Tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp

Do ảnh hưởng của đợt mưa cuối tháng 1/2017 và kết hợp với triều cường, nhiều diện tích lúa đông xuân đầu năm nay ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, TX Hương Trà bị ngập, chết; phải tiến hành tiêu úng, làm đất và gieo sạ lại; toàn tỉnh có khoảng 1,3km đê bao nội đồng bị vỡ.

Lực lượng công an giúp dân đắp đê cứu lúa tại Quảng Điền

Biến đổi khí hậu đã có những tác động rõ rệt đến sản xuất nông nghiệp và tình trạng ngập úng, vỡ đê... như vừa qua đặt người nông dân và ngành nông nghiệp vào một tâm thế khác.

Thực trạng và giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho hạ tầng nông nghiệp, giống lúa, những mô hình cho tương lai, nhà nông đang cần gì, kế hoạch dài hơi của ngành nông nghiệp... để thích nghi trước mắt cũng như lâu dài trước tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay là những vấn đề sẽ được đặt ra tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề trên.

Mời bạn đọc đặt câu hỏi cho các khách mời đến từ: lãnh đạo huyện Phong Điền, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...

Báo Thừa Thiên Huế Online

Theo số liệu thống kê, từ sau năm 1975 đến nay, chúng ta đã mất hàng trăm ha đất sản xuất ven biển. Qua các các mùa mưa bão, trên địa bàn tỉnh đã có 70km bờ sông, biển, bị sạt lở, xâm thực. Ông đánh giá như thế nào về cường độ, thực trạng BĐKH hiện nay đối với các vùng đất bị tác động đầu tiên.

Nguyễn Viết Nam - namnguyeen1234

Ông Phan Thanh Hùng - Chi cục trưởng chi cục Thủy lợi, Chánh VP BCH PCTT&TKCN tỉnh

Những năm gần đây, tần suất xuất hiện những đợt lũ lớn thường xuyên hơn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp (NN). Mùa lũ cũng thường kết thúc muộn hơn, kéo dài đến giữa tháng 12.

Sạt lở bờ sông, biển cũng xảy ra thường xuyên hơn, đe dọa tính mạng, sản xuất NN và tài sản của hơn 1.000 hộ dân. Đặc biệt, trong năm 2016 do ảnh hưởng BĐKH, Thừa Thiên Huế (TTH) đã có 6 cơn bão đi qua; đến cuối tháng 12 vẫn còn ảnh hưởng cơn bão, đây là hiện tượng lạ. Tình hình mưa bão năm 2016 nhìn lại cực kỳ dị thường, phá vỡ quy luật. Tình trạng BĐKH trên địa bàn tỉnh thể hiện rõ ở nhiệt độ không đồng nhất trong các thời kỳ trong năm và không đồng đều giữa 3 năm. Dự báo năm nay, tỉnh ta sẽ có mưa tăng hơn so với trung bình 30%, sẽ có lũ tiểu mãn. Về tình trạng xói lở, gần cuối năm tháng 12 vừa qua dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng hoàn lưu bão đã tác động trên địa bàn tỉnh, tình trạng xói lở cho thấy hiện tượng lạ vì cuối năm, tốc độ xói lở trung bình từ 3-5m/năm nhưng vừa qua tăng lên 30m/năm. Kịch bản đối với tỉnh trong tình hình BĐKH sẽ là việc quan tâm vận hành hợp lý hồ chứa trong các điều kiện mưa lũ khác nhau.

Tình trạng triều cường và vỡ đê ở Phong Điền đầu vụ đông xuân vừa qua được xử lý kịp thời. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong quá trình ứng phó với sự cố vừa qua?

Bùi Công Tuyển - buituyen

Ông Nguyễn Văn Cho - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền

Chính quyền địa phương luôn cảnh giác phòng chống thiên tai và vào cuộc quyết liệt: Nắm thông tin dự báo diễn biến thời tiết để dự báo cho vụ đông xuân; chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng phương án đấu úng, khắc phục thủy lợi... Các phương án này đều triển khai tại chỗ. Về điều hành chung, chúng tôi chủ động lực lượng, nông dân là nòng cốt và huy động lực lượng vũ trang xử lý khi có sự cố bất thường; ngoài ra còn có các lực lượng khác. 

