Kỹ năng sống cho học sinh

Học sinh “thừa kiến thức, thiếu kỹ năng” đang là hiện tượng phổ biến; giáo dục kỹ năng sống là trang bị khả năng ứng cho tích cực cho các em trước các tình huống phức tạp, muôn hình, muôn vẻ của cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc và nhìn nhận của các nhà quản lý cũng như trường học về việc dạy/bồi dưỡng kỹ năng sống; cơ sở vật chất; chương trình đào tạo; nhu cầu... mỗi nơi mỗi khác... Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Kỹ năng sống cho học sinh" từ 7h30-9h sáng thứ 4 (17/10) với các khách mời:

- Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

- Bà Nguyễn Thị Dịu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh  Ninh

- Th.S Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Huế

- NGUT Vệ Văn Lẫm, cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng

- Đoàn Nữ Minh Nhật, học sinh lớp 8/11, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho các khách mời tại đây:

Thừa Thiên Huế Online

Những vấn đề gì trong cuộc sống vấp phải mà em và bạn bè cảm thấy cần có kỹ năng.

Lê Minh - leminhnguyen

Đoàn Nữ Minh Nhật, học sinh lớp 8/11, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu

Em Đoàn Nữ Minh Nhật, học sinh lớp 8/11, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu. Ảnh: Phan Thành

Hiện tại thì em vẫn đang còn là học sinh cấp 2, nên những vấn đề gặp phải chỉ là các vấn đề gặp trong nhà trường, như bất đồng ý kiến khi làm việc nhóm. Nếu không có kỹ năng giải quyết sẽ dễ dẫn đến xích mích nhau. Ngoài ra, khi bị thầy cô nhắc nhở, nếu không có kỹ năng, nhiều bạn sẽ hình thành các suy nghĩ tiêu cực. Do đó, theo em những kỹ năng cần thiết là làm việc nhóm, chia sẻ thông tin với bạn bè...

Nên hiểu khái niệm “kỹ năng sống” như thế nào?

Hùng Lâm - hunglam

Nhà giáo ưu tú Vệ Văn Lẫm, cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng

Nhà giáo ưu tú Vệ Văn Lẫm, cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng. Ảnh: Phan Thành

Trong thực tế, chúng tôi thường nói với các phụ huynh rằng, con người cần có những cách thức để làm cho cuộc sống đẹp hơn, sống tốt hơn. Vì vậy, con trẻ của chúng ta cần luyện tập kỹ năng sống.

Lứa tuổi học kỹ năng sống càng sớm chừng nào càng tốt chừng đấy. Ở bậc mầm non, luyện tập kỹ năng sống liên quan đến phát triển bộ não, hệ thần kinh của các cháu. Theo tôi, cần giảng dạy kỹ năng sống ngay từ lứa tuổi mầm non là tốt nhất.

Th.S Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Huế. Ảnh: Phan Thành

Có rất nhiều quan niệm khác nhau về KNS và mỗi quan niệm lại diễn đạt theo những cách khác nhau:

 - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): KNS là những kỹ năng mang tính tâm lý xã hội và kỹ năng về giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hàng ngày để tương tác một cách hiệu quả với người khác và giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống hàng ngày. Với quan niệm này, KNS được hiểu như là khả năng để có hành vi thích ứng và tích cực, giúp các cá nhân có thể ứng xử hiệu quả trước các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày.

- Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp quốc (UNESCO) cho rằng KNS là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày, KNS gắn với 4 trụ cột của giáo dục, đó là: Học để biết (learning to know) gồm các kỹ năng tư duy như: tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả…; Học để làm (Learning to do) gồm kỹ năng thực hiện công việc và các nhiệm vụ như: kỹ năng đạt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm…; Học để chung sống với người khác (Learning to live together) gồm các kỹ năng xã hội như: giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông…; Học để tồn tại (Learning to be) gồm các kỹ năng cá nhân như: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin… Quan niệm này chỉ ra hệ thống KNS cần thiết cho mỗi cá nhân trong mối tương quan mật thiết với các trụ cột của giáo dục thế giới, hệ thống KNS này mang tính khoa học và thiết thực cho việc xây dựng chương trình GD KNS cho HS-SV các quốc gia trên thế giới.

