Sinh viên & bảo hiểm y tế

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến thời điểm 31/3, toàn tỉnh có 155, 364 học sinh, sinh viên (chiếm tỷ lệ 94,59%) tham gia BHYT, Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT tại các trường đại học thuộc Đại học Huế chỉ mới đạt 86, 78% và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chỉ đạt 75%. Nghĩa là, toàn tỉnh vẫn còn gần 12.900 HS, SV chưa tham gia BHYT.

Đó là lý do Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sinh viên & bảo hiểm y tế”. Chương trình bắt đầu từ 8h đến 10h sáng 26/4 với các khách mời:

- Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

- Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Huế

- Ông Nguyễn Văn Hợp, Cán bộ phụ trách y tế, phòng Tổ chức - Hành chính Trường Đại học Sư phạm, ĐH Huế.

- Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế.

- Sinh viên Đỗ Thị Thanh Vy, Trường ĐHKH, ĐH Huế.

Theo quy định mới ban hành thì sinh viên tham gia bảo hiểm y tế có những quyền và lợi ích gì? Nhà nước đã hỗ trợ mức đóng như thế nào cho đối tượng này trong lĩnh vực BHYT?\r\nĐối với những sinh viên khó khăn thì các bạn có được phép nộp \"gộp\" hay không?

Quang Anh - quanganhnguyen89

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh. Ảnh: Phan Thành

Khi tham gia BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) được hưởng các quyền lợi sau:

- Mức 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với HSSV có mã thẻ BHYT là: BT, HN, DT, DK, XD, TS. Tổng chi phí của một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện nay là 208.500 đồng). HSSV còn được hưởng 100% chi phí trong trường hợp có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, đồng thời có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8.340.000 đồng) thì được cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

- Mức 95% chi phí khám chữa bệnh khi học sinh sinh viên có mã thẻ BHYT là: TC, CN.

- Mức 80% chi phí khám chữa bệnh đối với mã thẻ: HS, SV, TA, TQ, TY, TV.

Trường hợp cấp cứu, các bạn được khám chữa bệnh tại bất kì cơ sở khám chữa bệnh nào. Tuy nhiên, trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến, học sinh sinh viên hưởng 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31.12.2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1.1.2021 trở đi trong phạm vi cả nước; 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện...

* Hiện, đã có văn bản hướng dẫn liên ngành với  phương thức nộp 3 tháng hoặc 6 tháng. Theo tôi, đối với những trường hợp khó khăn có thể nộp 6 tháng 1 lần để bảo đảm quyền lợi của mình.

Là cán bộ phụ trách công tác bảo hiểm y tế tại trường học, ông (bà) đánh giá như thế nào về tình hình tham gia bảo hiểm xã hội trong sinh viên trường ông?

Khánh Tường - hakhanhtuong

Ông Nguyễn Văn Hợp, Cán bộ phụ trách y tế, phòng Tổ chức - Hành chính Trường Đại học Sư phạm, ĐH Huế

Ông Nguyễn Văn Hợp, Cán bộ phụ trách y tế, phòng Tổ chức - Hành chính Trường Đại học Sư phạm, ĐH Huế. Ảnh: Phan Thành

Đối với Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế, đa phần sinh viên thuộc diện gia đình khó khăn nhưng các em vẫn chấp hành tham gia bảo hiểm y tế, còn một số ít không tham gia. Số liệu cập nhật đến ngày 25/4 thì có 72% sinh viên sư phạm tham gia bảo hiểm y tế, còn lại 28% chưa tham gia vì nhiều lý do.

Ông đánh giá tình hình sinh viên tham gia thẻ BHYT ở các trường đại học thuộc Đại Huế, cả mặt được và chưa được? Vì sao có một số trường tỷ lệ chưa cao?

Đăng Hải - haidangnguyen77

Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Huế

Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Huế. Ảnh: Phan Thành

Những năm qua, các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc Đại học Huế tuy có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền và vận động sinh viên tham gia BHYT bắt buộc nhưng tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT chưa đạt kết quả như mong muốn (số liệu chung trong toàn ĐH Huế: năm học 2016 - 2017: 76,56%; năm học 2017 - 2018: 76,31%; năm học 2018 - 2019: 86,78%); một số trường như ĐH Y dược, ĐH Ngoại ngữ luôn thực hiện tốt và đạt tỷ lệ cao (trên 95%), riêng ĐH Y dược có 2 năm liên tiếp đạt 100%; các đơn vị còn lại tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT hầu hết đạt dưới 90% (riêng trong năm học này, Trường ĐH Nông lâm và Khoa Du lịch đã có nhiều cố gắng và đạt tỷ lệ trên 90%); cá biệt, Trường ĐH Nghệ thuật và Khoa GD Thể chất tỷ lệ chỉ dưới 50%, nhưng do 2 đơn vị này có số lượng sinh viên ít nên không ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ chung của ĐH Huế.

