Phòng chống hạn mặn: Cần giải pháp lẫn nguồn lực

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Nhiệt độ trung bình từ tháng 6-9/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,00C. Tình hình hạn mặn được cảnh báo khá nghiêm trọng. Thời điểm này, hạn mặn xâm nhập đồng ruộng nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng 1.000 ha đối với các địa phương sản xuất nông nghiệp vùng ven đầm phá, ven biển. Tại các huyện vùng cao, nhiều diện tích phải bỏ hoang. Nguồn lực đang khó khăn, chúng ta cần ưu tiên ra sao; chuyển đổi cơ cấu giống, thay đổi tư duy sản xuất như thế nào... là những vấn đề cần đặt ra. Đó là lý do Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến hôm nay với chủ đề: Phòng chống hạn mặn: cần giải pháp lẫn nguồn lực. Chương trình diễn ra từ 8h00 đến 10h00 ngày 10/06/2020

Tham dự chương trình gồm các khách mời: Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; T.S Trịnh Thị Sen, Khoa Nông học, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế; Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh; Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công.

Mời bạn đọc đặt câu hỏi ngay từ bây giờ!

Nhận định tình hình nắng nóng năm nay và đặc biệt những tháng sắp tới trên địa bàn tỉnh như thế nào? Điều này tác động ra sao đến tình hình sản xuất và đời sống người dân?

Minh Nghĩa - ngmnghia89

Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh. Ảnh: Phan Thành

Từ đầu năm đến nay, tại Thừa Thiên Huế đã có 7 đợt nắng nóng trên diện rộng với 11 ngày nắng nóng diện rộng, ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ và năm 2019 (TBNN 14 ngày, năm 2019 là 17 ngày). Các đợt nắng nóng hầu hết không kéo dài và ít gay gắt hơn 2019. Nhiệt độ cao nhất cho đến nay tại đồng bằng là 39,4oC, Nam Đông 38,9oC, thấp hơn năm 2019 khoảng 0,8oC.

Dự báo: Nắng nóng trong mùa khô 2020 có khả năng cao hơn TBNN khoảng 1,0oC và kéo dài đến đầu tháng 9 với nhiệt độ cao nhất 38 - 40oC, trong tháng 6 và tháng 7 mỗi tháng có từ 2-3 đợt nắng nóng nhưng không kéo dài, qua tháng 8 chỉ còn 1 - 2 đợt nắng nóng.

Nắng nóng, khô hạn sẽ gây rất nhiều hệ lụy đến kinh tế xã hội, thiếu hụt nguồn nước, dễ cháy, nổ…ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Các vùng chưa chủ động được nguồn nước sẽ gặp khó khăn trong vụ hè thu năm 2020, nhất là cuối vụ.

Lưu ý là trong những ngày nắng nóng, chiều tối thường xảy ra các hiện tượng lốc sét rất nguy hiểm, như đã xảy ra tại A Lưới (9/5), thị xã Hương Trà và TP.Huế (19/5) đã làm lúa, hoa màu, cây cối gây đổ, tốc mái nhà cửa.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình hạn, mặn năm nay; trong lịch sử đã từng xảy ra tình trạng khốc liệt chưa? Ngoài đầu tư hạ tầng ra thì có giải pháp nào có thể đảm bảo phát triển sản xuất trong tình trạng phòng chống hạn mặn không?

Xuân Kiên - kengngkien78

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Ảnh: Phan Thành

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất vùng đồng bằng phổ biến 37 - 38oC, vùng Nam Đông 38 - 39oC. Nền nhiệt độ trong 5 tháng đầu năm cao hơn TBNN từ 1,5 -2,1oC,  Lượng mưa thấp hơn so với TBNN cùng kỳ và đạt từ 47 - 67%. Dòng chảy trên các sông vùng núi đạt từ 40 - 60% so với TBNN.

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn: Trong tháng 6 và 7, trung bình mỗi tháng có 2 - 3 đợt nắng nóng nhưng không kéo dài, nhiệt độ cao nhất đạt 38 - 40oC, sau đó mức độ nắng nóng giảm dần cả cường độ và tần suất. Về lượng mưa, từ tháng 6 - 8 năm 2020 lượng mưa xấp xỉ và có nơi cao hơn TBNN. Theo nhận định tình hình hạn hán năm nay khả năng trên TBNN, nhưng thấp hơn năm 2019.

Các năm hạn hán trong lịch sử: Do ảnh hưởng của ENINO các năm nắng nóng xảy ra khốc liệt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là năm 1976; năm 1983, năm 1997, năm 1998 và năm 2019, những năm đó hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra diện rộng ở tỉnh ta. Theo dự báo năm nay hạn hán không xảy ra khốc liệt như các năm trên.

Trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019, lượng mưa giảm hẳn, các hồ thuỷ lợi thuỷ điện tích không đủ dung tích.

Ngoài đầu tư hạ tầng thủy lợi còn có những giải pháp sau:

Đối với các diện tích không có nguồn nước chủ động: Hàng năm các địa phương chỉ sản xuất 01 vụ (vụ Đông Xuân) còn vụ hè thu bỏ hoang, hiện nay diện tích này khoảng 2.700 ha tập trung ở vùng cát ven biển từ xã Quảng Công đến xã Vinh Hiền, Phú lộc và các xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc và các vùng gò đồi ở Phong Điền, Hương Trà, vùng núi huyện Nam Đông, A Lưới...

Đối với các diện tích nguồn nước khó khăn, có nguy cơ thiếu nước trong vụ Hè Thu thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất, chân đất lúa có khả năng thiếu nước sang trồng loại cây trồng khác như các loại đậu, mè, dưa… và có kế hoạch chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, cây lâu năm.