Kỹ năng sống cho học sinh được hình thành qua những buổi ngoại khóa, hoạt động ngoài trời. Ảnh: Lê Thọ

Tại Việt Nam, tiếp thu và kế thừa các quan điểm trên, trong thời gian gần đây đã có nhiều quan niệm về KNS. Trong đó, quan niệm KNS là năng lực tâm lý- xã hội của mỗi cá nhân, giúp con người có khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống. Kỹ năng sống là năng lực tâm lý xã hội để đáp ứng và đối phó với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày, mà đặc biệt, tuổi HS rất cần để vào đời.

Kế thừa và phát triển các quan điểm trên, có thể tiếp cận khái niệm KNS như sau: KNS là hệ thống những kỹ năng cốt lõi cần thiết giúp cá nhân thích ứng trong cuộc sống, học tập và làm việc, cũng như biết vận dụng nó một cách hiệu quả trong mọi hoàn cảnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Em thường học và đón nhận những kỹ năng này ở đâu? Ba mẹ có định hướng hay bổ trợ những kỹ năng cần thiết cho em hay không?

Lê Văn Hoàng - hoanglevan123

Đoàn Nữ Minh Nhật, học sinh lớp 8/11, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu

Em thường học và đón nhận kỹ năng này khi giao lưu với bạn bè, tại các câu lạc bộ (CLB) mà em tham gia. Trong thời đại hiện đại hóa, các CLB bổ trợ cho em rất nhiều kỹ năng như giao lưu, học hỏi bạn bè, thầy cô... Lúc đầu, bố mẹ không đồng ý cho em tham gia các CLB vì cho rằng học sinh chỉ nên tập trung hoàn toàn vào việc học tập. Song sau này, nhận thấy tầm quan trọng của các CLB để bổ trợ về các kỹ năng cần thiết, bố mẹ đã đồng ý cho em tham gia để tập cách sống tự lập như tự đi học mà không có bố mẹ đi kèm...

Các em nhỏ cùng nhau chơi những trò chơi tập thể, vượt qua thử thách. Ảnh: Quốc Nhật

Việc đưa chương trình dạy kỹ năng sống ở Thừa Thiên Huế bắt đầu từ khi nào? Chủ trương và kế hoạch của ngành giáo dục về vấn đề này ra sao?

thanh nguyen - thanhnguyen123

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Phan Thành

Từ khi có hoạt động dạy học, đã xuất hiện giáo dục kỹ năng sống. Giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) hình thành nên kỹ năng, thói quen để học sinh trưởng thành, làm chủ bản thân mình. Qua mỗi thời kỳ, nhìn nhận về GDKNS đã bắt kịp xu thế của thời đại.

Năm 2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 04 quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ. Trong thông tư có nói rõ về cấp phép GDKNS cho các công ty và sở giáo dục chủ trì, quản lý; phòng giáo dục sẽ cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống tại nhà trường.

Về phía Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng, như thuyết trình, đuối nước, sinh hoạt nhóm… từ đầu năm học.

Trong đổi mới căn bản chương trình giáo dục phổ thông cũng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học trong đó có kỹ năng sống cho học sinh.

Đánh giá của cô về “kỹ năng sống” của học sinh ở Huế hiện nay?

Nguyễn Thị Diệu - nntnhu75

Th.S Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Huế

Để đánh giá về kỹ năng sống của học sinh thì nhìn một cách khái quát, kỹ năng sống của học sinh Thừa Thiên Huế còn nhiều hạn chế, bất cập. Với tư cách vừa là giảng viên vừa là nhà nghiên cứu giáo dục, chúng tôi đã thực hiện nhiều nghiên cứu về thực trạng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó quan tâm khảo sát trình độ kỹ năng sống của học sinh ở các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy giáo viên đánh giá trình độ kỹ năng sống của học sinh và học sinh tự đánh giá trình độ kỹ năng sống của bản thân mới ở mức trung bình (đạt yêu cầu, nhưng cần người khác hỗ trợ hướng dẫn trong việc kỹ năng thực hiện). Điều đó đã phản ánh thực trạng kỹ năng sống của học sinh còn nhiều hạn chế và bất cập.

Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Ninh tham gia trò chơi trong buổi học kỹ năng sống. Ảnh: Lê Thọ

Nhà giáo ưu tú Vệ Văn Lẫm, cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng

Thứ nhất, về vấn đề quan tâm của các cấp đối với việc dạy kỹ năng sống ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là sự quan tâm đúng mức và kịp thời.