Với số lượng 40.000 sinh viên hệ chính quy, việc tham gia BHYT của sinh viên Đại học Huế đã góp một phần không nhỏ vào quỹ BHYT của tỉnh. Tuy nhiên, với tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT như hiện nay, thực sự các trường chưa hoàn thành nhiệm vụ và sinh viên chưa làm tròn trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, vì BHYT là bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Khám sức khỏe cho sinh viên đầu năm học. Ảnh: Hữu Phúc

Về việc một số trường có tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT chưa cao thì có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan: Hiện nay, hầu hết các trường thành viên và khoa trực thuộc Đại học Huế đều đào tạo theo tín chỉ, với hình thức đào tạo này khi cần triển khai một chủ trương hay thực thi một việc nào đó đến với toàn thể sinh viên đều gặp khó khăn. Chẳng hạn, trước đây khi đang đào tạo theo niên chế, cuối tuần đều có tiết sinh hoạt lớp, muốn triển khai và thu tiền BHYT thì thông qua giáo viên chủ nhiệm và Ban cán sự lớp là xong, còn hiện nay thì không thể thông qua Ban cán sự lớp để thu tiền đóng BHYT.

Thứ hai về nguyên nhân chủ quan: Việc bố trí bộ phận thu BHYT ở một số trường chưa hợp lý và lãnh đạo đơn vị chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này.

Vì sao bạn tham gia bảo hiểm y tế? Gia đình bạn có bao nhiêu người tham gia BHYT?

Tina - nguyentina97

Sinh viên Đỗ Thị Thanh Vy, Trường ĐHKH, ĐH Huế

Bạn Đỗ Thị Thanh Vy (bên trái), sinh viên Trường ĐHKH, ĐH Huế. Ảnh: Phan Thành

Từ khi đi học, em đã bắt đầu tham gia mua BHYT. Lúc đầu thì đó yêu cầu bắt buộc của nhà trường nhưng sau này, khi được tìm hiểu kỹ về BHYT em đã tham gia một cách đầy đủ và tự nguyện để tránh trường hợp "xấu" xảy ra. Trong gia đình mình, tất cả mọi thành viên đều tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ. Ba mẹ em đều là cán bộ nhà nước, tham gia BHYT tại nơi làm việc.

Thời gian qua, Bảo hiểm Y tế tỉnh triển khai công tác bảo hiểm dành cho sinh viên ra sao? Kết quả như thế nào. Có những tồn tại gì, nguyên nhân?

Lạc Diệp - lacdieptrh

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Nhằm hướng tới mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV theo học tại các trường trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT, tháng 7 hàng năm BHXH tỉnh đã phối hợp với các ngành có liên quan như: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế v.v… tiến hành tổng kết công tác tham gia BHYT HSSV của năm học trước, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện trong năm học mới.

Theo đó, liên ngành đã ban hành công văn hướng dẫn triển khai thực hiện về mức thu, phương thức đóng, thời hạn sử dụng thẻ để các trường có thể chủ động triển khai thu ngay từ những ngày đầu năm học.

BHXH tỉnh cũng đã phối hợp với các trường Đại học tổ chức công tác tuyên truyền chính sách BHYT đối với toàn bộ các sinh viên đang theo học tại các trường Đại học thuộc Đại học Huế thông qua các buổi sinh hoạt chính trị đầu năm; trong đó chú trọng đến quyền lợi khi tham gia BHYT.

Tư vấn về bảo hiểm y tế cho sinh viên ở Trường đại học Nông lâm. Ảnh: Minh Quân

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo công tác thực hiện BHYT HSSV. Trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác thực hiện BHYT HSSV, đưa tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của trường.

Hàng tháng, trên cơ sở tỷ lệ đối tượng sinh viên tham gia BHYT của các trường, BHXH tỉnh thành lập tổ công tác tiến hành làm việc với các trường để tìm hiểu nguyên nhân và phối hợp cùng với nhà trường tìm ra giải pháp nâng tỷ lệ tham gia BHYT HSSV của từng trường.

Đến 31/3/2019, năm học 2018 - 2019 tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 94,59% (tăng 2,48% so với năm học trước). Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT tại các trường đại học thuộc Đại học Huế chỉ mới đạt 86,78%, còn gần 5.000 sinh viên chưa tham gia BHYT. Điều này đều có trách nhiệm của các ngành liên quan

Thời gian tới, ngành BHXH và các trường quan tâm hơn nữa để nâng cao nhận thức của học sinh sinh viên. Tiến tới trong năm 2019, chậm nhất là 2020 có tỉ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.

Đại học Huế và các trường thành viên đóng vai trò như thế nào trong công tác vận động sinh viên tham gia bảo hiểm y tế?

Đôn Phước - nguyendonphuochue

Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Huế

Hiện nay, việc thu BHYT được phân cấp trực tiếp cho các trường, Đại học Huế là nơi chỉ đạo, triển khai thực hiện; các trường thành viên và khoa trực thuộc là nơi vận động, tuyên truyền và trực tiếp thu BHYT đối với sinh viên. Thông qua các đợt giao ban công tác học sinh sinh viên (và 1 hội nghị chuyên đề về BHYT đối với sinh viên), Đại học Huế luôn thông báo các số liệu cụ thể của sinh viên tham gia BHYT để chỉ đạo và nhắc nhở các đơn vị trong việc triển khai thu BHYT đối với sinh viên.

