Giao lưu về nước sông Hương

Từ 9g00 ngày 30/9, Báo Thừa Thiên Huế online tổ chức buổi giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp và thông tin về chất lượng nước sông Hương và những vấn đề đặt ra. Buổi giao lưu nhằm đưa ra những đánh giá khách quan, nâng cao nhận thức cho cộng đồng góp phần chung tay giữ gìn, bảo vệ hình ảnh và nguồn nước sông Hương...

Đến dự buổi giao lưu với độc giả có 4 khách mời là đại diện các cơ quan, tổ chức: Th.s Đặng Như Tuấn - Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm - Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên & Môi trường; PGS- TS Nguyễn Văn Hợp - Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế; bà Trần Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước - Công ty HUEWACO; ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Chất lượng nước sông Hương tác động không nhỏ đến đời sống dân sinh, môi trường, du lịch... Sau sự việc nước chuyển màu nâu đỏ trong những ngày vừa qua, dư luận càng quan tâm đến ĐTM của các công trình đầu nguồn, xử lý nước sinh hoạt từ nhà máy nước...

Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên môi trường tỉnh, các thông số nước tại sông Hương đều vượt mức cho phép. Giá trị TSS (tổng chất rắn lơ lửng) có lúc lên đến 200mg/l, trong khi  quy chuẩn của Việt Nam chỉ nằm trong khoảng từ 20-100 mg/l; độ  đục tại Trạm Quốc gia quan trắc môi trường nước tự động đặt tại phường Phú Hậu lên đến 400NTU (gấp 20 lần so với thông thường).

Mời bạn đọc gửi câu hỏi qua email: baotthueonline@gmail.com; facebook Báo Thừa Thiên Huế online; số điện thoại tiếp nhận thông tin trước buổi giao lưu: 054.3822354, trong buổi giao lưu: 0905559986.

1/ Có thể phân biệt nước đổi màu do mưa lũ hay do tác động từ các công trình bằng mắt thường được không? Có sự khác nhau về kết quả kiểm nghiệm theo thông số lý, hóa? Hậu quả về môi trường, dân sinh, nuôi trồng thủy sản khi lượng huyền phù và độ đục tăng đột biến gấp nhiều lần? Nước đục rứa có nhiễm kim loại không mấy bác?

Trang - nguyenthicamtrang1611

Th.S - Đặng Như Tuấn, Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường

Rất khó để có sự phân biệt rạch ròi việc nước sông đổi màu do mưa lũ hay do tác động từ các công trình bằng mắt thường, bởi thông thường có sự kết hợp của 2 yếu tố: công trình đầu nguồn đang thi công và thời tiết phức tạp thì nước sông sẽ bị đổi màu nhiều hơn.

Có sự khác nhau về kiểm nhiệm các thông số lý hóa: nước sông đổi màu càng nhiều thì thông số NTU càng lớn, hay TSS cũng càng lớn.

Về các thông số hóa học không thay đổi nhiều, chỉ thay đổi trong 1 thời gian dài chứ tức thời thì không có

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng BCH PCTT& TKCN

Tại nhánh Hữu Trạch, nhà máy thủy điện bình điền vận hành năm 2009. Đối với hồ thủy điện, giai đoạn đầu tích nước, thảm thực vật bị thối rửa, nhưng chúng tôi cũng kiểm tra quan trắc trước khi vận hành. Bây gờ, hiện tượng này giam dần. Thủy điện không xả đáy, chỉ vận hành theo quy định của Bộ Công thương. 

Công trình hồ chứa nước Tả Trạch nhiệm vụ chính là thủy lợi, dung tích 646 triệu khối có cửa xả đáy, cao trình 16; xả mặt ở cao trình 37. Năm nay, tích nước theo cao trình 40. 

Hiện nay, chưa chính thức bàn giao nhưng đã tích dần 2 mùa, chưa cho tích đến cao trình thiết kế. Tỉnh đang giao Công ty TNHHNN MTV  Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh trình và tỉnh đã phê duyệt đề án quản lý vận hành.