Thứ hai, về sự hưởng ứng của các trường, sự hưởng ứng đối với việc dạy kỹ năng sống của các trường rất tốt, bởi họ thấy được lợi ích của việc rèn luyện kỹ năng sống.

Thứ ba, về học sinh, đến bây giờ, ở các trường có dạy kỹ năng sống, hầu như học sinh của gần hết toàn trường được học về kỹ năng sống. Về chiều sâu và chiều rộng đều phát triển tương đối. Tuy nhiên, học sinh còn tiếp thu dưới dạng hạn chế, do thời gian, một kỹ năng sống cần 21 lần thực hiện lặp đi lặp lại mới in sâu vào tâm thức, để biến đổi thành tính cách, cá tính của con người.

Chúng ta đang dạy kỹ năng sống trên diện phổ thông, chưa đi sâu. Kỹ năng sống để biến đổi tâm thức con người vẫn còn hạn chế, như sự lạc quan, yêu đời….

Đầu năm học này, Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh theo hình thức phụ huynh đăng ký tự nguyện. Các giờ dạy kỹ năng sống sẽ được bố trí vào khoảng thời gian học của các cháu ở trường. Vậy nếu tôi không đăng ký cho con tham gia thì trong những khoảng thời gian ấy, con tôi sẽ làm gì?

Điệp Lạc - dieplac23

Bà Nguyễn Thị Dịu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh

Bà Nguyễn Thị Dịu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh. Ảnh: Phan Thành

Đầu năm học này, Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, theo hình thức phụ huynh đăng ký tự nguyện. Thời gian học được bố trí vào buổi chiều để thuận tiện cho giáo viên và học sinh. Nếu con bạn không tham gia các lớp kỹ năng sống này thì có thể tham gia các CLB khác như CLB thể dục (chơi bóng rổ, cờ vua); CLB mỹ thuật (vẽ tranh, nặn tượng…), học kỹ năng sống cho giáo viên của trường dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Việc dạy kỹ năng ở trường theo chương trình của Bộ GD&ĐT, có bộ sách dạy kỹ năng từ lớp 1 đến lớp 5.

Con số học sinh tự tử, trầm cảm do áp lực học tập ngày càng tăng. Theo cô, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có phải là do thiếu kỹ năng sống?

Trần Duy Lâm - lamduytran

Th.S Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Huế

Học sinh trầm cảm, tự tử do áp lực là thực tế vẫn diễn ra ở Việt Nam. Học sinh  áp lực có thể đến từ nhiều nguyên nhân: những hiểu lầm, mâu thuẫn, xung đột không được giải quyết từ các mối quan hệ trong gia đình, nhà trường, xã hội; quan hệ tình cảm; trong đó áp lực từ học tập cũng là một nguyên nhân. Học sinh chịu nhiều áp lực từ phía gia đình, nhà trường (ví dụ như bố mẹ, nhà trường quá kỳ vọng vào thành tích học tập, điểm số của học sinh), từ đó các em cũng tự tạo áp lực cho chính bản thân mình. Trong khi đó với vốn kinh nghiệm sống còn hạn chế, thiếu hệ thống các kỹ năng như kỹ năng ứng phó stress, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý cảm xúc tiêu cực, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ,… cho nên các em tự giải quyết theo cách riêng của bản thân dẫn đến những hậu quả về mặt tâm lý như trầm cảm; những hành vi lệch chuẩn như tự tử, tự hủy hoại bản thân mình…

Giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng tư vấn cho học sinh. Ảnh: Lê Thọ

Đoàn Nữ Minh Nhật, học sinh lớp 8/11, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu

Câu chuyện này em vừa được nghe ngày hôm qua. Đó là một bạn trong trường sau thời gian nghỉ ốm đã không theo kịp bài trên lớp, nên không làm tốt bài kiểm tra của mình. Nhưng với tâm lý lo sợ, bạn ấy đã không thể nói với bố mẹ. Sau này khi chia sẻ với bố mẹ, bạn đã bị bố mẹ rầy la rất nhiều, dẫn đến tâm lý sợ sệt, trầm cảm và phải đi khám sức khỏe.

