Nhận BHXH một lần hay nhận lương hưu?

Năm 2017, toàn tỉnh có 5.467 lao động nhận trợ cấp BHXH 1 lần thì 7 tháng đầu năm 2018 gần 4.200 người làm hồ sơ nhận trợ cấp BHXH. Bình quân, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có 2 người tham gia BHXH thì lại có một người ra khỏi hệ thống này.

Vì sao NLĐ lại có tâm lý thích nhận BHXH trọn gói? Nếu làm như vậy họ sẽ bị thiệt ra sao? Cần làm gì để chấm dứt tình trạng rời khỏi mạng lưới an. Đó là lý do mà Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề:

Nhận BHXH một lần hay nhận lương hưu?

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh

- Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

- Ông Hà Văn Tuấn - Giám đốc Sở LĐTBXH

- Đặng Ngô Bảo Châu – Đại diện người lao động

Thừa Thiên Huế Online

Có thông tin lao động phổ thông từ 35 đến 40 tuổi thường bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng do không đáp ứng yêu cầu công việc khiến NLĐ rất lo lắng, dẫn đến việc họ muốn rút BHXH một lần thay vì nhận sổ hưu. Thực trạng này trên địa bàn tỉnh ta như thế nào?

Nam Anh - nanhnguyen12

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Ảnh: Hoàng Hải

Dưới góc nhìn của Công đoàn, lao động phổ thông ở độ tuổi 35-40 hiện nay có tình trạng này còn vì nhiều nguyên nhân nữa.

1. Về phía doanh nghiệp: điều kiện làm việc không tốt, doanh nghiệp thường hướng đến lợi nhuận. Đây là một trong những nguyên nhân doanh nghiệp lợi dụng sự kém hiểu biết của những người lao động phổ thông này. Trong thời đại công nghệ, tất cả doanh nghiệp muốn hướng đến tăng năng suất, giảm sử dụng lao động phổ thông, chuyển đổi sang công nghệ tất yếu sẽ giảm đi người lao động phổ thông.

2. Góc nhìn Công đoàn, sức khoẻ của người lao động ở độ tuổi này không đảm bảo, năng lực hiểu biết pháp luật hạn chế, không có tay nghề và không phù hợp với công việc của họ. Điều kiện của người lao động phổ thông hiện cần phải có việc làm, do mưu sinh.

3. Cơ sở pháp lý, hệ thống BHXH hiện nay đang còn rất cứng nhắc, chưa linh động và mềm dẻo, chính sách BHXH này chưa thực sự hấp dẫn, khiến người lao động chưa có sự gắn bó với hệ thống BHXH lâu dài. Bên cạnh đó, việc hưởng BHXH 1 lần rất dễ dàng.

Lao động nhận trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng, vì sao có tình trạng này? NLĐ nghỉ việc có thể được hưởng chính sách BHXH gì?

Như Nguyện - nntnhu75

Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh. Ảnh: Hoàng Hải

Trên cơ sở nội dung bà Hoài Hương đã trả lời, thời gian gần đây có một bộ phận lao động chủ yếu thuộc ngành may mặc, thủ  công... có tình trạng chấm dứt lao động như lý do bà Hoài Hương đưa ra, việc giải quyết thất nghiệp tăng theo đó là điều đương nhiên bởi quyền lợi của họ.

Vì sao có tình trạng này, trong phần trả lời của bà Hoài Hương cũng đã nói rõ.

Vấn đề là biện pháp ngăn chặn để đảm bảo người lao động trên cơ sơ bà Hoài Hương đưa ra ở câu hỏi trước.

NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật việc làm, ngoài ra người lao động được lựa chọn để hưởng chế độ BHXH hoặc hưởng trợ cấp 1 lần theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết 93 của UBTV Quốc hội là sau 12 tháng nếu không tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện thì được hưởng trợ cấp 1 lần. Hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH để sau này tiếp tục đóng tiếp đến khi có điều kiện đến hết tuổi lao động và đủ 20 năm đóng BHXH thì hưởng chế độ hưu trí dài hạn, đây chính là mục tiêu an sinh xã hội của Luật của như các Nghị quyết của Đảng.

Ông Hà Văn Tuấn - Giám đốc Sở LĐTBXH

Theo tôi, nguyên nhân khách quan dẫn đến lao động nhận trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng đó là quyền của người lao động, họ có thể chuyển vị trí, tìm kiếm việc làm mới.

