Hạ tầng cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản

Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 120km, hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích lớn nhất Đông Nam Á với khoảng 22.000 ha. Hai yếu tố này là một lợi thế để Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế biển – đàm phá.

Thời gian qua, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đạt nhiều kết quả khả quan, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hiện có. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn về hạ tầng vùng nuôi, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh diễn biến phức tạp.... Những âu thuyền neo đậu xuống cấp, chưa đảm bảo nhu cầu tránh trú khi đến mùa mưa bão… Đó là một trong những vấn đề cần quan tâm khi nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế biển và đầm phá của tỉnh ủy đề ra.

Báo Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến chủ đề:

Hạ tầng cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản

vào lúc 8h – 10h30 ngày 11/10/2017 (thứ 4)

Với sự tham gia của các khách mời: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lãnh đạo UBND các huyện Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, chuyên gia kinh tế là giảng viên đến từ trường ĐH Nông lâm Huế, ngư dân đến từ huyện Phú Vang. Mời bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi cho các khách mời!

Là ngư dân trực tiếp ra vào luồng lạch, âu thuyền, xin ông có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình neo đậu?

Vĩnh Nhân - nhanvinh

Trần Văn Chiến, Ngư dân huyện Phú Vang

Ngư dân Trần Văn Chiến huyện Phú Vang. Ảnh: VĐN

Tôi đóng tàu hơn một năm nhưng chỗ neo đậu rất khó khăn, yêu cầu các ban ngành giúp đỡ cho ngư dân.

Hiện nay, những khó khăn cụ thể đó là âu thuyền có luồng lạch để vô nhưng nhiều khi vùng nước sâu người nào đến trước đậu trước, gây nên sự lộn xộn. Tỉnh không có khu vực vùng nước sâu để tàu sắt tránh trú bão, tàu tôi phải xin đậu ở Hải đội II. Giờ có bão thì không có chỗ nào đậu, mong các ban ngành tạo điều kiện sớm để ngư dân an toàn hơn. Trước đây vào âu thuyền Phú Hải, giờ luồng lạch ở đây cạn do bồi lấp nên rất khó khăn, tàu sắt không qua được.

Âu thuyền Phú Hải (huyện Phú Vang) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu của ngư dân. Ảnh: Lê Thọ

\r\nÂu thuyền Phú Hải được thiết kế neo đậu cho 530 tàu thuyền công suất từ 90CV trở lên, nhưng theo ngư dân thì thực tế đi vào hoạt động chỉ có sức chứa 120 tàu công suất lớn. Liệu có phải tầm nhìn chúng ta chưa tính đến hay là do nguyên nhân nào khác?

thu trang - trangthu

Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT. Ảnh: VĐN

Theo tôi, âu thuyền Phú Hải neo đậu an toàn cỡ 150 chiếc là tối đa. Khi xây dựng, được thiết kế dựa trên yếu tố “tĩnh”, còn tàu neo đậu yếu tố "động" nên không thể sắp xếp theo từng lớp máy móc được. 

Qua quá trình phát triển, tàu có công suất ngày càng lớn. Chúng ta nhìn nhận về công suất tương đồng về kích cỡ nhưng không tuyệt đối. Về tương quan công suất tàu và kích cỡ hoàn toàn khác nhau. chúng tôi đang kiến nghị sửa đổi Luật Thủy sản, đưa ra hệ thống quản lý mới để dung hòa kích cỡ và công suất. Việc quá tải về hạ tầng là có nhưng cần chung tay để đầu tư. Đối với cơ quan Nhà nước, họ phải tính toán đến vấn đề hiệu quả. Nếu nguồn lực đồi dào sẽ khác nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, để vừa an toàn vừa hiệu quả thì đó là bài toán khó.

Thừa Thiên Huế có đầm phá rộng đó là hậu cần cho đánh bắt xa bờ. Các tỉnh khác khi bão vào thì xảy ra hàng loạt tàu cá bị chìm, nhưng Thừa Thiên Huế nhờ hệ thống đầm phá nên không xảy ra thực trạng đó.

Hiện, ngoài đầu tư tập trung cần tăng cường các vinh tự nhiên kết hợp với nạo vét luồng lạch.Việc đi sâu vào các con sông là yếu tố phải được tính toán đến. Để giảm tải cho khu neo đậu, chúng tôi tính đến việc các tàu lớn đi sâu vào vùng nội địa, chúng tôi cũng nghiên cứu làm sao tàu đi sâu vào sông Hương vào để đậu.

Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang

Ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang. Ảnh: VĐN

Âu thuyền Phú Hải xây dựng đã lâu, thiết kế 90CV-400CV, bây giờ tàu sắt công suất lớn hơn 800CV nên khó neo đậu.

