Tuyển sinh Sư phạm: Bức tranh nhiều gam màu

Cách tính điểm năm nay trong việc tuyển sinh vào ngành Sư phạm ở ĐH Huế nói riêng và một số trường ĐH trong cả nước làm dấy lên những âu lo về chất lượng đội ngũ tương lai của ngành giáo dục. Từ đầu vào đến đầu ra, nhu cầu xã hội, cơ chế chính sách... cho ngành sư phạm hơn lúc nào hết đang được cả xã hội quan tâm và luận bàn. Liệu ngành sư phạm có còn hấp dẫn? Chuyện gì đang xảy ra sau câu chuyện tuyển sinh năm nay?

Mời bạn đọc gửi câu hỏi cho các khách mời đến từ ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm, Trường CĐ Sư phạm, Sở Giáo dục và Đào tạo; cựu cán bộ quản lý ngành sư phạm.

Trong chương trình giao lưu này, Báo Thừa Thiên Huế Điện tử sẽ dành hai phần quà là hai card điện thoại mệnh giá 200 nghìn đồng/ thẻ cho hai câu hỏi hay nhất của bạn đọc gửi đến. Vui lòng gửi kèm số điện thoại cùng câu hỏi!

Cách tính điểm năm nay của hệ thống trường SP có khác nên gây ra nhiều hiểu nhầm trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, so với cách tính cũ, điểm chuẩn năm nay thấp hay cao hơn so với năm trước?

Phan An Thuật - anthuat

Th.S Nguyễn Văn Hòa - Phó phòng Đào tạo Trường ĐHSP

Ảnh: Mai Viên

 

Điểm chuẩn được tính như sau:

Điểm trung bình môn: 5,17

Điểm quy chuẩn là điểm trung bình chung có trọng số cho từng môn thi, nên so sánh với điểm tổng là không thể so sánh. Với điểm trung bình chung có trọng số này là do ý kiến của các chuyên gia của Bộ.

Nhưng Cục Khảo thí không lường hết, cảnh báo với Bộ để thông tin với toàn xã hội.

Đó là lý do rất nhiều người không hiểu hết điểm quy chuẩn, do điểm quy chuẩn có tính kỹ thuật. nên trường làm động thái thứ hai là tính lại điểm xem thử tất cả những ngành mình tuyển thì điểm quy chuẩn như thế nào?

Tiếp theo là điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển.

Chất lượng tuyển sinh phụ thuộc vào điểm trúng tuyển.

Do đó ở trường ĐH Sư phạm Huế, sẽ tính điểm trung bình chung trúng tuyển của từng ngành và so sánh với điểm trung bình năm 2016.

Trong 4 ngành, toán - lý - hóa - sinh có giao động 0,5 điểm so với 2016. Mặc dù năm nay thi trắc nghiệm, phổ điểm cao hơn, nhưng tập trung hầu hết rơi vào các trường tuyển sinh chất lượng cao. Khối A điểm phổ biến là 17 - 19 điểm.

Hầu hết tất cả ngành trường tuyển rơi vào 19,5 - 28,75.  Điểm trung bình chung toàn trường thì trường có điểm trung bình chung vượt 1,11 điểm. Phổ điểm năm ngoái thấp hơn năm nay 1 điểm.

Kết luận, về cơ bản toàn trường ổn định so với 2016, chỉ có một số ngành cao hơn do nhu cầu xã hội. Đầu vào của ngành tiểu học tăng đột biến, trung bình mỗi môn thi 8 điểm. Ngành Giáo dục Chính trị 23 điểm - tăng từ 6 - 7 so với những năm trước, Giáo dục Quốc phòng an ninh tăng lên 21,6 điểm.

Hầu hết tất cả ngành trường tuyển rơi vào 19,5 - 28,75. So với điểm trung bình chung trúng tuyển toàn trường thì 2017 trường có điểm trung bình chung cao hơn 1,11 điểm. Phổ điểm năm ngoái thấp hơn năm nay 1 điểm.