Việc học và tập luyện thể thao của sinh viên rất cần thiết, nhưng cũng có thể vô tình gặp chấn thương nên sinh viên cần có BHYT (Ảnh minh họa). Ảnh: Hữu Phúc

Ngoài ý thức và trách nhiệm của sinh viên thì các trường thành viên đóng vai trò rất quan trọng đến công tác tuyên truyền và vận động sinh viên tham gia BHYT. Thực tế cho thấy, trường nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, lãnh đạo trường thực sự quan tâm, bố trí hợp lý bộ phận thu BHYT và có chế tài đủ mạnh thì sinh viên tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao. Hiện nay, BHXH tỉnh chưa có động thái can thiệp sâu vào tình hình thu BHYT ở các trường thì nhà trường vẫn đóng vai trò chủ yếu trong vấn đề này.

Có bao giờ bạn đi khám BHYT chưa. Bạn nghĩ gì về lợi ích của sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế?

Nhân Tín - nntinnguyen

Sinh viên Đỗ Thị Thanh Vy, Trường ĐHKH, ĐH Huế

Em đã từng tham gia thăm khám bằng bảo hiểm y tế. Khi tham gia BHYT, em thấy sinh viên có rất nhiều lợi ích và thuận tiện như: được khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế có trong bảo hiểm, được khám nội trú, ngoại trú, phục hồi chức năng, được khám chẩn đoán sớm 1 số bệnh theo quy định, được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế…

Sinh viên khám sức khỏe bằng BHYT tại bệnh viện. Ảnh: Hữu Phúc

Khi tham gia BHYT, em và các bạn học sinh, sinh viên có thể được giảm viện phí và thậm chí được miễn phí trong một số trường hợp khám sàng lọc tổng quát đơn giản, nhất là đối với những sinh viên ở xa nhà, tham gia bảo hiểm y tế là một biện pháp tốt để tự bảo vệ bản thân và giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.

Tình trạng sinh viên chỉ tham gia BHYT năm đầu vào trường, tỷ lệ tham gia luôn giảm dần ở các năm học sau, lý do là gì ?

Nhật Linh - hanilnguyen

Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Huế

Vào đầu khóa học, nhà trường thu ngay BHYT khi sinh viên làm thủ tục nhập học nên luôn đạt tỷ lệ 100%, sau đó tỷ lệ giảm dần qua các năm, theo tôi do các nguyên nhân chính sau: Trước hết, đó là ý thức của sinh viên, họ chưa thấy hết quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia BHYT bắt buộc đối với học sinh, sinh viên.

Thứ hai là việc tuyên truyền, vận động sinh viên tham gia BHYT chủ yếu mới từ một phía (nhà trường) mà chưa có sự phối hợp tham gia của BHXH tỉnh. Ví dụ, trong “Tuần sinh hoạt công dân – học sinh sinh viên” đầu năm, đầu khóa, nếu BHXH tỉnh đăng ký với nhà trường tham gia tuyên truyền và phổ biến về BHYT đối với sinh viên thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.

Khám sức khỏe tại phòng y tế Trường đại học Nông lâm. Ảnh: Minh Quân

Thứ ba là việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ, lớp học truyền thống bị phá vỡ nên việc triển khai thu BHYT đối với sinh viên gặp không ít khó khăn. Một minh chứng thấy rõ, ở bậc phổ thông mỗi lớp đều có giáo viên chủ nhiệm trực tiếp thu nên tỷ lệ bao giờ cũng cao hơn đại học.

Việc bố trí bộ phận thu BHYT hiện nay ở các trường phần lớn đều chưa hợp lý, còn chồng chéo lẫn nhau nên hiệu quả không cao. Tôi tin chắc rằng, nếu các trường giao cho phòng công tác sinh viên làm đầu mối chính của việc thu BHYT thì kết quả sẽ khả quan hơn nhiều (vì đây là đơn vị quản lý sinh viên, thuận lợi trong việc theo dõi, đốc thúc và đề xuất xử phạt).

Hiện nay, sinh viên không tham gia BHYT thì nhà trường đã có chế tài (trừ điểm rèn luyện) nhưng các đơn vị trực tiếp thu BHYT của sinh viên không hoàn thành nhiệm vụ thì chưa có chế tài cụ thể. Đơn cử, bộ phận được giao nhiệm vụ thu BHYT nếu không đạt 100% thì vẫn không bị nhà trường phê bình, hạ bậc thi đua hằng năm, hay trường nào có tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT bắt buộc không đạt 100% thì chưa có một chế tài cụ thể nên lãnh đạo một số trường chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này.

Một vấn đề nữa là việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho sinh viên chưa thật sự được tốt; khi cần khám BHYT, do bệnh viện có trường hợp quá tải nên sinh viên phải chờ đợi lâu mới đến lượt, thậm chí có trường hợp còn bị bác sĩ khám hạch sách (theo phản ánh của sinh viên), vấn đề này tạo ra tâm lý e ngại cho sinh viên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng sinh viên tham gia BHYT giảm dần qua các năm.

Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Nông lâm, ĐH Huế

Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Nông lâm, ĐH Huế. Ảnh: P.Thành

Cũng như các trường khác, gần như 100% SV năm đầu ở ĐHNL đều đóng BHYT. Ở trường Nông Lâm, trong 3 năm trở lại đây, trường có sự phối hợp giữa tổ y tế và phòng công tác sinh viên, nên tỷ lệ SV năm 2, năm 3 tiếp tục đóng BHYT vẫn rất cao, ngoại trừ một số đối tượng đặc biệt là các SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn… vẫn còn chờ thủ tục xếp loại gia cảnh để được cấp thẻ BHYT miễn phí trong thời điểm mua BHYT ở trường nên chưa có quyết định kịp thời.

Có khoảng 15% sinh viên ở Thừa Thiên Huế chưa tham gia bảo hiểm y tế. Riêng ở Trường đại học Nông lâm, cụ thể con số đó là bao nhiêu? Ông có thể phân tích nguyên nhân con số này?

Thùy Trang - ntttrang

Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Nông lâm, ĐH Huế

Tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT ở Trường đại học Nông lâm (ĐHNL) là 92,36%. Thực tế, Trường ĐHNL có kênh thông tin giữa nhà trường và sinh viên tốt, mỗi tháng đều có sinh hoạt giữa giáo viên cố vấn học tập với sinh viên, các kênh thông tin khác như fanpage, cổng thông tin điện tử…

Nhà trường còn có hệ thống quản lý giáo dục để sinh viên dễ dàng truy cập vào xem kết quả học tập và các vấn đề liên quan. Ở phần mềm này, nhà trường đã tích hợp đưa kết quả đóng BHYT của sinh viên vào tài khoản cá nhân, do đó khi truy cập vào hệ thống, nếu trường hợp chưa đóng BHYT thì hệ thống sẽ có cảnh báo hiện ra ngay trên màn hình để nhắc nhở.

Hiện nay, nhà trường cũng đang xây dựng và triển khai kênh trao đổi thông tin với gia đình qua hệ thống tin nhắn đến phụ huynh sinh viên, từ đó sẽ thông báo thông tin trực tiếp đến gia đình của các sinh viên về nhiều vấn đề, trong đó có việc nhắc nhở về đóng BHYT.

Bên cạnh những biện pháp đã và đang thực hiện hàng năm như: tiếp tục vận động sinh viên tích cực tham gia vì quyền lợi của chính bản thân các em, hướng dẫn thủ tục thu đóng phí, kê khai online, hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, hướng dẫn đi khám, chữa bệnh và sử dụng thẻ BHYT đúng quy định thì cần có bước đột phá mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, cụ thể ở một số điểm sau:

- Một là, cần có chế tài bắt buộc mạnh mẽ hơn từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục để sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT. Luật đã quy định bắt buộc thì việc đưa ra quy định bắt buộc tham gia là cần thiết và phù hợp. Chỉ khi đó mới có thể đảm bảo tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT đầy đủ và liên tục ở mọi khóa học.

- Hai là, Nhà nước xem xét có thể tăng mức hỗ trợ tối thiểu cho HSSV, tiếp theo đó là từng địa phương hỗ trợ thêm cho HSSV của địa phương mình. Nội dung này đã được quy định trong Luật, từng địa phương tùy điều kiện khả năng của mình hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu của ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho một bộ phận sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT.

- Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học bền vững, giải quyết chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời cho sinh viên ngay tại y tế học đường; đẩy mạnh cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công để sinh viên có thẻ BHYT được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận khám, chữa bệnh; từ đó mới có thể  tăng tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT một cách bền vững, tăng tỷ lệ có 100% sinh viên tham gia BHYT.

Ý kiến của ông về con số trên 70% sinh viên đóng bảo hiểm y tế. Vì sao lại có đến 15% sinh viên không tham gia bảo hiểm y tế, dẫu họ là đối tượng bắt buộc?

Tường Vi - tuongvinguyenthi

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Cần nâng cao chất lượng tuyên truyền về đóng BHYT. Đối với sinh viên tại các trường, nếu các em không chấp hành mà để việc này trở nên phổ biến thì chúng ta cần ngăn chặn. Đại học Huế cần có những hành động quyết liệt hơn.

Các trường cần  đánh giá lại các quy định của pháp luật về BHXH, và có cam kết cụ thể để thực hiện nâng cao tỉ lệ tham gia BHYT của trường trong năm tới.

Thời gian tới, thiết nghĩ cần có chế tài nâng cao trách nhiệm của ban giám hiệu trong vấn đề này.

Hiện, chưa có chế tài bằng văn bản quy định xử lý sinh viên không tham gia BHYT nhưng các em cần tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bảo hiểm xã hội đều có tổng kết đánh gia khen thưởng các trường thực hiện tốt, nhưng các trường trong khối Đại học Huế có tỷ lệ thấp.

Thông tư số 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định rõ: Nếu cố tình chậm nộp không nộp theo quy định của nhà trường mà không có lý do chính đáng thì tùy theo mức độ xử lý từ nhắc nhở, khiển trách đến buộc thôi học.