Bố trí giống ngắn ngày, thực hiện các giải pháp tưới tiết kiệm nước, tưới luân phiên, có khung lịch thời vụ hợp lý…

Theo dõi thường xuyên tình hình diễn biến về thời tiết, khí tượng thủy văn để kịp thời có kế hoạch chỉ đạo chống hạn hán và nắng nóng

Vấn đề quan trọng nhất do các hồ dung tích không đảm bảo, tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường là đưa các nhà máy thuỷ điện trong tỉnh ra khỏi thị trường điện, tập trung ưu tiên cho đời sống, sinh hoạt, chống hạn.

Về mặt tuyên truyền: tiết kiệm nước, tiếp tục nâng cấp hệ thống đê ngăn mặn, các dự án kè sạt lở, tu sửa các công trình, phục vụ cho công trình tưới tiêu.

Tình hình thiệt hại do hạn, cũng như xâm nhập mặn ở địa phương ông thế nào? Chính quyền và người dân đã làm những gì để ứng phó với tình hình nói trên

Bích Trâm - tramngbich12

Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công

Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công. Ảnh: Phan Thành

Trong những năm qua, tình hình sạt lở và xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến bà con, đặc biệt là thủy triều dâng, bãi biển ngày càng hẹp ảnh hưởng lớn đến diện tích đất trồng trọt của bà con xã Quảng Công, trong đó phải kể đến diện tích 2 vụ lúa. Hạn mặn đã làm chết hàng loạt khiến một số diện tích bị bỏ hoang.

Về chính quyền địa phương, đề xuất những giải pháp sạt lở, phát triển trồng và bảo quản rừng. Ngoài ra, xây dựng phương án sản xuất phù hợp với bà con.

Về phía người dân, người dân cần chủ động nắm bắt thông tin dự báo để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên trồng những giống cây có độ chịu hạn mặn cao.

Năm nay dự kiến có khoảng hơn 1.000 ha lúa hè thu sẽ thiếu nước và 3.000 ha diện tích lúa phải chuyển đổi sang các cây trồng khác. Hướng giải quyết của ngành nông nghiệp là gì và tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương như thế nào?

Phan Hiệp - hiepphan88

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Phan Thành

Năm 2020 tình hình hạn hán, thiếu nước được dự báo đầu năm,  vụ hè thu 2020, kế hoạch ban đầu toàn tỉnh dự kiến gieo cấy khoảng 26.000 ha lúa. Song, do dự báo khả năng nắng hạn, thiếu nước nên tỉnh đã chỉ đạo và các địa phương đã chuyển sang trồng cây trồng cạn khoảng 522 ha và bỏ hoang khoảng 220 ha.

Trong 25.650 ha lúa đã gieo cấy vụ hè thu, thì có khoảng 1.700 ha có khả năng bị thiếu nước (tập trung ở Phú Lộc: 539 ha, Hương Trà: 300 ha, A Lưới: 300 ha, Quảng Điền: 260 ha, Hương Thủy: 100 ha, Nam Đông: 43 ha,…). Trong đó, diện tích do Công ty TNHH NN MTV QLKT công trình thủy lợi tỉnh đảm nhiệm 1.085 ha.         

Mạ vụ hè thu của nông dân xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) thiếu nước nghiệm trọng, kém phát triển. Ảnh: Lê Thọ

Cùng với chuyển sang trồng cây trồng cạn (thậm chí bỏ hoang) ngành nông nghiệp đã triển khai các giải pháp như bố trí gieo cấy 100% giống ngắn ngày; tưới tiết kiệm nước, tưới luân phiên, ướt khô xen kẽ “nông lộ phơi”, nạo vét kênh hói, vớt bèo tạo nguồn nước; đắp các đập tạm, lắp đặt trạm bơm chuyền và huy động máy bơm dầu để bơm phục vụ tưới cho các diện tích có khả năng bị hạn. Theo dõi thường xuyên tình hình diễn biến về thời tiết, khí tượng thủy văn để kịp thời có kế hoạch chỉ đạo chống hạn và nắng nóng,…

Trên toàn tỉnh chưa có diện tích nào gieo sạ bị chết do hạn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 21/2/2020 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến năm 2020. Báo cáo kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2017-2020 và lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 (khoảng 3.700 ha).

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng đất có hiệu quả, trong những năm qua các địa phương đã chuyển từ lúa sang trồng các loại cây trồng cạn, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn khoảng gần 2.000 ha.

Theo nhận định thời tiết ở Huế những tháng đầu năm 2020 khác thường và cực đoan. Ông có thể nói cụ thể về sự cực đoan và nguyên nhân của tình trạng này là gì?

Bảo Khánh - khanhnguyen85

Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh

Đúng là những tháng đầu năm thời tiết khác thường và cực đoan. Do tác động của biến đổi khí hậu cho nên những năm gần đây ở Thừa Thiên Huế những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn; nguyên nhân là do biến đổi khí hậu tác động đến thời tiết toàn quốc cũng như Thừa Thiên Huế. Ví dụ như năm 2017 mưa lũ rất lớn với lượng mưa không thua gì đợt mưa lũ lịch sử năm 1999 nhưng do có sự điều hành hồ chứa hiệu quả nên mức lũ thấp hơn.

