Giao lưu trực tuyến: Ứng phó với biến đổi khí hậu

Những năm gần đây, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Đầu năm 2019 xảy ra các đợt mưa lớn kết hợp triều cường làm vỡ một số đê bao nội đồng và ngập úng 2.250 ha lúa mới gieo sạ. Các đợt nắng nóng gay gắt, liên tục kéo dài, độ ẩm thấp từ đầu tháng 2 đến tháng 8 làm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt, gây hại vụ hè thu, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị khô cháy. Các hồ thủy điện khô kiệt nước không đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và nông nghiệp…

Dự báo xu thế thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Đó là lý do Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Ứng phó biến đổi khí hậu” 

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho các khách mời:

- Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

- Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

- Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên Môi trường

- Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

- NGND.PGS.TS Nguyễn Đức Hưng - Trường đại học Nông lâm Huế

- Ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc

- Ông Lê Thanh Xuân - người dân Quảng Thọ, Quảng Điền

Có bao giờ ông và những nông dân cùng địa phương nghe về cụm từ biến đổi khí hậu? Ông hình dung nó như thế nào và có những dự liệu gì cho nghề của mình trong thời gian tới hay không?

Đức Phú - phule78

Ông Lê Thanh Xuân - người dân Quảng Thọ, Quảng Điền

Ông Lê Thanh Xuân - người dân Quảng Thọ, Quảng Điền. Ảnh: Hoàng Hải

Tôi đã từng nghe đến cụm từ “Biến đổi khí hậu”. Theo tôi, đây là hiện tượng thời tiết thay đổi bất thường như hạn hạn, mưa lũ, nhiệt độ tăng… cũng như các vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến khí hậu.

Với bản thân tôi, luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, dụng cụ để đối phó sự bất thường của thời tiết. Ở địa phương tôi là vùng thấp trũng, đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm đảm bảo mùa mưa lũ, có phương án sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp.

Thưa ông, dưới góc độ chuyên môn, khái niệm “biến đổi khí hậu” và “ứng phó với biến đổi khí hậu” hiểu như thế nào là chính xác, đầy đủ?

Minh Duy - minhduyho

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên Môi trường

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên Môi trường. Ảnh: Hoàng Hải

Theo khái niệm đưa ra tại Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH, BĐKH là sự thay đổi trong khí hậu do tác động trực tiếp hay gián tiếp của hoạt động con người làm thay đổi thành phần của khí quyền toàn cầu; bên cạnh sự biến động của khí hậu về mặt tự nhiên, được quan sát qua nhiều thời kỳ.

Ứng phó với BĐKH là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ BĐKH.

Nói về thích ứng với BĐKH, đó là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương do dao động và BĐKH hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng các cơ hội do nó mang lại. BĐKH được chứng minh qua sự khác biệt giữa các giá trị trung bình nhiều năm (với khoảng 30 năm đến 1.000 năm) của các tham số thống kê khí hậu.

Có nhiều biện pháp thích ứng với BĐKH, như: chấp nhận tổn thất; chia sẻ tổn thất; làm thay đổi nguy cơ; ngăn ngừa các tác động; thay đổi cách sử dụng; thay đổi/chuyển địa điểm; nghiên cứu; giáo dục, thông tin, khuyến khích thay đổi hành vi.

Về giảm nhẹ BĐKH là các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính (KNK). Các nguồn phát thải KNK, bao gồm: tiêu thụ năng lượng, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp, sinh hoạt…

Các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK, như: nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng mới & năng lượng tái tạo; bảo vệ và tăng cường các bể chứa và hấp thụ KNK; tăng cường thu hồi KNK.

Dưới góc độ của ông/bà yếu tố gì đầu tiên khi nghĩ đến tác động của BĐKH? Những nơi ông bà đã từng khảo sát và triển khai dự án, người dân nhận thức như thế nào về vấn đề này?

Lê Huy - lehuy88

NGND.PGS.TS Nguyễn Đức Hưng - Trường đại học Nông lâm Huế

NGND.PGS.TS Nguyễn Đức Hưng - Trường đại học Nông lâm Huế. Ảnh: Hoàng Hải

Biến đổi khí hậu là diễn biến phức tạp của thời tiết, có tính cực đoan với nhiều lý do. Diễn biến những năm gần đây đã vượt lên giới hạn bình thường và do chính con người tác động.

Nhận thức của người dân về BĐKH vẫn chưa sát với vấn đề này, người dân vẫn trông chờ vào các cấp chính quyền, Nhà nước can thiệp.

Do vậy, chúng ta phải đương đầu với biến đổi khí hậu và phải bình tĩnh nhìn vào thực trạng.

Các cấp chính quyền, nhà khoa học cùng nhân dân tìm biện pháp, kế sinh nhai phù hợp mới biến đổi khí hậu, ví như thay đổi ngành nghề, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng vào việc sống chung với biến đổi khí hậu.

Nhà nước cần tuyên truyền thay đổi nhận thức nông dân để đưa ra giải pháp phù hợp, đây là quá trình lâu dài.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra ở những hình thái nào, thể hiện ra sao? Thừa Thiên Huế có nằm trong vùng chịu tác động nặng nề của BĐKH không. Kịch bản của BĐKH dự kiến trong những năm tới là như thế nào?

Thế Thành - thanhthenguyen83

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên Môi trường

Các biểu hiện của BĐKH bao gồm: Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên; sự dâng cao mực nước biển; sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển; sự di chuyển của các đới khí hậu trên các vùng khác nhau của trái đất; sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hoá khác; sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thuỷ quyển, sinh quyển, địa quyển.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu và mực nước biển dâng thường được coi là hai biểu hiện chính của BĐKH.

Hình thái của BĐKH thường thấy là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ, lụt, báo, hạn hán, xâm nhập mặn…

Lúa vụ hè thu của nông dân Phú Đa (Phú Vang) bị cháy do đợt hạn hán trong năm 2019. Ảnh: Lê Thọ

Thừa Thiên Huế là tỉnh duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng rất lớn của các hiện tượng thời tiết cực đoan, ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất và tính thất thường. Thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, BĐKH đã, đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ lên tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động đời sống của người dân Thừa Thiên Huế.

Năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”, trong đó có kịch bản BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2020. Đó là cơ sở để xây dựng quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch của các ngành, các địa phương gắn với chiến lược phát triển KT- XH của tỉnh đến năm 2020 và định hướng những năm tiếp theo.

Để xây dựng kịch bản của BĐKH dự kiến trong những năm tới, hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các ngành, địa phương cập nhật và xây dựng "Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", trong đó có cập nhật kịch bản BĐKH về nhiệt độ, lượng mưa và nước biển dâng trên cơ sở kịch bản BĐKH và nước biển dâng do Bộ TNMT ban hành năm 2016.

Là địa bàn khá đặc thù, Vinh Hải đã từng hứng chịu những hậu quả như thế nào của biến đổi khí hậu? Ông có thể nêu một vài con số điển hình?

Duy Lâm - lamduynguyen

Ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc

Ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc. Ảnh: Hoàng Hải

Vinh Hải là xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 47km về phía Nam, xa trung tâm huyện và thành phố. Địa hình toàn xã tương đối đồng nhất, bằng phẳng nằm trải dài theo biển, thấp dần từ Bắc xuống Nam, tổng chiều dài là 6,5km và có chiều dài bờ biển là 4,5km, là địa bàn thường xuyên xảy ra nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán và xâm thực biển. Các loại hình thiên tai xảy ra hằng năm và bình quân cứ 3 đến 5 năm lại có một cơn bão lớn đổ bộ vào Vinh Hải.

Có những năm xã phải hứng chịu 2 cơn bão lớn mà gần đây nhất là năm 2017. Cơn bão số 10 và cơn bão số 12 năm 2017 đã gây thiệt hại lớn đến rừng phòng hộ, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, tuyến đường tỉnh lộ 21 bị cát vùi lấp khoảng 3m3, khoảng 20 ha hoa màu và 15 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng. Ước thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

Kiểm tra thiết bị hỗ trợ phòng chống thiên tai trong cộng đồng tại xã Vinh Hải, Phú Lộc. Ảnh: Linh Giang

Trung bình mỗi năm bờ biển ăn sâu vào đất liền từ 10-15m, mở từ 2 - 4 cửa biển. Điều này đe doạ nghiêm trọng đến đất sản xuất và đời sống của người dân trong xã.

Trong những năm gần đây, hạn hán gây thiệt hại lớn về nông nghiệp, mỗi năm người dân bỏ hoang khoảng 12ha do không có nước để tưới, gia súc gia cầm dễ bị dịch bệnh, năng suất lúa và màu giảm, nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề do nguồn nước không đảm bảo.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, thiệt hại về kinh tế do các loại hình thiên tai gây ra trên địa bàn xã ước lên đến 50,3 tỉ đồng.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, tỉnh đã có chủ trương và yêu cầu như thế nào đối với các ngành, các lĩnh vực nổi bật?

Lê Vũ - vanthaile

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Hoàng Hải

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế cảnh báo là một trong các tỉnh bị ảnh hưởng nặng của BĐKH. Thiên tai cùng với BĐKH ở Thừa Thiên Huế là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, phát triển bền vững, gia tăng đói nghèo, là trở lực lớn trong quá trình phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước thực trạng đó, Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chiến lược và kế hoạch để thích ứng với BĐKH, được triển khai từ năm 2013. Tỉnh đã Ban hành quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 5/2/2013 về việc phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, dựa trên những cảnh báo sớm, nhất là về vấn đề nước biển dâng. Tỉnh cũng có kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh cũng ban hành một số chính sách đặc thù với địa phương như: ban hành quy định tạm thời cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng Chương trình nông thôn mới, Công văn số 2385/UBND-XDKH ngày 21/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn tạm thời cơ chế đầu tư đặc thù thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; và các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: Chính sách hỗ trợ sắp xếp, giải toả nò sáo trên đầm phá; Giao quyền mặt nước cho các hội nghề cá ở đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, chính sách phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao; trợ giá giống lúa tuỳ theo từng vụ, hỗ trợ giống khi thiên tai, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình, dự án khoa học công nghệ,  khuyến nông, lâm, ngư. Chính sách định cư dân thuỷ diện, hỗ trợ xoá nhà tạm cho dân thuỷ diện đầm phá định cư, dân các khu vực nguy cơ thiên tai tái định cư. Phân cấp quản lý các công trình xây dựng hạ tầng, các dự án của các Chương trình cho huyện, xã. Các chính sách đó đã góp phần tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trong các năm qua, các Sở, Ban ngành và địa phương đã triển khai xây dựng nhiều Kế hoạch phòng chống thiên tai và BĐKH, trong đó tập trung các nguồn lực, định hướng tất cả các khía cạnh như phát triển hệ thống thuỷ lợi…

Tần suất và mức độ BĐKH theo dự báo sẽ xấu trong nhiều năm tiếp theo và mức độ lớn hơn. Theo ông sự chuẩn bị của chúng ta có theo kịp với những biến đổi đang diễn ra hay không?

Lê Văn Trực - lvtruchue

Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Ảnh: Hoàng Hải

Thừa Thiên Huế nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á với nền nhiệt độ cao, chịu ảnh hưởng của các hiện tượng EL Nino và La Nina nên phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, lũ lụt, dông lốc tố, trượt đất, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng. Biến đổi khí hậu (BĐKH) mà biểu hiện là sự ấm lên của trái đất và nước biển dâng đã làm thay đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế, và làm cho các hiện tượng tự nhiên này trở nên gay gắt, biến đổi thất thường và nguy hiểm hơn, tác động mạnh mẽ đến con người và môi trường.