Do Bộ GD&ĐT thiếu thông tin đối với xã hội, làm cho xã hội không nhận thức điểm quy chuẩn là điểm kỹ thuật, dùng điểm này để so sánh với điểm sàn là bất hợp lý.

Các thí sinh trao đổi sau một môn thi kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Phan Thành

T.S Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

12,75 là điểm kỹ thuật (ngưỡng chất lượng xét tuyển tổng ba môn phải lớn hơn hoặc bằng 15,5), cần phân biệt điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển. Trường điểm trúng tuyển năm nay tất cả các ngành cao hơn năm ngoái 1-3 điểm, có ngành cao hơn tới 6 điểm như Giáo dục chính trị, … Vì vậy, khẳng định điểm trúng tuyển năm nay cao hơn các năm trước, đặc biệt là phổ điểm trúng tuyển của Trường đại học Sư phạm Huế năm nay là 20,99 điểm (mỗi môn trung bình là 7 điểm) cao hơn năm trước.

Cả nước có 21 trường ĐHSP có các ngành bằng điểm sàn của Bộ GDĐT, trong đó ĐHSP Huế có Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Lịch sử điểm chuẩn là 12,75. So với điểm chuẩn năm 2016, dễ nhận thấy nhiều ngành sư phạm của trường có chuẩn giảm mạnh như ngành Sư phạm Toán giảm 5,5 điểm, Sư phạm Hoá giảm 3 điểm.Với mức này trúng tuyển để trở thành người thầy tương lai, liệu có phải là có vấn đề hay không?

Vân Thu - thuvan44

T.S Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

T.S Lê Anh Phương (thứ hai phải sang). Ảnh: Phan Thành

Chúng tôi khẳng định chất lượng đào tạo của trường ĐHSP rất tốt, được xã hội công nhận, nhiều sinh viên của trường hiện giữ các chức vụ cao trong ngành giáo dục (Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam,...) đều là sinh viên của trường. Điểm đầu vào có ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Tuy nhiên, đó không phải tất cả mà quan trọng là quá trình đào tạo theo chuẩn đầu ra của nhà trường đã được ban hành. Chưa có đánh giá cụ thể về chất lượng sản phẩm đào tạo Sư phạm không đáp ứng được yêu cầu của ngành giáo dục đặt ra. Số trường sư phạm Bộ quản lý đào tạo chưa tới 10.000 sinh viên sư phạm trong khi đó các trường đại học địa phương hơn 40.000.

Sư phạm Huế là một trong 20 trường đánh giá ngoài chu kỳ 1 năm 2007. Đến năm 2017, trường đã được đánh giá ngoài chu kỳ 2 bởi Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết quả đánh giá ngoài khá tốt, đó là một khẳng định về chất lượng của nhà trường đối với xã hội.

Thí sinh đến nộp hồ sơ xác nhận nhập học tại ĐH Huế. Ảnh: Hữu Phúc

Một số ngành sư phạm hệ ĐH đã thấp, vậy thì hệ CĐ như thế nào, cô có thể chia sẻ tình hình tuyển sinh đơn vị những năm gần đây

Nguyễn Minh Đức - ducstar

T.S Đặng Thị Quỳnh Lan - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Huế

Ảnh: Mai Viên

Đối với Trường CĐSP Huế, 2 năm gần đây, tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, đó cũng là khó khăn chung của cả nước về tuyển sinh CĐSP. Trước tiên, các em chọn vào các trường ĐH sau đó mới xét vào trường CĐSP. Một số ngành như, sư phạm Mầm non, sư phạm Giáo dục tiểu học, sư phạm tiếng Anh số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khá cao. Trong khi đó, một số ngành như, Âm nhạc, Mỹ thuật rất khó tuyển sinh ngay cả với hệ đại học.

Chúng tôi cũng nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dự kiến xây dựng lại mạng lưới các trường sư phạm, tuy nhiên chưa rõ lộ trình. Hiện trường vẫn đào tạo một cách tốt nhất cho các em ra trường.