Mực nước hồ chứa khe Ngang (Hương Hồ, Hương Trà) đang xuống thấp. Ảnh: Thanh Toàn

Sau đó hai năm, năm 2019 nắng nóng kéo dài kỷ lục chỉ sau các năm 1997, 1983. Bước sang năm 2020, những hiện tượng lốc tố, mưa đá xảy ra ở trên toàn quốc cũng như Thừa Thiên Huế rất khác thường và cực đoan. Các nhà khoa học thế giới cũng như nhiều nghiên cứu ở Việt Nam đều khẳng định những hiện tượng thời tiết cực đoan này là do biến đổi khí hậu gây nên. Sắp tới sẽ còn nhiều hiện tượng cực đoan sẽ còn xảy ra với cường độ mạnh và khó lường do hiện tượng biến đổi khí hậu đó.

Khoảng 50 ha lúa tại Quảng Công thường xuyên ngập mặn, thiệt hại. Xã có phương án chuyển đổi nuôi trồng thủy sản. Hiện nay công tác chuyển đổi triển khai như thế nào? Ý kiến người dân trong vùng trực tiếp ảnh hưởng ra sao?

Ngọc Bảo - ngocbao79

Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công

Hiện nay, tình hình diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến năng suất cây lúa, nhất là do tình hình xâm nhập mặn làm cây lúa chết hàng loạt, kèm theo đó chi phí cho sản xuất khá cao, dẫn đến hiệu quả không cao. 

Do đó, UBND xã Quảng Công vân động bà con tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là công tác chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, chuyển đổi những diện tích đất ngập mặn, sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nhằm tăng năng suất cao, đem lại lợi nhuận cho bà con.

Tiết trời nắng nóng khiến những cây trồng cạn của nông dân xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) cũng kém phát triển. Ảnh: Q.Viên

Huy động lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống điện, giao thông, cải tạo kênh mương cấp thoát nước nhằm nâng cao năng suất, hiện quả nuôi trồng.

Tiếp tục chuyển đổi một số diện tích ở vùng ruộng mơn sâu, nhiễm mặn của thôn 4, thôn 1 sang nuôi trồng trong năm 2020 khoảng 15ha và những năm tới chuyển toàn bộ sang diện tích 2 vụ lúa.

Về địa phương: Đẩy nhanh quy hoạch nuôi trông thủy sản bền vững, tạo điều kiện cho bà con đầu tư.

Địa phương cũng làm tốt công tác quy hoạch, tập huấn kỹ thuật cho bà con.

Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con mong muốn chuyển đổi 50 ha lúa còn lại sang nuôi trồng thủy sản.

Mong muốn của bà con là chuyển đổi diện tích 2 vụ lúa. Song sau quy hoạch của xã, những diện tích vẫn trồng lúa được thì vẫn giữ nguyên để phục vụ cung câp lương thực cho bà con.

Về vấn đề chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm, hiện nay Chính phủ có chủ trương không chuyển đổi đất trồng lúa sang đất khác. Dù thế vẫn có thể nuôi thủy sản, mà không cần làm thủ tục chuyển đổi. Về kỹ thuật, có thể bóc lớp đất mặt không quá 1.5m và tiến hành nuôi.

Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng, vì bài học trước đó ngay tại chính Quảng Công ở nuôi tôm cao triều, không phải người dân nào cũng có thể nuôi được và giải pháp đầu ra cũng là vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

 

Hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn đến sớm. Giải pháp trước mắt và lâu dài của ngành là gì?

Thảo Nguyên - nguyenthao89

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trong các giải pháp để khắc phục hạn hán, thiếu nước có giải pháp về công trình và phi công trình.

Đối với giải pháp công trình muốn thực hiện phải có nguồn lực tương đối, và phải có thời gian.

Đối với giải pháp phi công trình thì thực tế, đa số chuyển lúa sang các loại cây trồng cạn đều có hiệu quả cao hơn.

Hiện nay, trong nông nghiệp cần ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tính toán thời vụ hợp lý.

Người dân tự lót bạt đắp mương dẫn nước về đồng ruộng tại Phong Sơn, Phong Điền. Ảnh: Thanh Toàn

Ngoài ra, tuyên truyền thay đổi nhận thức của người sản xuất. Nông dân không phải làm lúa bất cứ giá nào mà có thể chuyển sang cây trồng nào đó hiệu quả cao hơn.

Giải pháp phi công trình bao giờ nhu cầu kinh phí cũng ít hơn nhưng mang lại hiệu quả không nhỏ. Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT giao cho các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng mô hình cây trồng cạn.

Có khoảng 60 ha đất vụ hè thu chuyển qua trồng dưa, đậu, song hạn hán tiếp diễn khiến diện tích này bỏ hoang. Ông nghĩ gì khi chuyển đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng không mang lại hiệu quả? Về lâu dài, địa phương có phương án sản xuất nào để tránh lãng phí 60 ha đất nói trên?

Thi Sơn - thison88

Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công

Nhằm tránh lãng phí đất, trong những năm qua, ủy ban xã vận động bà con đẩy mạnh trồng khoai lang trái vụ, trồng cỏ nuôi bò, khuyến khích bà con trồng thanh long ruột đỏ. Đầu tư trồng rau tập trung.

Hiện nay, nguồn lực đầu tư cũng như hiệu quả của việc tổ chức lắp đặt các thiết bị, quan trắc, dự báo lượng nước về các hồ chứa như thế nào?

