nhưng chỉ có ảnh chụp, không có clip thì chúng tôi rất khó xử lý.

Hệ thống biển báo chưa rõ ràng, kẻ vẽ mờ nhạt, dẫn đến những bất cập trong việc xử lý.

Sai phạm lĩnh vực nào Đội quy tắc đô thị nhận được phản ánh nhiều nhất? Số lượng phản ánh không đúng bản chất vụ việc chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm?

Tú Trinh - tutrinhnguyen

Ông Lê Quang Lân, đội phó Đội quản lý đô thị

Liên quan đến vấn đề này, theo thống kê đến thời điểm hiện nay thì Đội Quản lý đô thị đã tiếp nhận và giải quyết 102 kiến nghị, phản ánh được chuyển về từ Trung tâm giam sát, điều hành đô thị thông minh. Lĩnh vực phản ánh nhiều nhất là Trật tự đô thị, chiếm trên 90%.

Những hình ảnh như đỗ xe không đúng nơi quy định cũng được phản ánh qua Hue-S. Ảnh: Thái Bình

Nếu nói phản ánh không đúng bản chất sự việc thì không có. Vẫn còn tình trạng lợi dụng việc phản ánh để giải quyết những vấn đề cá nhân. Chính vì vậy mà không ít phản ánh cùng một nội dung, một địa điểm nhưng phản ánh rất nhiều lần gây phiền hà cho các cơ quan chức năng.

Lực lượng tại chỗ có đảm bảo việc xử lý tất cả các vụ việc được phản ánh qua kênh này?

Vy Oanh - ntvoanh75

Ông Ngô Đức Long, Cán bộ địa chính - xây dựng UBND phường Phú Hội

Đối với phường chúng tôi, vì đặc thù là phường trung tâm của thành phố, nơi tập trung đông dân cư, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về dịch vụ, ăn uống, lưu trú nên khối lượng công việc phải giải quyết vốn đã rất nhiều.

Nay tiếp nhận, giải quyết thêm các phản ánh từ trung tâm ĐTTM thì khối lượng công việc càng tăng thêm (đến thời điểm này phường nhận 210 phản ánh) nhưng lực lượng tại chỗ của UBND phường vẫn giữ nguyên nên việc xử lý các phản ánh nhiều lúc không kịp thời.

Vì muốn xử lý một phản ánh cần thời gian kiểm tra xác minh làm rõ rồi lên phương án xử lý đúng căn nguyên và mới xử lý dứt điểm được vấn đề.

Việc xử lý có gặp phải sự chồng chéo giữa các đơn vị trên cùng địa bàn TP. Huế không? Trong thực tế đã từng phát sinh những vấn đề tranh cãi hay chưa?

Quý Bảo - baoxnq80

Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế

Mỗi đơn vị có chức năng, nhiệm vụ riêng, nên không có sự chồng chéo trong quá trình xử lý phản ánh của người dân và cũng không có vấn đề tranh cãi.

Tuy nhiên, thời gian đầu do chưa nắm hết chức năng nhiệm vụ của các đơn vị tham gia phản ánh hiện trường, nên một số phản ánh IOC chuyển chưa đúng đơn vị xử lý, làm chậm thời gian trả lời cho người dân. Về vấn đề này, cho đến nay đã được hạn chế nhiều do công việc đã đi vào nề nếp.

Thông qua Hue - S bạn đọc phản ánh một điểm bán sim điện thoại trái phép.  Ảnh: Thái Bình

Một số phản ánh đòi hỏi sự tham gia trả lời của nhiều đơn vị, ban ngành như hạ tầng kỹ thuật liên quan đến Viễn thông, Điện lực, Cấp nước… cũng sẽ mất nhiều thời gian; hoặc một số phản ánh nằm ngoài thẩm quyền trả lời mà công ty còn phải xin ý kiến chỉ đạo từ các cấp quản lý (phòng ban và UBND TP. Huế), ví dụ như đề nghị lắp đặt đèn chiếu sáng tại các tuyến đường, kiệt ngõ, mở rộng mạng lưới vệ sinh, nâng tần suất thu gom… hay việc đầu tư các tuyến thoát nước, vỉa hè tại các khu dân cư. Chính vì vậy, thời gian để trả lời có thể kéo dài khiến người dân chưa thực sự hài lòng vì chưa thể đáp ứng ngay lập tức những đề xuất mà còn phải xin ý kiến, chờ bố trí kinh phí…

Sau 2 tháng áp dụng, kết quả như thế nào? Quá trình thực hiện có phát sinh gì không?