Tự chủ là xu thế tất yếu của giáo dục đại học. Điểm chuẩn nhiều năm qua, đặc biệt năm nay của Trường ĐH Sư phạm thấp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tiến đến tự chủ của trường (khi việc thu hút người học đang khó khăn)

Nguyễn Thanh Phú - phunguyen

T.S Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

Số thí sinh đăng ký vào trường đến thời điểm này là 1.076, chiếm hơn 80% chỉ tiêu. Kết quả phổ điểm trung bình là 20,99 (trung bình một môn khoảng 7 điểm). Sinh viên sư phạm không nộp học phí và trường không thu bất cứ lệ phí nào. Trường sẽ có lộ trình tiến tới tự chủ khi có chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Có phải ngành Sư phạm điểm chuẩn thấp vì nguồn tuyển khan hiếm?

Quangf - minhquannguyen

Th.S Nguyễn Văn Hòa - Phó phòng Đào tạo Trường ĐHSP

Rõ ràng, số lượng có khả năng tuyển được so với tổng chỉ tiêu là không thiếu.
Việc thông báo thông tin về “nguồn tuyển khan hiếm” là không chính xác. Theo chúng tôi nhận định, đó là thông tin làm nhiều bậc phụ huynh lo lắng về sư phạm khiến bức tranh tuyển sinh sư phạm ảm đạm. Tuy nhiên, nguồn cung ứng đối với sư phạm đều có.
Trường mong muốn hệ thống thông tin báo chí phải cân nhắc trước ma trận thông tin.
Bên cạnh đó, so với trường sư phạm trên toàn quốc, trường chúng tôi vẫn luôn là trường có chất lượng cao.

T.S Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Ảnh: Phan Thành

Mỗi trường cao đẳng sư phạm đặt trong một điều kiện khác nhau, riêng Trường cao đẳng Sư phạm Huế gặp phải khó khăn bởi đã có Trường đại học Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học, mầm non trình độ cử nhân

Ngoài ra còn có Trường đại học Nghệ thuật đào tạo giáo viên mỹ thuật hội họa; Học viện Âm nhạc Huế đào tạo cử nhân môn âm nhạc trình độ đại học nên việc tuyển sinh rõ ràng gặp khó khăn.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT chỉ đạo đưa cao đẳng trở thành vệ tinh của các trường đại học, tạm gọi là đối tác nối dài trong chuỗi đại học sư phạm chủ trì. Chức năng dần dần làm công tác bồi dưỡng giáo viên cho các cấp học tương ứng như mầm non, tiểu học...

ĐH Sư phạm Huế có cách nào để giải quyết bài toán tuyển đủ đồng thời tuyển được những học sinh có chất lượng vào trường? Làm sao để giữ được chất lượng và thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay?

Phan Thị Bích Hồng - hongphan1213

T.S Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

Sư phạm có các ngành đào tạo chuyên môn bằng tiếng Anh vì nhận thấy đây là nhu cầu xã hội và để đáp ứng được nhu cầu đó thì trường đã đào tạo, chất lượng được xã hội đánh giá cao. Ví dụ như khóa Sư phạm toán vừa rồi 17 bạn đều có việc làm trong đó có 3 sinh viên được học bổng nước ngoài. Trường đã xây dựng và tuyển sinh đào tạo ngành Vật lý, Tin học, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh. Tôi tin chắc chắn rằng sẽ đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là thời kỳ hội nhập. Là trường sư phạm đầu tiên có sinh viên ngành Mầm non và Tiểu học thực tập tại nước ngoài (Thái Lan). Các bạn này sau khi đi thực tập không những trình độ tiếng Anh mà chuyên môn cũng được nâng lên. Các sinh viên này đã được xã hội đón nhận, đặc biệt là các trường quốc tế đánh giá cao. Đó cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đầu ra của trường.