Một buổi học của sinh viên Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế. Ảnh: Hữu Phúc

Ông Nguyễn Văn Hợp, Cán bộ phụ trách y tế, Phòng Tổ chức - Hành chính Trường đại học Sư phạm, ĐH Huế

Với Trường đại học Sư phạm, đa phần là sinh viên nghèo nhưng các em vẫn tham gia, một số em không tham gia vì nhiều lý do. Một trong những lý do là kẽ hở mà ngành bảo hiểm cần nghiên cứu để hạn chế, đó là việc sinh viên mượn thẻ bảo hiểm y tế của nhau. Lý do khác là về mặt chế tài, nhà trường chưa có; bắt đầu từ năm nay, trường mới thực hiện chế tài. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động hiện còn yếu.

Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Huế

Theo tôi vẫn có thể nâng cao số lượng sinh viên đóng BHYT ở các trường nếu quyết tâm. Nhưng để làm được, đối với sinh viên cũng cần có chế tài đủ mạnh, ví dụ có thể xem xét hạ bậc rèn luyện, không xét khen thưởng.

Tại trường, nên giao cho Phòng Công tác sinh viên làm đầu mối thu BHYT. Giải quyết vấn đề này sẽ làm tốt hơn công tác thúc đẩy sinh viên tham gia BHYT.

Về phía BHXH tỉnh: Phối hợp và hỗ trợ các trường trong công tác tuyên truyền BHYT đối với học sinh sinh viên (pano, áp phích đặt trong khuôn viên trường chẳng hạn); hằng năm, cần có chính sách khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt công tác BHYT học đường; đề xuất với cấp trên cần có chế tài cụ thể đối với những đơn vị chưa làm tốt công tác này.

 

Có chế tài nào cho các trường khi sinh viên không tham gia BHYT? Có ý kiến cho rằng kinh phí trích lại từ Quỹ BHYT dành chi cho y tế học đường hết sức chặt chẽ, trong khi các loại hình bảo hiểm thương mại dành chi phí hoa hồng cao hơn, ông nghĩ sao về điều này?

Đức Phan - phannguyenduc88

Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Huế

So với các loại hình bảo hiểm khác (như bảo hiểm tai nạn chẳng hạn) thì tỷ lệ hoa hồng BHXH chi cho cán bộ làm công tác thu BHYT tại các trường chưa cao, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến nhiệt huyết của họ.

Cán bộ Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế hướng dẫn, nhắc nhở sinh viên nộp BHYT khi làm thủ tục nhập học. Ảnh: Hữu Phúc

Về chế tài cho các trường khi sinh viên không tham gia BHYT. Hiện nay, tất cả các trường thành viên và khoa trực thuộc Đại học Huế đều có chế tài bằng hình thức trừ điểm rèn luyện nếu sinh viên nào không tham gia BHYT bắt buộc, nhưng có lẽ chế tài này chưa đủ mạnh nên vẫn còn một số sinh viên không tham gia BHYT.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Về tỷ lệ hoa hồng cho các trường là 3% trên tổng số thu. Bảo hiểm y tế là loại hình là mục tiêu chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho mọi người trong đó có hssh chứ không phải mục tiêu là lợi nhuận. chia sẻ rủi roi giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.

Những thủ tục đóng bảo hiểm xã hội liệu có phức tạp khiến sinh viên e ngại hay không?

Diệu Hiền - hiendieuuec

Ông Nguyễn Văn Hợp, Cán bộ phụ trách y tế, phòng Tổ chức - Hành chính Trường Đại học Sư phạm, ĐH Huế

Trước đây đúng là như vậy, nhưng những năm gần đây, đa số sinh viên đã có mã số định danh nên thủ tục đóng bảo hiểm không còn phức tạp nữa. Các em chỉ cần phô tô hộ khẩu gửi, chúng tôi thì chúng tôi sẽ xử lý.

Các khách mời trao đổi tại buổi giao lưu. Ảnh: Phan Thành

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Thủ tục tham gia BHYT gọn nhẹ, nếu đã tham gia thì đã có cơ sở dữ liệu rồi, nếu không vấn đề gì thì chỉ còn động thái gia hạn thẻ.

Quá trình quản lý cấp thẻ thì theo giao dịch điện tử, sau khi hoàn thành thủ tục thì cơ quan BHXH cấp thẻ ngay.

Theo bạn, đâu là bất cập trong công tác bảo hiểm y tế dành cho sinh viên. Có thể liên hệ về thực trạng này ở ngôi trường mà bạn đang theo học.

Trâm Anh - nttanh

Sinh viên Đỗ Thị Thanh Vy, Trường ĐHKH, ĐH Huế

Bản thân em khi tham gia BHYT khá là suôn sẻ và không có vấn đề gì. Các thông báo được đăng tải trên trang tín chỉ nên học sinh, sinh viên chỉ cần theo dõi và thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, một người bạn khác trường của em đã rơi vào hoàn cảnh khá bất cập, đó là lúc bạn vào nhập học phải làm 1 số thủ tục và đóng các khoản thu theo quy định của nhà trường, trong đó có cả BHYT. Nhưng trong thời điểm đó, bạn đã có BHYT đăng ký phụ huynh đã mua trước tại địa phương nên bị rơi vào trường hợp 1 người có 2 BHYT. Để giải quyết vấn đề này, bạn đó đã gửi đơn thắc mắc và được nhà trường giải quyết bằng việc làm thủ tục hoàn lại tiền.