Minh Dương - minhduong56

Ông Lê Viết Phương, Phó trưởng Công an TP. Huế

Tất cả các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ được phản ánh qua Hue-S đều được chúng tôi xác minh và xử lý.

Từ 1/1/2019, công an thành phố đã tiếp nhận 725 vụ việc liên quan, đã xử lý 532 vụ, 213 vụ việc đang được xác minh.

Thông qua kênh tương tác  Phản ánh hiện trường, cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ nhóm đối tượng rãi tờ rơi cho vay nặng lãi

Chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như: Chủ xe cho thuê xe (nếu người thuê xe không đến xử lý thì chủ xe phải chịu trách nhiệm về vụ việc). Nếu không chấp hành quyết định xử phạt, sẽ bị ngăn chặn kiểm định. Khó khăn thứ 2 là các chủ phương tiện thay đổi chỗ ở. Các thủ tục gửi qua Bưu điện thường bị trả về. Hơn nữa, theo quyết định 2498 của UBND Tỉnh, việc xử lý vi phạm bằng quyết định hành chính sẽ làm mất nhiều thời gian hơn so với việc trả lời bằng biên bản vi phạm hành chính.

 

Về hình thức phạt “nguội”, xử lý xe ô-tô biển số ngoại tỉnh thế nào? Với xe gắn máy, việc mời người vi phạm làm việc không phải dễ, bởi nhiều xe máy hiện đã qua rất nhiều chủ sở hữu… Công an thành phố có những giải pháp gì?

Thanh Thúy - thuylettthanh

Ông Lê Viết Phương, Phó trưởng Công an TP. Huế

Quy trình xử lý phạt nguội:

Công an thành phố đã thành lập 2 tổ, chia làm 2 ca để xác minh xử lý các vụ việc (có một tổ ở trung tâm nhận thông tin phản ảnh).

Trong hồ sơ đăng ký có số điện thoại di dộng, trong trường hợp xảy ra vi phạm, chúng tôi sẽ điện thoại cho người vi phạm, trao đổi trực tiếp để xử lý. Những trường hợp không liên lạc được qua điện thoại, chúng tôi sẽ gửi thông báo qua bưu điện.

Với vi phạm của các xe ngoại tỉnh, khi yêu cầu xử lý có xe đến có xe không, do chuyển đổi chỗ ở. Do đó chúng tôi thành lập 1 tổ liên ngành, với các xe liên tỉnh thì gửi giấy mời, nếu không đến, chúng tôi sẽ kiến nghị ngăn chặn đăng kiểm.

Với những trường hợp khó khăn trong xác minh, chúng tôi sẽ tăng cường xử lý lỗi không làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Hiện nay thủ tục sang tên đổi chủ rất đơn giản, nhưng mức xử phạt khá cao (mô tô: 100.000-200.000 VND, ô tô: 1.000.000-2.000.000 đối với cá nhân, đối với tổ chức từ 2.000.000-4.000.000), nên cơ quan chức năng khuyên người dân nên tiến hành sang tên đổi chủ đúng thủ tục để không vi phạm luật giao thông đường bộ, và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Chế tài xử phạt trong “Phản ánh hiện trường” rất quan trọng, nó làm thay đổi nhận thức của con người và nâng cao việc chấp hành luật của người dân. Tỉnh đã có những chế tài nào, thưa ông?

Công Thiện - hcongthien88

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.. Ảnh: Khánh Đăng

Quy định về việc sử dụng những hình ảnh do người dân cung cấp và hệ thống camera do trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh quản lý cũng như hình ảnh từ các hệ thống camera khác để xử phạt chưa rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là điểm khó mà cả nước chưa làm được. Căn cứ vào tình hình thực tế, vận dụng các quy định hiện hành, tỉnh đã ban hành các hướng dẫn để xử lý các vấn đề này.