Những năm gần đây mưa lũ sớm trái mùa xuất hiện thường xuyên hơn. mùa lũ cũng kết thúc muộn hơn, tần suất xuất hiện những đợt lũ lớn xảy ra thường xuyên hơn, cường suất lũ tăng lên rõ rệt, lũ quét xảy ra nhiều nơi.  Bão gây ra gió mạnh, triều cường, sóng lớn, làm sạt lở bờ biển, mưa, lũ quét nghiêm trọng làm hư hỏng nhiều công trình hạ tầng dân sinh. Hiện tượng rét đậm kéo dài cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp, đe dọa đến tính mạng và tài sản.

Người dân Thị xã Hương Trà di chuyển bằng thuyền trong đợt lũ vào năm 2017. Ảnh: Lê Thọ

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện đảm bảo an toàn công trình đầu mối và vùng hạ du, thực hiện đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt, thường xuyên theo dõi diễn biến để có xử lý phù hợp. Do đó trong thời gian qua hiện tượng nắng nóng, hạn hán xảy ra mạnh nhất và kéo dài nhưng địa phương đã chủ động được nguồn nước từ các hồ chứa nước kết hợp các đập thuỷ lợi ngăn mặn khu vực hạ du như: Thảo Long, Cửa Lác... đã đảm bảo cấp nước cho dân sinh và phục vụ tưới, tiêu cho lúa, hoa màu, cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, phát điện thương mại.

Ngành Nông nghiệp và PTNT đã quan tâm lồng ghép triển khai các dự án đầu tư thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, di dân tái định cư vùng sạt lở, ngập lụt; Chương trình kiên cố hóa trường học, trạm y tế, là các công trình công cộng kết hợp phục vụ sơ tán dân khi có bão lụt xảy ra.

Với tình hình BĐKH hiện nay, đối với một số địa phương, chúng tôi cũng chủ động hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu được quan tâm. Ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, với tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường dưới tác động của  biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chúng ta cần phải tích cực nâng cao năng lực thích ứng BĐKH, luôn coi trọng việc lồng ghép xây dựng phát triển kinh tế xã hội gắn với phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nhằm phát triển bền vững theo phương châm "Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả", trong đó lấy công tác phòng là chính, chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ” kết hợp nâng cao nhận thức của người dân về tác động và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chúng tôi cũng tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn vốn để thực hiện các dự án tiêu thoát lũ, chống bồi lắp cửa biển, các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai; chương trình nâng cấp đê biển, chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa, các dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển, sửa chữa, nâng cấp hệ thông sông, đê bao nội đồng, các trạm bơm tiêu, kênh mương; Đánh giá, quy hoạch tài nguyên nước có xét đến tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu dùng nước tăng cao.

Ông Lê Thanh Xuân - người dân Quảng Thọ, Quảng Điền

Bản thân tôi sinh sống ở xã Quảng Thọ, việc biến đổi khí hậu quá quen thuộc. Để chủ động ứng phó, người dân cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời tiết. Cùng với đó, luôn theo dõi thông tin để chủ động ứng phó với thiên tai.

NGND.PGS.TS Nguyễn Đức Hưng - Trường đại học Nông lâm Huế         

Tần suất BĐKH chắc chắn sẽ lớn hơn. Chúng ta đã rất tích cực chuẩn bị các phương án ứng phó nhưng không kịp với diễn biến BĐKH trong những năm vừa qua và các năm tiếp theo, bằng chứng dù được dự báo sớm nhưng thiệt hại vẫn tăng lên. Vấn đề triều cường, xâm nhập mặn, sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng

Ngoài ra, năng lực thực sự của người dân tại các vùng được dự báo chưa được nâng cao. Cộng đồng người dân cần cùng chung tay thực hiện các phương án ứng phó BĐKH. Cần tích cực hơn nữa, nếu chỉ nguồn lực của Nhà nước e rằng khó. Ứng phó với BĐKH là việc làm lâu dài.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên Môi trường

Tuyên truyền là giải pháp quan trọng và đang được chú trọng. Thời gian qua, Sở TNMT đã tích cực công tác tuyên truyền về BĐKH, bảo vệ môi trường. Năm 2018, Sở tuyên truyền được 16 lớp và năm nay sẽ tiếp tục tuyên tuyền 13 lớp. Tuy nhiên, việc tuyên truyền cho các người dân vùng ven biển vẫn còn khó khăn do liên quan đến chế độ hỗ trợ tham gia tuyên truyền, sinh kế của người tham gia. Năm nay, Sở TNMT triển khai tuyên truyền rộng cho nhiều đối tượng, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Với địa phương có dự án Trường Sơn Xanh của Hoa Kỳ tổ chức tại địa phương. Dự án hỗ trợ công tác tập huấn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Khi xếp hạng, tham vấn ý kiến người dân cho thấy rất nhiều cách làm hay. Từ đó phát huy tính cộng đồng. Đặc biệt, dự án còn hỗ trợ cho địa phương 24 thành viên được tập huấn các kỹ năng cơ bản cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp.

Dự án còn hỗ trợ trang thiết bị cứu hộ cứu nạn như đèn, loa, nẹp cứu thương, mũ bảo hiểm…

Về phía địa phương thường xuyên tuyên truyền cho người dân. Nếu có hỗ trợ thì tốt, còn không đó là trách nhiệm, quyền lợi của chính người dân. Người dân phải chủ động để đối phó.

Địa phương còn diễn tập, xây dựng kịch bản bám sát thực tế nên người dân đánh giá cao, thử nhưng như thật.

Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc

 

So với thời gian trước, ông thấy đã có biến chuyển gì trong sản xuất, người nông dân đã có những thay đổi gì từ cách nghĩ đến cách làm?

Minh Hương - huongtran88

Ông Lê Thanh Xuân - người dân Quảng Thọ, Quảng Điền

Tôi nhận thấy cộng đồng đã quan tâm đến việc thay đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thời tiết; chủ động công tác ứng phó biến đổi khí hậu; đầu tư trồng cây thích ứng với biến đổi khí hậu, có hệ thống đê bao, công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước. Trong suy nghĩ, nghĩ người dân chúng tôi dã tự chủ động tìm cách sản xuất, nuôi trồng mới, đảm bảo thích nghi với những diễn biến thất thường của thời tiết.