Vì sao lại có tình trạng sinh viên có hai thẻ bảo hiểm y tế? Giải pháp của nhà trường?

Tú Anh - tuanhtri

Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Nông lâm, ĐH Huế

Tình trạng này xảy ra ở Trường ĐHNL cũng khá nhiều. Sở dĩ có hiện tượng sinh viên có 2 thẻ BHYT như vậy là do:

- Thủ tục và thời gian các địa phương cấp thẻ cho SV thuộc đối tượng khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo,…muộn so với thời gian đóng BHYT trong năm.

- Các địa phương vẫn chưa thực hiện tốt và đúng quy định về đóng BHYT với công dân trên địa bàn, đặc biệt là sinh viên khi theo học tại trường. Theo quy định thì SV phải đóng BHYT bắt buộc tại trường đại học, nhưng các địa phương vẫn thu BHYT SV theo gia đình các em.

Kiểm tra sức khỏe tại phòng y tế, Trường đại học Nông lâm. Ảnh: M. Quân

- Các chế tài và kênh thông báo rất mạnh, làm quyết liệt nên SV rất quan tâm “sợ” khi không tham gia BHYT. Do đó, nhiều SV chưa biết mình có được cấp BHYT nên các em vẫn mua cho chắc, và sau này địa phương cấp thẻ BHYT cho SV thêm 1 lần nữa.

* Giải pháp:

- BHXH tỉnh cần quán triệt với các địa phương trong việc thu BHYT SV theo gia đình.

- Cần thống nhất và quán triệt cụ thể thời hạn cấp thẻ BHYT cho SV thuộc các đối tượng, đặc biệt là nghèo, cận nghèo cần sớm hơn; để SV biết và không tham gia BHYT tại nhà trường.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu với BHYT SV cụ thể và cập nhật đầy đủ, theo dõi, phản hồi kịp thời đến các đơn vị để các đơn vị như nhà trường và địa phương truy cập vào hệ thống sẽ biết được thông tin của người tham gia BHYT để triển khai kịp thời.

- Đối với những sinh viên bị trùng thẻ BHYT nhà đã hướng dẫn:

+ Trường hợp SV đã mua thẻ BHYT hộ gia đình thì sau khi thẻ BHYT bắt buộc được cấp, SV mang thẻ BHYT hộ gia đình (bản chính) và thẻ BHYT bắt buộc (bản photo) đến Đại lý thu UBND phường hoặc Đại lý thu Bưu điện nơi đăng ký mua thẻ BHYT để được hoàn trả lại tiền đóng trùng theo quy định.

+ Thủ tục thoái thu với những trường hợp bị trùng thẻ cố gắng nhanh, đơn giản và thuận tiện hơn với SV và đơn vị thu BHYT SV để thực hiện nhanh, hoàn trả tiền cho SV bị trùng thẻ kịp thời.

Y tế học đường tại các trường vẫn còn yếu và thiếu. Sinh viên mỗi khi đau ốm thường đi khám dịch vụ ở ngoài hoặc ra hiệu thuốc kê bệnh mua thuốc, bỏ qua y tế nhà trường… Đó có phải là nguyên nhân khiến cho nhiều sinh viên không mặn mà khi tham gia bảo hiểm xã hội?

Minh Kiều - kieuminhbao

Ông Nguyễn Văn Hợp, Cán bộ phụ trách y tế, phòng Tổ chức - Hành chính Trường Đại học Sư phạm, ĐH Huế

Tôi đồng ý với ý kiến đó, nhưng y tế học đường yếu, thiếu không có nghĩa là các trường không đủ thuốc cho sinh viên.  Đây không phải là nguyên nhân chính khiến sinh viên không tham gia bảo hiểm y tế. Theo tôi nguyên nhân là do công tác tuyên truyền còn hạn chế; bản thân sinh viên ý thức chưa cao; phí bảo hiểm y tế còn cao,… Có sinh viên khi hỏi có được khám ở Bệnh viện Trường đại học Y dược, Bệnh viện Trung ương hay không và nghe trả lời "không" thì họ không muốn mua thẻ bảo hiểm y tế nữa. Ngoài ra, thời hạn thẻ kéo dài 5 năm khiến các em hiểu nhầm chỉ cần đóng một lần trong năm đầu nên tỷ lệ sinh viên đóng thẻ thấp.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Để tổ chức những cơ quan, cá nhân khi áp thẻ khám chữa bệnh thì sinh viên cần nhận thức đúng việc tham gia bảo hiểm y tế . Người dân Thừa Thiên Huế mượn thẻ không nhiều, tình trạng mượn thẻ chủ yếu đối với các người ngoại tỉnh.

Sinh viên học sinh được trích quỹ BHYT tại trường để chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Hàng năm, các trường thực hiện tương đối tốt, các bệnh thông thường thường thực hiện, theo luật đã thực hiện thông tuyến nên HSSV khá thuận lợi.

Khám sức khỏe tại phòng y tế. Ảnh: Minh Quân

Theo quy định, đối tượng HSSV chỉ đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến huyện trở xuống.  Nếu ở đó vượt khả năng chuyên môn thì có thể chuyển tuyến.