Chúng ta không xử lý theo kiểu “phạt nguội” như lâu nay đã hiểu như trong việc xử phạt về giao thông của lực lượng công an. “Phạt nguội” ở đây là dùng hình ảnh làm bằng chứng đấu tranh để xử phạt.

Trong việc xử phạt trong “Phản ánh hiện trường”, lực lượng công an đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đối với trường hợp tiếp nhận hình ảnh liên quan đến các lĩnh vực sẽ chuyển về đầu mối công an cấp huyện để xử lý

Hình ảnh truyền về từ các camera ở các giao lộ sẽ thêm bằng chứng cho việc xử lý các vụ việc trật tự đô thị. Ảnh: P. Giang

Về lĩnh vực môi trường, UBND tỉnh có Công văn số 3976/UBND-TN ngày 21/6/2019 về việc xử phạt hành chính các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 1/7/2019, cơ quan chức năng tỉnh thực hiện xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Về giao thông, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2498/QĐ-UBND ngày 10/10/2019 về Quy chế phối hợp sử dụng thông tin, dữ liệu thu được từ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh để xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Về quảng cáo, theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; UBND tỉnh đã có Công văn 4279/UBND-DL ngày 01/7/2019 hướng dẫn thực hiện xử lý một số hành vi vi phạm hành chính về quảng cáo, rao vặt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong lĩnh vực tiếng ồn, âm thanh phải có một hướng dẫn riêng.

Qua thực tiễn triển khai các chế tài xử phạt, ý thức người dân khá tốt nên xử lý khá thuận lợi.

Vẫn có tình trạng tại một địa điểm được người dân phản ánh nhiều lần, song sau khi xử lý thì mọi việc vẫn đâu vào đấy. Theo ông đâu là căn nguyên và giải pháp xử lý lâu dài là gì?

Thanh Tâm - vttam68

Ông Lê Quang Lân, đội phó Đội quản lý đô thị

Liên quan đến vấn đề này, cần xem xét từng tính chất công việc cụ thể, chẳng hạn như ở Đội Quản lý đô thị thì lĩnh vực trật tự đô thị luôn là vấn đề nóng, khó giải quyết dứt điểm trong thời gian một sớm một chiều. Thời gian qua đơn vị đã phối hợp với CA thành phố để ra quân giải quyết thường xuyên, có ngày bố trị lịch đến 3 ca, làm việc đến 12h đêm nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để mà chỉ mới ổn định được tình hình.

Nguyên nhân của sự tồn tại nói trên là do các trường hợp vi phạm thường lợi dụng hoạt động ngoài giờ, ban đêm, khi các cơ quan chức năng không làm việc, hay sau khi cơ quan chức năng “rút quân”. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp thực hiện hành vi vi phạm theo kiểu đối phó với các cơ quan chức năng, buôn bán biến tướng theo kiểu xách nách lưu động nên khó giải quyết.

Vì thế, theo tôi để giải quyết vấn đề này thì cần phải có nhiều giải pháp kết hợp, đồng bộ như tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức của người dân và tiến hành ra quân xử lý thường xuyên, liên tục để đảm bảo tình hình.

Về nguồn nhân lực, thành phố đã bố trí con người, phân công, phân cấp chịu trách nhiệm tuyến, khu vực. Tuy nhiên, cần sự vào cuộc của tất cả ban ngành. Các phường cần chung tay với thành phố để tăng cường xử lý, giải quyết.

Việc xử lý các sai phạm của các quán ăn, nhà hàng, cơ quan liệu có vùng cấm hay không? Tôi theo dõi các vụ việc đã xử lý, thấy có một số vụ việc giải quyết chưa triệt để, chưa hợp lý và có vẻ như giải quyết cho xong (những lý do bên sai phạm đưa ra không thuyết phục).

Nguyễn Phúc Thành Nhân - nguyenphucthanhnhan

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Tôi khẳng định việc xử phạt là không có vùng cấm. Qua theo dõi, chúng tôi cho rằng vẫn chưa thấu đáo vì có hiện tượng trả lời cho xong việc. Tôi nghĩ có 2 vấn đề, đó là, sự quyết liệt của chính quyền chưa cao và việc quản lý đô thị trong giai đoạn chuyển tiếp, ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ của người dân

Chúng ta phải đưa ra lộ trình để giải quyết, nếu 1,2 hàng quán vi phạm phải xử lý nghiêm túc.

