Nhân lực ngành y tế, vì sao khó thu hút

Theo số liệu công bố trên Báo Thừa Thiên Huế gần đây nhất: Năm 2017, qua hai đợt tuyển dụng bác sĩ (BS) cho tuyến huyện, chỉ có 2 B.S/ nhu cầu mỗi đợt không dưới 30 BS (có đợt cần 37 BS). Năm 2018, nhu cầu tuyển dụng đợt 1 với 10 BSĐK nhưng chỉ tuyển dụng được 1B.S;  đợt 2 tuyển được 15BSĐK/ cầu 32 BSĐK; đợt 3 2BSĐK/17BSĐK…

Nguyên nhân vì sao khó thu hút nhân lực chất lượng về tuyến y tế cơ sở trong khi trên địa bàn có hẳn trường ĐH Y dược đào tạo nguồn nhân lực dồi dào? Tại bệnh viện Trung ương Huế, có tình trạng BS giỏi chuyển việc hay không; Đơn vị đã có những cách làm như thế nào để thu hút và giữ chân người tài?

Đó là lý do mà Thừa Thiên Huế Online tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến: “Nhân lực ngành y tế, vì sao khó thu hút”? dự kiến diễn ra từ 8h – 10h thứ năm (ngày 28/3/2018).

Chương trình có sự tham dự của:

- Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế

- BS CKII Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế

- BS CKI Nguyễn Minh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang

- BS CKII Hồ Văn Huyên - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trung tâm y tế TP. Huế

- BS Lê Hữu Đính ở TTYT Phú Vang

- G.S Võ Tam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược Huế

- BS CKII Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế

Mời bạn đọc cùng đặt câu hỏi cho các khách mời ngay từ bây giờ!

Việc tuyển thiếu bác sĩ hiện nay ở các tuyến y tế cơ sở hiện nay ra sao? Vì sao lại có tình trạng này?

Ngô Xuân - ngoxuan78

BS CKII Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế

BS CKII Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế. Ảnh: Thanh Toàn

Hiện tại, tuyến huyện có 305 bác sĩ, 179 bác sĩ tuyến xã. Với số lượng nhân lực như hiện nay vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ở tuyến cơ sở.

Về vấn đề tuyển dụng, theo tôi, nhu cầu của các đơn vị xây dựng để đảm bảo quá trình dài hạn. Có những thời điểm chúng ta tuyển chưa đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy phải xây dựng kế hoạch 5 năm, 10 năm để có phương án bù trừ cho các bác sĩ về hưu.

Ông có thể chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng và thực trạng tuyển bác sĩ ở đơn vị mình?

Nguyen hải thanh - haithanhnguyen

BS CKII Hồ Văn Huyên - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trung tâm y tế TP. Huế

BS CKII Hồ Văn Huyên - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trung tâm y tế TP. Huế. Ảnh: Thanh Toàn

Hiện trung tâm có 77 bác sĩ, khối trung tâm có 53 bác sĩ, trạm y tế có 24 bác sĩ. Trong đó, có 4 bác sĩ chuyên khoa II, 27 bác sĩ chuyên khoa I, 4 thạc sĩ. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, trung tâm thường có nhu cầu tuyển dụng 5-10 bác sĩ đa khoa/năm; tuy nhiên số bác sĩ tuyển dụng được không đủ theo kế hoạch đề ra.

Từ 2015 đến nay, tại trung tâm có nhiều bác sĩ đã nghỉ việc (18 bác sĩ nghỉ hưu, 5 bác sĩ chuyển công tác) nhưng chúng tôi chỉ tuyển được 12 bác sĩ, thiếu 11 bác sĩ. Đặc biệt tuyển bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở còn ít hơn. Sở dĩ như vậy là do cơ sở vật chất trung tâm xuống cấp chưa tương xứng; thứ hai là mức lương và thu nhập tăng thêm cũng thấp. Thứ ba là chưa có chính sách ưu đãi của tỉnh, của ngành y tế. Ngoài ra, có sự mời chào của các cơ sở y tế tư nhân với mức lượng cao, kể cả các bệnh viện nhà nước khu vực phía Nam cũng có chính sách ưu đãi thu hút bác sĩ đa khoa. Một nguyên nhân nữa là phương tiện, trang thiết bị y tế, máy móc của bệnh viện còn một số hạn chế, chưa được đầu tư tương xứng.

Liệu có phải đa phần bác sĩ sau khi ra trường đều ngại về cơ sở?

Thái Lê Xuân - lexuanthai32

BS Lê Hữu Đính ở TTYT Phú Vang

BS Lê Hữu Đính ở TTYT Phú Vang. Ảnh: Thanh Toàn

Với bác sĩ trẻ lý do bác sĩ trẻ sau khi ra trường ngại về cơ sở vì cơ sở vật chất trang thiết bị ở tuyến cơ sở còn hạn chế; khả năng đào tạo phát triển của bản thân ở tuyến cơ sở cũng chưa tốt.