Số thí sinh đăng ký vào trường đến thời điểm này là 1.076, chiếm hơn 80% chỉ tiêu. Kết quả phổ điểm trung bình là 20,99 (trung bình một môn khoảng 7 điểm). Sinh viên sư phạm không nộp học phí và trường không thu bất cứ lệ phí nào. Trường sẽ có lộ trình tiến tới tự chủ khi có chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Th.S Nguyễn Văn Hòa - Phó phòng Đào tạo Trường ĐHSP

Trong lộ trình giảm chỉ tiêu, mỗi năm giảm 20%, trước đây năng lực của trường có tuyển 1,8-2 nghìn, từ năm 2015 giảm xuống còn 1,3-1,5 nghìn.

Đối với việc tuyển đủ, chất lượng, đó là bài toán của tất cả các trường, chứ không riêng trường ĐH Sư phạm hay ngành sư phạm. Chỉ có thể tác động ở cấp vĩ mô: chủ trương chính sách của Nhà nước. Cấp vi mô là chính sách của địa phương và của cấp trường: tạo cơ hội cao nhất đối với người học. Vì vậy, thông tin cho xã hội thấy những cái trường có thể làm được để thu hút người học.

Một tiết học ở Trường đại học sư phạm. Ảnh: Ngọc Hà

Việc tuyển dụng giáo viên ở tỉnh ta hiện nay như thế nào trong khi giáo viên cả nước đang thừa 27.000 người, có số liệu, thống kê hay đánh giá nào về chất lượng sản phẩm đào tạo của ngành SP ở Huế không?

Nguyễn Minh Mạnh - nmm1898

T.S Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Thống kê thừa giáo viên hiện nay vẫn là con số tương đối, có thể vẫn còn thừa nhiều giáo viên.

Đối với Thừa Thiên Huế có tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Có loại hình này thừa, loại hình kia thiếu. Ví dụ như giáo viên tiểu học và THCS thừa còn khối mầm non thiếu giáo viên; có huyện này thừa huyện kia thiếu… Tuy nhiên việc thừa và thiếu giáo viên không nhiều. Khối mầm non thiếu do chưa tuyển kịp.

Do vậy, việc tuyển dụng diễn ra bình thường. Môn nào, loại hình nào thiếu thì tuyển nhưng tuyển cho những vị trí cụ thể. Lý do việc tuyển ít do số lượng học sinh giảm nhanh, số lượng lớp giảm dần nên yêu cầu về đội ngũ giáo viên giảm dần.

Về chất lượng đào tạo của ngành sư phạm ở Huế thì chưa có một khảo sát đánh giá chính thức của cơ quan chức năng. Riêng cá nhân tôi, chất lượng sản phẩm có nhiều mức: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình nhưng khái quát chung đa số sinh viên ra trường kiến thức tốt hơn kỹ năng, lý thuyết thông thạo hơn thực tiễn.

Một tiết học ở lớp toán dạy bằng tiếng Anh ở Trường ĐH Sư phạm Huế. Ảnh: Hữu Phúc

T.S Đặng Thị Quỳnh Lan - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Huế

Đối tượng tuyển vào các ngành sư phạm của trường phải có hộ khẩu tại địa bàn tỉnh. Để nắm được chất lượng sản phẩm đào tạo trường dựa vào kết quả các đợt thực tập, lấy ý kiến các nhà tuyển dụng, hiệu trưởng các trường nơi các em theo thực tập và làm việc. Nhìn chung, chất lượng sản phẩm cho ra tốt, nhưng cần bồi dưỡng thêm kỹ năng để đáp ứng nhu cầu giáo dục hiện nay. Ngoài các kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, trường dạy thêm một số chứng chỉ liên quan nhưng múa, đoàn đội...

Có thể nói rằng, mặc dù đầu vào điểm không cao, nhưng với tâm huyết và năng lực chuyên môn cao, giảng viên trường CĐSP Huế vẫn đào tạo sinh viên ra trường có đày đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.