Những vấn đề có tính chất chung, địa phương phải ra lộ trình.

Nói chung, quan điểm của chúng tôi là không có vùng cấm, không có du di. Chúng ta xác định phải đương đầu với tồn tại hoàn thiện để phát triển.

Một số phản hồi của HueS mong muốn người dân cung cấp bằng chứng sai phạm, ví dụ như cung cấp bằng chứng cụ thể tên người vi phạm hoặc video clip. Thật sự như vậy là rất khó cho người phản ánh. Liệu có nên thành lập 1 đội phản ứng nhanh, kiểu như cảnh sát du lịch ở một số nước đã áp dụng hoặc đội văn minh đô thị để phản ứng lại với các kiến nghị có thể xử lý ngay.

Nguyễn Phúc Thành Nhân - nguyenphucthanhnhan

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Có một số vi phạm chỉ chụp ảnh thôi chưa đủ; có những hành vì mang tính chất tức thời mà việc kiểm tra tức thời chưa có nên không phát hiện xử lý.

Chúng tôi sẽ xây dựng mạng lưới phản ánh hiện trường, phản ánh của người dân chuyển đến các cán bộ làm việc tại những khu vực gần khu vực phản ánh để xử lý.

Xây dựng mô hình cảnh sát du lịch chúng ta chưa làm được. Nếu triển khai đội kiểm tra du lịch thì lực lượng hiện còn mỏng, triển khai khá khó khăn. Mô hình mạng lưới phản ánh hiện trường được triển khai để xử lý những phản ánh tức thời.

Một số người dân chưa sử dụng hợp lý kênh tương tác “phản ánh hiện trường”, điều này đã gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình tiếp nhận xử lý. Vậy, cần những giải pháp nào để hoàn thiện?

Phương Thảo - thaophuong88

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT

Dịch vụ đô thị thông minh nói chung và phản ánh hiện trường nói riêng bản chất là phục vụ cho người dân. Sự tham gia của người dân càng nhiều thì càng khẳng định hiệu quả của công tác triển khai. Việc người dân sử dụng phù hợp hay không phù hợp thì đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải làm rõ thế nào là phù hợp hay không để người dân hiểu đó chính là tương tác của cơ quan nhà nước giúp cho người dân hiểu và không lặp lại lần sau.

Các phản ánh của người dân khi gửi đến Trung tâm đều được bộ phận tiếp nhận xác minh lại thông tin, trường hợp chưa đủ yêu cầu tiếp nhận sẽ bị hủy phản ánh.

Hiện tại do hệ thống camera được lắp đặt để giám sát với số lượng chưa nhiều, do vậy để các giải pháp hoàn thiện hơn thì trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường lắp đặt thêm hệ thống camera để giúp cho việc xử lý và xác minh thông tin một cách hiệu quả và chính xác hơn.

Các phản ảnh chưa được xử lý chiếm con số không nhỏ. Nguyên nhân nào xảy ra tình trạng này?\r\n

Hoài Anh - nghoaianh85

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT

3% tỉ lệ xử lý trễ hạn là con số có thể chấp nhận trong giai đoạn hiện nay nhưng cũng phải suy nghĩ để làm sao làm tốt hơn.

Đa số các xử lý trễ hạn tập trung vào các vấn đề bất cập đã tồn tại từ lâu với phạm vi tương đối khá lâu như tình trạng dây cáp viễn thông đã tồn tại từ lâu trên địa bàn toàn tỉnh, việc giải quyết cần rất nhiều nguồn lực. Bên cạnh đó, một số vấn đề có tính chất mới phát sinh và đang lúng túng trong việc phối hợp như ô nhiễm tiếng ồn… Trên cơ sở đó sở đang tổng hợp và tham mưu phương án để tổ chức họp các đơn vị để thống nhất phương án giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Theo các ông, việc đưa tiêu chí xử lý “Phản ánh hiện trường” vào đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm có phù hợp không. Ở đơn vị ông (bà) sẽ thực hiện như thế nào?