Phú Vang là một huyện trọng điểm về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay, trên địa bàn huyện, tổng số tàu thuyền đánh bắt có máy 1.156 chiếc, tổng công suất 112.485CV, trong đó tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên 283 chiếc. Để phục vụ cho tàu thuyền đánh bắt của huyện, hiện nay về cơ sở hạ tầng có 2 khu neo đậu tàu thuyền kết hợp tránh trú bão ở xã Phú Thuận và Phú Hải, 1 cảng cá Thuận An của tỉnh và 3 cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu thuyền. Về thực trạng hạ tầng hiện nay chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cho tàu thuyền đánh bắt trong việc neo đậu kết hợp với tránh bão, nhu cầu về hậu cần nghề cá trong việc tiêu thụ sản phẩm và cung cấp vật tư phục vụ nghề cá; chưa đáp ứng được việc sửa chữa tàu thuyền có công suất lớn.

Ngư dân huyện Phú Vang sau chuyến vươn khơi. Ảnh: Nguyễn Khánh

Với hạ tầng này, việc neo đậu tàu sắt sẽ không đáp ứng được. Tàu công suất 660CV-800CV phải neo đậu ở nơi khác. Về lâu dài tỉnh phải có kế hoạch đầu tư, nâng cấp bến neo đậu Phú Hải. Hạ tầng đầu tư tại đó nhiều năm không tập trung nạo vét; luồng vào chính hướng tây, gió mùa tây bắc, sóng vỗ ngay cửa nên tàu không đậu được. Cần trích kinh phí kéo dài đê chắn sóng, nạo vét luồng lạch sâu. Trong xu hướng tàu ngày càng phát triển về số lượng và công suất nên neo đậu khó khăn. Từ khi triển khai Nghị định 67 đến nay đã có 3 chiếc tàu đưa vào hoạt động, 1 chiếc đang đóng.

Hiện nay cả 3 âu thuyền tránh bão (Phú Hải, Phú Thuận, Vinh Hiền) quy mô nhỏ, lại bị xuống cấp, sức chứa chỉ khoảng 250 chiếc, trong khi đó số lượng tàu xa bờ lên đến 380 chiếc. Đã có những giải pháp gì cho 130 chiếc còn lại. Thực tế, trong cơn bão số 10 vừa qua chúng tôi có nhận được thông tin, các tàu tranh nhau vào âu thuyền neo đậu, gây mất trật tự, thậm chí xảy ra xô xát. Trong điều kiện âu thuyền vừa thiếu, lại vừa yếu như vậy thì vào mùa bão lũ, cơ quan chức năng đã có giải pháp gì trước mắt?

phú hùng - phuhung

Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang

Riêng âu thuyền Phú Hải, Phú Thuận, như đã nói, âu thuyền Phú Thuận đầu tư năm 2000, sau lụt 1999. Hiện nay, khu neo đậu này đã xuống cấp, đê chắn sóng nứt nẻ. Sau khi giao cho địa phương quản lý càng xuống cấp hơn. Vừa rồi, huyện đề xuất với tỉnh từ vốn trung hạn, đầu tư nâng cấp và giao cho BQL đầu tư huyện xem xét đầu tư nâng cấp. Các âu thuyền đầu tư nhiều nhưng hiệu quả không như công năng đề ra. Như bến neo đậu Vinh Thanh, vịnh này rất thuận lợi. Phía Nam có bến phà cũ, phía Tây Bắc có chợ Vinh Thanh, tạo một vịnh neo đậu rất tốt. Khi bão vào người ta di chuyển theo hướng gió nên rất an toàn. Tránh việc va đập khi đậu gần nhau gây vỡ mạn. Âu thuyền đầu tư thiết kế 500 chiếc không phải là đậu 500 chiếc, đó là trong điều kiện bình thường. Ở Phú Thuận, Phú Hải, tàu vào cảng cá Thuận An khi neo đậu cập mạn, còn lại các tàu phải đậu bên ngoài. Cái này cũng đang đầu tư mở rộng cầu cảng, bến neo đậu, nhưng rất khó khăn. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh nhiều. Hiện phải đưa vào vốn đầu tư trung hạn, vì nguồn lực đang khó khăn. Đang tập trung đầu tư cảng cá Thuận An, giúp người dân thuận lợi phát triển ngư nghiệp

Ngư dân neo đậu tàu, thuyền mùa bão vẫn chưa đảm bảo. Ảnh: Lê Thọ

TS. Mạc Như Bình, Trưởng bộ môn môi trường và quản lý nguồn lợi thủy sản, ĐHNL Huế

TS. Mạc Như Bình, Trưởng bộ môn môi trường và quản lý nguồn lợi thủy sản, ĐHNL Huế. Ảnh: Võ Nhân

Ý kiến của người dân là đúng và mong muốn của bà con là chính đáng. Theo tôi quan sát, thực trạng đang xảy ra là không đảm bảo yêu cầu. Qua đó, địa phương cần định hướng để có giải pháp cho người dân.

Cảng cá Thuận An cũ không đáp ứng yêu cầu cập cảng. Quá trình xây dựng Cảng cá Thuận An mới cũng nảy sinh vấn đề là dự án Cảng cá Thuận An được phê duyệt từ năm 2014 chỉ đáp ứng neo đậu, tránh bão cho loại tàu thuyền có công suất 300CV, nhưng đến nay trong số gần 380 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, phần lớn từ 400CV đến 830CV. Hằng năm, lượng tàu thuyền cập cảng trên 10 ngàn lượt, tàu cập cảng bán sản phẩm gồm 6.150 lượt với tổng sản phẩm đi qua cảng trên 34 ngàn tấn, trong đó hải sản gần 20 ngàn tấn... Trước yêu cầu phát triển nghề cá như hiện nay, dự báo số lượng tàu đánh bắt xa bờ sẽ tăng nhanh trong những năm đến. Xin ông cho biết kế hoạch điều chỉnh dự án được triển khai như thế nào, hiện nay tiến độ thực hiện ra sao, có gặp những vướng mắc gì không?