NGND.PGS.TS Nguyễn Đức Hưng - Trường đại học Nông lâm Huế         

Nông dân có chuyển biến dần về nhận thức, họ đã tham gia các chương trình, dự án, tập huấn về BĐKH.

Tại các địa phương bắt đầu có những chuyển dịch về cơ cấu cây trồng, nhà khoa học kết hợp với nông dân triển khai một số mô hình sản xuất ứng phó với BĐKH, trồng cây chắn sóng.

Tuy người dân đã có chuyển biến từ nhận thức đến hành động nhưng vẫn chậm so với chuyển biến của BĐKH.

Thưa ông, chúng ta có kế hoạch để chuẩn bị cho một tình huống tương tự như cơn lũ năm 1999 chưa? Bài học gì được rút ra về công tác PCTT-TKCN trong cơn lũ lịch sử nói trên?

Phương Nam - namphuonghue

Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Ảnh: Hoàng Hải

Năm nay tròn 20 năm cơn lũ lịch sử năm 1999 xảy ra. Từ đó đến nay công tác dự báo, nhận thức cộng đồng được nâng cao và triển khai đồng bộ, thông tin được tuyên tuyền trên hệ thống đài, báo. Chính phủ đã có riêng một đề án để nâng cao nhận thức cộng đồng.

Bài học rút ra đó là triển khai phương châm 4 tại chỗ đồng bộ ở cấp cơ sở, các địa phương, xây dựng kế hoạch sơ tán người dân ở từng thôn xóm khi có lũ lớn xảy ra; triển khai các hệ thống đường tránh nạn; hệ thống trường học trạm y tế được tầng hóa. Riêng ở Thừa Thiên Huế chúng ta có thêm phương châm "Tự quản tại chỗ" rất hiệu quả.

Về công tác chuẩn bị, phía tỉnh triển khai nâng cao pháp lệnh PCTT, phân công chủ động các phương án; xây dựng các kế hoạch sơ tán dân; hệ thống hồ chứa nước đã có sức chức hơn 2 tỉ khối nước, có thể cắt lũ tiểu mãn .

Thừa Thiên Huế có đến hơn 70% dân số sống ở nông thôn liên quan đến nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên nước. Để ứng phó tình hình biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đã hoạch định ra sao đối với các ngành nghề liên quan?

Lê Hiếu - hienvanle1

Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Với đặc điểm Thừa Thiên Huế có đến hơn 70% dân số sống ở nông thôn liên quan đến nông nghiệp (đây là các đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH), Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 24-NQ/TW và kết luận số 77-KL/TU của Tỉnh ủy về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho các cán bộ, đảng viên; chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở tiến hành lồng ghép BĐKH vào xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT.

Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH; của TTCP; Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế việc phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.

Chúng tôi cũng huy động mọi nguồn lực, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khôi phục rừng phòng hộ, rừng ven biển, quy hoạch bảo tồn dãi cồn cát ven biển, đầm phá, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người và các hệ thống tự nhiên, nâng cao năng lực quan trắc và cảnh báo thiên tai nhằm chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; theo dõi chặt diễn biến thời tiết, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập trong mùa mưa lũ.

Mô hình trồng hoa tulip trong nhà kính ứng phó với BĐKH. Ảnh: Lê Thọ

Chúng tôi cũng có kế hoạch và chủ động hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu được quan tâm. Ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Hình thành một số mô hình sản xuất nông sản hữu cơ áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước như: Sản xuất rau hữu cơ, các vùng rau VietGAP ở Phong Điền và Quảng Điền, trồng cam ở Nam Đông, thanh trà ở phường Thủy Biều, trồng ném ở xã Điền Môn. Từng bước chuyển đổi khoảng 3.300 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, xây dựng đề án quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau, hoa các loại ở một số huyện, trong đó tập trung ở một số địa bàn thuận lợi.

Bên cạnh đó, cũng đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ nông nghiệp; tăng cường xuất khẩu; triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu hàng nông lâm thủy sản.  Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phảm phù hợp với lợi thể và nhu cầu thị trường; rà soát lại quy hoạch các loại cây trồng chính...

Trước tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ đầu tư ra sao về trung, dài hạn? Nguồn lực của chúng ta có đủ để thực hiện không?

Nguyễn Văn Hiển - nvhien

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết, trong các năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh tăng cường. Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. 

Dự án kè chắn sóng phân đoạn 2 ở xã Phú Thuận huyện Phú Vang đang được triển khai. Ảnh: Lê Thọ

Về công tác xử lý chống sạt lở: Trong các năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư để làm đê kè và gia cố khoảng 81km kè bờ sông; đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài 2,6 km ở các xã Hải Dương, Quảng Công, Phú Thuận, xã Vinh Hải... Tuy nhiên, một số tuyến kè bờ sông do đã đầu tư từ lâu nên đã bị xuống cấp cần có kế hoạch duy tu sửa chữa hàng năm.

Hiện, tỉnh đang triển khai nhiều dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn, bao gồm một số đoạn kè chống sạt lở bờ sông Hương, sông Bồ, tiếp tục hoàn thiện Kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua thôn An Dương xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với kinh phí 50 tỷ đồng. Đồng thời, chuẩn bị triển khai Kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 42km bờ sông, hơn 9km bờ biển bị sạt lở nặng vẫn cần được đầu tư.

Tỉnh đang thu xếp kinh phí từ một số nguồn trung hạn trong giai đoạn này và giai đoạn sau, cùng các nguồn khác.

Nhìn chung, chúng ta có thể đủ lực để có thể ứng phó với những diễn biến thời tiết. Tuy nhiên, những sự cố bất thường, ví dụ như đợt lũ năm 1999, là điều khó có thể dự đoán trước.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biển pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng thiết yếu; rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa lũ hàng năm. Ngoài ra, nỗ lực lắp dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm; tổng hợp thống kê, rà soát, tiếp tục đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng kè chống xói lở cho các đoạn xung yếu trong thời gian đến, đồng thời tuyên truyền, cảnh báo cho người dân trên phương tiện thông tin đại chúng.