Sau này, bạn đã được cô giáo bộ môn GDCD tư vấn, an ủi, chia sẻ nên tâm lý của bạn đó đã thoải mái hơn, vui vẻ hơn.

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Học sinh không chỉ gặp áp trong học tập mà còn trong mối quan hệ với xã hội, nên việc các em có kỹ năng sẽ sớm ngăn ngừa các sự việc đáng tiếc xảy ra.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thành lập các tổ tư vấn trong nhà trường để hỗ trợ học sinh. Nhưng học sinh muốn tìm đến tổ tư vấn các em phải có kỹ năng trong mối quan hệ, xác định nhu cầu tư vấn là gì.

Việc quan tâm giáo dục kỹ năng cho học sinh gắn liền thành lập tổ tư vấn trong nhà trường sẽ giúp các em tránh xa các tệ nạn, giúp học tự tin hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, các mô hình các CLB trong nhà trường phát triển mạnh, tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích thu hút học sinh đến trường, hạn chế học sinh bỏ học.

Sở đang chỉ đạo Trường THCS Nguyễn Tri Phương làm mô hình điểm về xây dựng và hoạt động các CLB kỹ năng như, âm nhạc, nghệ thuật, ngoại ngữ, thể thao,…hỗ trợ học tập cho học sinh, phát triển kỹ năng hoạt động xã hội…

Những kỹ năng sống vô cùng quan trọng, giúp các em có thể vượt qua được những khó khăn, ngại vật từ bên ngoài. Trong ảnh, hai em nhỏ học kỹ năng băng bó vết thương. Ảnh: Quốc Nhật

Nhà giáo ưu tú Vệ Văn Lẫm, cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng

Áp lực với học sinh ngày càng nặng nề, trong đó có áp lực từ phía cha mẹ, khi họ muốn các em học theo ý mình, chứ không phải phát triển theo khuynh hướng riêng của học sinh, tạo nên những áp lực quá nặng nề. Ngay từ lúc nhỏ buộc phải học tốt, những em cố gắng học thì lệch lạc trong việc cân bằng giữa học và chơi. Tuy nhiên, những áp lực gieo vào học sinh chưa rõ ràng, chưa thiết lập mục tiêu, đâm ra thiếu tư duy, thiếu sáng tạo, sức khoẻ, vận động cơ bắp. Tâm thức của con trẻ có những áp lực rất lớn, dãn đến trầm cảm.

Đối với các em, hiện nay các em phát triển rất sớm, do thời đại tiên tiến phát triển rất nhanh chóng, nhưng những tư tưởng tốt thường đi sau những cái xấu. Học trò thông qua những kênh thông tin ngoài xã hội có thể tiếp xúc những cái xấu vô cùng, tạo nên những áp lực rất mạnh về tâm lý và cuộc sống.

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Vấn đề trăn trở của thầy Lẫm thì Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 31 về việc thành lập tổ tư vấn do một lãnh đạo nhà trường làm trưởng ban. Các thành viên khác là có các giáo viên về tâm lý và nhân viên y tế. Hiện Sở đang chỉ đạo các trường thành lập các tổ này, các giáo viên tham gia tổ này sẽ được giảm tiết.

Về công tác đào tạo bồi dưỡng chúng tôi phối hợp với các cơ quan chứng năng đã triển khai bồi dưỡng, tất cả các trường đã thực hiện được theo tinh thần chỉ đạo của Bộ.

Các tiết học kỹ năng sống trong nhà trường hiện nay như thế nào? Giáo viên dạy môn này đã đươc đào tạo đúng quy chuẩn chưa? Cơ sở vật chất ở các trường có đáp ứng để dạy kỹ năng sống cho học sinh ?

NguyễnThị Bông - ntbongdt

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Thông qua các tiết học sẽ tích hợp liên môn, các giáo viên đã lồng ghép giáo dục kỹ năng sống. Theo thông tư 04, trách nhiệm của trung tâm kỹ năng sống và cơ sở giáo dục là phải đảm bảo chất lượng giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh sẽ hình thành thói quen, kỹ năng cho các em. Ảnh: Lê Thọ

Ngay trong thẩm định cơ sở giáo dục kỹ năng sống, phải đảm bảo về chất lượng nhân sự, bằng cấp. Các cơ sở giáo của thành phố, trưởng phòng cấp phép hoạt động tại các trường và có trách nhiệm kiểm tra chất lượng năng lực của trung tâm giáo dục kỹ năng sống.