Lê Quý Minh - lqhnim

Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT

Triển khai Nghị định 67 không đồng bộ vì các dự án đều nằm trong Nghị định. Ngành chúng tôi tập trung phát triển tín dụng cho ngư dân, hạ tầng thuộc về ngành kế hoạch đầu tư nhưng hiện vẫn chưa đầu tư gì.

Tại Thừa Thiên Huế đã được bố trí 300 tỉ để đầu tư các dự án: Dự án nâng cấp, xây dựng Cảng cá Thuận An được triển khai và hiện chúng ta đã có nguồn tiền; Dự án sửa chữa nâng cấp khu neo đậu kết hợp cảng cá ở Phú Thuận và Phú Hải, dự kiến bố trí 58 tỉ; đầu tư những vùng vịnh tốt, như Hải Dương, dự kiến bố trí 45 tỉ làm vừa neo đậu vừa kích thích đội tàu ở Hải Dương; đề nghị bố trí hơn 48 tỉ để nạo vét luồng lạch ở Vinh Hiền kết hợp đầu tư cảng cá ở Vinh Hiền.

Các hạng mục cầu cảng Thuận An đang được thi công. Ảnh: Quỳnh Viên

TS. Mạc Như Bình, Trưởng bộ môn môi trường và quản lý nguồn lợi thủy sản, ĐHNL Huế

Tôi rất đồng ý với ý kiến của ông Bình. Không nên đem công suất của tàu máy để ước số lượng tàu thuyền, mà chúng ta thường căn cứ vào kích cỡ của tàu.

Theo thống kê, ngoài các công trình chính phục vụ nghề cá là Cảng cá Thuận An, Cảng cá Tư Hiền, Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải, Phú Thuận và Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai, tại tỉnh còn có 25 âu thuyền tại các xã bãi ngang ven biển và đầm phá. Đến nay các cảng cá và khu neo đậu đều quá tải do tình trạng bồi lấp, riêng cảng Thuận An đã quá tải tới 2,5 lần, không đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ hậu cần cho nghề cá. Phải chăng chúng ta “ứng phó” quá chậm trước nhu cầu phát triển hay do chúng ta phát triển nóng thưa ông?

Võ Văn Em - voem123

Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT

Quy hoạch từ năm 2016, hiện Sở Kế hoạch Đầu tư đang lập hội đồng thẩm định. Nhìn chung, phát triển khai thác hải sản xa bờ rất khả quan vì không tác động đến môi trường, chỉ có yếu tố cạnh tranh. Đây không chỉ phát triển kinh tế biển còn là an ninh quốc phòng trên biển.

Ngư dân huyện Phú Lộc neo đậu tránh trứ bão vẫn chưa đảm bảo. Ảnh: Nguyễn Quân

Ở đây có độ vênh giữa chuẩn bị hạ tầng, khảo sát đánh giá thực tế hiện trạng và nhu cầu thực tiễn về luồng lạch, âu thuyền... dẫn đến những hạn chế và khả năng rủi ro nếu có bão lớn! Vậy các địa phương đã có tham vấn, kiến nghị gì trước và trong dự án?

Ngô Xuân - ngxuan

Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang

Những dự án sau này đều có tham vấn huyện và lấy ý kiến địa phương, sau này nội dung phần việc này chủ yếu là của bên chủ đầu tư thực hiện. Trước đây, các dự án phần lớn chỉ lấy ý kiến trong một bộ phận cán bộ chủ chốt, còn lấy ý kiến của người dân thì chưa làm được. Mong rằng, thời gian tới, các dự án liên quan dân sinh, dân kế... cần tham vấn người dân địa phương này. Ví dụ, quy hoạch thành lập các khu bảo tốn nghề cá, ngoài tham vấn dân, còn tham vấn các chi hội nghề cá, rất sát với thực tế. Trong thành lập khu bảo tồn cần xác định vùng lõi, do vậy cần tham vấn kỹ các hộ dân - người trực tiếp liên quan.

Theo dõi thực trạng tàu thuyền trên địa bàn tỉnh qua clip của Thừa Thiên Huế Online. Ảnh: Võ Nhân

Trần Văn Chiến, Ngư dân huyện Phú Vang

Theo tôi, khu neo đậu phải làm sao để khi mùa mưa bão xuống, mà bão thường có hướng tây bắc, ví dụ bão 1985 khi về gió cấp 12/12 sẽ quét hết mọi thứ. Do vậy, nên làm bờ kè sao cho thuận tiện; cảng cá Thuận An nên mở rộng và làm hình chữ T để nhiều tàu thuyền có thể vào ra, thuận tiện cho việc cập bờ của các tàu. 