Minh Kỳ - tranngocminhky

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (bên trái) trao đổi với BTV tại buổi giao lưu. Ảnh:  Phan Thành

Đối với các hồ Thủy lợi:  Toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, các hồ thủy lợi lớn do Công ty TNHH NN MTV QLKTCT thủy lợi tỉnh quản lý 24 hồ chứa nước loại lớn, vừa, các địa phương quản lý 30 hồ chứa nước loại vừa và nhỏ. Thực hiện các quy định của Nghị định 114/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, hiện nay các hồ chứa nước lớn đã lắp đặt các thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng:

Đã lắp đặt 7 hệ thống đo mực nước tự động, lắp đặt 5 hệ thống đo mưa tự động. Ngoài ra đã có kế hoạch lắp đặt 8 hệ thống thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng…

Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án lắp đặt trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng ở các hồ chứa nước thủy lợi và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025.

Hồ chứa Thủy điện Bình Điền là một trong những công trình hỗ trợ nước tưới cho nông dân sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Thọ

Đối với các hồ Thủy điện:  Hiện nay các chủ đập đã lắp đặt các thiết bị, quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định của Nghị định 114/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Hiện đang triển khai Dự án vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp, quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống quản lý thông tin toàn diện, do JICA (Nhật Bản) tài trợ, có thể hoàn thành sau 2021.

Riêng huyện A Lưới có khoảng 70 công trình thủy lợi lớn nhỏ, đa phần xuống cấp. Vậy công tác nâng cấp, xây mới, nguồn vốn bố trí… đối với các công trình này hiện nay như thế nào?

Quang Chính - chinhquang67

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Huyện A Lưới có nhiều công trình thủy lợi nhỏ như, đập dâng, hồ chứa nước và kênh mương phục vụ tưới cho nông nghiệp. Hiện nay, phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện A Lưới do Công ty TNHH Nhà nước MTV QLKT công trình thủy lợi tỉnh quản lý. Do địa hình đồi núi dốc, vào mùa mưa lũ các công trình thủy lợi thường bị hư hỏng và xuống cấp rất nặng.

Trước những hư hỏng, thiệt hại trên, hằng năm bằng nguồn kinh phí khắc phục lụt bão, kinh phí sự nghiệp kinh tế, kinh phí lúa nước, kinh phí chống hạn và nguồn tự chủ của Công ty, Công ty TNHH Nhà nước MTV QLKT công trình thủy lợi thường xuyên duy tu sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Hiện nay, huyện A Lưới đang triển khai dự án xây dựng Trạm bơm A Ngo để tưới cho khoảng 30 ha lúa

Xin các khách mời cho biết hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp hiện nay như thế nào? Toàn tỉnh diện tích đất nông nghiệp là bao nhiêu? tỉ lệ đã sử dụng ra sao. Hạn hán xâm nhập mặn khiến hàng ngàn ha bỏ hoang. Nhiều diện tích chấp nhận bỏ hoang đồng nghĩa với việc chúng ta đang lãng phí tài nguyên đất? Các khách mời nghĩ sao về vấn đề này, làm thế nào để không lãng phí tài nguyên đất

Văn Thiên - thiennguyen

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hiện, toàn tỉnh có 412.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng hơn 300.000 ha đất lâm nghiệp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 70.000ha, trong đó đất trồng lúa 32.000ha (lúa 2 vụ phạm vi 27.000 ha).

Đất bỏ hoang hoàn toàn không còn lại nhiều. Song, đất bỏ hoang 1 vụ tương đối lớn, vào khoảng 3000 ha.

Tất nhiên để sử dụng có hiệu quả đất làm một vụ cần có lộ trình, không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Tỉnh có chủ trương rà soát đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi, làm thế nào diện tích làm lúa làm được 2 vụ.

 

Ông đánh giá nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp như thế nào khi mực nước các hồ thủy điện, thủy lợi hiện nay khoảng 30% dung tích thiết kế?

Minh Duy - duyminhha95

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Tại thời điểm ngày 01/6/2020, tổng dung tích hữu ích của các hồ thủy lợi và thủy điện đạt 443,91/1154,6 triệu m3, đạt khoảng 40%. Trong đó tổng dung tích hữu ích của 3 hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hương đạt 392,4 triệu m3 (Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền), tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa vừa và nhỏ đạt 51,6 triệu m3. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và theo nhận định khí tượng, thủy văn năm nay cơ bản đủ nước cung cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành nghề khác.

Thủy Điện Bình Điện thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất điện lẫn sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Lê Thọ

Theo dự báo trong tháng 7 và tháng 8 năm nay, lượng mưa sẽ cao hơn trung bình hằng năm. Cần kết hợp với tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý, thời điểm tưới cũng rất quan trọng.

Về lâu dài, cần nguồn lực đầu tư để giải quyết bài toán này.

Có các thông tin cảnh báo đặc thù về lĩnh vực trong nông nghiệp không như bản tin, chuyên đề... Tại sao không áp dụng công nghệ để cảnh báo và hướng dẫn người dân trên các phương tiện công nghệ hiện đại như Hue-S để phát huy hiệu quả, định hướng thông tin, hạn chế thiệt hại cho người dân?

Hà Trung Đại - DaiHA

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Về Hue-S, theo chỉ đạo của tỉnh, hiện nay đang được thực hiện với Đài khí tượng và Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để đưa về các thông tin hồ chứa.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh

Đây là câu hỏi rất hay, việc ứng dụng và tương tác công nghệ thông tin để chia sẻ các thông tin thời tiết, về dự báo sâu bệnh, nuôi trồng thủy sản… là xu thế của thế giới. Ở Thừa Thiên Huế chúng ta có Hue-S - một ứng dụng chia sẻ thông tin, tương tác rất tốt. Lâu nay, chúng tôi cũng đã phối kết hợp để thực hiện các bản tin thời tiết, mùa vụ, sâu bệnh… và cung cấp cho đài truyền hình địa phương cũng như trung ương. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với nhau để thực hiện tốt hơn và đưa nhiều bản tin thời tiết, mùa vụ,…lên nhiều phương thức hơn nữa như fb, zalo, Hue-S,...