Trách nhiệm của công ty, cơ sở giáo dục kỹ năng sống phải đảm bảo trên tinh thần tự nguyện, đứng về phía học sinh, như tinh thần chỉ đạo của Sở

Theo thầy cô, các trường học có nên có riêng giáo viên về kỹ năng sống, hay mời chuyên gia về hướng dẫn cho các em theo chương trình cụ thể?

nguyen nhu - nntnhu75

Bà Nguyễn Thị Dịu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh

Nếu trường có giáo viên dạy kỹ năng sống tốt thì đó là điều tích cực, tuy nhiên thực tế, nhất là ở các khu vực nông thôn, các trường học chưa có các giáo viên chuyên môn như vậy ở trường. Trước tình hình đó, theo tôi, nhà trường nên hợp tác với các trung tâm dạy kỹ năng sống, ví dụ như Trung tâm Hoàn Năng vì đây là một trung tâm rất tốt. Các tiết học hợp tác với trung tâm rất được các em học sinh yêu thích.

Buổi giao lưu trực tuyến đang chuyển tải trên thuathienhueonline. Ảnh: Phan Thành

Th.S Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Huế

Theo tôi ở nhà trường rất cần có đội ngũ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nếu chưa làm được thì trường có thể liên hệ với các chuyên gia giáo dục kỹ năng sống ở các trung tâm có chức năng về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đội ngũ này phải thực sự có năng lực trong việc tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống để có thể hình thành và phát triển hệ thống kỹ năng sống cần thiết cho học sinh.

Hiện tại kỹ năng sống của học sinh trong trường học, cả ở thành phố và nông thôn đều thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, chương trình này được triển khai trong các trường rất chậm và không đồng bộ, thầy cô có thể chia sẻ ý kiến, quan điểm của mình.

thanh toàn - thanhtoan196

Bà Nguyễn Thị Dịu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh

Theo tôi, sở dĩ chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh trong trường học ở cả thành phố và nông thôn được triển khai rất chậm và không đồng bộ là vì muốn dạy tốt thì phải có kinh phí, có cơ sở vật chất tốt, thầy cô phải có chuyên môn về dạy kỹ năng sống và phải có sự đồng thuận của phụ huynh.

Các em nhỏ tham gia chương trình kỹ năng sống ở Nông trại giáo dục Hoa Sen (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc). Ảnh: Quốc Nhật​

Nhà giáo ưu tú Vệ Văn Lẫm, cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng

Chúng ta đang làm dưới dạng tự nguyện, chứ không bắt buộc, nhưng ý thức, cách học chưa được quan tâm đúng mức nên việc triển khai chưa được đồng bộ. Ở những trường ở vùng xa xôi, vẫn còn thiếu phương tiện đi lại, thiếu điều kiện, sự đồng bộ, kinh phí, cơ sở vật chất… Ngoài ra, việc giáo dục kỹ năng sống cho các em cần sự phối hợp giữa các trung tâm và toàn bộ từ gia đình, xã hội, mỗi người và từ giáo viên bộ môn. Triển khai dạy kỹ năng sống là một phần của giáo dục toàn diện mà tất cả mọi người phải tham gia.

Tại sao lại có tình trạng phải thuê Công ty kỹ năng sống mà lại không sử dụng đội ngũ giáo viên tại chỗ?

dang van - thieudangvan

Th.S Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Huế

Là một đơn vị được nhiều trường học mời phối hợp trong dạy kỹ năng, một số bạn đọc thắc mắc, chương trình xin chọn lọc một số câu hỏi tiêu biểu để đại diện từ trung tâm có thể giải đáp.

Các trung tâm giáo dục kỹ năng sống cần đảm bảo nội dung lẫn chương trình đào tạo. Ảnh: Lê Thọ

Tại sao có hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở nhà trường mà các em vẫn còn thiếu kỹ năng sống? Điều này cần xem xét chất lượng của hoạt động  giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt một yếu tố quyết định đến hiệu quả của hoạt động này đó là năng lực tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống của giáo viên. Vì vậy, cần tăng cường nâng cao năng lực tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho đội ngũ giáo viên thông qua các chương trình bồi dưỡng tập huấn về giáo dục kỹ năng sống.