T.S Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

Để có đánh giá chính xác thì chưa có vì chưa có bộ chỉ số để đánh giá. Vừa rồi họp các trường đại học trọng điểm, 7 trường đại học Sư phạm trọng điểm đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho làm đề án thử nghiệm về việc đánh giá chất lượng đầu ra của giáo viên.

Thứ hai, ĐH sư phạm Huế đào tạo rất nghiêm túc. Tỉ lệ tốt nghiệp đợt 1 từ 70-80%. Thứ ba, trong các đợt tổng kết và đánh giá sau khi sinh viên đi kiến tập và thực tập, lãnh đạo các trường mà sinh viên đến thực tập đánh giá cao sinh viên Trường ĐH sư phạm Huế. Tuy nhiên một số kỹ năng còn chưa tốt, đó là một kênh thông tin quan trọng để nhà trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thêm về kỹ năng cho sinh viên để sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu xã hội.

Sinh viên sư phạm trong giờ thực hành. Ảnh: Ngọc Hà

Những con số cho thấy bất cập trong đào tạo ngành SP: chỉ tiêu ngành SP 2017 là 52.000, giảm 20% so với năm ngoái, tuy nhiên, số ngành mới mở tăng lên 13; có quá nhiều trường đào tạo (58 trường ĐH, 57 trường CĐ, 40 trường trung cấp)… Giáo viên vẫn thừa 27.000 người trong khi các trường vẫn tuyển, đào tạo…
Lý luận dạy học trên thế giới đều khẳng định: Người giáo viên hiện đại phải là một chuyên gia giáo dục, biết 10 mới dạy được 1-2. Với đối tượng “sinh viên trúng tuyển điểm sàn”, các trường đại học liệu có phương án gì để biến họ trở thành những thầy cô giáo tỏa về các địa phương dạy dỗ?

Phúc - lhphuc

PGS. TS Nguyễn Thám - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

Ảnh: Phan Thành

Xã hội đang quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo viên. Năm nay phổ điểm kỳ thi THPT cao hơn năm ngoái nhưng thực tế sinh viên giỏi ít chọn vào sư phạm. Nguyên nhân quan trọng nhất là vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Giải pháp nâng cao chất lượng, trước hết từ trung ương đến địa phương phải có những hành động quyết liệt, có giải pháp hợp lý, quan tâm đầu tư giáo dục thực thi đường lối “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.

Về mặt tuyển sinh, hiệu trưởng các trường sư phạm cần trao đổi những giải pháp tuyển sinh để tuyển được những sinh viên giỏi và phù hợp như tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Khâu tuyển dụng hiện nay còn nhiều bất cập, cần thay đổi, cơ chế hỗ trợ giáo viên cũng cần có sự quan tâm hơn.

Các thí sinh tại một phòng thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Phan Thành

Nhiều ý kiến cho rằng ngành Sư phạm mấy năm nay đã không còn hấp dẫn. Ông nghĩ sao về điều này Nguyên nhân sinh viên không mặn mà với Sư phạm theo các thầy là gì?

Nguyễn Thị Ý Như - nhuyngn

PGS. TS Nguyễn Thám - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

Sinh viên giỏi không mặn mà với sư phạm, đây là thực tế. Nguyên nhân là do việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp khó khăn. Gia đình cũng là yếu tố tác động đến lựa chọn ngành nghề của sinh viên.

Giải pháp chính là cần có cơ chế chính sách hợp lý cho sinh viên sư phạm ra trường, mới thu hút được nhiều sinh viên giỏi lựa chọn ngành này.

Một tiết học ở Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế. Ảnh: Ngọc Hà

T.S Đặng Thị Quỳnh Lan - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Huế

Ngành sư phạm không phải là không còn hấp dẫn, với các chế độ đãi ngộ cho sinh viên thì các em vẫn ước mơ được học sư phạm. Hiện nay, đang thừa giáo viên, việc tìm việc làm khá khó nên đã ảnh hưởng phần nào đến việc lựa chọn ngành nghề.