Được biết đơn vị cũng tuyển dụng được một số bác sĩ nhưng sau đó họ lại nghỉ việc, ông có tìm hiểu nguyên nhân sự việc? Thiếu nguồn nhân trẻ chất lượng có gây khó khăn trong quá trình hoạt động chuyên môn ở Trung tâm y tế TP, đơn vị có đặt ra việc đào tạo thay thế?

thanh liêm - thanhliemhue

BS CKII Hồ Văn Huyên - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trung tâm y tế TP. Huế

Có nhiều nguyên nhân khác nhau, có người xin nghỉ vì lý do gia đình, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi họ nghỉ là vì có sự mời chào của các cơ sở y tế tư nhân với chế độ lương cao và chế độ đãi ngộ tương xứng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của bệnh viện xuống cấp chưa tương xứng với một bệnh viện của một thành phố loại I trực thuộc tuyến tỉnh, hơn nữa lại chưa cố định, an cư, không có dự án xây mới cho bệnh viện thành phố nên xin chuyển công tác, một số xin nghỉ.

Thiếu nguồn nhân lực trẻ chất lượng gây nhiều khó khăn cho chúng tôi. Giải pháp tình thế là trong nhiều hoạt động chuyên môn, trung tâm phải tăng cường bác sĩ từ trạm y tế này tới trạm y tế khác trong một thời gian. Bên cạnh đó, có kế hoạch điều phối các bác sĩ về tăng cường cho các cơ sở khám chữa bệnh do số lượng bệnh nhân tăng. Có kế hoạch cử bác sĩ đa khoa đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa để thay thế cho các bác sĩ nghỉ hưu có trình độ cao. Cử y sĩ đa khoa đi đào bác sĩ đa khoa để bổ sung nguồn nhân lực bác sĩ đang thiếu hụt. Hợp đồng với các bác sĩ nghỉ hưu để khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Ngoài ra, thông qua các phương tiện truyền thông và ngày hội tư vấn việc làm của Trường đại học Y Dược Huế để tuyển thêm bác sĩ về trung tâm. Chúng tôi có chính sách ưu đãi là cho các bác sĩ trẻ mới về hưởng 100% mức lương thay vì 85% chế độ tập sự và họ được cử đi học chuyên môn sớm, phù hợp với chuyên môn mà bệnh viện cần và phù hợp với nguyện vọng của họ. Tuyển bác sĩ y học dự phòng để bổ sung số lượng bác sĩ đa khoa cho các trạm y tế.

Từ góc độ đơn vị, bà có thể trao đổi về nhu cầu tuyển dụng cũng như các chế độ bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đối với các BS đang làm việc tại BVTU Huế?

Trí Minh - minhtri45

BS CKII Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế

BS CKII Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Thanh Toàn

Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt; với bề dày lịch sử 125 năm hình thành và phát triển. Hàng năm tiếp nhận hơn 130.000 bệnh nhân điều trị nội trú, gần 700.000 lượt bệnh nhân trong nước và quốc tế đến khám và điều trị ngoại trú, Bệnh viện đã trở thành một địa chỉ tin cậy trong chăm sóc điều trị chất lượng cao của nhân dân trên toàn quốc, với đội ngũ cán bộ, viên chức hơn 3.000 người, trong đó có 08 Giáo sư và Phó Giáo sư, 36 Tiến sĩ, 99 Bác sĩ Chuyên khoa II, 195 Thạc sĩ, 61 Bác sĩ Chuyên khoa I, 370 bác sĩ và cán bộ đại học, 1.850 điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên y học, hộ lý.

Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những bệnh viện luôn đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật cao, nâng cao năng lực - chuyên môn hóa cao nhất trong cả nước, giảm sai sót y tế, đảm bảo an toàn người bệnh. Tỷ lệ điều trị thành công những ca bệnh khó của Bệnh viện luôn ở hàng cao nhất cả nước, là đơn vị thực hiện được hầu hết các kỹ thuật của tất cả các chuyên khoa trong danh mục phân tuyến kỹ thuật của ngành y tế.

Bệnh viện đã đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực ghép tạng: ghép tim do chính đội ngũ y bác sĩ trong Bệnh viện thực hiện đã đưa Việt Nam đứng vào bản đồ các nước ghép tim trên thế giới, trong năm 2018 đã thực hiện thành công 02 ca ghép tim trong thời gian chưa đầy 1 tháng, cấy tim nhân tạo bán phần, ghép thận trên 700 ca, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân hỗ trợ điều trị ung thư vú, buồng trứng giai đoạn cuối, ghép giác mạc, cắt đại trực tràng bằng phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên...; điều trị ung thư bằng các kỹ thuật xạ trị cao cấp lần đầu tiên tại Việt Nam, điều trị ung thư đa mô thức, hơn 1.000 em bé được ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; các labo xét nghiệm sinh học phân tử và chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân cao cấp…

Khám bệnh tại Khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Minh Văn

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của bệnh viện, chúng tôi luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ “giỏi y thuật, sáng y đức”, có trình độ chuyên môn cao trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn.