Với góc độ địa phương nằm ven biển, ông nghĩ như thế nào về nguồn lực chống hạn mặn?

Đình hòa - dinhhoa88

Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công

Xâm nhập mặn tại xã Quảng Công. Ảnh: Nguyễn Khánh

Chống hạn mặn là một giải pháp giúp cho bà con sản xuất có hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt, cải thiện nguồn nước phục vụ cho việc sản xuất của bà con.

Về nguồn lực gồm có nguồn lực công trình và phi công trình, cũng như nguồn lực từ nhà nước và toàn dân để phục vụ chống hạn mặn trong những năm tiếp theo.

Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, sử dụng hiệu quả. Hiện nay, công tác này đã triển khai ở tỉnh ra sao thưa ông?

Trí Minh - minhtriho93

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Phan Thành

Từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các chủ đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện để xây dựng kế hoạch dùng nước và cấp nước cho vùng hạ du. Tỉnh cũng đã làm việc với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kế hoạch mua điện của các hồ chứa thuỷ điện Hương Điền, Bình Điền. 

Thủy điện Bình Điền đã chủ động điều chỉnh kế hoạch điều tiết trong thời điểm nắng nóng hiện nay. Ảnh: Lê Thọ

UBND tỉnh chỉ đạo các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện việc vận hành phát điện hợp lý và điều tiết, cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2020 theo quy trình vận hành liên hồ liên hồ lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019 và chủ động điều chỉnh kế hoạch điều tiết trong trường hợp lưu lượng nước về hồ giảm và nắng nóng.

Chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi cao, vùng ven biển thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt.

Hàng tuần, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, tính toán cân bằng nhu cầu nguồn nước để điều tiết các hồ hợp lý nhằm đảm bảo cấp nước cho hạ du.

Có chăng chúng tôi lo lắng hạn kéo dài, nuôi trồng thủy sản chắc chắn bị ảnh hưởng. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền trong thời gian đến.

Có ý kiến cho rằng, để người dân dựa vào kinh nghiệm tích lũy để sản xuất và phòng chống không còn hiệu quả vì các quy luật của thiên nhiên đã thay đổi. Chúng diễn biến xấu hơn và nhanh hơn?

Không tên - tenkhongkong

T.S Trịnh Thị Sen, Khoa Nông học, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

T.S Trịnh Thị Sen, Khoa Nông học, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế. Ảnh: Phan Thành

Đúng như vậy, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Do nước ta nằm sát biển, lại có bề ngang hẹp, nên chịu ảnh hưởng lớn nhất là tình hình xâm nhập mặn vào nội địa.

Trong những năm gần đây quy luật của thiên nhiên đã thay đổi, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, có xu hướng gia tăng, diễn biến xấu hơn và nhanh hơn. Vì vậy, nếu để người dân dựa vào kinh nghiệm tích lũy để sản xuất và phòng chống thì không còn hiệu quả nhiều, vì thế đòi hỏi cần phải áp dụng các giải pháp tổng hợp hơn, đồng bộ hơn, cho một phạm vi rộng lớn hơn, thì mới có hiệu quả cao.

Việc cảnh báo sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu cách đây cũng đã khá lâu; nhưng so với yêu cầu thì theo tôi sự chuẩn bị và ứng phó của các cấp ban ngành của chúng ta trong thời gian qua chưa kịp thời. Tuy vậy, thiệt hại đối với chúng ta cũng chưa lớn và để giải quyết vấn đề này,cần giải pháp căn cơ lâu dài, tôi nghĩ việc vào cuộc quyết liệt lúc này cũng chưa phải là muộn. Do vậy, chiến lược dài cần giải pháp căn cơ hơn nữa!

Cập nhật mực nước hồ khe Ngang (Hương Hồ, Hương Trà)  hàng ngày. Ảnh: P. Giang

Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh

Theo tôi bài toán đặt ra là người dân chưa tiếp cận được đầy đủ thông tin. Qua câu chuyện này, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh có sự chỉ đạo để có một tổ thu thập, xử lý thông tin đặc biệt trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học, các sở ngành liên quan nhất là Hue-S để cung cấp thông tin kịp thời và phục vụ bà con một cách tốt nhất.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Thông tin đến người dân, nhất là đối tượng nghèo, không cố định bị hạn chế, thì phương thức truyền tin rất quan trọng. Cần nghiên cứu phương thức truyền thông như thế nào để tiếp cận thông tin đến người dân. Người dân cần loại thông tin gì, cần gặp ai, cần câu trả lời trực tiếp từ người có trách nhiệm.

Ngoài vấn đề thời tiết, cũng cần quan tâm đến dịch bệnh, vấn đề này cũng rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đây là câu hỏi hay. Như chị Trịnh Thị Sen phân tích, thiệt hại từ thiên tại của Huế ở khía cạnh mới lạ, đột biến.

Thời tiết ở Huế khắc nghiệt nhất là vào mùa mưa bão thì giai đoạn ngưng sản xuất nông nghiệp. Đây là kinh nghiệm của ông cha để lại và phù hợp với  thực tế.

Dự báo thiên tai sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn. Biết như thế để chúng ta quan tâm đầu tư hơn nữa trong các giải pháp khắc phục.