Việc điều hành tổ chức phói hợp nhịp nhàng từ huyện đến cơ sở, đây là công tác rất quan trọng. Sau đợt triều cường, UBND huyện tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục có phương án ứng phó cho các đợt sau.

Người dân bám sát việc chống úng. Ảnh: Thanh Hải

-Phong Chương là một xã được xem thấp trũng, ông có thể kể một số khó khăn của địa phương trong SXNN, nhất là trước tình hình diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay? Vậy địa phương đã được đầu tư những công trình phục vụ SXNN tương xứng hay chưa? Ông có đề xuất, kiến nghị gì với tình hình thực tế của xã?

Hoài Thương - mangdo1312

Ông Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc HTX NN Mỹ Phú - Phong Chương, Phong Điền

Với các đợt triều cường vừa qua, HTX Mỹ Phú chịu thiệt hai nặng nề. Với tư cách là người quản lý nông nghiệp cơ sở tôi cho rằng, triều cường ngày càng phức tạp, mưa, lũ năm nay tần suất dày, cường độ mạnh so với bình thường. Đây là khó khăn của nông dân.

Là một người bám ruộng đồng quanh năm, tôi nhận thấy tình trạng biến đổi khí hậu đã được thông tin, nhưng nhận thức của người nông dân chưa cao. Triều cường liên quan đến đê bao, các cơ quan chức năng đã đầu tư kinh phí nhiều song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tại. Tại xã Phong Chương, 70% diện tích là ô trũng, đê bao chưa được cứng hóa, đê bằng đất bị sạt lở. Thời tiết phức tạp, nông dân khắc phục chưa triệt để nên triều cường làm bể ô, gây thất thoát, gây trễ vụ 10 ngày so với tiến độ.

Người dân Điền Hải chung tay gia cố đê bao

Mưa và triều cường từ cuối tháng 1 năm 2017, đã làm vỡ đê bao bờ vùng dài 25m, sâu 2m (thuộc Trạm bơm tiêu Kênh Trộ, HTX số 1 Sịa), toàn huyện Quảng Điền có khoảng 1.200 ha lúa bị ngập úng, ông đánh giá như thế nào về thực trạng các tuyến đê bao nội đồng, đê quai tại địa phương Quảng Điền?

Mai Văn Hòa - hoamai

Ông Hoàng Vọng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền

Hiện nay, hệ thống đê bao được sự quan tâm tương đối lớn, giúp các xã như Quảng Công, Quảng Lợi thuộc vùng thấp trũng được khắc phục đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa được đầu tư thích đáng.

Hàng năm, lũ thường tập trung từ tháng 10 - 11, nhưng năm nay, dưới tác động của điều kiện thời tiết phức tạp, lũ lại xảy ra lại không đúng lịch trình và kéo dài. Cụ thể, ngày 26/1, trên địa bàn huyện xảy ra một trận lũ làm 1.200ha bị ngập úng. Tuy nhiên, nhờ sự tích cực chỉ đạo của UBND huyện và sự hỗ trợ của tỉnh, các HTX đã chủ động tiêu úng và khắc phục các đoạn đê nứt vỡ. Mặc dù vậy, một số diện tích ven sông Bồ, sông Phổ Lại vẫn bị ngập sâu. Trong trường hợp xấu nhất, một số diện tích nhỏ có nguy cơ bỏ hoang.

Thời gian tới đòi hỏi chúng ta cần có sự chủ động hơn.

Tuyến đê bao ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) được gia cố sau khi bị vỡ. Ảnh: L.Thọ

Ông Nguyễn Văn Phương -TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Cũng xin nói thêm, mặc dù tuân theo chỉ đạo của tỉnh, và bà con cũng hết sức nỗ lực nhằm đảm bảo vụ mùa, nhưng điều kiện hiện nay, một số diện tích nằm ven sông Bồ, sông Phổ Lại không có đủ đê bao để tiêu úng, nên đề nghị lãnh đạo huyện Quảng Điền có hướng chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

 

T.S, nhà nông học Lê Tiến Dũng - nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế

Trong xu thế này, chúng ta không thể bỏ hoang. Một trong những biện pháp có thể áp dụng là cấy nếu chúng ta không gieo sạ được, đó là kinh nghiệm của ông cha ta. Đó có thể là phương pháp để đảm bảo thời vụ và an ninh lương thực.