Với mục tiêu 100% bác sĩ có trình độ sau đại học, hàng năm Bệnh viện chúng tôi đều cử các BS đi học CKI, CKII, Thạc sĩ, Tiến sĩ… Bên cạnh các khóa đào tạo hàn lâm dài hạn như vừa nói, bệnh viện cũng chú trọng đến việc cử bác sĩ tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao kỹ năng thực hành về lĩnh vực chuyên môn sâu ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Trong thời gian đi học các bác sĩ này vẫn được hưởng lương và các chế độ phụ cấp theo quy định; đồng thời Bệnh viện chúng tôi còn cho hưởng thêm khoản hỗ trợ thu nhập. Với mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia có nền y học tiên tiến trên thế giới, chúng tôi đã gửi rất nhiều bác sĩ đi đào tạo ở các nước như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hà Lan…, cũng như đã mời các đoàn chuyên gia nước ngoài đến trực tiếp giảng dạy và chuyển giao nhiều kỹ thuật cao, phức tạp ngay tại Bệnh viện. Ngoài ra, việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ các bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm cho đội ngũ các bác sĩ trẻ cũng được ban giám đốc đặc biệt quan tâm. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức nhiều khóa đào tạo lại cho các bác sĩ bệnh viện và các cơ sở y tế tuyến dưới. Chính vì vậy, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế ngày càng được nâng cao, khẳng định được vị thế trong nước và khu vực.

Là một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, với 8 trung tâm, hơn 100 khoa lâm sàng và cận lâm sàng khác nhau, với mục tiêu hướng đến là một bệnh viện mang tầm khu vực và quốc tế; bên cạnh việc đầu tư hệ thống các trang thiết bị hiện đại, nâng cao hơn thái độ và chất lượng phục vụ để mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến đầu tư nguồn nhân lực có trình độ cao và sáng y đức. Trong thời gian đến chúng tôi sẽ tuyển dụng thêm các bác sĩ để nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của Bệnh viện, đặc biệt ưu tiên nhận các bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi, bác sĩ nội trú hoặc có trình độ sau đại học. Quy trình tuyển dụng thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước và Bộ Y tế, Bộ Nội vụ ban hành.

Công tác đào tạo nâng chuẩn hiện đã khác trước theo quy định của Bộ y tế? Các trung tâm có phương án như thế nào để giải quyết tình trạng thiếu hụt BS, nhất là BSĐK trong thời gian tới. Việc đào tạo nguồn tại chỗ liệu có đáp ứng được chất lượng nguồn nhân lực thời gian tới hay không?

Văn Tuấn - nvtuan87

BS CKII Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế

Như chúng ta được biết, một chủ trương, một văn bản quy phạm pháp luật sau khi ra đời có tác động nhất định, từ đó cần có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Hiện tại, Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định 18/2017/QĐ-TTg về quy định liên thông giữa trung cấp giữa trung cấp, cao đẳng, đại học.

Tại điều 4, đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, người đăng ký dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng khối ngành sức khỏe, trong đó người có bằng tốt nghiệp y sĩ được đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, răng hàm mặt.

Những sinh viên năm cuối của Trường đại học Y Dược Huế được chỉ dẫn về chuyên môn. Ảnh: L.Thọ

Tại điều 6, tuyển sinh liên thông, người có bằng tốt nghiệp trung cấp đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ đại học, được dự thi tuyển sinh cùng cùng với thí sinh tốt nghiệp phổ thông ở kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học.

Như chúng ta đã biết, thực trạng có một số đơn vị việc tuyển dụng bác sĩ đa khoa gặp khó khăn. Nhu cầu của các em sinh viên vừa ra trường là muốn được làm việc ở nơi có điều kiện. Do đó, chúng tôi đã lường trước, tham mưu cho UBND tỉnh từ 2009-2011 để xây dựng chính sách cơ bản, đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng. Đến nay, có gần 70 bác sĩ ra trường. Sở đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh bố trí nguồn nhân lực đó về những nơi còn điều kiện khó khăn.

Xin thầy có thể đánh giá về tiêu chí đầu vào cũng như tiêu chuẩn đầu ra của SV Trường ĐH Y Dược hiện nay. Từ góc độ giáo dục và nắm bắt thông tin, thầy có thể chia sẻ lý do vì sao sinh viên ra trường ít mặn mà làm việc ở Huế? Hỏi các khách mời mở rộng? Liệu có phải đa phần bác sĩ sau khi ra trường đều ngại về cơ sở? (Mời BS trẻ chia sẻ suy nghĩ của mình, tiếp đó là các khách mời khác nếu có...)

Kim Thoa - kimthoatran1

G.S Võ Tam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược Huế

GS. Võ Tam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược Huế. Ảnh: Thanh Toàn

Trường ĐH Y dược Huế được đánh giá là 1 trong 3 cơ sở đào tạo chất lượng về đội ngũ cán bộ y tế. Việc đánh giá chất lượng đào tạo của trường đã được xã hội công nhận. Nhiều đơn vị trong nước ưu tiên tuyển dụng và chế độ đãi ngộ cao đối với một số đơn vị đào tạo, trong đó có Trường ĐH Y Hà Nội, Y dược TP. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Y dược Huế.

Trường có 9 mã ngành đào tạo ĐH, trong đó 4 mã ngành bác sĩ, 1 mã ngành đào tạo dược và 4 mã ngành đào tạo cử nhân luôn có chuẩn đào tạo cao, đứng top 3 các đơn vị đào tạo y dược.