Ngoài việc giảng dạy ở trên lớp, giáo viên phải dành nhiều thời gian ở nhà để nghiên cứu, soạn giáo án. Đối với các trường mầm non, giáo viên phải làm việc cả ngày, khó khăn đối với đời sống sinh hoạt gia đình...Đó cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc chọn nghề đối với các em.

T.S Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Tôi nghĩ số lượng sinh viên mặn mà với sư phạm có giảm vì những học sinh xuất sắc không chọn vào sư phạm.

Nguyên nhân vì sự "chật hẹp" của đầu ra; cuộc sống đội ngũ giáo viên hiện nay khó khăn, chật vật nên học sinh giảm quyết tâm.

Có nhiều vấn đề đặt ra nếu muốn giải quyết vấn đề này vì nền kinh tế thị trường giúp học sinh có nhiều lựa chọn.

Tại Huế hiện nay có hai trường đào tạo các ngành sư phạm song song cùng tồn tại là Trường ĐH Sư phạm và Trường cao đẳng Sư phạm. Khi ra trường, dù bằng cấp của sinh viên học hệ cao đẳng đạt loại giỏi nhưng trong tuyển dụng, ưu tiên vẫn dành cho các ứng viên có bằng cấp cao hơn (đại học, thạc sĩ,...) dù bằng cấp họ chỉ đạt loại trung bình, khá. Liệu đây có phải là bất cập? Trường hợp này sẽ khiến việc thu hút người học cao đẳng sư phạm khó hơn? Giải pháp cho vấn đề này là gì?

Phạm giang thao - thaogiangpham88

T.S Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Người được giao thẩm quyền tuyển dụng phải tuân thủ các văn bản pháp quy.

Tuyển dụng sẽ xét trên năng lực thực tiễn, đơn vị tuyển dụng tìm cách lấy người giỏi hơn.

Trong hệ thống tiêu chí để tuyển dụng, thạc sĩ, cử nhân xuất sắc, giỏi đứng trên. Tiêu chí đó cộng với cuộc phỏng vấn rất sòng phẳng giữa các loại hình.

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Phan Thành

Nếu sinh viên cao đẳng kết quả học tập xuất sắc, kết quả phỏng vấn tốt thì vẫn có cơ hội vượt qua được thạc sĩ và cử nhân. Song vẫn khó khăn bởi sinh viên cao đẳng chuẩn đầu vào có thời gian học tập và dung lượng kiến thức khó cạnh tranh với thạc sĩ, cử nhân. Điều kiện nộp hồ sơ thì có nhưng cơ hội trúng tuyển khó nếu năng lực thực sự không tốt.

Giải pháp sắp tới có thể sắp xếp lại hệ thống các trường cao đẳng sư phạm, nên chăng đào tạo trực tuyến, và bản thân năng lực các em phải trau dồi.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 14 trường đại học sư phạm, 58 trường có đào tạo sư phạm và 33 trường sư phạm chuyên ngành. Trong đó, riêng 14 trường đại học sư phạm đã có quy mô trên 151.000 sinh viên.

Ở một số nước trên thế giới, cách làm giáo dục chấp nhận mở đầu vào nhưng siết đầu ra, tuy nhiên ở Việt Nam nói chung và Huế nói riêng, dư luận cho rằng đã có xu hướng “phổ cập Đại học” mà chưa có quá trình để sinh viên tự đào thải, gần như vào được ĐH là dễ dàng ra trường. Các thầy, cô nghĩ sao về vấn đề này? Giải pháp để siết đầu ra?

Võ Vũ Huy - vvhuy

Th.S Nguyễn Văn Hòa - Phó phòng Đào tạo Trường ĐHSP

Đối với ngành Sư phạm toán, tỷ lệ tốt nghiệp trung bình trong 5 năm qua dưới 75%.

