T.S Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y - Sở NN&PTNT
Lúc khó khăn, mô hình nào đứng vững và được thị trường chấp nhận thì đó là mô hinh tốt; mô hình nào đa dạng thì mô hình đó tồn tại. Nếu người nuôi chưa có kỹ thuật tốt thì nên hướng đến mô hình liên kết với doanh nghiệp; mô hình nông hộ, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất; chăn nuôi hữu cơ. Nếu chọn con giống tốt thì heo sẽ có chất lượng, tỉ lệ nạc cao, mô hình này sẽ có sức sống tốt.
PGS. TS - GVCC Nguyễn Đức Hưng - Trường ĐH Nông lâm Huế
Để chọn mô hình chăn nuôi ưu việt là câu hỏi khó nhưng không phải không làm được. Hãy phân tích đặc điểm riêng của Thừa Thiên Huế, lựa chọn mô hình mở rộng, đa dạng sản phẩm, đa dạng đối tượng nuôi, phân loại sản phẩm ra. Thứ nhất là dạng sản phẩm cao cấp; dạng thứ hai là sản xuất tại chỗ, đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân, phù hợp với thực tiễn của chúng ta. Ở đây, chúng ta nên minh bạch để có chỉ đạo phù hợp.
Để chọn mô hình tốt, hãy tính đến tiến bộ kỹ thuật, tránh tình trạng thực hiện không đúng quy hoạch.
Tiếp đến, trong giới hạn của tỉnh, cũng cần thiết lập chuỗi giá trị, chuỗi sản phẩm. Như hiện tại, các công ty sẵn sàng bắt tay với người nông dân, thì dẫu thị trường có xảy ra biến động vẫn ít bị ảnh hưởng.
Đơn vị quản lý phải có những quy định rõ về lợi ích của người tham gia trong chuỗi sản phẩm. Khi cấp phép cho chuỗi sản phẩm này, cần phân chia lợi ích và tính đến rủi ro như thế nào. Tôi cho rằng, trong phạm vi tỉnh ta thì điều này hoàn toàn có thể làm được.
Ngoài ra, để sản phẩm trong tỉnh cạnh trạnh mạnh nhất, bên cạnh chất lượng, chúng ta cần tính toán thế nào để giá có thể giảm hơn.
Tóm lại, việc lựa chọn mô hình cụ thể cần sự chung tay của các nhà quản lý, chuyên môn và cả người nông dân.
Đối với mô hình nuôi heo thịt, hãy nuôi một tỷ lệ heo nái phù hợp để hoàn toàn chủ động con giống và điều tiết sản phẩm ra thị trường, để không bị mất giá.
Tiếp đến, cần thay đổi tư duy của người tiêu dùng, chỉ ăn thịt nóng (thịt tươi). Bây giờ nên chuyển từ ăn thịt tươi sang ăn thịt lạnh, thịt nguội. Trong lúc sản phẩm nhiều hơn, chúng ta hỗ trợ đầu ra cho người chăn nuôi bằng phương pháp đông lạnh sản phẩm, khi đưa ra thị trường sau một thời gian sẽ không bị mất giá.
Nguyễn Văn Cho - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền
Trên địa bàn huyện, có nhiều trang trại chăn nuôi heo quy mô vừa và lớn liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, chủ yếu liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Quá trình chăn nuôi liên kết tạo điều kiện tối ưu hóa lợi thế của các bên nhằm mang lại hiệu quả sản xuất.
Theo đó, để thực hiện mô hình liên kết này, chủ trang trại, gia trại tự bỏ vốn và xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn kỹ thuật của CPV. CPV sẽ tiến hành cung cấp giống heo chất lượng cao, thức ăn đảm bảo chất lượng, các kỹ thuật viên của công ty sẽ trực tiếp giám sát, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và bao tiêu heo khi đạt trọng lượng xuất chuồng.
Như vậy, với mô hình liên kết này, người nuôi không còn lo ngại về con giống kém chất lượng, thức ăn chăn nuôi trôi nổi, được bao tiêu sản phẩm chăn nuôi tránh rủi ro do biến động thị trường, không còn lo ngại về vấn đề dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi sẽ nâng cao.
Còn lại loại hình chăn nuôi đàn nhỏ theo dạng nông hộ thì cần phải nuôi theo hướng VietGAP, nuôi theo hướng sạch thì thị trường mới chấp nhận được.
Ngoài ra, sắp tới huyện sẽ làm việc với Tập đoàn Quế Lâm, phát triển theo hướng chuỗi giá trị bán công nghiệp, truyền thống từ đầu vào lẫn đầu ra, người chăn nuôi sẽ an tâm hơn.