Trường đang áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến, theo chương trình ĐH Y Havard (Hoa Kỳ) và chuẩn đầu ra đáp ứng được chuẩn năng lực bác sĩ của Bộ Y tế ban hành. Học hiệu nhà trường từ khi có mặt đến bây giờ nằm trong top 3 của Việt Nam.

Bác sĩ trẻ ở Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế xem xét các thông số của bệnh nhân thông qua máy móc. Ảnh: Lê Thọ

Cho đến nay, bức tranh bác sĩ về các huyện vùng sâu vùng xa ở nước ta cũng còn có những khó khăn nên Bộ Y tế có Đề án 585 đào tạo bác sĩ trẻ tình nguyện về những nơi khó khăn. Đến nay đã đào tạo 11 khóa. Trường ĐH Y dược Huế được chọn đào tạo khóa 6 và 11, mỗi khóa khoảng 30 học viên cho tất cả các chuyên ngành để bổ sung cho các huyện vùng xa, biên giới, hải đảo. Điều này nói lên một số nơi ở tuyến y tế cơ sở vẫn còn khó khăn.

Tại Thừa Thiên Huế, Bệnh viện TW Huế và Bệnh viện ĐH Y dược Huế là hai bệnh viện tuyến trung ương với kỹ thuật hiện đại nên các bệnh nhân thường lựa chọn đến hai cơ sở này để điều trị.

Trong đào tạo, chúng tôi nhận thấy sinh viên trẻ ra trường mong muốn tới cơ sở có điều kiện tác nghiệp, thực hiện tay nghề sau khi học. Bác sĩ trẻ mong muốn sau khi tốt nghiệp vừa được công tác vừa có điều kiện học thêm để nâng cao tay nghề. Thứ ba là một phần liên quan chế độ đãi ngộ.

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Việc tuyển bác sĩ ở tuyến cơ sở không chỉ là vấn đề của tỉnh, của nước ta mà còn là vấn đề chung của cả thế giới. Có khá nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn chung, nhiều nước tiên tiến trên thế giới có sự phân tầng ngay từ khâu đào tạo. Ví dụ như ở Mỹ, bác sĩ sau chương trình học chưa được khám bệnh, kê thuốc ngay mà phải trải qua 3- 5 năm, thậm chí 7 năm học bác sĩ nội trú và thực tập.

Ở Thừa Thiên Huế, 42% - 48% bệnh nhân vẫn khám bệnh tại các trung tâm y tế, bệnh viện xã, huyện. Điều này cho thấy vai trò của hệ thống bác sĩ tuyến cơ sở rất quan trọng, hỗ trợ rất nhiều cho các bệnh viện ở tuyến trên.

Để thu hút bác sĩ ở tuyến cơ sở là vấn đề khó khăn chung trên cả thế giới, nhưng xét trên mặt bằng chung, vấn đề này ở tỉnh Thừa Thiên Huế không căng thẳng bằng. Có thể nói, trên toàn quốc, không nhiều tỉnh có số lượng bác sĩ tuyến cơ sở (huyện, xã) nhiều như ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là “cái làm được” của các cơ sở y tế huyện, xã của tỉnh.

Tất nhiên, chính sách của Nhà nước cần được thay đổi, trong đó, ngành y nên được ưu tiên hàng đầu, vì đây là vấn đề liên quan đến sức khoẻ, đến mạng sống của người dân.

Anh thấy các chế độ đãi ngộ cũng như cơ hội được đào tạo ở tuyến cơ sở hiện nay như thế nào so với các tỉnh thành mà bạn bè anh từng làm việc.

Nguyễn Chương - chuongminhhue

BS Lê Hữu Đính ở TTYT Phú Vang

Tôi từng làm việc ở bệnh viện tỉnh một tỉnh phía Nam. So về ưu đãi thì theo tôi ở phía Nam tốt hơn. Ví dụ như một số tuyến cơ sở ở phía Nam có cơ chế đãi ngộ thu nhập 150-200 triệu, cam kết hợp đồng làm việc 10 năm, hay hỗ trợ mua đất xây nhà.

Về đào tạo, tại phía Nam cũng tốt hơn, có cam kết sau hai năm làm việc sẽ được đào tạo sau đại học.

Trung tâm Y tế Phú Vang xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực riêng ra sao? Những chế độ và những ưu đãi mà trung tâm đưa ra liệu có đủ giữ chân nguồn nhân lực chất lượng lâu bền? Về lâu dài cần thêm những gì?

Nguyễn Quang Minh - nguyenminh89

BS CKI Nguyễn Minh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang

BS CKI Nguyễn Minh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang. Ảnh: Thanh Toàn

Về cơ chế tuyển dụng: Trung tâm Y tế huyện Phú Vang trong 3 năm trở lại đây tuyển được 30 bác sĩ trẻ, trong đó có 17 bác sĩ đa khoa, 1 bác sĩ răng hàm mặt và 12 bác sĩ y học dự phòng.

Tại đơn vị, thông qua hội nghị viên chức đầu năm, chúng tôi cũng đã chuẩn bị gói kích cầu tài chính.

Khi tham dự hội chợ việc làm tại Trường đại học Y Dược thì chúng tôi cam kết với bác sĩ trẻ điều đầu tiên là tài chính. Cụ thể, bác sĩ ra trường thường có mức lương tầm 3 triệu đồng nhưng chúng tôi cam kết sau khi ký hợp đồng thì lương các em bằng hoặc hơn 6 triệu đồng.