Bà có thể chia sẻ về những phản hồi của học sinh về học kỹ năng? Những tiết học như vậy đã thực sự đáp ứng nhu cầu của học sinh?

Lê Nguyễn - lenguyen56

Bà Nguyễn Thị Dịu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh

Kỹ năng sống giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp. Ảnh: Lê Thọ

Các em rất hứng thú khi học các tiết kỹ năng sống vì ở đó các em được phát biểu ý kiến riêng của mình, các em được thầy cô động viên, khen thưởng, gần gũi và giúp đỡ, đồng thời các em cũng được tham gia vào nhiều trò chơi bổ ích. Từ đó, các em tự rèn luyện bản thân mình thông qua sự hướng dẫn của thầy cô. Những tiết học như vậy phần nào đáp ứng nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên mong rằng các thầy cô trực tiếp giảng dạy quan tâm hơn nữa để việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngày một hoàn thiện hơn.

Vai trò của sở (và nhà trường) trong việc quản lý nội dung và lực lượng giảng dạy.

Mỹ Linh - linhsca

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Đối với các trung tâm giáo dục kỹ năng sống được phân cấp.  Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm cấp phép thành lập, các phòng giáo dục có trách nhiệm quản lý hoạt động chuyên môn.

Trách nhiệm nhà trường và trung tâm giáo dục kỹ năng sống phải đảm bảo chất lượng và nội dung.

Lãnh đạo Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động này trong khi đang giao quyền tự chủ cho các trường quản lý và có trách nhiệm giải trình.

Nhà giáo ưu tú Vệ Văn Lẫm, cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng trao đổi với BTV Thuathienhueonline về giáo trình giảng dạy của trung tâm. Ảnh: Phan Thành

Toàn tỉnh có 7 trung tâm hoạt động giáo dục kỹ năng sống, riêng TP. Huế có 4 trung tâm giáo dục kỹ năng sống. Các trường rất quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống. Tôi mong rằng sắp tới có nhiều trung tâm giáo dục kỹ năng sống chất lượng để phục vụ quyền lợi của các em.

Hiện nay, một số trường đã mời các trung tâm đến dạy, nhưng khi khóa học kết thúc thì tạo ra khoảng trống gián đoạn. Bà nghĩ sao về điều này? Cần duy trì việc học kỹ năng sống như thế nào để giúp đỡ, rèn giũa hàng ngày cho học sinh.

Diem Quỳnh - diemquynh054

Bà Nguyễn Thị Dịu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh

Hiện nay, một số trường đã mời các trung tâm kỹ năng đến dạy (trong đó có trường Vĩnh Ninh), trường chúng tôi bắt đầu học từ tháng 9/2018 kéo dài đến tháng 5/2019, nên khi khoá học kết thúc thì vừa đúng thời gian nghỉ hè nên không tạo ra khoảng trống gián đoạn. Để duy trì việc học kỹ năng sống nhằm giúp đỡ, rèn giũa hàng ngày cho học sinh đòi hỏi người giáo viên phải luôn đổi mới phương pháp dạy học, phải gần gũi các em, động viên các em để các em chia sẻ với nhau về sở thích, những ước mơ cũng như mong muốn của các em. Từ đó các em tự tin, thích học và vâng lời thầy cô.

Nhà giáo ưu tú Vệ Văn Lẫm, cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng

Khung chương trình của trung tâm soạn theo yêu cầu của ngành giáo dục, được thực hiện rải đều theo chương trình học. Số tiết dạy rải đều trong các tuần lễ, nên sẽ không tạo ra khoảng trống trong các nhà trường. Ngoài những tiết dạy kỹ năng sống cho học sinh, trung tâm còn triển khai những chuyên đề dạy cho toàn trường, như cách phòng cháy chữa cháy,…

Trong kỳ nghỉ hè, chúng tôi đưa các hoạt động trải nghiệm, chúng tôi tự soạn một bộ khung hoạt động trải nghiệm, đáp ứng giáo dục địa phương, đưa các em đến những điểm đến để trải nghiệm giáo dục sáng tạo.

Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ triển khai thêm chương trình “25 ngày tự bảo vệ mình”, giúp trẻ biết cần làm gì để bảo vệ mình trước người lạ.