Ông Hà Văn Tuấn - Giám đốc Sở LĐTBXH. Ảnh: Hoàng Hải

Hiện cả nước hơn 1 triệu người thất nghiệp. Tại Thừa Thiên Huế có 9-10 nghìn lao động tìm kiếm việc làm. Điều đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có thể thay đổi nguồn lao động. Điển hình như đối với các ngành dệt may, chế biến thủy sản

Để giải quyết lao động thất nghiệp tùy vào tình hình kinh tế.

Năm 2017, chúng tôi giải quyết  cho 5.400 người; 7 tháng năm 2018 có 4.600 người đến làm thủ tục giải quyết bảo hiểm thất nghiệp tại Sở LĐ – TB&XH

LĐLĐ tỉnh đã nắm bắt tình trạng này chưa và đã có hoạt động gì đối thoại, gỡ khó cho NLĐ khi họ rơi vào cảnh thất nghiệp, buộc phải rời khỏi hệ thống an sinh?

Hùng Lâm - trhunglam

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Giải pháp được đưa ra là:

1. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, tư vấn cho người lao động, cung cấp tối thiểu cho người lao động những quy định cần thiết, tối thiểu nhất, tránh tình trạng bị doanh nghiệp lợi dụng và chấm dứt hợp đồng khi họ không hiểu biết về luật.

2. Phải quy định chặt chẽ việc hưởng BHXH 1 lần, có những chính sách cụ thể khuyến khích người lao động ở lại lâu dài với hệ thống BHXH, đảm bảo chính sách an sinh bền vững hơn.

Quy định theo hướng linh hoạt để tham gia BHXH, đảm bảo mọi người dân được cung cấp chính sách an sinh.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Khu công nghiệp Phú Bài. Ảnh: Thanh Hương

3. Người lao động phải tìm hiểu và nắm luật trước khi hợp đồng lao động được ký, cần có đầu tư để học nghề. Khi thị trường việc làm mở cửa, người lao động cần tìm cho mình một công việc nhất định.

4. Cơ quan quản lý cần phải vào cuộc, xử lý thật nghiêm người sử dụng lao động khi họ vi phạm luật lao động.

Chúng tôi luôn nắm thực trạng thông qua các số liệu thống kê. Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ Việc làm, trong năm 2017, đối với nam nữ 35-40 tuổi, nam hưởng chế độ BHXH là 1.844 người, nữ: 2.048. Trong 6 tháng đầu năm nay (2018), nam 1.028, nữ 1.110 người, rơi vào ngành dệt may và dịch vụ du lịch.

Chúng tôi cập nhật liên tục làm việc với công đoạn ở dệt may, dịch vụ du lịch để kết hợp thông qua tuyên truyền để hiểu được những điều luật tối thiểu nhất, giảm thiểu được tình trạng doanh nghiệp yêu cầu người lao động nghỉ việc khi không cần thiết.

Anh/chị có thể nói lý do nghỉ việc và những khó khăn mà bản thân và gia đình phải đối mặt?

Thanh Thanh - thanhnguyen123

Bà Đặng Ngô Bảo Châu – Đại diện người lao động

Bà Đặng Ngô Bảo Châu – Đại diện người lao động. Ảnh: Hoàng Hải

Có nhiều lý do khiến tôi quyết định nghỉ việc, thứ nhất là mức thu nhập của tôi khi làm ở doanh nghiệp không đảm bảo nên tôi muốn tìm công việc có thu nhập tốt hơn. Lý do thứ hai tôi muốn thay đổi sang một công việc khác để có nhiều thời gian dành cho gia đình.

Khó khăn tôi gặp phải khi nghỉ việc là không có lương, trong khi đó bảo hiểm thất nghiệp chỉ giải quyết được một phần và thời gian được hưởng không lâu dài nên tôi và gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Giữa sổ hưu và nhận BHXH một lần, anh/chị chọn phương thức nào? Vì sao anh chị lại chọn như vậy?

Nguyễn Thị Diệu - dieu251986

Bà Đặng Ngô Bảo Châu – Đại diện người lao động

Tôi muốn nhận sổ hưu hơn vì sổ hưu là nguồn thu nhập chính ổn định và lâu dài khi về già, lúc mà mình không lao động nữa và sổ hưu còn có những chế độ an sinh bền vững.