Về nhu cầu đào tạo, chúng tôi lưu ý các em ở địa phương, tổ chức mời phụ huynh các em về gặp mặt đối thoại tại đơn vị để các em yên tâm, phụ huynh cũng yên tâm. Các bác sĩ trẻ được đi học theo nguyện vọng và theo từng vị trí việc làm.

Việc tuyển dụng tại ngày hội việc làm của trường hiện nay như thế nào. Thầy có thể chia sẻ về tiêu chí và chế độ đãi ngộ đối với tân cử nhân của trường từ phía đơn vị tuyển dụng đưa ra?

Thanh Toàn - ntttoan

G.S Võ Tam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược Huế

Trường là cơ sở đào tạo, mong muốn của nhà trường là sau khi các em ra trường có vị trí việc làm tốt, phù hợp với năng lực và mong muốn các em. Con số gần đây nhất chúng tôi khảo sát được là 95% sinh viên có việc làm ngay sau 1 năm tốt nghiệp, 5% còn lại tiếp tục học ngay sau khi ra trường nâng cao trình độ.

Hằng năm chúng tôi có các chương trình ngày hội tư vấn việc làm. Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức và có 20 đơn vị trong cả nước tham gia. Năm 2018 có 58 đơn vị. Chúng tôi tổ chức ngày hội việc làm vào giai đoạn ngay sau khi các em thi tốt nghiệp và trước khi đi thực tế, đồng thời chúng tôi có những thông báo rộng rãi đến các đơn vị trong cả nước.

G.S Võ Tam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược Huế (bên phải) trao đổi cùng biên tập viên. Ảnh: Thanh Toàn

Tại tỉnh nhà, những năm gần đây có Trung tâm Y tế TP. Huế, huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy cùng đồng hành trong hoạt động này, thông qua đó gắn kết để các em đăng ký, sau này có thể ở lại làm việc tại quê hương.

Ngày hội việc làm là nơi để các cơ sở đến để giới thiệu về đơn vị và để các em lựa chọn phù hợp với khả năng và trình độ của các em.

Thông thường để thu hút tài năng về cơ sở của họ dựa vào các yếu tố: chế độ đãi ngộ và ưu tiên sau khi tuyển dụng được tạo điều kiện đi học; hỗ trợ ban đầu (đi học, nhà ở, hỗ trợ tiền lương...)

Ngoài những chính sách trước mắt về đãi ngộ, nhà trường luôn có những thông tin định hướng để thu hút các em ở lại đóng góp cho quê hương. Chúng tôi luôn luôn lồng ghép giá trị cốt lõi của nhà trường trong đào tạo là tri thức gắn liền với nhân ái.

Được biết, trung tâm tổ chức hội chợ việc làm và thậm chí tham gia các phiên hội chợ việc làm để tìm kiếm nhân lực. Dựa trên cơ sở nào để trung tâm tự tin trong các phiên chợ tuyển chọn bác sĩ chất lượng về cho đơn vị?

Minh Kỳ - minhky88

BS CKI Nguyễn Minh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang - Trương Như Sơn tại hội nghị tư vấn việc làm tại Trường đại học Y Dược tổ chức. Ảnh: PV

Trong hội nghị tư vấn việc làm tại Trường đại học Y Dược, thành phần tham dự gồm ban giám đốc và cả bác sĩ trẻ chúng tôi tuyển dụng được.

Chúng tôi lưu ý các bác sĩ có địa chỉ tại Phú Vang và Thừa Thiên Huế, chúng tôi trao đổi đối thoại trực tiếp với các em. Như tôi nói ban đầu, chúng tôi có nhưng cam kết về tài chính, môi trường làm việc, nhu cầu đào tạo. Đồng thời trao đổi với phụ huynh. Những bác sĩ trẻ khi có phụ huynh đi theo thì chúng tôi có cơ hội tuyển dụng được rất lớn.
Chúng tôi may mắn có nhiều đơn vị bạn ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tuyển dụng bác sĩ này

Cách làm như ở Phú Vang có thể áp dụng nhân rộng được không?

Tú Lê - letuphuoc79

BS CKII Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế

Bản thân tôi là người theo dõi công tác tuyển dụng nhiều năm qua. Tôi cho rằng, Trung tâm Y tế Phú Vang là đơn vị tuyển dụng được nhiều bác sĩ về làm việc nhất so với các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Như vậy, Trung tâm Y tế Phú Vang đã thực hiện công tác tuyển dụng rất hiệu quả.

Ở cấp độ phòng, đã tham mưu cho lãnh đạo sở để hướng dẫn, đề nghị các đơn vị về Trung tâm Y tế Phú Vang để trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho các đơn vị khác.