Hiện, đối với chế độ đóng mở đập Thảo Long, theo quy định sau 20/8, hết nhiệm vụ giữ ngọt, các cửa Thảo Long mở thoát lũ, và đã mở 100%. Trong quá trình đóng tùy tình hình, nếu lượng nước thừa có thể mở 1,2 cửa để hài hòa nước ở đập Thảo Long và thượng nguồn. Đến thời điểm này, vấn đề ngăn mặn giữ ngọt triệt để. 

Tại thượng nguồn sông Hương, đang triển khai các dự án đường lớn, nên góp phần vào việc nước sông bị đục.

PGS-TS Nguyễn Văn Hợp - Khoa Hóa Trường đại học Khoa học - Đại học Huế trao đổi với các thành viên trong buổi giao lưu. Ảnh: V.Nhân

Nhóm PV (thực hiện)

Hiện nay chúng tôi thấy người ta đang xây dựng hệ thống các miệng cống dọc hai bờ các con sông An Cựu, sông Hương... Điều đó cho thấy sắp tới, nước từ hệ thống xử lý nước thải của Huế theo nguồn vốn ODA Nhật Bản sẽ đổ xuống các dòng sông Huế. Điều này có trực tiếp đe dọa chất lượng nước sông Hương? Ai đảm bảo nước thải ấy sẽ qua xử lý đúng chuẩn? Ai quản lý, ai giám sát và việc giám sát này liệu có thực hiện nghiệm túc, lâu dài?\r\nNăm 2015, một báo cáo của Sở TNMT cho thấy nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Hương một phần là do nước thải đô thị, mức ô nhiễm cao nhất tại các cống thải, chợ, trung tâm thương mại. Hiện trạng này đến nay đã thay đổi chưa? Sở TNMT đã tăng cường kiểm soát và giám sát nguồn nước thải này như thế nào?

huynh teo - huongnguhue

Các đơn vị, tổ chức, cá nhân cần làm những gì để chung tay bảo vệ chất lượng nước cũng như hình ảnh sông Hương?

Phạm Hùng - thanhthaole91

Th.S - Đặng Như Tuấn, Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường

Sau khi tiến hành khảo sát chất lượng nước sông Hương, phân tích, đo đạc, kết quả cho thấy ngoại trừ thông số độ màu thì các thông số còn lại vẫn nằm trong quy chuẩn cho phép (quy chuẩn 08 năm 2015 của bộ TNMT), hàm lượng kim loại nặng trong nước sông Hương vẫn bình thường.

Còn hiện tượng cá chết bất thường trên sông An Cựu, Chi cục BVMT cũng phối hợp với Trung tâm quan trắc môi trường tiến hành phân tích, đo đạc, lấy mẫu nước sông tại nhiều đoạn từ cầu Kho Rèn, cầu Phú Cam, cầu Tam Tây, cầu An Cựu. Kết quả cho thấy thông số như độ đục có chiều hướng tăng lên, nhưng thông số nồng độ oxy hòa tan tại 1 số vị trí rất thấp, thậm chí có những vị trí có giá trị 0 mg/l, như ở cầu An Cựu và cầu Kho Rèn.

Đấy là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt trên sống An Cựu trong thời gian vừa qua.

Trở lại hiện tượng nước sông Hương đổi màu trong thời gian vừa qua: nguyên nhân nhận định ban đầu là do thi công các công trình trên thượng nguồn … cuốn phù sa về trên sông Hương. (Có 8 vị trí được quan trắc, kéo dài từ ngã 3 Tuần về phường Phú Hậu )

Về phân biệt nước đổi màu do mưa lũ hay các công trình bằng mắt thường? Có sự khác nhau về kiểm nhiệm các thông số lý hóa?

Rất khó để có sự phân biệt rạch ròi bằng mắt thường bởi thông thường có sự kết hợp của 2 yếu tố: công trình đầu nguồn đang thi công, thời tiết phức tạp.

Nước sông đổi màu càng nhiều thì thông số NTU càng lớn, hay TSS cũng càng lớn.