Tùy từng nhóm đối tượng có sự phân tuyến phù hợp. Vì nhu cầu cá nhân thì có thể đi trái tuyến. Mục tiêu BHYT chia sẻ rủi ro. Làm sao đó tuyên truyền nhận thức của các em khi có những suy nghĩ này.

Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Huế

Theo tôi, vấn đề này quan trọng là tuyên truyền, giải thích cho sinh viên về tuyến khám BHYT, đưa ra những ví dụ như khẳng định ngay cả các cán bộ của ĐH Huế cũng chấp hành quy định về tuyến khám BHYT, không phải ai cũng được khám ở bệnh viện tuyến Trung ương hay bệnh viện tuyến tỉnh.
Hiện nay, Trung tâm Y học gia đình, Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế cũng có thể tiếp nhận sinh viên đăng ký tham gia khám BHYT. Thông tin này cũng cần cho sinh viên biết nếu họ có nhu cầu đăng ký tại đây.

Ông có thể nói rõ về tình trạng mượn thẻ xảy ra hiện nay?

Minh Nhật - nhatminhgm

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Sinh viên nói riêng và các đối tượng tham gia BHYT nói chung, theo quy định của BHXH khi khám chữa bệnh phải xuất trình thẻ và chứng minh nhân dân ở cơ sở khám chữa bệnh đúng quy định.

Tình trạng mượn thẻ trong năm 2018 cũng đã xảy ra, đã có 5 trường hợp trong đó 2 trường hợp của Quảng Bình, Quảng Trị, 3 trường hợp ở Thừa Thiên Huế nhưng chưa xuất hiện trường hợp là SV, HS.

Đây là vấn đề phức tạp, cán bộ ở các cơ sở y tế kiểm tra trên giấy tờ, nhận diện tương đối khó.

Mượn thẻ bị xử phạt hành chính và hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

 

Công tác tuyên truyền vận động sinh viên tham gia BHYT còn hạn chế, hình thức chưa phong phú, đơn giản về nội dung, có phải là nguyên nhân làm cho sinh viên nhàm chán, không chú ý đóng bảo hiểm y tế. Theo ông, để khắc phục tình trạng này, cần phải làm gì?

Văn Giáo - giaodauvan

Ông Nguyễn Văn Hợp, Cán bộ phụ trách y tế, phòng Tổ chức - Hành chính Trường Đại học Sư phạm, ĐH Huế

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện trước đây, từ tháng 4/2016, Bộ Giáo dục có văn bản ban hành sinh viên không tham gia bảo hiểm y tế, không đóng học phí thì xử phạt với hình thức cảnh cáo đến buộc thôi học. Từ năm 2016 trở về trước, trường tôi 90% sinh viên đóng bảo hiểm y tế, mà khi đó sinh viên chưa được vận động tuyên truyền. Bây giờ tỉ lệ đóng bảo hiểm y tế thấp hơn hẳn, mặc dù công tác tuyên truyền vận động được chú trọng nhiều hơn. Như vậy vấn đề không nằm ở tuyên truyền mà có thể là do thay đổi cơ chế tài chính, tất nhiên đây chỉ là một nguyên nhân.

Sinh viên làm hồ sơ, thủ tục nhập học tại Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế. Ảnh: Hữu Phúc

ThS. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Nông lâm, ĐH Huế

Ở Trường ĐHNL cũng có trường hợp SV không đóng BHYT nhưng gặp cảnh ốm đau, tai nạn… Điều này xảy ra là do sự chủ quan của SV, quá tự tin vào tình trạng sức khoẻ nên không đóng BHYT. Ngoài ra cũng có một lý do, vì ĐHNL có SV đi thực tập dài ngày (từ 3 tháng – 6 tháng tại doanh nghiệp…), trùng thời điểm thu BHYT nên thông tin khó được theo dõi sát sao. Không may là chính những trường hợp không đóng BHYT lại xảy ra trường hợp ốm đau, tai nạn… dẫn đến khó khăn cho SV.

Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Huế

Tôi thấy, thực tế hiện nay ý thức một bộ phận sinh viên hiện chưa được tốt so với thế hệ sinh viên trước đây. Hiện nay, có nhiều hoạt động điều động sinh viên rất khó nên công tác tuyên truyền về BHYT cũng gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay trong quy chế học sinh, sinh viên đều có quy định liên quan việc sinh viên không đóng BHYT hay mượn thẻ bạn để sử dụng. Một trong những cái khó trong công tác phát hiện và xử lý những vấn đề trên là chồng chéo trong bộ phận BHYT và công tác sinh viên. Đây là vấn đề cần nghiên cứu để thay đổi.

Đối với ĐH Huế, thời gian tới Ban Công tác học sinh – sinh viên sẽ tham mưu cho lãnh đạo ĐH Huế về vấn đề này.

Sinh viên thường bị “lủng thẻ” khi không tham gia liên tục sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khi khám chữa bệnh như thế nào? Mặt khác, hiện nay, có ý kiến cho rằng các chế tài xử lý vẫn còn nhẹ khiến sinh viên vẫn cố tình vi phạm? Còn theo ý kiến của ông (bà)?