BS CKII Hồ Văn Huyên - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trung tâm y tế TP. Huế  

Thời gian qua, trung tâm đã thông qua hội nghị tư vấn việc làm ở Trường đại học Y Dược để tuyển dụng bác sĩ trẻ. Tại đây, chúng tôi đã tuyển được 7 bác sĩ đa khoa. Về những chế độ đãi ngộ của trung tâm: được đi đào tạo sớm, phù hợp với nguyện vọng của họ. Tuy nhiên cái này còn phụ thuộc vào quy chế tuyển sinh của Trường đại học Y Dược Huế. Ví dụ muốn đi học bác sĩ chuyên khoa I phải có chứng chỉ hành nghề tức là phải qua thời gian công tác ít nhất 18 tháng thì mới đủ điều kiện để tuyển sinh. Ngoài ra, trung tâm cũng có chế độ hỗ trợ tiền lương cho bác sĩ đa khoa mới tuyển dụng.

Từ trước đến nay có tình trạng bác sĩ ở bệnh viện rời đi đầu quân cho các đơn vị khác không? Đơn vị có con số thống kê cụ thể?

Minh Tuấn - tuanminhn

BS CKII Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế

Bệnh viện luôn tạo điều kiện, chế độ đãi ngộ để các bác sĩ cống hiến hết mình, gắn bó lâu dài với bệnh viện. Từ trước đến nay cũng có một số bác sĩ ở bệnh viện chúng tôi xin nghỉ việc là do tình trạng sức khỏe không đảm bảo cho công việc, hoặc do hoàn cảnh (đoàn tụ gia đình)… tuy nhiên số lượng không nhiều và cũng không ảnh hưởng gì đến công tác chung của bệnh viện; các bác sĩ xin thôi việc đa số là nữ và có thời gian công tác tại Bệnh viện chúng tôi ngắn (dưới 5-10 năm). Thời gian qua, có một số bác sĩ thâm niên chuyển đi nơi khác làm, chủ yếu do đoàn tụ gia đình.

Phẫu thuật bằng phương pháp hiện đại ở Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: M.Văn

Cũng có một số trường hợp đơn lẻ các bác sĩ xin chuyển đến các bệnh viện khác do lời chào mời với thu nhập rất cao, có một số nơi trả đến 60 – 100 triệu đồng/tháng.

Để giữ chân nhân lực, bệnh viện cân đối thu chi để tăng thêm thu nhập cho nhân viên đến 10 triệu đồng/tháng; đồng thời tạo môi trường làm việc, cống hiến cho cộng đồng. Do đó, có một số bác sĩ sau khi đi làm ngoài 2 năm rồi quay trở lại bệnh viện.

Huế là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực nhưng lại khó thu hút và giữ chân bác sĩ giỏi.Liệu đây có phải là tình trạng chảy máu chất xám?

Thành Nguyên - bsnguyenthanh

BS CKII Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế

Theo tôi đây không phải chảy máu chất xám. Khi bác sĩ chuyển sang công tác từ tỉnh này sang tỉnh khác thì cũng chăm sóc sức khỏe của Nhân dân Việt Nam.

Lý do chuyển công tác xoay quanh môi trường làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn và giải quyết áp lực kinh tế

BVTU Huế đã có kế hoạch cũng như phương án gì nhằm giữ chân người tài cũng như hạn chế tình trạng nhân lực chất lượng cao “chảy” đi các nơi khác.

Phước Lâm - nhlam78

BS CKII Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của bệnh viện trong tương lai, Đảng ủy – Ban Giám đốc đặc biệt chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.

Có 3 yếu tố giúp các BS gắn bó với nơi làm việc, đó là môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến và thu nhập ổn định.

Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bác sĩ làm việc và cống hiến hết mình, môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết, yêu thương giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các đồng nghiệp trong khoa, phòng, trung tâm sẽ tạo điều kiện cho bác sĩ gắn bó với nơi làm việc; xây dựng môi trường làm việc đầy đủ với hệ thống máy móc trang thiết bị y tế hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, nhằm đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ phát huy được năng lực chuyên môn, thực hiện những kỹ thuật cao, kỹ thuật mũi nhọn nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân đạt hiệu quả cao nhất…

Bác sĩ trẻ ở Bệnh viện Trung ương Huế tham gia khám và cấp thuốc cho người nghèo vùng xa. Ảnh: MV

Ngoài ra, tại Bệnh viện chúng tôi các bác sĩ còn được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Trong thời gian đi học ngoài việc hưởng phụ cấp theo quy định, vẫn hỗ trợ thu nhập tăng thêm, hỗ trợ chi phí đào tạo, tàu xe đi lại và được thưởng khi tốt nghiệp BS CKII: 5 triệu VNĐ, Tiến sĩ: 15 triệu VNĐ, được phong hàm GS-PGS: 30 triệu VNĐ.