Như vậy, nên đưa giống thật ngắn ngày để giải quyết mùa vụ, chứ không nên bỏ hoang. Chúng ta nên định hướng cho nông dân như vậy.

Người dân Quảng Điền tiêu úng để gieo sạ vụ đông xuân. Ảnh: Lê Thọ

Chưa khi nào bà con nông dân trên địa bàn tỉnh bước vào một mùa vụ sản xuất khó khăn như hiện nay, vậy, qua đợt triều cường vừa qua, UBND tỉnh đã có những hỗ trợ bước đầu như thế nào, thưa ông? Về lâu dài, có những giải pháp, chiến lược gì cho ngành nông nghiệp tỉnh?\r\n

Huy Võ - vohuy123

Ông Nguyễn Văn Phương - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Năm 2016 có những diễn biến thời tiết bất thường theo chiều hướng ngày càng khắc nghiệt. 
Lũ xuất hiện sớm, kết thúc muộn, gây bất lợi cho nông vụ. Người dân chứng kiến tháng 12 lịch sử. Tổng Lượng mưa năm này tăng gấp 3 lần so với bình quân nhiều năm, cao nhất trong vòng 40 năm qua; lũ xuất hiện sớm, kết thúc rất muộn so với trung bình nhiều năm, đến cuối tháng 12 vẫn còn có lũ. Mưa lớn làm vỡ nhiều tuyến đê bao, gây ngập úng hơn 4.200ha vụ lúa Đông xuân...
Tỉnh bám sát, chủ động xử lý tình hình. Đầu tiên là khắc phục các tuyến đê bao bị vỡ, đảm bảo tối ưu nhất trong điều kiện thời tiết như vậy, chỉ đạo chuyển sang giống ngắn ngày. Trước thiệt hại do thiên tai gây khó khăn cho người dân, trước mắt, UBND tỉnh đã cấp bổ sung kinh phí 29,74 tỷ đồng cho các địa phương tổ chức tiêu úng, gia cố, sửa chữa, nâng cấp công trình thuỷ lợi, đê ngăn mặn, đê bao phục vụ Đông xuân 2016-2017, hỗ trợ mua lại giống lúa ngắn ngày thay giống lúa dài ngày để gieo sạ lại diện tích bị ngập úng hư hại, quyết không để ruộng hoang; sửa chữa hệ thống ao nuôi thuỷ sản chuẩn bị vụ nuôi 2017.
Để kịp thời khắc phục thiệt hại các đợt triều cường vừa qua, tỉnh phân bổ hỗ trợ cho người dân 290 tấn lúa giống ngắn ngày, 15 tấn giống ngô, 5 tấn giống rau, 20 tấn Chlorine, 10.000 lít Benkocid từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương.

Thực trạng các tuyến đê bao nội đồng, hệ thống thủy lợi hiện nay đã đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hay chưa? Trước thực trạng triều cường do BĐKH như hiện nay, hệ thống đê một số nơi trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ những “yếu điểm”, trong khi kinh phí đầu tư chưa có thì giải pháp trước mắt là gì và về lâu dài như thế nào thưa ông? \r\n

Lê Hoài Cảnh - hoaicanh81

Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh

Hiện tại, toàn tỉnh có 55 hồ chứa, với lượng chứa khoảng 2 tỷ khối nước. Toàn tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng 264 tạm bơm tưới tiêu, 54 km đập, đê bao và 921 km kênh mương. Như vậy, chủ động cho việc tưới tiêu hơn 53.000 ha lúa, 1.740 ha rau màu và chủ động cấp nước cho 4. 500 ha thủy sản.