Phước Lâm - ndplam87

Ông Ngô Đức Long, Cán bộ địa chính - xây dựng UBND phường Phú Hội

Qua nghiên cứu và thực tiễn, tôi cho rằng với phường chúng tôi, dù tập trung các lực lượng để xử lý các phản ánh thì không bao giờ hết, vì thế nếu đưa vào tiêu chí thi đua, sẽ khó đạt được.

Ông Lê Quang Lân, đội phó Đội quản lý đô thị   

Theo cá nhân tôi, việc đưa tiêu chí xử lý “Phản ánh hiện trường” vào đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm là phù hợp, bởi vì những lý do cụ thể sau đây: Chủ thể phản ánh là tất cả mọi công dân sống và làm việc trên địa bàn tỉnh tham gia phản ánh những gì không phù hợp, trái pháp luật trên tất các các lĩnh vực để các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành và các tổ chức đoàn thể căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao để trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc áp dụng xếp loại thi đua hàng năm cần phải xây dựng các tiêu chí cụ thể: đánh giá thông qua việc xem xét mức độ hài lòng về kết quả xử lý công việc là một tiêu chí quan trọng; bên cạnh đó, tùy và tính chất, độ phức tạp của công việc, chẳng hạn như: có các trường hợp cần có sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành mới giải quyết được hoặc một số vụ việc cần phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên cần phân bổ quỹ thời gian hợp lý để đảm bảo chất lượng giải quyết công việc, đem lại sự hài lòng cao và đảm bảo tính công bằng trong xếp loại thi đua giữa các đơn vị.

Đối với đơn vị chúng tôi, hiện nay lãnh đạo đã chỉ đạo bổ sung vào quy chế thi đua khen thưởng để áp dụng đến tất cả cán bộ, viên chức tại đơn vị; các tổ, bộ phận công tác tùy vào chức năng nhiệm vụ của mình khi tiếp nhận phản ánh phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo trong việc giải quyết và báo cáo kết quả xử lý kịp thời để lãnh đạo đơn vị báo cáo với Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh.

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh được xem là trái tim của đô thị thông minh

Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế 

Tôi đồng tình với việc đưa tiêu chí phản ánh hiện trường vào xếp loại thi đua hằng năm đối với các cơ quan, đơn vị nhằm tạo động lực cho các đơn vị phấn đấu và hướng tới việc phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn. Công ty chúng tôi cũng đã đưa ra tiêu chí này vào để xem xét thi đua cuối năm đối với các cá nhân và tập thể.

Tuy nhiên, cơ sở nào để xếp loại các đơn vị cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Nếu lấy tiêu chí hài lòng để xếp loại cũng chưa thực sự thuyết phục vì có nhiều phản ảnh mang tính cá nhân, hoặc những phản ảnh mà thẩm quyền các đơn vị thụ lý không thể giải quyết được do còn phải xin ý kiến của các cấp; từ đó người phản ánh đánh giá phản ảnh chưa được giải quyết nên không hài lòng. Vấn đề ở đây là các đơn vị thụ lý phản ảnh đó không thể tự chủ động đối với các vấn đề đó được như yếu tố về mặt chủ trương, kinh phí. Từ đó xem xét tiêu chí đánh giá cần có những nội dung như: mức độ hài lòng, chấp nhận, thời gian xử lý, tỷ lệ giải quyết các phản ảnh và tỷ lệ tồn đọng, trễ hạn xử lý.

Đặc biệt cần đánh giá, xem xét việc chậm trễ, không hài lòng đó là do chủ quan hay khách quan của đơn vị thụ lý vụ việc.

Như vậy, tất cả những tiêu chí trên cần có sự lượng hóa bằng cách chấm điểm. Ngoài ra, cũng cần tính đến số lượng tiếp nhận, và xử lý phản ánh của các đơn vị, ví dụ như đơn vị tiếp nhận 10 phản ảnh phải khác với đơn vị tiếp nhận phản ảnh 100 phản ánh.