Bệnh viện luôn tạo mọi cơ hội để các bác sĩ có điều kiện phấn đấu, phát triển, lựa chọn các bác sĩ có trình độ chuyên môn và quản lý tốt bố trí sắp xếp vào các vị trí lãnh đạo của bệnh viện, khoa, phòng. Hiện nay, nhiều bác sĩ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo khoa, phòng, trung tâm. Đó cũng là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn lao cho các BS hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Ngoài các khoản thu nhập về lương, phụ cấp theo quy định của Nhà nước, các bác sĩ cũng như mọi CBCNV khác công tác tại bệnh viện đều được hỗ trợ thêm một khoản thu nhập hàng tháng, lễ, tết được quy định từ Quy chế chi tiêu nội bộ của bệnh viện và trích từ nguồn phúc lợi của đơn vị. Ngoài ra, bệnh viện triển khai “hệ số thu hút” với các bác sĩ giỏi, có học hàm, học vị, có trình độ ngoại ngữ cao, đã đi tu nghiệp nước ngoài…

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong hai năm gần đây, với sự nỗ lực không ngừng, phát triển nhiều kỹ thuật mũi nhọn, triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân như: dịch vụ buồng bệnh; dịch vụ vận chuyển, taxi; căn tin, nhà chờ bệnh nhân; nhà giữ xe thông minh; dịch vụ chăm sóc người bệnh trọn gói, theo yêu cầu, chăm sóc tại nhà… và thay đổi phong cách thái độ phục vụ của CBVC bệnh viện được đánh giá cao, bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện nhiều hơn, nguồn thu được đảm bảo, thu nhập tăng thêm của CBVC bệnh viện ổn định và tăng so với những năm trước. Đây cũng là một yếu tố giúp các CBVC gắn bó với bệnh viện nhiều hơn.

Huế là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực nhưng lại khó thu hút và giữ chân bác sĩ giỏi.Liệu đây có phải là tình trạng chảy máu chất xám?

hai lê - haithanhnguyen

BS Lê Hữu Đính ở TTYT Phú Vang

Theo tôi đây không phải chảy máu chất xám. Khi bác sĩ chuyển sang công tác từ tỉnh này sang tỉnh khác thì cũng chăm sóc sức khỏe của Nhân dân Việt Nam.

Lý do chuyển công tác xoay quanh môi trường làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn và giải quyết áp lực kinh tế.

Các cán bộ y tế và sinh viên Trường ĐH Y dược theo dõi, học tập kinh nghiệm các chuyên gia nước ngoài trong hoạt động khám bệnh tại Bệnh viện Trường. Ảnh: Hữu Phúc

BS CKI Nguyễn Minh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang

Theo tôi không riêng ngành y mà các ngành nghề khác thì ở đâu có môi trường làm việc tốt thì bác sĩ sẽ đầu quân.

Chảy máu chất xám ở đây theo tôi hiểu theo hai cách: thứ nhất “chảy máu” chất xám có nghĩa bác sĩ di chuyển nơi công tác từ nơi này sang nơi khác; thứ hai vấn đề này không phải “chảy máu” chất xám vì vẫn làm việc ở Việt Nam.

BS CKII Hồ Văn Huyên - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trung tâm y tế TP. Huế

Tôi không nghĩ đây là sự chảy máu chất xám mà là sự chia sẻ đối với những địa phương trong toàn quốc. Bây giờ các em có nhiều sự lựa chọn do các tỉnh khác có sự mời chào, chế độ chính sách tốt và những lựa chọn đó là tốt với bản thân họ, nên họ đi để có sự lựa chọn tốt hơn thôi chứ không phải là chảy máu chất xám. Hơn nữa, bác sĩ trẻ mới ra trường không có sự ràng buộc gì về gia đình nên họ có thể lựa chọn đi các nơi khác có chế độ môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn để lập nghiệp.

BS CKII Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế

Theo chúng tôi, những cơ sở y tế tốt thì các bác sĩ lựa chọn làm việc là điều dễ hiểu, nhưng tôi không cho rằng đó là chảy máu chất xám. Quan điểm của chúng tôi, bác sĩ được làm việc và đào tạo tại bệnh viện khi đủ năng lực nếu đi làm việc nơi khác vì những lý do nào đó mà không gắn kết lâu dài thì cần nhìn nhận rằng những người có chuyên môn đi hỗ trợ cho các cơ sở khác, đó là hình thức chia sẻ nguồn nhân lực cho nhau.

BS CKII Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế

Theo tôi, Việt Nam có nhiều trường y. Và trên địa bàn tỉnh có Trường ĐH Y dược Huế, việc đào tạo không riêng gì cho Huế mà cho cả phía Nam, phía Bắc.

Vì thế đó không phải là chảy máu chất xám. Tôi dự đoán, một vài năm tới các cơ sở sẽ đủ nguồn nhân lực, việc làm của bác sĩ đa khoa cũng sẽ gặp khó khăn.

 

So với các tỉnh thành bạn, địa phương vẫn chưa có những chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực trẻ. Vậy ngành đã có tham mưu đề xuất giải pháp gì?

Kỳ Châu - dminhchau

BS CKII Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế

Đến một giai đoạn nhất định trong tương lai gần, mỗi bác sĩ ra trường sẽ không dễ dàng trong việc lựa chọn vị trí làm việc nữa. Thực tế, nhu cầu chọn nơi làm việc của các bác sĩ y học cổ truyền, y học dự phòng... đã gặp khó khăn.

Tuy nhiên, chính sách thu hút là vấn đề mà một số tỉnh thành khác đang vận dụng, vì họ đang thiếu nhân lực. Và tôi nghĩ rằng, bác sĩ chưa về nhiều các tuyến y tế cơ sở vùng sâu vùng xa vì chưa có chính sách đặc biệt ở  các vùng này, môi trường, áp lực công việc rất lớn nhưng hệ thống thang lương chưa hợp lý. Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh đề xuất với Chính phủ, Quốc hội thay mức thang lương bởi đây là ngành đặc thù.