Là vùng đất ảnh hưởng rất lớn do thiên tai, bão lũ, ông bà đã có/ quan tâm những dự án nào được đánh giá là huy hiệu quả ở Thừa Thiên Huế?

Hồng Phúc - hongphuclan7

NGND.PGS.TS Nguyễn Đức Hưng - Trường đại học Nông lâm Huế

Rừng ngập mặn Rú Chá (Hương Phong, Hương Trà) góp phần quan trọng trong việc ứng phó BĐKH. Ảnh: Quỳnh Viên

Thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu, dự án ứng phó với BĐKH khá thành công. Tôi có thể chia sẻ một số dự án như:

- Dự án ở Vinh Hải khá thành công mà vị chủ tịch địa phương này đã chia sẻ.

- Vùng trồng cỏ, nuôi bò ở Hồng Hạ, Hồng Thủy, huyện A Lưới, giúp người nông dân chuyển dần đất canh tác năng suất thấp chuyển sang trồng cỏ nuôi bò có hiệu quả.

- Nghiên cứu, chọn bộ giống lúa chịu mặn, chịu hạn; chuyển tiến bộ kỹ thuật đến nông dân.

- Các dự án trồng các cây ngập mặn bảo vệ bờ biển, trở thành mô hình nông dân ủng hộ.

- Gần đây, Hội Khoa học tỉnh đã đứng ra làm cầu nối, tổ chức các diễn đàn, hội thảo ứng phó BĐKH thu hút người quan tâm và họ đã áp dụng lại ở thực tế địa phương...

Định hướng lâu dài của ngành nông nghiệp trong các các lĩnh vực cụ thể như thế nào để ứng phó với biến đổi khí hậu?

Quang Huy - huylequang

Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2050.

Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, chúng ta đã hoàn chỉnh các quy hoạch liên quan như Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh; Quy hoạch khai thác hải sản và hậu cần nghề cá; Quy hoạch rừng đặc dụng, Quy hoạch phát triển sản xuất trồng trọt tập trung; Quy hoạch phát triển chăn nuôi; Chương trình khuyến nông trọng điểm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Cụ thể như sau:

- Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Có giải pháp tái cơ cấu trong từng loại cây, con cụ thể, nhất là cây, con đặc trưng của Huế, có chính sách hỗ trợ về giống chất lượng cao về công nghệ sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các khu công nghệ cao theo mô hình VIETGAP, rau sạch hữu cơ, chuyên canh tập trung, lồng ghép các giống cây trồng phù hợp theo địa hình, thổ nhưỡng từng vùng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình kỹ thuật tưới tiên tiên, tiết kiệm, nhỏ giọt, cơ cấu giống để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH (như giống chống chịu hạn, giống chịu úng và chua phèn…) có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Thừa Thiên Huế.

- Ðối với lĩnh vực thủy sản: Tập trung các giải pháp khắc phục sản xuất nghề biển và nuôi trồng thủy sản; quy hoạch các vùng cho các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi trồng, khai thác, neo đậu tránh trú bão.

- Về lâm nghiệp: Triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, triển khai Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCRP) tỉnh Thừa Thiên Huế; tiếp tục thực hiện công tác khôi phục rừng phòng hộ, rừng ven biển, duy trì độ che phủ rừng.

Đoàn thanh niên xã Vinh Hà, Phú Vang ra quân trồng rừng ngập mặn bảo vệ môi trường. Ảnh: Q.A

- Về thuỷ lợi: Hoàn thiện Đề án xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong đó có chính sách hỗ trợ cho nông dân liên quan đến giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Triển khai kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp lưu vực sông Hương. Tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh, đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao, hệ thống trạm bơm, hệ thống kênh mương nội đồng. Triển khai các dự án: Nâng cấp hồ chứa, chương trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển, dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai liên quan đến nước” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản JICA tài trợ từ năm 2017 - 2020.

Sở NN&PTNT cũng sẽ hoàn thành việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống của Nhân dân trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Phối hợp nhịp nhàng các lực lượng cứu hộ, cứu nạn để chủ động đối phó các tình huống cấp bách xảy ra, tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị để phát triển nguồn nhân lực phục vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với các sự cố. Nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đê biển, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa nước lớn, các hồ chưa có tầm quan trọng đặc biệt. Đồng thời, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn cho ngư dân trên biển, hoàn thành 100% việc xây dựng các vị trí neo đậu tàu thuyền tránh trú bão theo quy hoạch được phê duyệt.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư các công trình, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Hiện, áp lực, thách thức đối với người nông dân hiện nay là gì?

Lạc Diệp - lacdieptran45

Ông Lê Thanh Xuân - người dân Quảng Thọ, Quảng Điền

Hiện nay ảnh hưởng tình hình thời tiết ảnh hướng đến sức khỏe người dân, môi trường sạt lở, hạn hán, lụt bão…

Một áp lực nữa là tình hình dịch bệnh, sâu bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, chăn nuôi kéo theo ảnh hưởng tình hình thu nhập, kinh tế của người dân. Vì thế chúng tôi đã có kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Hoàn thành việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống của nhân dân trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai là vấn đề cũng rất quan trọng. Đến nay, các địa phương đã hoàn tất công việc này theo kế hoạch chung chưa?

Minh Thanh - thanhminhhue

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Các ngành và địa phương đã định cư và xóa nhà tạm cho 980 hộ dân thuỷ diện vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; triển khai chương trình tái định cư cho 775 hộ dân vạn đò trên sông Hương.