Những tác động của thiên tai khiến người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp dẫn đến thực trạng lao động nông nghiệp đang bị già hóa hoặc thiếu hụt? Điều đó ảnh hưởng gì đến việc sản xuất nông nghiệp tại tỉnh? Lao động không mặn mà để làm nông nghiệp khiến những chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hay sản xuất bị tác động hay không? Có chính sách gì kích thích lao động gắn bó nông nghiệp hay không?

Thế Chữ - chuhoangthe

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Chúng ta nằm trong khu vực ảnh hưởng thiên tai, nhưng không khốc liệt như các năm trước. Các dự báo, hạ tầng ngày càng tốt hơn, nên hạn chế đáng kể.

Việc lao động nông nghiệp giảm, có thể thấy cả nước đang công nghiệp hóa nên cạnh tranh về lao động. Làm nông nghiệp không hiệu qủa bằng ngành nghề khác; các thanh niên có điều kiện học tập nên có cơ hội tìm kiếm công việc tốt hơn, như dịch vụ, phi nông nghiệp.

Người dân kiểm tra cân nặng của dưa lưới trồng trong nhà màng. Ảnh: Hữu Phúc

Hiện nay, chúng ta có nhiều chính sách về hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, hỗ trợ về mô hình, các thủ tục… Bộ chính sách khá nhiều nhưng chưa đủ. Tôi thấy khả năng tiếp cận đất đai khá khó từ ngoài. Nông dân có đất nhưng không biết làm, người biết làm lại khó tiếp cận.

Tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo rất quyết liệt, đầu tư thủy lợi cho 2.000 ha đang thiếu nước. 

Thừa Thiên Huế vẫn đang có hạ tầng thủy lợi tốt nhất và đã được khẳng định. Các thế hệ trước đã có những chủ động, thế hệ sau đang tiếp tục và đang đầu tư hàng loạt công trình thủy lợi. Vừa qua, tại hồ Thủy Yên, chúng ta tiếp tục đầu tư hệ thống kênh mương; hệ thống cống quan rất hiện đại...

Cụ thể, tỉnh đã chủ động bố trí ngân sách và các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như thế nào?

Hà Văn Hải - havanhai87

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Hằng năm, tỉnh đã bố trí ngân sách cho các địa phương, đơn vị để thực hiện công tác chống hạn, cụ thể như kinh phí vớt bèo, nạo vét khơi thông dòng chảy, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi, hỗ trợ kinh phí bơm điện, dầu vượt định mức.

Tỉnh đã phân bổ kinh phí sự nghiệp Nông lâm - Thủy lợi - Thủy sản cho các địa phương, Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi để nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi để phục vụ nông nghiệp góp phần hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Các địa phương đã trích ngân sách dự phòng để triển khai các giải pháp cấp bách về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn .

Dự án kè biển đang thi công tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang). Ảnh: Lê Thọ

Triển khai xã hội hóa công tác nạo vét các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh để tăng dung tích trữ nước phục vụ chống hạn như hồ Tân An, xã Phong Thu, hồ Lương Mai, Lương Mai 2, xã Phong Chương….

Đây là phương thức mới, các quy định mới cũng cho phép chủ trương xã hội hóa để náo vét. Qua đó, người nạo vét được hưởng lợi để làm việc khác, Nhà nước không tốn tiền đầu tư nạo vét. Ngoài ra thu được thếu tài nguyên. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành thủ tục các hồ nhỏ. Các hồ lớn hơn, thì cần thêm sự đầu tư của Nhà nước. Lẽ dĩ nhiên quá trình làm rất chặt chẽ, bài bản và đảm bảo môi trường.

Nguồn vốn để triển khai thi công các công trình thủy lợi nội đồng, nhằm tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng mặn xâm nhập nội đồng hiện nay được bố trí như thế nào? Chúng ta có gặp khó khăn về vốn. Đây có phải là vấn đề quan trọng nhất hiện nay?

Hoài Thanh - thanhhoainguyen

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trước đây, hệ thống các công trình thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư xây dựng. Song, chưa hoàn chỉnh, ngay cả 2.000km kênh tưới chưa được kiên cố hóa. Mặt khác, qua thời gian dài sử dụng cùng với thiên tai, bão lụt nên nhiều công trình thủy lợi đã bị hư hỏng và xuống cấp.

Hằng năm, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ khắc phục thiệt hại lụt bão của tỉnh, của trung ương, đã khắc phục, sửa chữa, nâng cấp một phần. Tuy vậy, để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng cần huy động nguồn lực của các cấp ngân sách, nhất là nguồn lực từ địa phương.

Để phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, năm 2019 Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.

Theo bà, điều quan trọng nhất trong phòng chống hạn mặn là gì và chúng ta đã làm được những gì trước thực trạng này?

Lê Duy - leduyhue

T.S Trịnh Thị Sen, Khoa Nông học, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

Điều quan trọng nhất trong việc phòng chống hạn mặn là cần phải có giải pháp đồng bộ, bao gồm: Xây dựng các công trình, như thiết kế đê, đập ngăn mặn xâm nhập vào nội địa; xây dựng các công trình thủy lợi như thiết kế các hồ chứa dự trữ nước ngọt, lắp đặt các trạm bơm, kết hợp với hệ thống kênh mương tưới nước ngọt, tiêu nước mặn,...