Điều chúng tôi thấy tâm huyết, hội nghị tuyển dụng việc làm ở Trường ĐH Y dược Huế là mô hình hay. Vì thế, các đơn vị phải xem đây là cơ hội để quảng bá đơn vị mình, để các em sinh viên mới ra trường suy nghĩ cơ hội việc làm.

Nếu không có chính sách ưu đãi về lương thưởng hoặc xin chủ trương mở thêm các lớp bác sĩ đào tạo theo địa chỉ thì ngành y tế sẽ rất khó khăn về việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác, việc điều trị áp lực sẽ đẩy lên tuyến truyên ? Các khách mời nghĩ sao về ý kiến này?

Hà Văn Dũng - hvdung

BS CKII Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế

Chúng ta phải khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao là thế nào? Quan điểm của tôi, không phải một sinh viên ra trường là nhân lực chất lượng cao. Ngành y là ngành đặc thù so với ngành khác. Cần phải có thời gian.

Thừa Thiên Huế có lợi thế so với các tỉnh thành khác, bởi có Trường Đại học Y dược Huế, có Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện hạng đặc biệt. Vì thế, sự phối hợp giữa hai đơn vị trên cùng với Sở Y tế dưới sự lãnh chỉ đạo của UBND tỉnh nên ngành y có rất nhiều thuận lợi để đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tôi nghĩ, ngoài những điều nói trên, từng cấp bậc cần có chính sách riêng biệt ngoài chính sách chung. Vì thế, tôi khẳng định lại, Thừa Thiên Huế luôn có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đào tạo nhân lực chất lượng cao.

BS CKI Nguyễn Minh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang     

Bác sĩ trẻ, mới ra trường chưa phải là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau khi ra trường, họ phải qua 18 tháng thực hành, và nếu chưa có chứng chỉ hành nghề thì họ chưa đủ tư cách pháp nhân trong khám chữa bệnh.

Theo tôi nguồn bác sĩ trẻ được đưa đi đào tạo sau đại học mới là nguồn nhân lực chất lượng cao.

BS CKII Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế

Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học Y Dược và Sở Y tế được xem là “kiềng” 3 chân để xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu cho Huế và miền Trung – Tây Nguyên và thuận lợi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bệnh viện Trung ương Huế ngoài chức năng chăm sóc điều trị bệnh nhân còn là cơ sở thực hành cho các Trường đại học Y Dược và các trường đào tạo y tế khác trong tỉnh và khu vực lân cận.

Bệnh viện có những khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo dự án “Bệnh viện vệ tinh” và chỉ đạo tuyến 1816; qua đó, giúp các bệnh viện nâng cao được năng lực chuyên môn, triển khai nhiều kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

UBND tỉnh cần có kế hoạch, chế độ đãi ngộ thu hút nhân lực y tế chất lượng cao, như hỗ trợ chi phí đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo theo địa chỉ…

Tỉnh đã có những cơ chế chính sách nào để thu hút nhân lực chất lượng ngành y? Về lâu dài, chúng ta đã có định hướng, quyết sách gì trong chính sách đãi ngộ chưa thưa ông?

Xuân Vinh - xuanvinhd

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế

Tỉnh vẫn luôn trăn trở về vấn đề chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng, ở ngành y nói riêng và tất cả các ngành khác nói chung. Tỉnh cũng đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ như hiện nay.

Có một điều khẳng định chắc chắn là tỉnh luôn luôn cầu thị, luôn lắng nghe, tìm hiểu, nghiên cứu nhiều phương án để thay đổi chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp với pháp luật, nhưng phải tuỳ vào điều kiện của tỉnh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã bãi bỏ chính sách cử tuyển, cũng nhờ đó mà tỉnh giải quyết triệt để được vấn đề nhân sự chưa đảm bảo chất lượng ở tuyến cơ sở mà nhiều tỉnh khác đang trăn trở.

Hiện nay có sự cạnh tranh thu hút bệnh nhân vào tuyến trên. Vậy sắp tới tỉnh ta có thể sắp xếp lại tuyến cơ sở không?

Văn Minh - vanminhnguyen

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế

Ảnh: Thanh Toàn

Một số ý kiến cho rằng, môi trường làm việc tại Huế là môi trường chưa thuận tiện để nuôi dưỡng nhân tài? Nếu có tại sao lại như vậy và khó khăn chung hiện nay về cơ chế như thế nào?

Hương Ngọc - ngochuong89

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung (thứ 2 phải sang) trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu. Ảnh: Thanh Toàn

Thực tế, Thừa Thiên Huế không phải là một tỉnh giàu, nên cơ sở vật chất, hạ tầng làm việc vẫn còn những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số điều kiện đã được cải thiện, cơ sở vật chất được đầu tư. Đồng thời, Thừa Thiên Huế có lợi thế khi vừa có Trường ĐH Y Dược và Bệnh viện Trung ương Huế, đầu vào và đầu ra uy tín ngay trong tỉnh, điều kiện thuận lợi để những người con của Huế học tập và làm việc ngay ở quê hương, gần với gia đình.