Quyết định năm 2012 đã thực hiện hỗ trợ di dân trên cho hơn 150 hộ, bố trí các khu tái định cư cho nhân dân. Hiện đang xin ngân sách Trung ương để bố trí 344 hộ và số khẩu khoảng 1.490 khẩu.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ dự án nhà phòng chống bão lụt tại huyện Phú Vang​. Ảnh: Hoàng Loan

Triển khai đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng tránh lụt, bão theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ năm 2014 với 3.906 hộ, trong đó tổng số hộ đã triển khai xây dựng nhà ở đến năm 2019 là 2.073 hộ, tức là còn khoảng 1.900 hộ cần hỗ trợ.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi những tác động liên quan đến BĐKH ở Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên Hiệp quốc (UNDP) trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021. Tổng số nhà dự thuộc dự án là 581 nhà, đến nay đã triển khai được 346 nhà. Mặc dù thời hạn đến năm 2021 nhưng với tiến độ nhanh chóng như hiện tại - đứng đầu trong các tỉnh được triển khai, hi vọng đến hết năm 2020 có thể hoàn thành dự án.

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội chữ thập đỏ và các tổ chức, cá nhân phối hợp triển khai chương trình xoá nhà tạm. 

Ngoài ra, UBND tỉnh đang triển khai đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I Kinh thành Huế nhằm đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống, góp phần phòng chống thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ dân đang sinh sống tại khu vực Thượng thành, Eo bầu, Hộ thành hào và tuyến phòng hộ thuộc di tích Kinh Thành Huế.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 288/QĐ-UBND về việc phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí, ổn định dân cư giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025 với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành cơ bản di chuyển, bố trí, sắp xếp, ổn định cho 3.324 hộ dân ảnh hưởng sạt lở, xâm thực của biển và biến đổi khí hậu.

Trong các đợt bão lũ, ở các điểm xung yếu, luôn có sự hỗ trợ để thực hiện di dân tạm thời, đảm bảo an toàn và giúp người dân vượt qua khó khăn.

Trước tình hình thiên tai và bão lũ bất thường, tỉnh đã có những biện pháp định hướng, chỉ đạo, khuyến cáo như thế nào trong công tác ứng phó một cách hiệu quả nhất nhằm hạn chế tối đa thiệt hại?

Đức Phan - ndphan

Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Hồ Tả trạch nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Đình Huy

Lãnh đạo tỉnh và Sở NN&PTNT cũng đã trả lời về nội dung này. Các phương án cũng đã được các cấp các ngành thông qua. Các địa phương tiếp tục rà soát, kiện toàn ban chỉ huy, rà soát các phương án phù hợp để hạn chế thiệt hại.

Tổ chức kiểm tra các hệ thống hồ chứa nước, thủy điện để sẵn sàng ứng phó.

Thường trực ban chỉ huy PCTT & TKCN các cấp cần thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai, không được chủ quan.

Theo ông, Thừa Thiên Huế có những thế mạnh, ưu việt gì trong việc triển khai các mô hình sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu?

Thanh Tâm - thanhtamthanh

NGND.PGS.TS Nguyễn Đức Hưng - Trường đại học Nông lâm Huế

Ưu thế của Thừa Thiên Huế là không lớn, thế mạnh các mô hình ứng phó BĐKH không phải là quá lớn so với các vùng khác.

Ví dụ các sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa đáp ứng được thị trường Huế. Khả năng sản xuất ngay tại địa bàn vẫn chưa đủ.

Nếu đi theo mô hình tiếp tục phát triển sản xuất quy mô lớn mang tính công nghiệp thì hiệu quả mang lại không cao vì thị trường biến đổi quá nhanh.

Thanh trà là đặc sản riêng biệt của Huế nhưng vẫn chưa xây dựng được chuỗi sản phẩm để vươn ra thị trường trong nước và thế giới. Ảnh: Lê Thọ

Hãy hướng vào sản phẩm chất lượng cao, mang tính đặc thù, khác biệt nên không có mô hình lớn. Bắt đầu từ những cây con mang tính bản địa, đặc thù.

Cái khó chúng ta vẫn sản xuất theo tính đơn lẻ, chưa gắn liền với thương hiệu, muốn làm thương hiệu phải có một chuỗi sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh   

Phải thừa nhận rằng Thừa Thiên Huế đang ở dưới mức tiềm năng về sản xuất. Chúng ta có nhiều sản phẩm nổi tiếng từ lâu, đặc biệt là về ẩm thực, nhưng vẫn đang phải xoay xở để phát triển và nâng tầm các sản phẩm này. Thực tế, với tình hình 1 năm ít nhất 2 đợt lụt, rất khó để làm mùa vụ quanh năm hay mở rộng quy mô sản xuất, khi quỹ đất vẫn không thay đổi.

Tôi cũng rất đông ý với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Đức Hưng rằng điều quan trọng là phải kích thích để đẩy mạnh sản phẩm ra thị trường. Việc nuôi trồng, sản xuất không phải khó, mà bán được sản phẩm ra thị trường mới là khó nhất.

Cần lưu ý rằng chúng ta không chạy theo phong trào và không gượng ép, ai có tố chất phù hợp với ngành nào sẽ phát huy sở trường đó. Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ nỗ lực hết sức để phát huy tối đa tiềm năng phát triển các sản phẩm của ngành nông nghiệp, trở thành các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.

Những người như ông cần hỗ trợ gì trong đời sống cũng như trong sản xuất để thích nghi với BĐKH?

Kim Vui - vuinguyenkim

Ông Lê Thanh Xuân - người dân Quảng Thọ, Quảng Điền

Với người dân như chúng tôi, trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, mong được các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, cộng đồng mong sớm kịp thời nhận được các thông tin dự báo hiện tượng thời tiết cực đoan để có cách đối phó. Cùng với đó, sẽ được hỗ trợ các phương tiện, dụng cụ để phòng chống thiên tai cũng như được tập huấn các chương trình để thích ứng với thời tiết dị thường.

Về sản xuất, mong được hỗ trợ các dự án, chương trình nghiên cứu phát triển phù hợp với tình hình thời tiết để nâng cao thu nhập, kinh tế.

Được biết, Vinh Hải có nhiều mô hình từ nhà ở sinh hoạt đến sản xuất gắn với chống biến đổi khí hậu, ông có thể chia sẻ về những mô hình này?