Ông Lê Viết Phương, Phó trưởng Công an TP. Huế

Tôi cũng thống nhất với ông Trần Hữu Ân về việc đưa tiêu chí xử lý “Phản ánh hiện trường” vào đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm. Tuy nhiên, với đặc thù nghề nghiệp, ngành công an chúng tôi là ngành nhận được rất nhiều phản ánh, ngoài việc xử lý các phản ánh đó, chúng tôi còn phải làm tốt công tác công an, do vậy cần có cơ chế đánh giá phù hợp để việc xếp loại công bằng, chính xác nhất.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT

Chúng ta phải thấy là sự gắn kết giữa công nghệ thông tin và cải cách hành chính cũng là một vấn đề. Vì vậy, đây là hình thức cụ thể hóa và phương thức để tổ chức gắn kết. Việc đưa vào chấm tiêu chí thi đua là cụ thể hóa, lượng hóa trên cơ sở tương tác của người dân đánh giá mức độ hài lòng của người dân và do người dân thực hiện rất khách quan và không có sự tác động của các yếu tố khác.

Thực tiễn cho thấy, nếu cùng một vấn đề đó nếu phản ánh lần đầu, người dân không hài lòng nhưng lần sau người dân đánh giá hài lòng tùy thuộc vào cách thức cơ quan nhà nước ứng xử với tương tác với phản ánh của người dân để cải thiện. Một năm chưa phải là nhiều để đưa ra nhận định đầy đủ nhất. Đây là năm đầu để đưa ra tiêu chí cho năm sau. Năm này chúng tôi chia sẻ tỉ lệ đó để năm sau sẽ tổng kết vận dụng và tuyên truyền để người dân tham gia tốt hơn.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Việc đánh giá cũng chỉ mang tính chất tương đối. Nhưng nếu đơn vị nào có nhiều phản ánh thì trách nhiệm càng nặng nề hơn. Ví dụ như TP.Huế là bộ mặt của tỉnh nên lãnh đạo đơn vị này cần nỗ lực, trách nhiệm hơn để giải quyết kỳ vọng của người dân.

Hiện nay, ở các đơn vị trung tâm có nguồn lực, đội ngũ thuận lợi hơn để triển khai.

Bước đầu đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm nên chúng tôi chưa đưa ra quá nhiều tiêu chí, tiêu chí cao quá. Nhưng phải phân định đơn vị nào làm tốt và chưa tốt. Đối với tập thể mức độ hài lòng là 75%; đối với cá nhân thì mức độ hài lòng từ 50% năm nay và 70% của năm sau. Trong năm nay và năm sau các tiêu chí đó cũng vừa phải. Tỉnh xác định tạo ra ý thức cho các cấp chính quyền, đây là mức không phải quá khó để các địa phương thực hiện. Phải có phương án làm sao đưa công cụ đến rộng rãi với người dân để họ làm chủ, để chính quyền thay đổi mình

Các đơn vị cần chú ý thời gian để hoàn thành xử lý các phản ánh.

Tôi từng phản ánh thông tin về hiện trường nhưng không hiểu sao thông tin cá nhân của tôi lại bị lộ, ảnh hưởng đến công việc và đời sống cá nhân. Vậy làm sao để bảo mật thông tin người phản ánh để công dân yên tâm hơn khi tương tác với Huế - S. Việc tương tác với các sự vụ được giải quyết có ý nghĩa gì trong vận hành Hue – S không?

Không tên - vodanhhue

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT

Tất cả các thông tin cá nhân khi gửi đến Trung tâm hoàn toàn được bảo mật, cơ quan xử lý sẽ không nắm được thông tin cá nhân của công dân/ tổ chức (CD/TC) gửi phản ánh. Có những trường hợp CD vừa gửi đến Trung Tâm vừa đăng thông tin trên trang Facebook cá nhân nên thông tin lộ lọt. Chúng tôi khuyến cáo để đảm bảo tính bảo mật thì thứ nhất người dân sử dụng ứng dụng di động Hue – S, thứ hai là trên nền tảng cổng thông tin phản ánh của chúng tôi và thứ ba là phản ánh qua số điện thoại 08.1575.1575. Đó là 3 kênh thông tin chính thống trong phản ánh hiện trường. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân với các trường hợp nhạy cảm không muốn bị lộ lọt thông tin không nên đăng tải lên các mạng xã hội vì nguy cơ rủi ro cao. Với các trường hợp lộ lọt thông tin TT sẽ mời các bên liên quan và Công an vào cuộc để đối chất và tìm nguyên nhân xử lý.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Thực tế có những vấn đề và những phản ánh không giải quyết được. Nhiều người chỉ phản ánh về một lĩnh vực. Đối với những trường hợp cá biệt thì có thể xử lý ngay.