Ca May - camaynguyen

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Đối với trường hợp đang tham gia "lủng thẻ" không quá 3 tháng thì thời gian đó cũng tính liên tục, nếu trên 3 tháng thì thời gian đó sẽ bị gián đoạn. Quy định của luật nhằm tạo điều kiện cho người tham gia liên tục được hưởng các quyền lợi.

Để sinh viên tự giác và phấn khởi khi tham gia bảo hiểm y tế, theo bạn công tác này cần nên thay đổi ra sao?

Hà Lương - luonghaha

Sinh viên Đỗ Thị Thanh Vy, Trường ĐHKH, ĐH Huế

Theo em nghĩ thì việc vẫn còn sinh viên chưa tự giác tham gia BHYT là vì các bạn chưa hiểu rõ và chưa được cung cấp đầy đủ được những lợi ích và cách dùng của BHYT. Ví dụ như bản thân em, khi chủ động tìm hiểu về BHYT sẽ biết được những quyền lợi của BHYT đem lại. Tuy nhiên, đối với một số bạn khác, việc tham gia bảo hiểm y tế chỉ là hình thức bắt buộc của nhà trường nên không tìm hiểu sâu. Do đó, các bạn không hiểu rõ trong trường hợp nào thì BHYT sẽ được dùng miễn phí, trường hợp nào sẽ hỗ trợ giảm phần trăm chi phí… Vì vậy, công tác tuyên truyền cần thực hiện sát sao hơn để sinh viên có thể tăng tính tự giác thực hiện biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Công tác tuyên truyền chắc chắn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, vấn đề tuyên truyền cho hssv rất quan trọng, phối hợp các trường tăng cường tần suất, bằng pano, áp phích, tờ rơi tuyên truyền.

Ngoài tuyên tuyền cần nâng cao nhận thức của các em tuân thủ pháp luật về những chính sách bảo hiểm y tế

Trường đã có phương thức gì để đưa thông tin về bảo hiểm y tế đến với sinh viên?

Lê Na - nalethh

Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Nông lâm, ĐH Huế

Nhà trường đã chỉ đạo và quán triệt cụ thể về trách nhiệm của sinh viên khi tham gia BHYT và vai trò của cố vấn học tập, các khoa trong công tác này, nhằm đảm bảo quyền lợi, CĐCS với sinh viên và quy định của nhà nước.

Tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến luật BHYT và trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHYT trong sinh viên với các hoạt động của đoàn thanh niên, hội sinh viên toàn trường.

Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế tư vấn cho phụ huynh các thủ tục nhập học, đóng BHYT cho con em. Ảnh: Hữu Phúc

Tăng cường phối hợp với các cấp để tổ chức các hoạt động phổ biến chuyên đề về công tác, trách nhiệm tham gia BHYT, quyền lợi và trách nhiệm của sinh viên với BHYT và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh trong sinh viên.

Tuyên truyền qua các pano, băng rôn.

Con số 70% sinh viên tham gia bảo hiểm y tế có thể được thay đổi theo hướng tăng lên để có thể đạt 100% trong thời gian tới không?

Đinh Châu - chaudminh

Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Huế

Tôi xin đính chính, tỷ lệ sinh viên Đại học Huế tham gia BHYT năm học 2018 - 2019 là 86,78% (thực tế còn cao hơn, theo tôi được biết, một số trường do sinh viên đã có thẻ BHYT thuộc hộ nghèo nhưng chưa báo để thống kê). Theo tôi, tỷ lệ này có thể thay đổi theo hướng tăng lên để đạt 100% trong thời gian tới nếu thực hiện tốt các giải pháp sau:

Về phía nhà trường, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và vận động sinh viên tham gia BHYT bắt buộc dưới nhiều hình thức khác nhau; áp dụng chế tài đủ mạnh đối với những sinh viên không tham gia BHYT (hạ một bậc xếp loại rèn luyện, không xét khen thưởng cuối năm chẳng hạn); giao cho Phòng công tác sinh viên làm đầu mối thu BHYT (đây là vấn đề cốt lõi), hiện nay nhiều trường chưa mạnh dạn thay đổi vì vấn đề tế nhị liên quan đến tiền hoa hồng mà bộ phận thu BHXH trước đây đã hưởng.

Về phía BHXH tỉnh, theo tôi cần phối hợp và hỗ trợ các trường trong công tác tuyên truyền BHYT đối với học sinh sinh viên (pano, áp phích đặt trong khuôn viên trường chẳng hạn); hằng năm, cần có chính sách khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt công tác BHYT học đường; đề xuất với cấp trên cần có chế tài cụ thể đối với những đơn vị chưa làm tốt công tác này.

Bảo hiểm y tế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có sinh viên. Vậy, ngành bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế cần phải làm gì để tăng con số sinh viên gia bảo hiểm y tế?

Hoài Nam - namhoaihue

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Để nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế cần có những giải pháp như:

- Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về nội dung lẫn hình thức, hướng đối tượng vào học sinh sinh viên

- BHXH phối hợp với các trường tăng cường công tác quản lý để loại bỏ, hạn chế những sai sót.

- Hướng dẫn tạo điều kiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên cơ sở quy định tuyến khám chữa bệnh để bảo đảm quyền lợi của hs sv.

- Kêu gọi trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, các chế tài đối với các em không tham gia