Còn về các thông số hóa học cũng ko thay đổi nhiều, chỉ thay đổi trong 1 thời gian dài chứ tức thời thì ko có

Về môi trường, cảnh quan của sông thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

Việc nước sông đổi màu ảnh hưởng đến du lịch, bởi du khách sẽ không thích thú khi thấy sông Hương như vậy. Đó là điều chắc chắn. Về mặt dân sinh thì ảnh hưởng sinh hoạt của bà con, cấp nước sinh hoạt rõ ràng là bị thay đổi nhiều. Có thể đã tăng chi phí xử lý nước nhưng cũng không thể trọn vẹn như lúc nước sông trong.

Về nuôi trồng thủy sản, tôi cho rằng có mặt lợi và mặt hại. Nước đục, các lượng phù sa về nhiều, dinh dưỡng cho cá nhiều hơn, nhưng môi trường thay đổi khiến giảm sản lượng cá, năng suất đánh bắt của bà con.

Tuy nhiên, nước đục không liên quan đến nhiễm kim loại nặng, đây chỉ là các chất vô cơ, nên bà con yên tâm.

 

Qua thời gian, bà có thể cho biết chất lượng nước sông Hương thay đổi thường tập trung vào những thời điểm/mùa nào? HUEWACO đã có sự chuẩn bị như thế nào về cách thức xử lý nước vào những thời điểm này? (Bà Tâm - HUEWACO) - Các chuyên gia khuyến cáo nên dùng nước đun sôi để nguội để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cty thì đã xử lý cho ra nước uống an toàn có thể uống tại vòi. Hai vấn đề này khác nhau ở điểm nào thưa bà? \r\nCác dụng cụ đựng, chứa nước nếu để lâu ngày sẽ xuất hiện lớp mỏng màu nâu đỏ, đó là chất gì, có ảnh hưởng đến sức khỏe không (Bà Tâm - HUEWACO). Có nên lấy nước trực tiếp từ vòi để đun nấu không hay nên để lắng lại một lúc? Vì sao lại như vậy?

Quang - minhquang88

Bà Trần Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước công ty HUEWACO

- Nước sông Hương thường thay đổi tập trung vào mùa mưa lũ hoặc mùa nắng nóng kéo dài, hoặc khi các hồ đập  đầu nguồn tắt đầu vận hành cũng làm biến đổi chất lượng nước, nhất là hàm lượng Fe và Mn tăng lên rất cao gấp 30-40 lần so với bình thường.

HUEWACO đã thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo đó thì cấp nước an toàn là chương trình giúp các công ty cấp nước có biện pháp kiểm soát phòng ngừa các mối nguy sự cố xảy ra trong suốt quá trình sản xuất và cung cấp nước từ lưu vực, điểm lấy nước qua các công đoạn xử lý tại nhà máy như keo tụ, lắng, lóc, bể chứa cho đến mạng phân phối và khách hàng. Khi thực hiện chương trình này thì các mối nguy đã có biện pháp phòng ngừa, khắc phục kịp thời nhằm giảm thiếu tối đa sự cố ảnh hướng đến chất lượng nước cấp.

- Các chuyên gia khuyến cáo nên dùng nước đun sôi, nhằm đảm bảo vô trùng. HUEWACO đang áp dụng kế hoạch cấp nước an toàn nhằm cấp nước an toàn tại vòi. Trong hợp đồng cấp nước của HUEWACO có cam kết cấp nước an toàn tại trước đồng hồ khách hàng, tuy nhiên nếu hệ thống đường ống sau đồng hồ khách hàng có chất lượng tốt thì khách hàng có thể sử dụng nước tại vòi, bảo đảm chất lượng nước. Sử dụng nước an toàn tại vòi tiện lợi hơn so với nươc đun sôi do có thể tiết kiệm chi phí, thời gian trong việc đun sôi nước mà vẫn bảo đảm sức khoẻ.