Cần có một cơ quan tổng hợp khái quát vấn đề để đưa ra những giải pháp căn cơ để giải quyết. Phải thẳng thắn với người dân về những tồn tại để công khai minh bạch.

Chúng ta nhìn ở mặt tích cực là người dân đang phản ánh một tồn tại xã hội.

Một số trường hợp mang tính cá nhân thực sự cần có sự trao đổi, trả lời thẳng thắn.

Qua thời gian thực hiện, điều gì khiến ông băn khoăn nhất? Địa phương có những vướng mắc gì trong quá thực thi những phản ánh và đưa ra biện pháp xử lý?

Duy Nam - duynamnguyen

Ông Lê Viết Phương, Phó trưởng Công an TP. Huế

Điều đáng băn khoăn nhất hiện nay là hạ tầng giao thông ở Huế còn nhiều bất cập, có nhiều tuyến đường không có lề đường cho người đi bộ, hệ thống biển báo chưa hợp lý. Ngoài ra, kinh phí là một trong những vướng mắc làm ảnh hướng đến việc xử lý.

Lực lượng công an xử nóng các trường hợp vi phạm thông qua Hue-S

Để làm tốt nhiệm vụ về phản ánh hiện trường, lực lượng công an cũng chịu rất nhiều áp lực, ngoài nhiệm vụ làm tốt công tác công an. Ban chỉ huy Công an thành phố đã chỉ đạo các phường, đội đều phải bố trí lực lượng để làm tốt phản ánh hiện trường.

Từ lúc xử lý đến nay, công an thành phố Huế vẫn luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu về chỉ số hài lòng của người dân trong việc xử lý các vấn đề, vụ việc được phản ánh trên Hue-S.

Ông thấy việc xử lý thông qua kênh tương tác này có những thuận lợi, khó khăn gì? Phía ngành có những kiến nghị gì không?

Minh Duy - ngminhduy

Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế

Hiện nay, qua kênh tương tác này, chúng tôi có thêm thông tin để tiếp nhận sớm nhất những phản ảnh về các lĩnh vực mà công ty đang được tỉnh và TP giao quản lý, vận hành, từ đó kịp thời khắc phục, sửa chữa những tồn tại. Người lao động cũng sẽ ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định, tiêu chuẩn của công ty đã ban hành để hạn chế những sai phạm, từ đó chất lượng công việc sẽ được nâng lên.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều phản ánh, tương tác với mục đích yêu sách cho cá nhân, gia đình chứ không phải cho cộng đồng; ví dụ một số tuyến đường sau 22h30, thời điểm lưu thông giảm, công ty sẽ cắt điện xen kẽ tính từ các giao lộ nhằm tiết kiệm chi phí tiền điện nhưng nhiều ý kiến phản ánh yêu cầu phải mở tại vị trí trước mặt nhà họ… và phản ánh rất nhiều lần với cùng nội dung mặc dù đã được giải thích rất cụ thể. Hoặc một số ý kiến đề xuất nằm ngoài thẩm quyền, công ty cũng đã trả lời là đang xin ý kiến cấp trên như đầu tư hệ thống vỉa hè, lề đường… nhưng họ vẫn tương tác thiếu thiện chí.

Từ đó, chúng tôi mong muốn, trung tâm IOC cần có cơ chế sàng lọc những phản ảnh, tương tác phù hợp và ngăn chặn những tương tác có lời lẽ không phù hợp.

Hiện kênh tương tác này chỉ mới dừng ở địa bàn thành phố và một số vùng lân cận. Thời gian tới, tỉnh có những giải pháp nào để mở rộng nhằm phát huy hiệu quả Huế - S trên địa bàn toàn tỉnh?