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, lượng mưa tăng gấp 3 lần so với mọi năm. Kết hợp với lượng triều cường liên tục, có lúc đạt đỉnh 0,65m nên lượng mưa không thoát được mà trữ lại ở các vùng hạ du như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Trải qua thời gian, hệ thống đê bao xuống cấp, bị lún. Nhiều tuyến đê được làm bằng vật liệu tại chỗ cũng bị sói, rò rỉ. Một số tuyến đê không đáp ứng tràn, dẫn đến vỡ đê.

Giải pháp trước mắt để bảo vệ cho vụ Đông Xuân đó là gia cố toàn bộ hệ thống đê. Huy động lực lượng tại chỗ để đảm bảo, túc trực, có giải pháp kịp thời và tôn đê không cho nước tràn. Riêng những vị trí xung yếu đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch cứng hóa dần. Giải pháp lâu dài phải nâng cấp cứng hóa. Cùng với đó, kiến nghị trung ương tiếp tục thực hiện bố trí kinh phí đề án đê biển, chống lại biến đổi khí hậu.

Tác nghiệp tại buổi giao lưu. Ảnh: V.Nhân

Một thông tin trên Báo Thừa Thiên Huế cho thấy: Hệ thống đê Phong Điền thực hiện từ những năm 1990, qua thời gian sử dụng gần 30 năm đã có sự xuống cấp. Cao trình đê từ 0,8 cm xuống còn 0,6 cm, trong khi mực triều cường vừa qua là 0,65 cm. Ngày cả thi công đê Đông- Tây Ô Lâu cũng không lường trước được tình trạng biến đổi khí hậu. Vậy địa phương đã có những giải pháp căn cơ gì đảm bảo cho những mùa vụ sắp tới?

Trần Thị Vy - vyphuong

Ông Nguyễn Văn Cho - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền

Năm 2016 kéo qua đầu năm nay khí hậu không có lợi cho hệ thống thủy lợi. Mưa dài, lũ muộn không theo chu kì nhất định. Hàng năm đỉnh lũ giao động 0,55-0,6m. Năm nay, đỉnh lũ xấp xỉ 0,7m nên phải đấu úng 5-10 ngày. Đê bao xuống cấp nhưng do đỉnh lũ cao nên hư hại lớn, hệ thống thoát lũ quá tải, đỉnh triều cao. 

Riêng đập Cửa Lác thoát lũ hạn chế, giải pháp lâu dài thì rất căn cơ. Huyện Phong Điền sản xuất lúa tập trung ở vùng trũng, UBND huyện sẽ tiếp tục khắc phục các tuyến đê xung yếu tập trung cho vụ đông xuân, vụ hè thu sẽ có phương án chuyển đổi cây trồng.

Máy bơm hoạt động liên tục để thoát nước cho đồng ruộng. Ảnh: Minh Hà

Hiện, ngân sách hạn chế nên giải pháp lâu dài cần Trung ương và UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ. Theo đó, tăng, nâng cấp trạm bơm; nâng cấp các tuyến đê thấp; hệ thống tiêu úng, thoát úng nước ngoại lai.

Sở NN&PTNT cần nghiên cứu đập Cửa Lác. Ngoài chức năng ngăn mặn, giữ ngọt còn chống triều cường, tiêu úng. Song, đập chống triều cường, tiêu úng rất hạn chế. Khu vực thượng lựu đập cạn nên tiêu úng chậm do vậy thoát lũ rất chậm, cần nghiên cứu nạo vét vùng thượng lưu đập. Các cống cần tự động hoặc cống quay khi có triều cường. Nên nâng đập Cửa Lác lên cao trình trên +0,7m. trên 10 nghìn ha lúa sẽ tương đối ổn định.