NLĐ nhận lương trợ cấp 1 lần và sổ hưu, theo ông nên chọn phương thức nào và vì sao? Tại sao nhiều NLĐ lại muốn nhận BHXH một lần?

thanh phương - phuongtth

Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Khi NLĐ đã có thời gian đóng BHXH nên bảo lưu để sau này tiếp tục có cơ hội tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện. Chính sách BHXH còn chưa mở, chưa thấy có sự khuyến khích đối với NLĐ nhưng tinh thần của Nghị quyết 28 đến năm 2030 có 60% lực lượng tham gia BHXH tập trung vào phi chính thức là BHXH tự nguyện. Tới đây số năm đóng BHXH sẽ giảm dần, và định hướng có thể còn 15 năm hoặc thấp hơn đến 10 năm.

Người lao động đến làm hồ sơ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: Lê Thọ

Như vậy, tôi khẳng định bảo lưu để hưởng lưu hưu là quyết định sáng suốt, còn nhận 1 lần là không thông minh. Mục tiêu đối tượng nghèo, cận nghèo cũng sẽ đóng BHXH.

Ông có thể giải thích những quyền lợi của NLĐ khi được hưởng lương hưu?

Khánh Quỳnh - khanhquynhkt

Ông Hà Văn Tuấn - Giám đốc Sở LĐTBXH

Theo tôi, những quyền lợi của NLĐ khi được hưởng lương hưu đó là hàng tháng được nhận lương hưu theo mức quy định của BHXH Việt Nam. Mức lương sẽ được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế của xã hội. Họ sẽ giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội; ngoài ra, có chế độ bảo hiểm y tế miễn phí, nếu qua đời thì có thể hưởng mai táng phí,…

Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Quyền lợi NLĐ sẽ có chế độ hưu trí ngay sau khi có quyết định của cơ quan BHXH kèm theo BHYT (được hưởng 95%). Khi Chính phủ nâng lương cơ sở, lương vùng... kéo theo đó người hưởng lương hưu cũng được tăng. Trong quá trình hưởng, không may bản thân mất sẽ được hưởng mai táng phí bằng 10 tháng tiền lương cơ sở, hưởng trợ cấp 1 lần hoặc trợ cấp hàng tháng trong trường hợp thân nhân đủ điều kiện.

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện và đủ điều kiện đóng BHXH 20 năm sau đó hưởng chế độ, kết cấu lương hưu và chính sách không còn sự phân biệt cán bộ viên chức hay người đóng tự nguyện, bình đẳng như nhau tất cả quyền lợi.

Liệu có phải công tác truyền thông chưa tốt nên NLĐ chưa thấy được lợi ích của việc nhận sổ hưu?

Hà Văn - havanhai88

Ông Hà Văn Tuấn - Giám đốc Sở LĐTBXH

Tôi thấy ngoài truyền thông thì vẫn đang tồn tại nhiều chính sách chưa hợp lý, thời gian đóng bảo hiểm quá dài, người lao động chờ quá lâu. Nghị quyết 93 của Quốc hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ giảm xuống 15 năm.

Hiện, mức hưởng của NLĐ đang khá cao, họ hưởng đến 26%; Nghị quyết 2018, nếu NLĐ nhận một lần thì sẽ giảm 8%.

Sản xuất gạch tại Nhà máy gạch tuynen 1-5. Ảnh: Thanh Hương

Nhiều nguyên nhân dẫn đến NLĐ nhận một lần là do sự phát triển của nền kinh tế, cung lao động lớn hơn cầu lao động; mức sống, đời sống của NLĐ hiện vẫn còn khó khăn; do sự phát triển kinh tế xã hội khiến NLĐ cảm thấy công việc bấp bênh, không ổn định.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần làm tốt hơn để xây dựng chính sách an sinh xã hội tốt hơn, nâng cao mức sống của người dân.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Tôi cho rằng, từ khi trung ương nhận định, đánh giá Nghị quyết 28 công tác truyền thông có hạn chế nhất định. Quan điểm, mục tiêu, sự nhận thức ở trung ương, bộ ban ngành là hết sức quan trọng, nhưng quá trình thực thi, trong đó truyền thông đưa thông tin đến xã hội không tương xứng.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh (bên phải) trao đổi với biên tập viên. Ảnh: Hoàng Hải

Với cơ quan BHXH cũng đã nỗ lực nhiều, nhưng chỉ giải quyết tức thời trước mắt, chưa phải chiến lược dài hạn. Truyền thông ở đây không phải ngành làm mà cả hệ thống chính trị cần vào cuộc. Cũng nói thêm, trách nhiệm NLĐ nhiều khi còn thờ ơ, không có trách nhiệm với bản thân mình. Hầu như các kênh đến với NLĐ thông qua người làm công tác lao động tiền lương và công tác liên quan do vậy tìm hiểu rất khó bởi thế trách nhiệm doanh nghiệp cũng rất lớn.