Thảo Uyên - dinhthaouyen92

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Hiện nay, Hue-S đã triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh, người dân toàn tỉnh hãy cùng tham gia để tương tác.

Theo các ông, nhìn một cách toàn diện, để Huế S có sự lan tỏa và phát huy hiệu quả vì mục tiêu chung, cần phải làm gì?

Trà My - hoangmytra88

Ông Ngô Đức Long, Cán bộ địa chính - xây dựng UBND phường Phú Hội

Để Huế S có sự lan tỏa và phát huy hiệu quả vì mục tiêu chung, chúng tôi chỉ đạo các ban ngành của phường tuyên truyền người dân để hiểu thêm, hiểu sâu phần mềm ứng dụng này. Song song với đó, tuyên truyền người dân phản ánh mang tính xây dựng, bỏ tính cá nhân để phát huy tính hiệu quả của phần mềm này.

Kênh tương tác phản ánh hiện trường giúp quản lý đô thị tốt hơn. Ảnh: Thanh Toàn

Ông Lê Quang Lân, đội phó Đội quản lý đô thị

Theo tôi, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh được biết kênh thông tin và hưởng ứng tham gia vì mục tiêu chung của tỉnh.

Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của các cơ quan ban ngành trong việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh, nhằm đem lại sự hài lòng cao cho người dân. Khi có sự hài lòng thì người dân sẽ xem đây là kênh thông tin bổ ích và sẽ lan truyền rất nhanh trong đời sống xã hội và tạo được niềm tin của người dân với chính quyền.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT

Hiện nay có hai kênh là trên nền tảng web và nền tảng di động App Hue-S đã có hơn 150.000 tài khoản đăng ký, và đăng ký trực tiếp App thì có hơn 25.000 người tải.

Thứ nhất Hue-S là một ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng di động, trong đó phản ánh hiện trường là một phần của ứng dụng Hue-S. Trong thời gian tới sẽ tích hợp thêm các dịch vụ phục vụ cho người dân như dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, thanh toán trực tuyến,… nhằm hướng đến một ứng dụng duy nhất (Hue-S) tích hợp đầy đủ các dịch vụ đô thị thông minh.

Thứ hai, là thường xuyên đánh giá những bất cập và đưa ra phương án xử lý để tăng cường sự hài lòng của người dân.

Thứ ba sẽ truyền thông về cơ sở qua các phường, tổ dân phố. Đây là nhiệm vụ trong thời gian tới để người dân tiếp cận và nắm. Đồng thời, tuyên truyền với nhiều phương thức toàn diện hơn để người dân có thể tiếp cận một cách đồng đều và sâu nhất.

Tỉnh sẽ tiếp tục có những hoạch định gì trong tương lai để các dịch vụ được áp dụng tại đây mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa trên tất các các lĩnh vực?

Tú Anh - anhtunguyen

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Phải xác định rõ là “Phản ánh hiện trường” chỉ là một dịch vụ trong Hue- S. IOC chỉ thành công khi có sự tương tác của người dân.

Ngoài các biện pháp tuyên truyền thì cần biến Hue - S thành công cụ hữu ích. Chúng ta đang cần người dân nên phải cung cấp cho người dân các dịch vụ.

Sắp tới tỉnh sẽ triển khai Sổ liên lạc điện tử (kết nối phụ huynh học sinh nhà trường), đưa vào hệ thống định hướng nghề nghiệp, từ đó chính quyền nắm được hệ thống mong muốn của bạn trẻ để có những giải pháp hỗ trợ và y bạ điện tử.

Tương tác để Hue - S phát huy hiệu quả là góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững. Ảnh: Hoàng Hải

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ có ứng dụng công bố chất lượng nước, không khí. Theo đó, sẽ còn đầu tư hệ thống quan trắc nước, quan trắc không khí độc lập.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống phản ánh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thêm một ứng dụng sẽ được triển khai là thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, sẽ kiểm soát được chất lượng, giá cả hàng hóa.

Về lâu dài phải ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI vào để phân tích dữ liệu. Trong suy nghĩ của người dân nếu không dùng ứng dụng này sẽ thiệt thòi thì chúng ta được sự quan tâm của người dân.

Tóm lại, Hue – S sẽ phát triển theo hướng lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ người dân.