Theo quy hoạch của Chính phủ dự kiến đến 2030, hầu hết các khu neo đậu có kết hợp với cảng cá sẽ là những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ. Những khu neo đậu gắn với cảng cá loại I sẽ là những trung tâm công nghiệp nghề cá. Các khu neo đậu được hình thành với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc tại các khu neo đậu được tự động hóa, tin học hóa nhằm đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Với thực lực và mức đầu tư hiện có, thực hiện được kế hoạch này có khả thi không và cần thêm những điều kiện gì?

Trần Thanh Trường - truongtth

TS. Mạc Như Bình, Trưởng bộ môn môi trường và quản lý nguồn lợi thủy sản, ĐHNL Huế

Chính phủ vừa rồi đã có những thông tư để đẩy mạnh nghề cá Việt Nam, nếu ta huy động toàn lực đầu tư, trước hết là về tài chính thì trong vòng 10-15 năm tới không phải quá khó để đồng bộ, hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc (tại các khu neo đậu), nhưng phải có chiến lược rõ ràng và sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ và UBND tỉnh.

Ngư dân huyện Phú lộc sửa chữa ngư lưới cụ trước khi vươn khơi. Ảnh: L.Thọ

Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang

Nếu được tỉnh, Trung ương đầu tư như vậy thì rất tốt. Nhưng thực trạng đầu tư hạ tầng đồng bộ như vậy rất khó vì nguồn lực khó khăn. Hiện nay chúng tôi cần khu neo đậu gần cảng cá, bán cá xong là neo đậu luôn. Còn các hạ tầng điện nước, cầu cảng thì quá tốt. Đầu tư đồng bộ để ngư dân được hưởng lợi, tiếp cận với những hạ tầng này thì rất tốt. Tôi đi nhiều địa phương, thấy người ta đầu tư rất bài bản. Còn ở ta, cảng cá còn "buồn" quá. Riêng tàu sắt 4 chiếc hiện tại chưa có chưa có chỗ đậu. Do vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu đầu tư khu neo đậu gần khu bán cá khi tàu vào sẽ rất thuận lợi cho ngư dân.

Là vùng nuôi tôm trên cát hiệu quả trong tỉnh, ông có thể chia sẻ cách tổ chức và quản lý của địa phương?

Nguyễn Nhân - nhannguyen

Nguyễn Đăng Thành, Phó phòng Nông nghiệp Phong Điền

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó phòng Nông nghiệp Phong Điền. Ảnh: VĐN

Thực hiện tốt công tác quy hoạch chi tiết và quản lý quy hoạch vùng nuôi tôm trên địa bàn huyện với diện tích khoảng 900 ha, diện tích đưa vào nuôi hằng năm khoảng 300 ha huyện tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm… Trong đó tập trung trước mắt cho xã Điền Hương (59 tỷ). Ngoài ra, cùng với các doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng như tại các farm nuôi tôm của công ty Cổ phần Chăn nuôi CP tại Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc đã được đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ.

Nuôi tôm trên cát ở xã Điền Hương (huyện Phong Điền). Ảnh: Xuân Thọ

Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các địa phương củng cố và hoàn thiện các tổ tự quản và các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Tăng cường kỹ sư nông nghiệp bám sát địa bàn theo Đề án của UBND huyện, hướng dẫn các địa phương, nhóm hộ, doanh nghiệp chấp hành tốt lịch thời vụ NTTS, quy chế quản lý vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn huyện Phong Điền.

Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan ở cấp tỉnh, huyện và các địa phương để chỉ đạo tình hình nuôi. Hỗ trợ hóa chất ngay từ đầu vụ nuôi để phòng bệnh và hỗ trợ để xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Hiện nay hệ thống đê bao, kênh mương thủy lợi trên hệ thống đầm phá bị hư hỏng, quy mô không đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản. Xin bà cho biết những khó khăn trong quá trình nuôi trồng thủy sản?

thùy liên - lienthuy

Trần Thị Thanh Nhã, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền

Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền

Quảng Điền là huyện vùng trũng, do vậy ngành nuôi trồng thủy sản thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt. Những năm trở lại đây, hệ thống đê bao, kênh mương cấp và thoát nước bị hư hỏng nghiêm trọng, nhiều ao hồ của bà con qua các năm do ảnh hưởng của sóng, gió đã không giữ được, nhiều hộ không có khả năng về kinh phí để gia cố, sửa chữa buộc phải nuôi theo hình thức chăn sáo, nhiều hộ chịu bỏ hoang.

Do hệ thống đê bao bị xuống cấp, không được duy tu bảo dưỡng nên hàng năm khi vào vụ nuôi, quá trình xử lý ao hồ gặp nhiều khó khăn, hầu hết ao nuôi là ao chìm, không thể hút khô được (chỉ hút cầm chừng, triều lên phải đưa nước vào nếu không sẽ bị vỡ đê).

Cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi còn thiếu thốn rất nhiều nên chưa đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững. Hiện tại, giao thông đi lại trong nội bộ các vùng nuôi gần như chưa có nên gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển thức ăn, phân phối giống, sản phẩm và nhất là xử lý dịch bệnh. Hệ thống xử lý nước cấp, thoát nước thải còn thiếu hoặc chưa có, chưa được đầu tư đúng theo quy mô của diện tích nuôi và theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề cấp điện chỉ dùng từ điện dân sinh kéo ra nên rất không ổn định và an toàn.