Bà Đặng Ngô Bảo Châu – Đại diện người lao động      

Theo tôi, những chính sách về bảo hiểm xã hội chưa đến sâu sát với người lao động. Như ở công ty trước đây tôi làm, khi nghỉ việc, các bạn rất băn khoăn về các chế độ bảo hiểm mình được hưởng, ví dụ không biết nhận được số tiền bao nhiêu, nhận ở đâu,…? Với cá nhân tôi, tôi đã hỏi anh chị ở bộ phận bảo hiểm của công ty và tìm hiểu qua một số người bạn trong ngành bảo hiểm nên đã biết được thông tin cụ thể và quyết định nhận sổ hưu. Tuy nhiên, đa số người lao động không được tiếp cận thông tin, không biết rõ thông tin nên muốn nhận bảo hiểm một lần.

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh 

Chúng tôi thường có những hoạt động thường xuyên liên tục trong tư vấn, chúng tôi có một trung tâm tư vấn pháp luật, website nội bộ, cũng như fanpage tư vấn, hiện nay, điều kiên truy cập mang xã hội rất nhiều, mở được trang facebook công đoàn chính thống, cung cấp những cơ chế cần thiết, trao đổi giao lưu giữa NLĐ và công đoàn, tư vấn trực tiếp, hướng dẫn về nhận BHXH 1 lần hay nhận lương hưu.

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh (bên trái). Ảnh: Hoàng Hải

Để đưa thông tin đến cho NLĐ rất khó, đặc biệt là truyền thông tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chúng tôi phải linh động trong tuyên truyền. NLĐ ở đây phải làm theo ca, nên chúng tôi buộc phải tuyên truyền trong giờ ăn ca, tuyên truyền trên xe đưa đón công nhân, để họ nắm được thông tin cần thiết nhất.

Theo chúng tôi, không riêng gì công đoàn tuyên truyền, mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trước hết, NLĐ phải tự nhận thức để tự bảo vệ mình.

Về chính sách nhận BHXH một lần hay nhận lương hưu, chúng tôi phải tuyên truyền được những bất lợi và lợi ích cho NLĐ trong khi tham gia BHXH. Bên cạnh đó, chính sách BHXH phải đảm bảo siết chặt quy định nhận BHXH một lần, và chính sách BHXH tiến tới linh hoạt và chủ động, cơ cấu được nhiều gói, để NLĐ tuỳ theo thu nhập để chọn gói BHXH phù hợp với thu nhập của mình.

Các hợp đồng bảo hiểm thương mại được mời gọi hấp dẫn và các công ty bảo hiểm cho rằng chúng có lợi hơn là BHXH? Bản chất vấn đề này như thế nào. Bản thân tôi là NLĐ cũng được mời gọi rất nhiều và rất phân vân!

mạnh tuấn - nguyenmanhtuanktt

Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Hiện nay Bộ LĐ-TB-XH đang trình Chính phủ ra gói bảo hiểm xã hội thí điểm kết hợp thêm chế độ thai sản. Việc này hợp lý, phù hợp nhu cầu thực tế, bên cạnh đó thiết kế nhiều chính sách liên quan. Vì thế, nếu không nhận 1 lần mà nhận lương hưu người lao động sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều gói, quyền lợi mà Chính phủ đang cân nhắc để ban hành.

Hiện, quy định cho người lao động được hưởng chính sách BHXH một lần còn dễ dàng. Ảnh: Lê Thọ

Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức chiến dịch truyền thông đến dân cư, thông qua mặt trận, nông dân, phụ nữ... cung cấp thông tin cơ bản. Loại hình BH thương mại đang hoạt động trên địa bàn, phương tiện của họ bảo hiểm, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận, khác hoàn toàn với BHXH. Trong khi đó, BHXH cho thấy Nhà nước đang lo cho dân, tiến hành cân đối dài hạn và cần thiết tài chính Nhà nước hỗ trợ nếu có biến động.