- Quy hoạch sử dụng đất: Lập và rà soát quy hoạch tỉnh, quy hoạch chi tiết vùng;Xây dựng bản đồ dự báo hạn mặn theo các kịch bản khác nhau (vừa, trung bình, nặng) kèm theo các giải pháp ứng phó cho các kịch bản đó;

Người dân Phong Sơn chuyển sang trồng đậu tương trên diện tích đất bị hạn hán, bỏ hoang.  Ảnh: Thanh Toàn

- Về giống và kỹ thuật canh tác: Chọn tạo giống chịu hạn, mặn hoặc thay đổi các loại cây kém chịu hạn, mặn bằng cách đưa các loại cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn tốt vào sản xuất; Lựa chọn thời vụ để có thể né tránh được nhiều nhất thời gian hạn, mặn cao điểm, nhằm hạn chế tối đa sự gây hại cho cây, đặc biệt vào các giai đoạn sinh trưởng nhạy cảm với hạn và mặn; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp khi canh tác trên đất bị hạn và mặn;...

- Về kinh tế - xã hộị: Đẩy mạnh tái cấu trúc các ngành kinh tế, cơ cấu lại, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp;Tuyên truyền, khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng (cây đặc sản, giống đặc sản,...).

- Về công tác quản lý và khuyến nông:

Lãnh đạo ban ngành các cấp thật sự vào cuộc quyết liệt; Ưu tiên đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình cần thiết;

Phải có những chỉ thị, chủ trương, chính sách cụ thể cho từng ngành sản xuất cụ thể (nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề phụ,...) để người dân tuân thủ trong điều kiện hạn mặn diễn ra.

Đẩy mạnh công tác khuyến nông, thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống hạn, mặn xâm nhập để người dân hiểu và tham gia tích cực vào việc phòng, chống khi tình trạng mặn xâm nhập xảy ra.Khuyến cáo người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn thời vụ và biện pháp kỹ thuật phù hợp, chủ động tích trữ nước ngọt, áp dụng biện pháp tưới tiêu phù hợp cho cây trồng, nếu có điều kiện thì nên làm hệ thống tưới nước tiết kiệm để tưới cho cây trồng,…

Với các giải pháp như trên, thử nhìn lại trong thời gian qua, có thể nói rằng chúng ta thực hiện chưa đồng bộ và chưa làm tốt một số giải pháp cụ thể. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có các yếu tố khách quan, nhưng cũng có những yếu tố chủ quan cần được làm rõ.

Đồng bằng Sông Cửu Long có phương thức ba chuyển dịch: dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn, mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Có kinh nghiệm phòng chống hạn mặn nào ở các vùng trong cả nước mà chúng ta có thể áp dụng được hay không?

Gia Phát - giaphatnguyen

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Mỗi một địa phương đều có giải pháp hay. Thừa Thiên Huế cũng đã nghiên cứu, triển khai kinh nhiệm ở các địa phương. Điển hình như tính toán khung lịch thời vụ đảm bảo an toàn mùa lũ bão và điều chỉnh né hạn. Chúng ta cũng đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Cần có những giải pháp để tuyển truyền giúp nông dân chuyển biến nhận thức trong sản xuất lúa. Ảnh: Quỳnh Viên

Đặc điểm nông dân Thừa Thiên Huế khi triển khai thực hiện các cái mới khó khăn hơn các vùng khác do đặc tính địa phương. Ngoài ra, bình quân diện tích đất nông nghiệp đầu người thấp nên thu nhập từ nông nghiệp cũng thấp.

Chúng ta cần tuyên truyền, vận động để chuyển biến nhận thức cho nông dân.

T.S Trịnh Thị Sen, Khoa Nông học, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

Phương thức 3 chuyển dịch áp dụng ĐBSCLphù hợp hiện nay. Trong điều kiện hiện nay cái này cũng phù hợp các tỉnh. Tuy nhiên, thực tế  tại Huế thực trạng khác nen giải pháp cũng phải khác. Xâm nhập mặn ở Huế chủ yếu tiềm ẩn trong đất, ít xâm thực biển như ĐBSCL. Ngoài ra, phải tập trung tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Vừa qua, tỉnh phối hợp Bộ NN và PTNT, Viện cây ăn quả nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích thường xuyên bị hạn sang trồng cây ăn quả. Ông đánh giá thế nào về dự án này? Liệu chuyển đổi sang cây ăn quả thì có bị ảnh hưởng giống như các tỉnh miền tây ko?

Phước lâm - phuonglamnhuyen

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Thời gian qua, tỉnh không những phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Học viên Nông nghiệp, phối hợp với Đại học Nông lâm và các nhà khoa học ở miền Nam để nghiên cứu phương án. Về điều kiện ở Huế đảm bảo, nhưng hướng đi phải đúng.

Với 1ha đất ở miền Nam cho thu nhập lên cả tỷ đồng, chứ không phải khoảng 50 triệu đồng như tỉnh ta. Nên lãnh đạo tỉnh rất đau đáu về nâng cao hiệu quả.

Việc chuyển đổi một số diện tích thường xuyên bị hạn sang trồng cây ăn quả có lợi thế, giá trị kinh tế cao, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhằm hạn chế được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; năng suất cây trồng bảo đảm, tăng thu nhập cho nông dân là rất cần thiết. Việc chuyển đổi này đã đem lại khá nhiều lợi ích:

Thứ nhất làm đa dạng hóa sản phẩm, phần lớn các cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đây được xem là hướng chuyển đổi khá bền vững.

Thứ hai việc chuyển đổi giúp sử dụng hiệu quả nước tưới trong điều kiện cân đối nước cho sản xuất và sinh kế khác cho người dân ngày càng khó khăn do hạn hán.

Thứ ba chuyển đổi là giải pháp luân canh mùa vụ, cải tạo đất và hạn chế sâu bệnh. Đồng thời việc chuyển đổi góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng giá trị của các địa phương.