Cụ thể, kênh thải thủy sản của các vùng trung triều và hạ triều hiện cũng chính là kênh cấp nước để nuôi, đồng thời hệ thống kênh tiêu nông nghiệp cũng đang thoát tự do vào hệ thống kênh này nên việc chủ động để lấy nguồn nước sạch cấp nuôi là điều không thể, nên vấn đề dịch bệnh xảy ra thường xuyên là điều khó tránh khỏi đối với các hộ nuôi.

Về nước, kênh cấp, kênh thoát hầu hết vùng nuôi đang lấy nước từ phá Tam Giang qua hệ thống kênh dẫn trực tiếp vào hồ không qua xử lý. Toàn bộ vùng nuôi không có ao lắng xử lý nước cấp, kênh cấp nước trùng với kênh dẫn nước thải nên khó đảm bảo nguồn nước cấp được sạch. Không có ao xử lý nước thải, các hộ nuôi thải trực tiếp xuống kênh thải, và các kênh thải cũng đồng thời là kênh dẫn nước cấp để nuôi. Đây là nguyên nhân dễ xảy ra ô nhiễm, nhất là trong thời kỳ có dịch bệnh. Toàn bộ lượng nước thải nông nghiệp phía trong đê hiện chảy theo thủy đạo tiêu thẳng ra phá. 

Về điện, hiện vùng nuôi đang dùng chung điện từ các trạm biến áp dân sinh nên rất không ổn định. Các hộ nuôi hiện chủ yếu sử đang sử dụng cọc tre để giữ dây điện nên cũng rất nguy hiểm.

Trong khi đó, giao thông đối ngọai của vùng nuôi khá ổn, các vùng nuôi đều có đường giao thông đến khu nuôi trồng thủy sản, chủ yếu đường sá được bê tông hóa.

Riêng giao thông đối nội, hầu hết vùng nuôi đều bị ngăn cách với đê Tây phá Tam Giang bởi hói tiêu sát đê nên muốn vào vùng nuôi người dân phải dùng ghe nhỏ, rất bất tiện. Giao thông đi lại trong nội vùng thì khó khăn và chỉ có thể đi bộ qua các bờ hồ nuôi.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng hạ tầng nuôi trồng thủy sản (điện, nước, hệ thống xả thải, đê bao…) trên địa bàn?

thanh nhàn - nhannguyen

Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang

Phú Vang là huyện ven biển và đầm phá, đất rộng, người đông. Toàn huyện có 13/20 xã, thị trấn ven biển và đầm phá, với diện tích 206,3 km2 chiếm 73,6 diện tích đất tự nhiên của huyện, dân số 125.359 người, sống chủ yếu bằng nghề khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Với chiều dài bờ biển trên 35 km, có cửa biển Thuận An và hệ thống đầm phá với diện tích hơn 6.800 ha là tiềm năng lớn để phát triển khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn, là thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh. Đến nay trên đầm phá của huyện phát triển với diện tích nuôi trồng thủy sản 2.388,3 ha. Cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản phần lớn ngư dân tự đầu tư nên không đảm bảo, chưa có hệ thống ao xử lý nước cấp, xử lý nước thải nên môi trường các vùng nuôi ngày càng ô nhiễm, nuôi trồng thường xuyên xảy ra dịch bệnh, chủ yếu trên tôm nuôi. Trước tình hình trên, để hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, huyện đã thực hiện chủ trương chuyển đổi hình thức nuôi từ nuôi chuyên tôm sang nuôi xen ghép để đem lại hiệu quả bền vững. Đến nay đã chuyển đổi sang nuôi xen ghép 2.347,2ha/2.388,3 ha, chiếm 98,3%, 9 tháng đầu năm 2017 đã thu hoạch 2.260 tấn sản phẩm thủy sản tôm, cua , cá/2.780 tấn đạt 80,3% (trong đó sản lượng tôm đạt 630 tấn/800 tấn đạt 62,4%). Phần lớn hộ ngư dân đều hòa vốn và có lãi.

Nuôi trồng thủy sản trên đầm phá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Ảnh: L.Thọ

Hiện nay, khó khăn vướng mắc trong nuôi trồng thủy sản:

- Cơ sở hạ tầng các vùng nuôi đặc biệt kênh mương hiện nay phần lớn đã xuống cấp do đã đầu tư từ lâu, chưa có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải nên không thể đầu tư thâm canh để tăng năng xuất sản lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra phần lớn ngư dân sản xuất nhỏ lẻ, diện tích manh mún cho nên muốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo nuôi thâm canh cũng khó thực hiện do không có diện tích.

-NTTS đang chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu tính cộng đồng. Huyện đang quy hoạch, thành lập HTX NTTS ở Vinh Hà, sắp tới sẽ thành lập ở Phú Hải, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, gây khó khăn phát triển nghề.