- Trong nước luôn có nguyên tố vi lượng là sắt, là thành phần quan trọng trong việc tạo hồng cầu trong cơ thể con người. HueWaco vẫn có vấn đề về sắt trong nước, cố gắng hạn chế tối đa nhưng không thể đưa về 0 được. Hiện nay, nước sạch của HueWaco cung cấp có hàm lượng sắt nhỏ hơn 0,01mg/l, nhưng khi bạn đọc chứa nước trong các vật dụng thì nước sẽ tiếp xúc với oxy không khí, tạo thành tủa Hydroxit sắt có màu nâu đỏ, khi để lâu ngày sẽ tạo thành 1 lớp mỏng ở đáy. Tuy nhiên, đây là hiện tượng bình thường, không ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng, mọi người cũng nên súc rửa các dụng cụ chứa đựng nước thường xuyên.

Và theo tôi, không nên chứa đựng trong các dụng cụ chứa nước do dễ bị tái nhiễm bẩn, mà nên sử dụng nước trực tiếp từ vòi. Lưu ý, một số hộ gia đình có hệ thống ống sắt cũ thì trước khi sử dụng tại vòi, nên xả một lượng nước ban đầu để bảo đảm chất lượng nước.

Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: V.Nhân

Hiện, quy trình xử lý nước của HUEWACO đang áp dụng phương thức nào. Bạn đọc quan tâm đến việc dùng những hóa chất gì để xử lý nước nhằm đạt yêu cầu nước sinh hoạt? Những hóa chất này có gây hại cho sức khỏe không?

Trần Thị Ty - ttty

Bà Trần Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước công ty HUEWACO

Trong các thời điểm lũ lụt, nước có độ đục cao, còn mùa hè, tảo phát triển làm nước có mùi, HueWaco xử lý bằng cách sử dụng than hoạt tính khi nước có màu, có mùi. Nước nguồn đục thì tăng hoá chất xử lý, áp dụng các công nghệ lắng tải trọng cao, clo hoá 3 công đoạn.

Hiện, các hoá chất đang sử dụng đều đạt chuẩn theo quy định của quốc gia. Khi công ty mua hoá chất, thì nhà cung ứng phải là nơi uy tín và các hoá chất đều được kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng và là loại hoá chất được phép sử dụng cho xử lý nước, cho nên không ảnh hướng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Còn về các hộ ở gần nhà máy, nước sử dụng có khả năng có độ clo cao nhưng công ty luôn kiềm chế ở mức cao nhất là 0,5mg/l, là mức đạt chuẩn của Bộ Y Tế theo theo chuẩn nước ăn uống.

Một nghiên cứu độc lập của Viện TN&MT (ĐH Huế) cách đây vài năm cho thấy, việc xả nước của thủy điện Bình Điền chưa qua xử lý ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng nước sông Hương; Năm 2015 hàm lượng kim loại sắt (Fe) trong nước sông nhánh Tả Trạch tăng, vượt mức cho phép theo quy chuẩn chất lượng nước mặt cột A, dư luận nghi ngờ là do công trình Tả Trạch.... Vậy, tình trạng này đã được khắc phục chưa và chúng ta đã có những cơ chế gì để tăng cường kiểm tra, giám sát việc xả nước từ các hồ, đập, công trình thủy điện xuống sông Hương?

Anh Long - anhlongnguyen

Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

Thực hiện Chỉ thị số 2569/CT-BNN-TCTL ngày 01/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2016; Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 27/6/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác vận hành và đảm bảo an toàn cho vùng hạ du các nhà máy thủy điện, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, Công ty TNHHNNMTV QLKTCT thủy lợi tỉnh tiến hành thực hiện kiểm tra toàn diện và đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa nước trên địa bàn quản lý, trong đó có việc lập phương án phòng chống lụt bão công trình (hoặc cập nhật bổ sung phương án đã xây dựng) trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 3606/QĐ-BNN-TCTL ngày 31/8/2016 về việc ban hành Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế trong mùa mưa, lũ năm 2016. Phương án phòng chống lụt bão hồ chứa nước Tả Trạch đã được Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 lập và phê duyệt.

Đối với các hồ chứa thủy điện, theo Quyết định số 2482/QĐ-TTg ngày 30/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa nước trên lưu vực sông Hương. Ngay từ đầu năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với các chủ đập và các đơn vị liên quan và đã có Công văn số 109/SNNPTNT-TL ngày 01/02/2016 thống nhất kế hoạch phát điện của các Nhà máy thủy điện nhằm chủ động phòng chống hạn, mặn vụ Đông Xuân 2015-2016 và Hè Thu năm 2016 (từ tháng 01/2016 đến tháng 8/2016), với ưu tiên trước hết là bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, dịch vụ của người dân, sau đó đến chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và sản xuất công nghiệp, sản xuất điện.

Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc các hồ chứa nước lớn và hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Công thương, Văn phòng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ tại các công trình thủy điện: Hương Điền, Bình Điền, ALưới, BITEXCO Tả Trạch, ARoàng và Thượng Lộ.

Các hồ chứa thủy điện ALưới, Bình Điền và Hương Điền đã trình Bộ Công Thương phê duyệt lập Phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập năm 2016; lập phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du các nhà máy thủy điện trình UBND tỉnh phê duyệt; rà soát và ký Quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh với các Nhà máy thủy điện.

UBND tỉnh đã có Công văn số 197/UBND-NN ngày 11/01/2016 yêu cầu các chủ đập lắp đặt camera giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh về các cơ quan liên quan, trong đó có Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; xây dựng hệ thống cảnh báo lũ như tháp báo lũ, trang bị phương tiện truyền tin cảnh báo lũ... để thông tin đến cộng đồng dân cư vùng hạ du trong quá trình điều tiết xả lũ.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Nhà máy thủy điện Bình Điền, Hương Điền đã lắp đặt camera giám sát, truyền hình ảnh về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; thủy điện Hương Điền đã xây dựng 10 tháp báo lũ và hợp đồng với 10 xã trọng điểm sử dụng hệ thống loa truyền thanh của xả để thông báo cho nhân dân khi có tình huống xả nước về hạ du.

Các nhà máy thủy điện đã báo cáo thông tin tình hình mực nước cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các huyện bằng các phương thức fax, điện thoại, Email giúp cho công tác chỉ đạo vận hành kịp thời; đồng thời các nhà máy đã lắp đặt tại đập chính 01 cụm còi hụ để phát tin cảnh báo cho người dân trong vùng trước khi tiến hành vận hành mở các cửa van điều tiết nước về hạ du.

Theo quy đình, mùa lụt, Tả trạch đưa về cao trình 25, Bình Điền đưa về cao trình 80.6. Mùa lũ đưa về các mực nước để đón lũ. 

Nếu các đơn vị không hợp tác, vi phạm, tỉnh sẽ có yêu câu, chế tài dừng ngay việc mua điện hay các chế tài xử phạt về kinh tế.

Nước sông Hương đục ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Ảnh: L.Thọ

Theo như tôi quan sát mấy hôm nay thì nước sông Hương đỏ ngầu, vậy tôi muốn hỏi Ông nguyên nhân nào khiến nước sông Hương đổ như vậy trong suốt những ngày qua? Và trong bao lâu nữa nước sông Hương sẽ trở lại bình thường?

Thắng - thangnguyen

PGS- TS Nguyễn Văn Hợp - Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Huế

Đây là câu hỏi hay và có tầm. Tôi có cơ hội tham gia nghiên cứu sông Hương từ năm 1995. Nói về sông Hương, tôi lo lắng bởi lượng Photpho hiện tại 0,7mg/lít, lớn gấp 10 lần so với năm 2000. Chính Photpho thúc đẩy tảo sông Hương phát triển mạnh. Vào mùa hè, tảo trong nước nhiều, gây khó khăn cho việc xử lý ở nhà máy nước. Tảo càng nhiều, khi khử trùng Clo dễ tăng lên, rất nguy hiểm cho người sử dụng nước. Ngoài ra, nước đục làm giảm tầm nhìn của động vật ở dưới nước, ảnh hưởng hệ sinh thái sông, không cho cá sinh nở. Như vậy, nếu không đảm bảo xử lý nguồn nước, nuôi trồng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Nước sông Hương chuyển màu

Theo như tôi quan sát mấy hôm nay thì nước sông Hương đỏ ngầu, vậy tôi muốn hỏi nguyên nhân nào khiến nước sông Hương đỏ như vậy trong suốt những ngày qua? Và trong bao lâu nữa nước sông Hương sẽ trở lại bình thường?