Trái cây đặc sản đang là thế mạnh ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quỳnh Viên

Điều kiện tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh khả năng phát triển một số cây ăn quả đặc sản như Thanh trà thì hiện nay, một số cây trồng có giá trị được người dân sản xuất như cây ổi (Hương Trà), bưởi da xanh (Phong Điền), sầu riêng (Nam Đông), bơ (A Lưới)….Nên việc xác định một số vùng đất để phát triển cây ăn quả là vấn đề thực tế và định hướng của tỉnh trong thời gian tới.

Trên cơ sở rà soát những diện tích thích hợp, vừa qua UBND đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 01/01/2020 về việc ban hành chương trình công tác năm 2020, theo đó UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phát triển cây ăn quả. Thực hiện các nội dung hoạt động hợp tác giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Học viện nông nghiệp Việt Nam, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 07/3/2020, theo đó có nội dung về Quy hoạch phát triển cây ăn quả; nghiên cứu chuyển đổi cây trồng trên các vùng đất kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành điều tra, khảo sát các vùng khó khăn về nguồn nước trên địa bàn các huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, huyện Quảng Điền, Nam Đông, Phú Lộc và TP. Huế để có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng với quy mô dự kiến mở rộng là 710,0ha rau và 1.842,1ha quả thuộc dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp ngành hàng rau và quả tỉnh Thừa Thiên Huế với kinh phí khoảng 1.209,5 tỷ đồng đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ủng hộ. Đây là đột phá lớn nhất cần thông tin đến bạn đọc.

Quan điểm gần đây, chúng ta phải giữ diện tích trồng lúa, nhưng có sự linh động hơn trong chuyển đổi. Chúng ta sẽ thận trọng để thực hiện. Quan điểm chỉ đạo chuyển đổi diện tích thường thiếu nước sang trồng cây ăn quả trong thời gian tới không theo phong trào, không chuyển đổi ồ ạt sang trồng một loại cây để tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu, được mùa, mất giá, mà phải quy hoạch chuyển đổi cụ thể, nghiên cứu, đánh giá về năng lực đầu tư, thị trường tiêu thụ, có giải pháp kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo chuỗi liên kết sản xuất. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Thay đổi tư duy người sản xuất là quan trọng nhất. Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, bà thấy vấn đề cần đặt ra trong tư duy sản xuất của người dân Huế nói riêng và cả nước nói chung là gì?

Như Ngọc - nhungoc78

T.S Trịnh Thị Sen, Khoa Nông học, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế

Vấn đề cần đặt ra trong tư duy sản xuất của người dân Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung là: Tư duy hệ thống “thuận thiên” để thích ứng. Chủ động thích ứng “thuận thiên”, “hợp địa”, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế. Hạn, mặn khốc liệt là tình huống thiên tai, nên không thể là cơ hội chờ đợi cho bất kỳ hành động nào. Song, con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái mặn - lợ như một số địa phương ở Huế đã thực hiện như Quảng Lợi (Quảng Điền).

Tư duy thích ứng “thuận thiên” cần được nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Theo tôi, trong sản xuất nông nghiệp có nhiều yếu tố quan trọng nhưng thủy lợi là quan trọng nhất. Nguồn nước hiện nay còn quan trọng hơn nguồn giống!

Cần đầu tư nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai để chủ động ứng phó. Chủ động thích ứng, nhưng không thể lấy tình trạng hạn, mặn khốc liệt của năm 2016 và năm nay để “vẽ ra” giải pháp cho hiện tại, dẫn đến nhiều dự án, đầu tư nhiều tiền của vào các công trình rất tốn kém mà hiệu quả lại thấp.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho rằng, thay vì chống hạn mặn, chúng ta có thể né hoặc có thể nương theo các đợt này để tránh bị thiệt hại? Ông bà nghĩ sao về ý kiến này?

Kha Nguyễn - khanguyen999

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho rằng, thay vì chống hạn mặn, chúng ta có thể né hoặc có thể nương theo các đợt này để tránh bị thiệt hại? Ông bà nghĩ sao về ý kiến này?

Kha Nguyễn - khanguyen999

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Chúng ta phải chủ động, thích ứng với điều kiện khó khăn ngày càng khốc liệt. Theo xu hướng quản lý phải nương theo mùa vụ, hay còn gọi là “thuận thiên”.

Về quản lý Nhà nước, tỉnh sẽ nghiên cứu và triển khai các đề xuất của khách mời, như vận hành kênh thông tin tuyên truyền. Chúng ta đang có khá đầy đủ kênh thông tin. Tôi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn câp nhật thông tin về thiên tai, thủy văn… trên Hue-S; thành lập các group để điều hành...

Dự báo năm nay thiên tai khá phức tạp và thông tin đến nhanh với người dân là điều cực kỳ quan trọng. Như thông báo xả lũ, sẽ rất nguy hiểm nếu dân không nắm được thông tin.

Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu sử dụng, áp dụng các mô hình. Sẽ đặt hàng nghiên cứu khoa học để áp dụng.

Chuối già lùn - sản phẩm có chủ trương phát triển mang lại đặc trưng cho vùng cao A lưới. Ảnh: Quỳnh Viên

Trong triển khai thực hiện, sẽ tập trung nhân rộng các mô hình hiệu quả để chuyển đổi mô hình sản xuất nhanh, phù hợp.

Tiêu thụ sản phẩm được xác định là khó nhất nên phải có sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chọn Huế làm trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOOP để tiêu thụ sản phẩm, đây được xem là bước chuyển biến khá thuận lợi sắp đến.