Công tác đầu tư nạo vét, hệ thống điện, trạm bơm, chủ yếu tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp còn cho thủy sản rất hạn chế. Huyện đang đề xuất tỉnh đầu tư cho hạ tầng thủy sản như vừa rồi chương trình 67, cần đầu tư hạ tầng mà đến nay chưa được bố trí vốn. Huyện cũng đang đề xuất tỉnh đưa nguồn vốn 67 vào NTTS nhưng vẫn chưa được đáp ứng

Buổi giao lưu càng lúc càng sôi nổi. Ảnh: Võ Nhân

Các hồ xử lý nước thải, chất thải cũng chưa đảm bảo, còn thiếu... là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh xảy ra, lây lan từ hồ này sang hồ khác.Dịch bệnh là tác nhân nguy hiểm nhất làm thất bại vụ nuôi, vùng nuôi. Hệ thông xử lý nước thải như thế nào? Với thực trạng hiện nay đã đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản hay chưa?

Quỳnh Tiên - quynhtien123

Nguyễn Đăng Thành, Phó phòng Nông nghiệp Phong Điền

Bên cạnh các yếu tố về chất lượng con giống không đảm bảo, không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, không xử lý tốt các yếu tố môi trường và ý thức chưa cao của người nuôi thì việc các hệ thống xử lý nước thải, chất thải chưa đảm bảo cũng là nguyên nhân gây bệnh cho tôm nuôi.

Hiện Phong Điền đang tập trung cho điện, mặc dù đã đầu tư rất nhiều nhưng nhu cầu điện vẫn còn cao; đầu tư hệ thống trạm bơm, nước mặn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện ngoài các hệ thống xử lý của công ty Cổ phần Chăn nuôi CP tại Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc đã được đầu tư thì UBND huyện đã tập trung nguồn lực để đầu tư hệ thống xử lý tập trung cho người nuôi tôm tại xã Điền Hương và sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho các xã còn lại. Với thực trạng hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện nay thì chưa đáp ứng toàn bộ nhu cầu của nuôi tôm trên cát huyện Phong Điền.

Ngoài ra, nhiều hộ dân không có ý thức, xả thải trộm vào ban đêm cũng gây nên ô nhiễm môi trường.

Các khu xử lý nước thải hồ tôm tại huyện Phong Điền vẫn chưa được hoàn thiện. Ảnh: Lê Thọ

Trần Thị Thanh Nhã, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền

Như đã nói trước đó, hầu hết vùng nuôi của Quảng Điền đang lấy nước từ phá Tam Giang qua hệ thống kênh dẫn trực tiếp vào hồ không qua xử lý. Toàn bộ vùng nuôi không có ao lắng xử lý nước cấp, kênh cấp nước trùng với kênh dẫn nước thải nên khó đảm bảo nguồn nước cấp được sạch. Không có ao xử lý nước thải, các hộ nuôi thải trực tiếp xuống kênh thải, và các kênh thải cũng đồng thời là kênh dẫn nước cấp để nuôi. Đây là nguyên nhân dễ xảy ra ô nhiễm, nhất là trong thời kỳ có dịch bệnh.

Những năm gần đây, vùng nuôi của huyện đa số gặp bệnh đốm trắng. Trước thực trạng đó, các xã thành lập tổ nuôi trồng thủy sản, khi có bệnh tổ, hộ dân báo cho xã, huyện để phối hợp xử lý.

Nói về hạ tầng, đầu tư hầu như là không có chứ không phải nói là ít. Chúng tôi đã kiến nghị khá nhiều lần, nhưng vẫn chưa thấy phản hồi. Khác với nông nghiệp được đầu tư mạnh, ngành thủy sản thì ngược lại không khác gì “con cháu ngoại”.

Năm 2017, đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản cho 5 xã trên địa bàn huyện với kinh phí 300 tỷ đồng. Còn việc thực hiện khi nào thì vẫn chưa rõ.

Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang

Ô nhiễm môi trường rất lớn, các hồ nuôi xen ghép đỡ hơn. Hiện nay chúng tôi đã thành lập chi hội nghề cá. Người dân khi báo dịch bệnh thì thú y hỗ trợ cloromin để xử lý, địa phương báo huyện là cơ quan chức năng về xử lý ngay. Nếu trong một hồ dịch bệnh sẽ xử lý bài bản. Hiện nay tình trạng nuôi tồm chân trắng. Vướng mắc hiện nay trong nuôi trồng thủy sản trên đầm phá là vấn đề nuôi tôm chân trắng xen ghép. Do Tôm chân trắng là đối tượng nuôi có thời gian nuôi ngắn, hiệu suất lãi cao hơn so với nuôi tôm sú, trong khi đó ngư dân không đủ điều kiện để xin phép nuôi theo quy định của Quyết định 72 của tỉnh nên đã lén lút nuôi trái phép tôm chân trắng với hình thức nuôi xen ghép với mật độ thấp. Khi phát hiện chính quyền đia phương lúng túng xử lý vi phạm khi áp dụng Nghị định 103 của Chính phủ. Cái này xử lý rất khó, chủ yếu xử lý hành chính. Hình thức nuôi này lãi rất cao, nên chế tài xử phạt khá mạnh nhưng tình trạng nuôi lén lút vẫn nhiều. Hình thức nuôi tôm chân trắng này ô nhiễm môi trường rất lớn. Xử lý cái này cũng khó, người dân than bởi mấy năm nuôi tôm sú thua lỗ, trông vào nuôi tôm chân trắng trên đầm phá để "vớt" lại vốn. Nhưng cũng phải chiếu theo quy định mà làm. Điều này gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý nuôi trồng.