Có ý kiến cho rằng chính sách BHXH chưa thực sự hấp dẫn để thu hút lao động, ông nghĩ sao về điều này. Hệ lụy khi chính sách an sinh không được đảm bảo?

An Phát - anphathue

Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Quy định hiện nay, nếu nhận 1 lần sẽ không được hoàn tiền để bảo lưu. Việc tổ chức thực hiện, NLĐ đến làm thủ tục nhận 1 lần chúng tôi đã giải thích để họ cân nhắc. Nhiều người thông qua cán bộ giải thích đã thay đổi ý định không nhận trợ cấp 1 lần.

BTV Thừa Thiên Huế Online chuyển câu hỏi của bạn đọc đến các khách mời. Ảnh: Hoàng Hải

Anh/ chị có ý định nhận BHXH trọn gói? Kế hoạch của anh chị sử dụng số tiền nhận được ra sao?

Diệp Khai - ttdiepkhai

Bà Đặng Ngô Bảo Châu – Đại diện người lao động

Hiện tại tôi chưa có ý định nhận bảo hiểm một lần. Nhưng đối với những người lao động đã nhận bảo hiểm một lần, thì theo tôi sau đó họ nên tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để có chế độ hưu ổn định cho họ về sau.

Thực tế, lương hưu của một số người vẫn ở mức thấp. Khi Nhà nước khuyến khích NLĐ bảo lưu để hưởng lương hưu, thì Nhà nước phải có những chính sách đảm bảo tiền lương hưu cho NLĐ đủ sống, ít nhất là đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của họ. Hiện chúng ta đã có chính sách đảm bảo lương hưu chưa?

Duy Lâm - trduylam86

Ông Hà Văn Tuấn - Giám đốc Sở LĐTBXH

Chính sách BHXH hiện nay đã làm được rất nhều, như số lượng NLĐ tham gia ngày càng tăng. Hiện, cả nước có 29,4%, riêng Thừa Thiên Huế có 24%. Tuy vậy, chính sách BHXH vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như các gói bảo hiểm chưa linh hoạt, chế độ cho người nhận một lần khá cao.

Đối tượng tham gia ít do nhận thức của NLĐ, nhiều LĐ chưa tìm hiểu về chính sách BHXH. Ngoài ra, việc tuyên truyền về chính sách BHXH vẫn chưa tốt. Công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp vẫn chưa tốt; nhiều doanh nghiệp nợ, né tránh đóng BHXH.

Sản xuất gạch tại Công ty Vitto Phú Lộc tại khu công nghiệp La Sơn. Ảnh: T.Hương

Trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay, lực lượng lao động trong khu vực chính thức rất thấp (chiếm 30%). Nghị quyết 28 của Chính phủ sẽ mở rộng đối tượng tham gia đóng BHXH bắt buộc

Mục tiêu của BHXH là đảm bảo an sinh xã hội, nếu không tham gia sẽ gây ra bất ổn xã hội. Người cao tuổi không được hưởng lương hưu sẽ trở thành gánh nặng của xã hội; sinh ra phân hóa xã hội rất cao.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh   

Như ông Tuấn đã phân tích, dưới góc nhìn cá nhân tôi một chính sách ban hành còn hạn chế tồn tại đó là đều tất yếu, vấn đề ở chỗ chúng ta phản ứng và có những quyết sách phù hợp ngay thực tiễn, kịp thời hay không, còn để đón trước rất khó.

Hệ thống BHXH quy định người lao động phải đóng BHXH ít nhất 20 năm mới được hưởng lương hưu. Ảnh: L.Thọ

Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta có những hạn chế nhất định mà tôi cho rằng cần phải có xem xét, xử lý làm sao đó phù hợp. Ví dụ như ban hành Luật BHXH năm 2014, đều 60 thể hiện tính chất nhân văn, nhưng không lường trước một bộ phận NLĐ công ty may ở miền Nam phản ứng sau đó Quốc hội đã họp đều chỉnh.

Vì sao NLĐ là những công nhân rơi vào tình trạng như đã nói không mặn mà với lương hưu - “của để dành” cho người lao động khi về già? Phải chăng một số chính sách về lương hưu đã đến lúc phải thay đổi!