Thanh Hải - nguyenthanhhai78

Ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc

Tại Vinh Hải, tỉ lệ nhà cấp 4 cao, 529 nhà bán kiên cố và 79 nhà thiếu kiên cố; nhà thiếu an toàn với bão, chiếm 93,97%. Đa số nhà dân xây dựng nhà trước năm 2010 chưa áp dụng các biện pháp phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, qua  các đợt tập huấn, qua hệ thống thông tin và kinh nghiệm PCTT, thông qua sự hướng dẫn của cán bộ xã và thôn, các hộ dân đã chủ động thực hiện giằng chống nhà cửa như giằng, gia cố tường, mái và cửa trước thiên tai. Đối với các hộ xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà thì cán bộ xã, thôn vận động họ kết hợp/áp dụng các yếu tố nhà an toàn với thiên tai.

Giằng chống nhà cửa trong diễn tập phòng chống thiên tai tại xã Vinh Hải, Phú Lộc. Ảnh: UBND xã Vinh Hải

Năm 2018, được sự hỗ trợ của Quỹ khí hậu xanh, địa phương có 4 nhà xây dựng nhà ở PCLB theo QĐ 48.

Về sản xuất, vận động nhân dân chấp hành đúng lịch thời vụ. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh cho người dân.

Đặc biệt, coi trọng chuyển đổi giống cây trồng như chuyển đổi các vùng đất thiếu nước sang trồng dưa hấu và lạc. Việc này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất lạc đạt 2,4 tấn/ha, năng suất dưa hấu đạt 10 tấn/ ha. Bên cạnh đó, còn trồng các giống lúa ngắn ngày, có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt.

Có khó khăn nào trong việc thực hiện các kế hoạch ứng phó với BĐKH không thưa ông?

Thanh Phương - thanhphuong87

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Các công trình ứng phó với BĐKH của chúng ta hiện đã ở mức cơ bản, nhất là ở các điểm xung yếu. Tỉnh đã đầu tư khá nhiều đê kè ven sông, ven biển. Việc chống chịu phụ thuộc rất nhiều vào các công trình đó.

Nhiều dự án đầu tư đê kè chắn sóng ứng phó BĐKH nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu (trong ảnh: Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dung đê kè xã Phú Thuận, huyện Phú Vang). Ảnh: Lê Thọ

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất ở đây vẫn là kinh phí. Tỉnh sẽ cố gắng cân đối để ưu tiên đầu tư cho các công trình loại này từ các nguồn trung hạn.

- Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động tại Văn phòng trực ban cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; phương tiện, vật tư, năng lực cứu hộ, cứu nạn bất cập chưa đáp ứng yêu cầu của công tác tìm kiếm cứu nạn, nhất là phương tiện cứu hộ trên biển.

- Hệ thống trạm quan trắc mưa, mực nước còn thiếu, nhất là trạm đo mưa khu vực thượng lưu các hồ chứa nước. Hi vọng trong 2 năm tới, với dự án của JICA, chúng ta có thể khắc phục vấn đề này.

- Cơ sở hạ tầng để thông tin cho người dân còn thiếu; các quy định về tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai các cấp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra nhất là tại cấp huyện, cấp xã.

- Hệ thống thông báo, cảnh báo cho vùng hạ du các hồ còn thiếu nên việc truyền tải thông tin như lệnh vận hành hồ chứa nước từ cấp huyện đến người dân còn mất nhiều thời gian.

Dưới góc độ chuyên môn, Thừa Thiên Huế có thể áp dụng những cách làm nào của các quốc gia khác. Lợi thế địa phương thì nên triển khai những mô hình sản xuất nào phù hợp với điều kiện vùng đất?

Như Ý - nhyhue

NGND.PGS.TS Nguyễn Đức Hưng - Trường đại học Nông lâm Huế

Nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có mức đầu tư cao. Huế có nhu cầu nhưng trở ngại rủi ro biến đổi khi hậu rất lớn nên dù công nghệ cao đến mấy cũng bị tác động.

Trồng dưa lưới công nghệ cao tại Thủy Biều, TP. Huế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Linh Giang

Theo tôi hãy tạo ra những sản phẩm mang tính bản địa, an toàn sinh học. Điều này chấp nhận giá bán phải cao nên phải “tập” cho người tiêu dùng chấp nhận điều này. Theo xu hướng người tiêu dùng sẽ hướng tới sản phẩm an toàn.

Trong tất cả những gì các ban ngành hữu quan đã làm thì nhận thức của người dân mới là cốt yếu. Theo ông, vấn đề nâng tầm nhận thức cho cộng đồng đã thực sự hiệu quả chưa và chúng ta cần phải làm những gì trong thời gian tới?

Mỹ An - myan87

Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Là vùng thường xuyên gánh chịu ảnh hưởng của thiên tai nên công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Hàng năm, các cấp đều xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp mình, xây dựng các kịch bản để ứng phó. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp, các ngành và người dân nên đã hạn chế được tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra.

Công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai đã tuân thủ theo phương châm "4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Riêng đối với Thừa Thiên Huế còn phát huy hiệu quả phương châm thứ 5, "tự quản tại chỗ". Yêu cầu đặt ra của phương châm này là cấp ủy, chính quyền địa phương phải quyết liệt lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm chỉ đạo, người dân tự quản, nâng cao vai trò trưởng thôn, tổ dân phố... phải quản lý, bảo vệ người dân đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương. Chính quyền địa phương, các ban ngành phải tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin về sự nguy hiểm tính mạng trong bão, lũ, đề phòng tai nạn thương tích ngay sau lũ.

Các phương tiện thông tin đại chúng: VTV8, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế, VOV và các báo khác đã tăng cường thời lượng phát sóng cập nhật đưa tin kịp thời nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân; phát tin cảnh báo tình hình mưa lũ trên hệ thống truyền thanh của địa phương để người dân chủ động phòng tránh; cập nhật thường xuyên và phát các bản tin về mưa lũ, vận hành hồ chứa nước để nhân dân chủ động phòng tránh.