Tại Phong Điền, quy hoạch đến năm 2020, toàn huyện đưa vào nuôi tôm trên cát khoảng 900 ha, đến nay diện tích đã đưa vào nuôi khoảng 400 ha. Có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nuôi tôm trên cát, nhưng cũng có nhiều hộ nợ nần chồng chất vì nuôi tôm thua lỗ. Điều này cho thấy, nuôi tôm trên cát còn nhiều bất cập, cần tháo gỡ, trong đó có yếu tố cơ bản về hạ tầng.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền dự đoán tình hình NTTS năm nay được xác định là sẽ khó khăn nhất từ trước đến nay. toàn huyện dự kiến đưa vào sản xuất khoảng 600 ha, song nhiều diện tích có nguy cơ không thể đưa vào nuôi do hạ tầng không đảm bảo.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lộc thông tin, diện tích NTTS toàn huyện năm nay khoảng 1.200 ha, trong đó đầm phá 900 ha. Ngoài xã Vinh Mỹ có khoảng 19 ha nuôi tôm được người dân đầu tư hạ tầng bài bản, ổn định, hầu hết các địa phương khác đều chưa đảm bảo. Hệ thống điện, thủy lợi, cấp, thoát nước tại các xã Vinh Hưng, Vinh Giang, Lộc Điền… chưa đáp ứng sản xuất. Hệ thống đê bao, kênh mương, thủy lợi được đầu tư từ lâu, qua quá trình sử dụng đã xuống cấp, người dân nuôi tôm thua lỗ nên không có điều kiện duy tu, bảo dưỡng…

Thưa ông, tầm nhìn quy hoạch hạ tầng phục vụ nuôi trồng và đánh bắt như thế nào để phù hợp với xu thế phát triển?

Nguyễn Thị Hướng - nthuong112

TS. Mạc Như Bình, Trưởng bộ môn môi trường và quản lý nguồn lợi thủy sản, ĐHNL Huế

Đây cũng là thực trạng rất nhức nhối về cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản. Điển hình là vùng Tân Mỹ, Phú Vang, toàn bộ khu nuôi có diện tích rất lớn nhưng chỉ có 1 kênh thoát nước. Đây là nguyên nhân  lớn gây ra dịch bệnh vừa rồi.

Cần có những chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản, cần nghĩ đến quy hoạch vùng nuôi trước hết, rồi mới phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó phải có điện 3 pha cho người dân.

Để đáp ứng cơ sở hạ tầng chăn nuôi, ta phải ổn định, quy hoạch lại vùng nuôi, xây dựng các kênh cấp và thoát riêng biệt.

Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang

Hạ tầng hiện nay kênh cấp và thoát nước là một nên bên dịch bệnh thải ra thì bên nuôi lấy vào. Cái này do nuôi tự phát, thiếu quy hoạch. Giờ quy hoạch lại lấy đất rất khó. Như vừa rồi theo đề án tỉnh, quy hoạch sắp sếp lại nò sáo trên đầm Sam Chuồn, các hộ dân sẽ mất đi 30% diện tích. Người dân rất đồng tình. Như khi kế hoạch đưa lên tỉnh thất bài, do kinh phí quá lớn (40 tỷ đồng). Sắp sếp lại để tạo luồng lạch, tạo thông thoáng cho tàu thuyền. Huyện đã đối ứng tước 600 triệu để làm đường thủy đạo vào đầm Sam Chuồn rồi. Do khó khăn nên việc này hiện nay vẫn dậm chân tại chỗ

Công ty CP CP (Thái Lan) đóng trên địa bàn được xem là mô hình lý tưởng trong nuôi tôm đạt chuẩn công nghệ cao, hiệu quả cao, liệu chúng ta có thể áp dụng được mô hình này hay không

trọng nghĩa - trongnghia

Nguyễn Đăng Thành, Phó phòng Nông nghiệp Phong Điền

Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP đã triển khai mô hình CPF-Combine Program bao gồm: CPF-Green House đảm bảo chương trình 3C (cao) và 3S (sạch). Mô hình nuôi tôm trong nhà, quản lý môi trường bằng chế phẩm sinh học nhằm đạt mục tiêu: 3 cao là tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ sống cao và số vụ nuôi cao; 1 thấp là FCR thấp và không thiệt hại. Còn chương trình 3 sạch là tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch.. Đây là một mô hình nuôi có hiệu quả cần nghiên cứu để áp dụng.

Tuy nhiên, việc áp dụng thực hiện cho người nuôi tôm trên địa bàn huyện đang gặp phải một số khó khăn: Chi phí đầu tư cho mô hình cao, hệ thống hạ tầng phải đồng bộ, chất lượng con giống sạch bệnh, phải có hệ thống ương nuôi khép kín...