Tình trạng BĐKH tác động đến sản xuất nông nghiệp hiện nay đã thấy rõ. Hàng năm, Phong Chương đưa vào sản xuất gần 900 ha lúa/vụ, từ cái nhìn cơ sở, ông có chia sẻ gì về phương án cũng như các giải pháp lâu dài để bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp? Dưới góc độ của người bám đồng ruộng quanh năm, theo ông, người nông dân cần gì và đang gặp những khó khăn nào?\r\n

Nguyễn Thế Thìn - think31

Ông Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc HTX NN Mỹ Phú - Phong Chương, Phong Điền

Đối với nông dân, nhiều người còn mơ hồ với cụm từ “biến đổi khí hậu”. Người dân chưa hiểu vì dân trí thấp. Để bảo đảm sản xuất nông nghiệp, đối với nông dân, tôi chỉ đưa ra giải pháp mang tính địa phương. Xã Phong Chương hiện đưa vào sản xuất 881ha/vụ, chân ruộng ô trũng chiếm trên 70% nên rất cần hệ thống đê bao. Vừa qua, mưa lũ dài ngày, đê bao vỡ, vụ Đông xuân gặp nhiều khó khăn.

Về lâu dài tôi xin đề xuất lãnh đạo tỉnh, Sở NN & PTNT, UBND huyện Phong Điền cần hoàn thiện hệ thống đê bao và đê nội đồng, cứng hóa; đê bao phải có cao trình trên 1,2m; mở hệ thống tiêu thoát nước ngoại lai, nếu không cắt được nước ngoại lai sẽ làm ngập úng các ô. Sở NN & PTNT đã khảo sát nhiều lần, chúng tôi cũng tham gia khảo sát lập dự toán, nhưng sau đó không thấy triển khai đầu tư.

Hiện nay có tuyến đê Tây Hói Tôm đã bê tông hóa. Theo tôi, các cống không nên đóng mở tự động mà đóng mở cửa bằng "vít me".

Với tư cách là người nông dân, đề nghị Sở NN & PTNT giúp cho HTX có bộ giống ngắn ngày thích ứng với biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng với địa bàn; tiếp tục đầu tư, nâng công suất các trạm bơm...

Được biết, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đầu tư khoảng 2.350 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án chống sạt lở bờ biển, đâu tư các tuyến đê, âu thuyền? Trong khi chờ đợi và triển khai, chúng ta đã có kế hoạch trước mắt và lâu dài cho hệ thống bờ biển, tuyến đê, âu thuyền... thưa ông?

Hoài Xuân Anh - xuananhhoai

Ông Nguyễn Văn Phương - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Hiện các công trình đầu mối liên quan đến thủy lợi, hồ chứa, sông ngòi cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư, để chủ động điều tiết lũ thấp hơn tự nhiên, đồng thời giúp tiêu thoát nhanh. Đặc biệt quan tâm đầu tư cơ bản để nạo vét các tuyến kênh, cửa biển. Kế hoạch trung hạn của trung ương, địa phương giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung nguồn lực gần 840 tỷ đồng cho các công trình thủy lợi. Dù nguồn lực không dồi dào, nhưng tỉnh đã được hỗ trợ từ các nguồn như WB8 thi công 20 hồ chứa với tổng kinh phí 363 tỷ đồng; các công trình chống sạt lở bờ sông bờ biển, tiếp nhận hồ Tả Trạch, hoàn thành hồ Thủy Yên - Thủy Cam và đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình đê bao thủy lợi ở các địa phương...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Võ Nhân

Tỉnh tiếp tục đề xuất Trung ương, Chính phủ để hỗ trợ đạt mục tiêu đầu tư cho nông nghiệp, nhất là các công trình thủy lợi để trong thời gian tới giải quyết khá cơ bản các hạ tầng phục vụ dân sinh, khắc phục thời tiết mưa lũ.

Chúng ta đã có hệ thống hồ đập được đầu tư và vận hành tốt; hầu hết ở đầu nguồn các tuyến sông đều đã có hệ thống hồ đập để điều tiết mưa lũ và cung cấp nước vào mùa khô.

Tác động của BKKH dẫn đến triều cường, trong khi nhiều vùng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có tuyến đê bao với cao trình thấp, vậy, vấn đề cơ cấu giống mới, phương thức sản xuất của bà con nông dân cần thay đổi như thế nào thưa ông?