Về phía ngành, thời gian qua, chúng tôi cũng đã cùng các đơn vị triển khai giới thiệu phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai cho các sở, ban ngành cấp tỉnh; các phòng ban cấp huyện; các phường, xã, thị trấn. Các địa phương, đơn vị đã triển khai phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai cho các cán bộ, viên chức và người dân. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, dự án Luxembourg...  đã tổ chức các lớp huấn, tuyên truyền, giáo dục đến cấp phường xã và đến người dân nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bão, lụt, lũ quét và các loại thiên tai khác.

Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng cho người dân, giáo dục thiên tai trong trường học đã được quan tâm triển khai, nhưng số lượng đạt được vẫn còn hạn chế, nội dung chưa phong phú, chưa thường xuyên.

Thời gian tới, cần phải đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền, tăng thời lượng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; Hoàn thiện tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai... để toàn dân tích cực tham gia trong công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với BĐKH hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh   

Từ trước đến nay, ở các vùng thường xuyên xảy ra bão lũ, khả năng ứng phó của cộng đồng rất tốt.

Người dân khi thấy thông tin cảnh báo đã cảnh giác cao độ. Phía cơ quan chức năng  cần dự báo chính xác để dễ tuyên truyền vận động người dân.

Cần để ý những khu vực trọng yếu, nguy cấp, tránh xảy ra tình huống thảm họa. Tuyên truyền vận động để người dân có “công lực” tốt trong công tác phòng chống bão lũ

Chúng ta đã xây dựng một kế hoạch để ứng phó với BĐKH, tuy nhiên, điều tiên quyết là gì và con người đóng vai trò như thế nào trong kế hoạch này?

Ngọc Bảo - nnbao89

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên Môi trường

Quay lại nguyên nhân về BĐKH, ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan có đến 95% là do yếu tố con người. Điều tiên quyết để xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH là đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, ngành, liên ngành, vùng, liên vùng, bình đẳng về giới, xóa đói, giảm nghèo.

Cần hoàn thiện hệ thống đê bao dọc phá Tam Giang để ứng phó với BĐKH. Ảnh: Lê Thọ

Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn xã hội. Điều này chứng tỏ, mỗi người dân đóng vai trò rất quan trọng trong kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH vì trước khi xây dựng, cập nhật, bổ sung kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cần có sự tham gia ý kiến của cộng đồng dân cư trước khi xây dựng kế hoạch và trước khi Bộ TN&MT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch cũng cần quay lại tham vấn ý kiến người dân.

Tuỳ theo chức năng của mình, mỗi người dân tham gia trực tiếp vào các hoạt động ứng phó với BĐKH, nhất là lĩnh vực thông tin, giáo dục và truyền thông; hỗ trợ và huy động cộng đồng, hộ gia đình tham gia tích cực xây dựng, vận hành và quản lý các công trình ứng phó với BĐKH, nhân rộng và phổ biến kinh nghiệm các mô hình ứng phó với BĐKH. 

Địa phương đã có những cách làm gì để tạo thói quen chủ động trong PCTT cho người dân?

Bina - binatranhuu88

Ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc

Là cộng đồng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên cán bộ và người dân ở Vinh Hải chúng tôi luôn có ý thức cao và kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngay khi có thông tin về các loại hình thiên tai ảnh hưởng đến địa phương, UBND xã tổ chức họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã, chỉ đạo bộ phận văn hóa thông báo trên đài truyền thanh, các thôn tổ chức họp thôn để thông báo tình hình thiên tai và hướng dẫn họ cách phòng chống. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác vận động nhân dân PCTT. Với truyền thống “nhất làng, nhất xã” nên người dân luôn có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, đặc biệt là trong phòng chống thiên tai như hỗ trợ nhau chằng chống nhà cửa, dự trữ nước, lương thực, hỗ trợ nhau trong công tán sơ tán đến nơi an toàn và cùng nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường sau thiên tai.

Người dân Vinh Hải chuyển ghe thuyền và ngư lưới cụ về nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Hữu

Địa phương luôn chủ động phối hợp với cấp trên và các dự án tổ chức tập huấn cho người dân về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho cán bộ và nhân dân.

Trong năm 2019, đã có 50 cán bộ xã, thôn và 150 người dân được tập huấn nâng cao năng lực về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, có 600 hộ dân được tình nguyện viên đến tận nhà truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro thiên tai và biến đổi khi hậu, có 210 cán bộ và nhân dân được tham gia diễn tập phòng chống thiên tai do dự án Trường Sơn Xanh tổ chức.

Từ đó, nhận thức của cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã trong công tác phòng chống thiên tai được nâng lên rõ rệt. Qua khảo sát có 92% hộ dân sẵn sàng chuẩn bị các vật dụng cần thiết khi đi sơ tán, 100% hộ dân thường xuyên theo dõi thông tin khi có thiên tai và sẵn sàng sơ tán khi có lệnh của chính quyền địa phương.

Thông tin dự báo phòng chống thiên tai hiện rất được người dân quan tâm. Vậy việc đổi mới dự báo cũng như áp dụng các công nghệ hiện đại để phục vụ công tác này ra sao?

Kim Tài - hoangkimtai

Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Công tác PCTT&TKCN những năm qua được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, thông qua các bản tin, cảnh báo sớm. Riêng Thừa Thiên Huế, chúng tôi tham mưu lãnh đạo tỉnh qua hệ thống tin nhắn SMS với các ngành, các địa phương.

Chúng tôi đã xây dựng các web để đưa thông tin cảnh báo. Văn phòng ban chỉ huy cũng đã đưa các bản tin cảnh báo, công điện chỉ đạo điều hành qua mạng xã hội.

Riêng công tác dự báo thì có đài khí tượng thủy văn dự báo truyền các dữ liệu, từng bước tự động hóa nên hệ thống cảnh báo dự báo cơ bản thông suốt tham mưu cho lãnh đạo tỉnh.