Hệ thống nuôi trồng thủy sản khép kín tại Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: L.Thọ

TS. Mạc Như Bình, Trưởng bộ môn môi trường và quản lý nguồn lợi thủy sản, ĐHNL Huế

Mô hình CP là mô hình quốc tế, với công nghệ và đầu tư chuẩn. Đây là mô hình khép kín hoàn toàn. Với quy mô của người dân Thừa Thiên Huế, tôi nghĩ quá khó để đầu tư mô hình CP.

Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT

Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP quy mô lớn, điển hình trong dó có nuôi trồng thủy sản do đó có chuỗi đơn vị nuôi chỉ nuôi, trong đó, các công đoạn chuyên nghiệp hóa rất cao. Để đạt được như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP rất khó, sản phẩm họ cung cấp cho tập đoàn.

Chúng tôi tham mưu tỉnh có Quyết định 32 về chính sách hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao trong đó có nuôi trồng thủy hải sản có những mức hỗ trợ cụ thể.

Theo ông, có mô hình xây dựng hạ tầng trong và ngoài nước nào phù hợp để có thể áp dụng ở vùng đầm phá, ven biển Thừa Thiên Huế hay mỗi vùng căn cứ đặc thù để có hướng đi riêng?

Nguyễn Thị Như Ý - nhuynguyen

TS. Mạc Như Bình, Trưởng bộ môn môi trường và quản lý nguồn lợi thủy sản, ĐHNL Huế

Một trong những quốc gia có mô hình nuôi điển hình và có trình độ phát triển tương tự Việt Nam là Philippines. Đó là mô hình ứng dụng cho nuôi tôm sử dụng nước sạch (green water). Đây là mô hình có tính khép kín. Nước đến lúc thải ra môi trường thì đã qua xử lý.

Ở Huế cũng đã có áp dụng mô hình này, là hộ anh Phước ở Phú Vang.

Hệ đầm phá Thừa Thiên Huế có tính đặc thù riêng nên chúng ta cần có mô hình đặc thù riêng.

Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT

Hiện nay, chúng ta nên tập trung khuyến khích bà con nhân dân theo chiến lược chung của bộ Nông nghiệp theo công nghệ cao. Sinh kế của người dân nên chúng ta một mặt khuyến khíc công nghệ cao mặt khác có giải pháp hạn chế phát thải ra môi trường

TS. Mạc Như Bình, Trưởng bộ môn môi trường và quản lý nguồn lợi thủy sản, ĐHNL Huế

Tôi đồng tình với ông Nguyễn Quang Vinh Bình vì nuôi trồng ở Thừa Thiên Huế mang tính chất nhỏ lẻ, nên áp dụng mô hình phức tạp thì khó. Bây giờ nuôi xen ghép có thể đem lại thu nhập khá bền vững cho người dân.

Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế biển và đầm phá; đề ra phương hướng phát triển đến năm 2020 là: Tiếp tục phát triển kinh tế biển và đầm phá, trọng tâm là phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, vậy từ góc độ chuyên môn, ông đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết nói trên đã đạt được những kết quả gì trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?

Trịnh Thị Thu Thảo - thuthaohk

Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT

Theo Nghị định 67, các dự án được đầu tư như: Dự án đầu tư hạ tầng vùng NTTS tập trung xã Phú Xuân, huyện Phú Vang với tổng mức đầu tư hơn 114 tỉ đồng; Dự án đầu tư hạ tầng vùng NTTS tập trung xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc với mức đầu tư hơn 62 tỉ đồng; Dự án đầu tư hạ tầng vùng NTTS tập trung xã Vinh Mỹ với mức đầu tư hơn 48 tỉ đồng; Dự án đầu tư hạ tầng vùng NTTS tập trung xã Phong Hải, huyện Phong Điền với mức đầu tư 90 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm giống thủy sản tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên vốn đầu tư trung ương và tỉnh chưa cân đối bố trí được.

Ngư dân huyện Thuận An sau chuyến vươn khơi. Ảnh: Ng. Khánh

Năm 2017 tổng sản lượng thủy hải sản đạt 55.000 tấn. Việc nuôi tôm trên đầm phá đã ổn định mô hình nuôi xen ghép. Về nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng năm 2017 ước đạt 14.000 tấn. Về khai thác thủy sản, sản lượng khai thác hải sản khoảng 41.000 tấn,  hiện đã có 85 tàu xa bờ, tăng 3,65 lần. Bám sát được chiến lược kinh tế biển.

Ở đầm phá sau 10 năm hình thành được hệ thống chi hội nghề cá và phân quyền quản lý 47 quyền đánh cá cho các chi hội nghề cá; có 23 khu bảo vệ thủy sản, bước đầu đầm phá sản xuất ổn định duy trì được sinh kế lâu dài cho người dân.

Buổi giao lưu kết thúc thành công. Ảnh: Hàn Đăng

Chương trình giao lưu trực tuyến xin kết thúc, những câu hỏi gửi đến sau chúng tôi sẽ chuyển đến khách mời để trả lời và phản hồi cho bạn đọc.

Xin cảm ơn bạn đọc đã theo dõi và tương tác với chương trình!

Báo TT.H Online