Trương Giang Thao - tgthao

T.S, nhà nông học Lê Tiến Dũng - nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế

Đây cũng là một trong những vấn đề mà chúng ta cần suy nghĩ. Hiện nay, BĐKH có chu kỳ ngày càng tồi tệ hơn, gây ra nhiều bất lợi. Nói rộng ra, cũng do con người, chúng ta đã phá vỡ những yếu tố sinh thái tự nhiên, nên bây giờ dẫn đến hậu quả.
Theo nghiên cứu, trước đây, ông cha ta trồng giống địa phương, rất tuyệt, nhưng con cháu chúng ta sau này bỏ, do thiếu gạo. 
Trên cơ sở khoa học, chúng tôi cũng lai tạo để tạo ra những loại giống thích hợp.
Giống cực ngắn là vấn đề chúng ta cần đặt ra để bảo đảm mùa vụ. Nhưng cũng chất lượng vừa phải, tuyệt đối thì rất khó. Rõ ràng giống cực ngắn là vấn đề cần giải quyết bởi vì rất bức bách.
Sạ có thể giảm đầu tư hơn cấy. Muốn cấy thì phải có chủ trương, quy hoạch lại đồng ruộng, nếu đưa được máy cấy vào thì có thể giải quyết được mùa vụ ở những khu vực này. 
Đáng chú ý, vùng này không thể có cây trồng nào khác ngoài lúa. Vùng này có thể chuyển đổi sang cá, tôm, cua. 
Tóm lại, muốn giải quyết vùng này cần bộ giống ngắn ngày. Từ sạ thì bây giờ chuyển sang cấy, phải  cấy bằng máy chứ lao động thủ công thì khó cho bà con thực hiện.

Nhiều năm qua, qua các hội nghị đầu bờ, cuộc khảo nghiệm giống, nhiều giống mới ở Quảng Điền đã được đưa vào sản xuất cho bà con nông dân (như Ma Lâm 48), từ thực tế địa phương và qua đợt triều cường vừa qua, vấn đề cơ cấu giống tại địa phương theo ông nên như thế nào để vừa đáp ứng được yêu cầu lương thực và chất lượng nông sản?

Nguyễn Thị Mỹ Hoa - hoa8989

Ông Hoàng Vọng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền

Trong những năm qua, Quảng Điền công tác khảo nghiệm giống được sự đầu tư thích đáng nên tìm ra được bộ giống cho năng suất cao như KH1, LDA1.. .từng bước thay thế giống dài ngày như 4B, 13/2... Đây là những giống dài ngày không còn phù hợp.

Chúng tôi đã tích cực vận động bà con nên giảm diện tích. Qua thực tế, nông dân đã giảm tương đối khá. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ giống dài ngày giảm còn 30%. Đến nay, còn 20%. Tuy vậy, vụ Đông xuân năm nay, cơ cấu 20% nhưng chỉ thực hiện được 9% do đồng ruộng bị ngập úng, không bố trí được như kế hoạch.

Yêu cầu về công tác giống hiện nay ở Quảng Điền, việc thay đổi giống để thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhất. Có những giống như LDA1, KH1... bước đầu rất thích hợp, cho năng suất cao, chất lượng tốt đã đưa vào cơ cấu bộ giống trên địa bàn. Về lâu dài, cần có giống cực ngắn, năng suất khá và có chất lượng tương đối để bố trí trong vụ Hè thu.

Ngoài ra, thực tế của địa bàn cần có giống chống nhiễm mặn để bố trí trên các chân đất ven phá. Tuy vậy, để chủ động thời vụ và khắc phục tình trạng ngập úng, Quảng Điền cần sự hỗ trợ của cấp trên đầu tư 2 tuyến đê là đê Bạch Đằng (đã đầu tư 2 tỷ đồng), và tuyến Đông Lâm.

Ở Quảng Vinh và thị trấn Sịa, sẽ cơ bản chủ động thời vụ và chống úng, nếu có những đợt lũ như vừa rồi xảy ra.

Người dân chăm sóc vụ lúa đông xuân. Ảnh: Lê Thọ

Bộ NN và PTNT đã thành lập hẳn một BCĐ thực hiện chương trình hành động thích ứng với BBĐKH. Ngành NN tỉnh đã có những hoạch định gì để “sống bền, sống khỏe” trước tình trạng thời tiết cực đoan như vậy thưa ông?