Như Ngọc - nhungocnguyen

Ông Hà Văn Tuấn - Giám đốc Sở LĐTBXH

Có nhiều nguyên nhân như tôi đã nói, đó là về chính sách; do công tác tuyên truyền, nhận thức của NLĐ; hay công tác thanh kiểm tra của cơ quan Nhà nước.

Người lao động tìm hiểu việc làm. Ảnh: Nhật Minh

Về cơ bản chính sách lương hưu và BHXH thì Chính phủ dựa trên 3 nguyên tắc: Nguyên tắc đóng hưởng; nguyên tắc công bằng và bình đẳng; nguyên tắc chia sẻ.

Chính sách hiện nay mới chỉ làm tốt được nguyên tắc đóng hưởng. Sắp tới chính phủ sẽ tập trung vào nguyên tắc chia sẻ, để làm cho mức lương hưu không chênh lệch nhiều.

Theo bà, cần có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi NLĐ gắn bó lâu dài với DN cũng như tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ những lợi ích của việc nhận sổ hưu trí hơn là nhận trợ cấp thất nghiệp một lần?

Lạc Diệp - lacdiephue

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Để trả lời cho câu hỏi này, giải pháp căn cơ để bảo đảm NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp rất khó, vì trong cơ chế thị trường, kể cả thị trường lao động, cạnh tranh rất khốc liệt, NLĐ có quyền chọn lựa doanh nghiệp phù hợp để làm.

Người lao động có hoàn cảnh khó khăn được LĐLĐ tỉnh tổ chức lễ cưới tập thể. Ảnh: Quỳnh Viên

Quan trọng nhất để NLĐ gắn bó với doanh nghiệp là quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động phải hài hoà.

Bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, NLĐ cần nỗ lực tự trang bị kiến thức, hiểu biết về pháp luật, chuẩn bị hành trang về chuyên môn (nghề nghiệp nhất định) để sẵn sàng bước vào thời kỳ mới. Lúc đó, chính sách thay đổi, NLĐ có năng lực, người sử dụng lao động ý thức được trách nhiệm của mình đối với NLĐ, thì cơ hội NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mới khả thi.

 

Việc người lao động rút BHXH một lần có bị xem là trái pháp luật hay không? Vì sao không chấm dứt việc cho rút BHXH một lần, chúng ta không thể giải quyết vấn đề theo yêu cầu có tính chất cá nhân của một số người hoặc một số nhóm người.

tthoang - tthoang

Ông Hà Văn Tuấn - Giám đốc Sở LĐTBXH

Theo quy định là không trái với pháp luật.

Theo tinh thần nghị quyết 28 hạn chế NLĐ rút BHXH một lần, khuyến khích NLĐ để lại để nhận lương hưu. Nhà nước quy định đóng 20 năm sẽ giảm xuống 15 năm. Về lâu dài thì chúng ta phải sửa đổi chính sách, đưa ra nhiều gói trợ cấp lương hưu.

Cần những giải pháp gì nhằm chấm dứt tình trạng rời khỏi hệ thống an sinh như hiện nay của NLĐ?

Diệu Huyền - thanhdieuhue

Ông Hà Văn Tuấn - Giám đốc Sở LĐTBXH

Theo tôi các giải pháp đó là: Cải cách chính sách BHXH; Đổi mới công tác tuyên truyền; Tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với các đơn vị vi phạm Chính sách BHXH; Tạo việc làm cho NLĐ. Làm thế nào cung lao động nhỏ hơn cầu lao động; Đưa lao động phi chính thức vào lao động chính thức; Đối với những đối tượng nghèo, cận nghèo thì Nhà nước cần có những chính sách tốt hơn nữa.

Cần đưa lao động phi chính thức vào lao động chính thức để người lao động tham gia BHXH. Ảnh: L.Thọ

Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Tôi cho rằng, truyền thông chính sách BHXH và định hình cho truyền thông trong giai đoạn này ngành BHXH đang rất nỗ lực. Hướng về đối tượng chứ không theo hướng truyền thông đã làm trước đó. Bên cạnh đó, sẽ linh động, phù hợp điều kiện thực tiễn với NLĐ.

Tôi nhấn mạnh sự nhận thức, hành động của hệ thống chính trị cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành nữa.