Quang Thân - than112016

PGS- TS Nguyễn Văn Hợp - Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Huế

Nước sông Hương chuyển màu

Đây là câu hỏi hay và có tầm. Tôi có cơ hội tham gia nghiên cứu sông Hương từ năm 1995. Nói về sông Hương, tôi lo lắng bởi lượng Photpho hiện tại 0,7mg/lít, lớn gấp 10 lần so với năm 2000. Chính Photpho thúc đẩy tảo sông Hương phát triển mạnh. Vào mùa hè, tảo trong nước nhiều, gây khó khăn cho việc xử lý ở nhà máy nước. Tảo càng nhiều, khi khử trùng Clo dễ tăng lên, rất nguy hiểm cho người sử dụng nước. Ngoài ra, nước đục làm giảm tầm nhìn của động vật ở dưới nước, ảnh hưởng hệ sinh thái sông, không cho cá sinh nở. Như vậy, nếu không đảm bảo xử lý nguồn nước, nuôi trồng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Th.S - Đặng Như Tuấn, Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường

 

 

 

 

Tôi nghĩ khi những điều kiện bất lợi như PGS. TS Nguyễn Văn Hợp đề cập còn kéo dài thì nước sông Hương còn đục lâu.

Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

 

 

 

 

Nước đục do nhiều yếu tố, thảm thực vật bị rửa trôi, các công trình đang thi công ở thượng nguôn.... nếu không đảm bảo các điều kiện đó thì nước sông Hương sẽ chưa trở lại trạng thái ban đầu, sẽ còn đục kéo dài.

Đã lâu rồi không thấy lũ trên sông Hương, người mừng, kẻ lo. Dưới góc độ chuyên môn, ông có thể chia sẻ tính hai mặt của lũ đối với đời sống dân sinh. Tình trạng “vắng lũ” nếu kéo dài có để lại hậu quả nghiêm trọng gì không thưa ông?

Nguyễn Văn Hoàng - hoang

Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

Do yếu tố địa hình và vị trí đặc biệt về địa lý nên Thừa Thiên Huế hàng năm thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, lốc tố, hạn hán, xâm nhập mặn, nước dâng do bão, sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển  trong đó bão và lụt gây nhiều thiệt hại về người và của cải vật chất và làm xáo trộn mạnh các hoạt động của con người trên phạm vi tương đối lớn.

Trong những năm trở lại đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu nên tình hình khí hậu thủy văn ở Thừa Thiên Huế diễn biến phức tạp, khó lường, thiên tai lụt bão có chiều hướng tăng lên. Tính từ năm 1990 đến 2015 thiên tai đã làm 600 người chết, trung bình 26 người chết/năm và thiệt hại vật chất ước tính khoảng 8.161 tỷ đồng, trung bình khoảng 354 tỷ đồng/năm.

Có thể nói, lũ mang lại những tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội và cải tạo môi trường. Mùa lũ đã tạo điều kiện để người dân có thêm thu nhập, phát triển các ngành nghề, dịch vụ tạo công ăn việc làm trong mùa lũ, mang lại nguồn lợi thủy sản, diệt mầm bệnh, vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa cho đất; tạo nguồn cung cấp nước cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để cung cấp nước cho mùa khô và phát điện.

Nhưng lũ lụt cũng gây ra nhiều khó khăn và thử thách trong sinh hoạt, sản xuất, gây ra thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi và đặc biệt là thiệt hại về tính mạng của con người; mang theo nhiều chất ô nhiễm, nhiều chất vi khuẩn tràn lan thành phố, dịch bệnh tăng lên. Độ đục các sông hồ tăng cao. Ngăn cản sự phát triển các hệ sinh thái. Chi phí xử lý nước tăng lên. Rủi ro về sức khỏe tăng lên.

Bản chất của mưa lũ mang tính hai mặt. Do đó, không thể nhìn nhận lũ một cách chủ quan mà cần có sự nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan tác hại và lợi ích của lũ, để từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục và khai thác lợi thế trong mùa lũ một cách hợp lý.