Lê Minh Tâm - Huongnguyen

Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh

Trước tình hình BĐKH, Bộ NN &PTNT đã thành lập hẳn một Ban chỉ đạo thực hiện chương trình hành động thích ứng với BĐKH. Riêng về phía tỉnh, trên cơ sở đó có có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và được UBND tỉnh phê duyệt. Đề án này có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề chống chọi với BĐKH. Cụ thể hơn, hiện đang rà soát, điều chỉnh, quy hoạch hệ thống thủy lợi trên toàn tỉnh để tính toán các hạng mục công trình, đảm bảo được sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, làm các quy hoạch khác như khai thác hải sản, khu neo đậu tàu cá, quy hoạch trồng trọt sản xuất tập trung hướng đến áp dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, đã xây dựng xong kế hoạch lũ tổng hợp trên lưu vực sông Hương đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo kế hoạch này, tổng hợp các nguồn lực đầu tư các hạng mục công trình để phục vụ cho việc sản xuất ngành nông nghiệp trước tình hình BĐKH đang diễn ra phức tạp.

Người nông dân hiện đại cần thay đổi nhận thức về sản xuất, theo ông, cần phải tác động mạnh đến khâu nào để giúp họ sản xuất hiệu quả và chất lượng hơn?

Hoài Thương - mangdo1312

T.S, nhà nông học Lê Tiến Dũng - nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế

Hiện nay, xu thế của thế giới và Việt Nam cổ vũ cho phong trào nông nghiệp công nghệ cao. Người nông dân hiện đại nếu ứng phó với biến đổi khí hậu bằng nông nghiệp công nghệ cao là việc có thể vươn tới, nhưng cần đầu tư lớn.

Tôi cũng tìm hiểu, thấy một số nông dân cũng đang áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đầu tư thấp.

Hiện nay thì có nông nghiệp đô thị, cần ít diện tích đất, người ta sẽ dựa vào thích ứng của cây trồng “sinh thái sống chung” (nhiều cây trồng, sinh vật có thể sống chung), từ đó hình thành nên nông nghiệp nhà tầng.

Tất nhiên, muốn làm  được vấn đề này cần chủ trương cụ thể của lãnh đạo địa phương, từ chủ trương đó có quy hoạch, có sự kêu gọi.

Nhân đây, đề nghị địa phương quy hoạch lại. Nếu nông dân mạnh dạn, chúng tôi sẵn sàng tư vấn để giải quyết vấn đề này.

Một phương pháp khác là nông nghiệp thích ứng, người nông dân cũng tìm cách để thích ứng, tồn tại. Nếu luôn bị ngập úng thì mình luôn chủ động mạ để cấy, điều này cần sự hỗ trợ nhất định.

Nông dân đề nghị có thể nuôi tôm, nuôi cá. Đề nghị lãnh đạo địa phương mạnh dạn chuyển đổi theo hướng đó.

Tóm lại có 2 hướng:

- Một là có thể chuyển đổi nông nghiệp công nghệ cao, dùng một diện tích cụ thể để làm.

- Hai là nông nghiệp thích ứng.

Bây giờ, chúng ta nói làm theo khoa học, nhưng thực sự là chưa theo khoa học. Quan niệm cho ăn với mật độ càng nhiều càng tốt, không định lượng. Điều này dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nhiều. Khi chúng ta có những quy trình cụ thể thì không thể xảy ra những vấn đề đó được.

Chúng ta có thể tự sản xuất thức ăn vật nuôi ở mức độ vừa phải, cho ăn những sản phẩm của mình, cho chất lượng cao. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng những sản phẩm tự nhiên để nuôi trồng, mà cái gì cũng sử dụng sản phẩm công nghiệp?

 

Cần thời gian bao nhiêu lâu để tiến đến sản xuất nông nghiệp thông minh và với tỉnh ta, đã thiết lập được mô hình tương lai hay có định hướng nào hay chưa?