Th.S Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Huế

Thực ra để hoạt động giáo dục kỹ năng sống có kết quả tích cực và mang tính bền vững thì nhà trường phải suy nghĩ đến việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên trong nhà trường. Cũng chia sẻ thêm, Trung tâm tư vấn tâm lý và giáo dục đặc biệt của Trường đại học Sư phạm Huế đã hợp tác và nhận lời mời từ các phòng, Sở Giáo dục & Đào tạo các tỉnh về tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, tổng phụ trách đội các trường - đó là đội ngũ nòng cốt được tập huấn theo kiểu cầm tay chỉ việc và bản thân họ sẽ về nhà trường và tập huấn lại cho toàn bộ giáo viên trong nhà trường về tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn này đã nhận được những phản hồi tích cực từ đội ngũ giáo viên và họ đã đánh giá rất cao về hiệu quả của chương trình tập huấn. Ngoài ra, hiện nay trung tâm đang mở các khóa học bồi dưỡng kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho sinh viên các trường đại học thành viên của Đại học Huế và các giáo viên một số trường phổ thông trên địa bàn thành phố Huế đã đăng ký tham gia các khóa học này. Vì vậy, thiết nghĩ từ phía Sở, phòng giáo dục, các nhà quản lý các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Huế cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho chính đội ngũ giáo viên của mình.

Đội ngũ giảng dạy được tuyển chọn như thế nào và việc xây dựng chương trình dựa trên có sở nào?

Nam Phương - phuongnamnguyen

Nhà giáo ưu tú Vệ Văn Lẫm, cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng

Dưới góc độ của một trung tâm được Sở GD&ĐT cấp giấy phép hoạt động cách đây 10 năm, chúng tôi xin chia sẻ những thông tin sau:

Về quá trình tuyển dụng và đào tạo đội ngũ giảng dạy, chúng tôi thông báo cho tất cả những người tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên có thể nộp hồ sơ xin làm ctv dạy kỹ năng sống. Sau khi hồ sơ nộp văn bằng đủ yêu cầu, chúng tôi tổ chức phỏng vấn về hình thức bề ngoài, cách ăn nói,… Thứ 3 là thực tập, chúng tôi cho các em đi cùng những chuyên gia để thực tập ở các giờ học. Thứ 4 là đào tạo, chúng tôi mời Trung tâm Giáo dục & Đào tạo quốc tế Rồng Việt ra Huế để đào tạo các kỹ năng. Sau khi đội ngũ này được chấp nhận để đi dạy, chúng tôi liên hệ với các trường để lấy nhận xét.

Đa số các giáo viên dạy giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đều là chính thống. Ảnh: Lê Thọ

Về khung chương trình, chúng tôi tiếp thu từ các hội nghị của Bộ GD&ĐT và soạn thảo các khung chương trình để trình lên cơ quan chủ quản. Đối với những khung chương trình này, chúng tôi thực hiện việc giao lưu học hỏi những điều hay từ các trung tâm khác.

Khung chương trình cũng bắt nguồn từ ý kiến của Bộ GD&ĐT, như kỹ năng nào quan trọng ở cấp học nào. Khung chương trình cũng được chỉnh lý hằng năm sau khi Bộ GD&ĐT tổng kết, đưa ra ý kiến, chúng tôi nghiên cứu văn bản. Chẳng hạn như trong chương trình đào tạo mới phải xây dựng ở học sinh 5 phẩm chất, 10 năng lực, như kỹ năng tự tin, chúng tôi xem lại có bao nhiêu tiết dạy về kỹ năng tự tin để tiến hành chỉnh lý.

Em đề xuất gì nếu được tổ chức học kỹ năng sống theo yêu cầu?

Vinh Hiền - vinhhien345

Đoàn Nữ Minh Nhật, học sinh lớp 8/11, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu

Hiện tại, những tiết học kỹ năng sống chỉ được lồng ghép chung trong các môn học khác. Do đó, em hi vọng nhà trường sẽ bố trí những lớp học, buổi học riêng về kỹ năng sống để chúng em có cơ hội chia sẻ với các thầy cô, từ đó nhận được tư vấn từ thầy cô để có những giờ học hiệu quả hơn. Về phía bạn bè, các bạn trong trường cũng hi vọng sẽ được tham gia các lớp học của những thầy cô chuyên giảng dạy về tâm lý để dễ dàng chia sẻ suy nghĩ của mình hơn.