Mưa lụt luôn có hai mặt. Ảnh: L.Thọ

Mỗi cá nhân cơ quan đơn vị cần phải làm gì để bảo vệ hình ảnh của sông Hương?

Mai Trang - maitrangk34

Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

Để quản lý chất lượng nước sông Hương, đối với trách nhiệm chúng tôi, tuân theo các quy định, làm tốt hơn vai trò điều hành, đảm bảo thoát lũ, đảm bảo các công trình thượng nguồn, hạ du. Thường xuyên có những thông tin liên quan trong quá trình vận hành điều tiết lũ. Chúng tôi có trang Website: pclb.thuathienhue.gov.vn để thông tin nhanh nhất đến bạn đọc, góp phần thông tin nhanh đến bạn đọc.

PGS- TS Nguyễn Văn Hợp - Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế 

Sông Hương là một trong những con sông đẹp của thế giới. Chủ trương của tỉnh đã có những điều chỉnh hay, như: hỗ trợ dân cư đầu nguồn không phá rừng mà trồng rừng, bảo vệ rừng. Các công trình xã lũ đã được kiểm soát tốt, nhưng phải chú ý đảm bảo đúng mức thiết kế. Ngoài ra, cần khuyến cáo hồ Tả Trạch khi xả đáy phải nhanh chóng thông báo trước cho dân cũng như Nhà máy nước cũng có hành động liên quan đến bảo vệ nguồn nước.

Chương trình quan trắc sông Hương cần được tăng thêm tầng suất, kinh phí. Cần có một quy chuẩn riêng như thông số chất lượng nước sông Hương; bộ phận quản lý dữ liệu sông Hương và có một hình thức thông báo chất lượng nước sông Hương đến với mọi người dân cụ thể, chi tiết.

Bà Trần Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước công ty HUEWACO

Sông Hương là nguồn nước chính của HUEWACO, chiếm 70% lượng nước công ty sử dụng.
Chất lượng nước sông Hương là mối quan tâm lớn của HUEWACO, vì chất lượng nguồn nước tốt sẽ giúp làm giảm các chi phí xử lý kèm theo. Phần kinh phí đó dùng hỗ trợ cho các hoạt động ở vùng xa, nông thôn, miền núi được tiếp cận nước sạch.


Với nước sông Hương, công ty thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn theo chuẩn của WHO. Theo chương trình này thì mỗi địa phương có Ban chỉ đạo cấp nước an toàn. Tại Thừa Thiên Huế, đã thành lập ban chỉ đạo cấp nước an toàn tỉnh.


Với mong muốn nước sông Hương luôn được ổn định cho sử dụng  sản xuất và kinh doanh, mong các tổ chức trong và ngoài nước, cũng như các ban ngành quan tâm, hỗ trợ để chất lượng nguồn nước sông Hương luôn được ổn định.

Th.S - Đặng Như Tuấn, Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường

Đứng trước trọng trách bảo vệ nước sông Hương, chúng tôi thấy cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nước sông Hương, tăng cường kiểm tra các nguồn thải ra sông Hương, đầu tư các công trình xử lý chất thải trước khi thải ra sông Hương.

Khuyến khích người dân phát hiện những nguồn thải ra sông Hương để lực luwongj chức năng có phương án xử lý.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh ảnh hưởng môi trường nước sông Hương sẽ bị đưa vào danh sách xử lý để yêu cầu đầu tư hệ thống xử lý hoặc di dời các cơ sở đó. 

Buổi giao lưu trực tuyến giữa 4 vị khách mời với Thừa Thiên Huế Online và bạn đọc kết thúc lúc 11h.

Vì thời gian chương trình có hạn, một vài câu hỏi gửi đến chưa trả lời hết, chúng tôi đã chuyển đến khách mời và các cơ quan chức năng. Xin cảm ơn bạn đọc đã quan tâm và mong có sự hưởng ứng, hợp tác của quý độc giả trong các chương trình giao lưu trực tuyến tới.​

Khách mời chụp ảnh lưu niệm với đại diện BBT, BTV, PV Báo Thừa Thiên Huế. Ảnh: V.Nhân