T.S Nguyễn Thị Hoa Phượng, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Sử - Địa - GDCD Trường THPT Hai Bà Trưng
Cảm ơn phụ huynh đã đặt câu hỏi rất hay. Đây cũng là trăn trở của nhiều giáo viên giảng dạy của tất cả các môn học, trong đó có môn GDCD. Có người cho rằng, một giáo viên dạy giỏi là người phải biết truyền cảm hứng cho học sinh. Cho nên, trước hết đòi hỏi giáo viên có chuyên môn giỏi, biết sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, khắc phục tính hàn lâm, thiếu thực tiễn của một số nội dung trong chương trình môn GDCD. Khi giảng dạy, giáo viên đưa vào bài giảng những câu chuyện, thông tin, tranh ảnh hay đoạn phim ngắn hoặc những tình huống thực tế gần gũi với học sinh... giúp các em nhận thấy bài học có giá trị đối với mình và các em có thể vận dụng được vào cuộc sống.
Thứ hai, để tạo hứng thú cho học sinh, giáo viên còn phải biết cách lôi cuốn các em. Lôi cuốn học sinh bằng nội dung dạy học, bằng phương pháp dạy học và còn bằng nghệ thuật diễn đạt. Cụ thể là qua giọng nói, trình bày, cách kể chuyện phải thu hút, duyên dáng, từ ngữ sử dụng phải phong phú, đôi lúc sâu sắc, đôi lúc phải dí dỏm, đôi lúc còn phải sử dụng ngôn ngữ của “tuổi teen” để gần gũi và hiểu các em hơn.
Thứ ba, giáo viên cần tạo tâm lý giờ học thoải mái, không gây áp lực cho học sinh. Muốn được như vậy, phải tạo sự tương tác giữa giáo viên và học sinh một cách gần gũi, thân thiện, cởi mở, chan hòa. Từ đó, học sinh sẽ cảm thấy việc học rất vui, không bị áp lực, gò bó.
Thứ tư, để tạo hứng thú cho học sinh, trước hết phải làm cho các em yêu môn học. Hơn ai hết, giáo viên phải là tấm gương sáng. Dạy học sinh hiểu bài thì dễ, nhưng dạy để truyền cảm hứng cho học sinh để các em hứng thú với bộ môn này thì đòi hỏi người giáo viên không chỉ có năng lực, giỏi chuyên môn, yêu nghề mà còn phải yêu học sinh, nhiệt tình, tâm huyết và có trách nhiệm cao đối với nghề nghiệp và học sinh.
Lê Thị Hồng Giang - Hiệu trưởng trường THCS Hàm Nghi
Theo tôi, đổi mới cách dạy theo hướng làm sao để các em yêu thích môn đó. Hiện ở trường tôi, các giáo viên dạy bộ môn này đã thay đổi nội dung các bài dạy, ví dụ cho học sinh tìm tòi từ đời sống của mình, đưa ra những câu chuyện từ đời sống học đường, cho các em làm những bài tập nhỏ và học sinh trình bày chia sẻ trước lớp. Tuy nhiên, dù thế nào thì giáo viên vẫn phải bám yêu cầu để hoàn thành chương trình; trong khi chương trình có những bất cập và nặng về lý thuyết quá khiến giáo viên phải chịu áp lực khi thực hiện nội dung bài học, còn các em cảm thấy chán môn học này.
Điều quan trọng khi học GDCD là học sinh hiểu và vận dụng được những kiến thức trong bài học vào đời sống, còn học thuộc lòng thì quên ngay và trở lại cách học cũ là học vẹt. Tôi thấy rất vui là giáo viên dạy bộ môn GDCD ở các trường tôi đã thay đổi phương pháp dạy học để giờ học GDCD trở nên thú vị và bổ ích.