Bùi Văn Chức - vanchuc

Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh

Sản xuất thông minh là mục tiêu mà chúng ta hướng đến, đó là sản xuất áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Sẽ có hệ thống giống, tưới, phân bón đáp ứng cho hướng đi này. Ngoài ra, sản xuất thông minh sẽ được áp dụng trong nhà màn, nhà lưới… Cùng với kĩ thuật canh tác, tạo ra sản phẩm chất lượng, vượt trội; gắn với thân thiện môi trường, tạo ra được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Về phía ngành cũng đã có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng đến sản xuất bền vững từ giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại đang xúc tiến, lập quy hoạch sản xuất vùng trồng trọt tập trung, sản phẩm an toàn với công nghệ VietGAP, sản xuất hữu cơ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Lộ trình đề án này hướng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Và nếu thực hiện đúng lộ trình sẽ mất khoảng thời gian 10-15 năm.

-Thưa ông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những dự án, chương trình đầu tư và hỗ trợ gì cho các địa phương, ngành nông nghiệp triển khai các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu?

Hoàng Hải Triều - haitrieutthue

Ông Nguyễn Văn Phương - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Trước khi nói đến các dự án liên quan đến BĐKH, chúng ta phải nói đến những công việc phát sinh cần làm do ảnh hưởng của thời tiết vừa qua khiến sông Hương, sông Bồ xuất hiện một số điểm sạt lở khá nghiêm trọng. Chúng tôi dự kiến cần đầu tư một nguồn lực lớn để xử lý cấp bách các điểm xung yếu. Trước mắt cũng như về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp các công trình nông nghiệp phục vụ đê bao nội đồng.

Liên quan đến BĐKH, chúng ta cần nâng cao năng lực quan trắc và cảnh báo thiên tai, để chủ động điều hành trong SXNN cũng như bảo đảm an toàn các công trình hồ đập.

Về lâu dài, tỉnh tiếp tục gia cố hồ chứa, đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ, rừng ven biển, đầm phá. Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện dự án trồng rừng phòng hộ, ngập mặn ven biển, đầm phá và được đánh giá rất hiệu quả.

Do điều kiện của chúng ta có nhiều bất lợi, địa bàn SXNN chủ yếu tập trung ở vùng thấp trũng. Nên khi dùng đê đập bao lại để bơm nước, không phụ thuộc nguồn nước xung quanh thì lại không phát huy nhiệm vụ thoát lũ. Nên trong quy hoạch thì không thể dựng một đê đập vượt quá cao trình được.

Về liên kết 4 nhà, khâu sản xuất không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng chính là khâu tiêu thụ. Để nhận ra một sản phẩm nông nghiệp sạch rất khó khăn, phải liên kết chuỗi siêu thị, các doanh nghiệp... Ngay như việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất tốn kém, nhưng bán cho ai là một vấn đề. Đã có nhiều mô hình thử nghiệm ở Quảng Điền, Phong Điền..., song đầu ra lại gặp nhiều khó khăn, nhiều mô hình phải bỏ cuộc. Hàng loạt doanh nghiệp trong ngoài tỉnh đã tham gia nuôi trồng với quy mô lớn, hy vọng thời gian tới, người dân sẽ được chuyển giao công nghệ nuôi, trồng để cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.

Khách mời chụp ảnh lưu niệm sau buổi giao lưu. Ảnh: V.Nhân

T.S, nhà nông học Lê Tiến Dũng - nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế

Tôi đang lập dự án thử nghiệm mô hình nông nghiệp thông minh. Lực lượng lao động tham gia rất ít, chủ yếu là tự động hóa hoàn toàn. Hệ thống điện chiếu sáng là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Điện lưới chỉ là điện hỗ trợ, điện sinh hoạt. Dùng yếu tố tự nhiên có thể khống chế các yếu tố môi trường.

Chúng tôi sẽ xây dựng mô hình trồng cây quanh năm vì có thể xử lý yếu tố nhiệt độ. Hy vọng nhận được sự quan tâm và chia sẻ để có thể phát triển mô hình này trong tương lai.