Mô hình tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống hiện nay ở các trường đã thực sự phù hợp hay chưa?

thúy vi - thuyvihue

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi cùng thư ký chương trình để trả lời bạn đọc  BTV. Ảnh: Phan Thành

Huế là một trong ba địa phương có hệ thống giáo dục mạnh. Mới đây, chúng tôi phối hợp Trường đại học Luật đào tạo kiến thức pháp luật cho giáo viên, cán bộ quản lý, từ đó các giáo viên này sẽ nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật để giáo dục kỹ năng cho học sinh.

Hiện nay, chúng ta tổ chức hoạt động kỹ năng sống trong nhà trường đều chính thống. Tuy nhiên, hiệu quả, sự chưa đồng bộ, chưa tập trung thực hiện ở vùng nông thôn do liên quan đến vấn đề kinh phí nên chỉ tập trung ở thành phố.

Để tổ chức kỹ năng sống theo hướng hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần phải thực hiện những gì?

Như Ý - nhuypham

Bà Nguyễn Thị Dịu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh

Để nâng cao hiệu quả trong việc dạy và học kỹ năng sống, trong thời gian tới, trường Vĩnh Ninh sẽ cố gắng đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồng thời vận động phụ huynh để học sinh được tham gia 100% vào các lớp học kỹ năng sống.

Đoàn Nữ Minh Nhật, học sinh lớp 8/11, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu

Em mong muốn được học nhiều kỹ năng để có thể giải quyết được những vấn đề bên ngoài xã hội, phòng vệ bản thân, tìm hiểu cuộc sống ở bên ngoài – những vấn đề không có trong sách vở.

Nhà giáo ưu tú Vệ Văn Lẫm, cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng

Ngành giáo dục, chính quyền các cấp cần tiếp tục hỗ trợ bằng những chính sách, chủ trương để tạo hành lang pháp lý vững vàng hơn để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Chúng tôi mong muốn các trường thông qua ngành của mình, liên hệ các trung tâm kỹ năng sống để nghiên cứu các chuyên đề phù hợp với yêu cầu từ phía phụ huynh, học sinh.

Tôi cho rằng, sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh, học sinh là rất quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Th.S Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Huế

Để nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, theo tôi có ba yếu tố cần quan tâm. Thứ nhất là nhận thức của nhà quản lý, giáo viên và phụ huynh vì nếu nhận thức đúng thì thúc đẩy hành động đúng. Thứ hai là năng lực của nhà quản lý trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tổ chức và chỉ đạo, kiểm tra đánh giá việc thực hiện hoạt động giáo dục kỹ năng sống; đặc biệt là năng lực tổ chức hoạt động giáo dục của đội ngũ giáo viên giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh. Đội ngũ giáo viên trước hết phải có kỹ năng sống và nắm vững mục tiêu, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Tôi cho rằng yếu tố năng lực của đội ngũ giáo viên giảng dạy kỹ năng sống là yếu tố quyết định đến sự thành công và hiệu quả hoạt động giáo dục. Yếu tố thứ ba là điều kiện, môi trường thực hiện hoạt động giáo dục đó như cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện, thời gian,… dành cho hoạt động giáo dục.

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Hiện nay, các hoạt động ngoại khóa như mit tinh, kỉ niệm các ngày lễ lớn vẫn còn mang tính hình thức, chưa chú trọng đến lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Một số phụ huynh còn thiếu quan tâm đến tình cảm, các mối quan hệ bạn bè của con, khoán trắng cho nhà trường.

Giáo viên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sống của bản thân để dạy lồng ghép kỹ năng sống trong các tiết học. Một số giáo viên còn lúng túng về phương thức, biện pháp để thực hiện, chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về dạy kỹ năng sống trong một số môn học...

Do vậy, cần thay đổi hình thức hoạt động để phù hợp với học sinh. Chúng ta chưa chú trọng học sinh đang quan tâm vấn đề gì, nên cần quan tâm đến đối tượng học sinh để phù hợp với tâm sinh lý của học sinh sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Nếu rập khuôn thì việc giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường khó hiệu quả.

Mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh phải gần lại để có sự phối hợp chặt chẽ để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Đối với các trường chưa có điều kiện thì có thể lồng ghép giáo dục kỹ năng sống trong các buổi nói chuyện ở các chuyên đề.