Bên cạnh đó, khả năng sinh viên bị đào thải, cũng trên mức trung bình. 8-10% sinh viên đến kỳ xét tốt nghiệm thì xin tạm ngưng để tiếp tục học cải thiện và nâng cao điểm.

Như vậy, không phải 100% sinh viên vào trường để phổ cập đại học, rồi tốt nghiệp ra đi làm.

Qua đó, cho thấy đầu vào và đầu ra được siết chặt để đảm bảo chất lượng. Chất lượng luôn là vấn đề hàng đầu của quá trình đạo tạo ở trường.

Trường ĐH Sư phạm Huế đưa ra 6 giải pháp:

1. Đào tạo theo CHUẨN đã được công bố theo từng NGÀNH đào tạo

2. Thực hiện kiểm định chất lượng cấp trường và kiểm định chương trình đào tạo

3. Cập nhật, điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở tất cả các ngành học

4. Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; nâng cao năng lực tự học, tìm tòi sáng tạo của người học

5. Tăng cường các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm; phát triển và nâng cao năng lực sư phạm

6. Tăng cường huấn luyện kỹ năng mềm…

Thí sinh ra về sau kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Hữu Phúc

T.S Đặng Thị Quỳnh Lan - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Huế

Ở Trường CĐSP Huế, hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp không đúng hạn và không được tốt nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 15%). Giải pháp, theo tôi để siết đầu ra là thay đổi cách đánh giá và nâng chuẩn đầu ra.

Trong khi khối ngành Công an, Quân đội, Y, Dược điểm chuẩn lên chạm đỉnh, thì điểm của các trường khối sư phạm lại đang có chiều hướng đi xuống. Nếu không thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục... thì cải cách, đổi mới trong giáo dục sẽ thất bại. Vậy ở thời điểm này hệ thống giáo dục chúng ta thiếu gì, cần làm gì vào lúc này?

Tô Ngọc Dương - duongtn

PGS. TS Nguyễn Thám - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của nền giáo dục. Tôi nghĩ, cần có cơ sở dữ liệu giáo viên hiện tại, sinh viên có việc làm sau khi ra trường và những dự báo cho thời gian tới.

Vấn đề này cần Bộ GD&ĐT, các cơ quan ban ngành liên quan phải có những giải pháp quyết liệt như, quy hoạch lại mạng lưới đào tạo sư phạm; chủ động rà soát và giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm về vấn đề tuyển sinh nhằm từng bước cân đối đầu vào – ra; cần có chế độ chính sách cho ngành giáo viên bởi đây là một ngành đặc thù.

T.S Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Tôi không đồng tình với nhận định: “Nếu không thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục... thì cải cách, đổi mới trong giáo dục sẽ thất bại”. Vì chủ trương đổi mới của chúng ta là căn bản, toàn diện bao gồm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, cơ chế chính sách, cơ chế quản lý... không chỉ mỗi khâu thu hút sinh viên, nên nhận định đó không thỏa đáng lắm.

Thí sinh đến tìm hiểu thông tin đợt xét tuyển bổ sung đợt 1. Ảnh: Hữu Phúc

Song, nếu các trường sư phạm không thu hút được người giỏi thì đổi mới cũng gặp khó khăn nhất định. Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã vào cuộc và chúng ta đang chờ tín hiệu mừng cho việc đào tạo giáo viên sắp tới.

Theo tôi, cần phải có một số cách làm: Các trường sư phạm phải đổi mới đào tạo, đầu tư công sức, trí tuệ lớn hơn; đánh giá chặt và sàng lọc kỹ để đảm bảo chuẩn; kết nối tốt với giáo dục phổ thông; có cách quản lý thông minh để mọi giáo viên phải cố gắng…

T.S Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

Cần có hiệp hội giáo viên thực hiện việc xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá đầu ra của sinh viên sư phạm. 7 trường đại học sư phạm trên cả nước cũng đã đề xuất với Bộ GD&ĐT.

Phải đào tạo và bồi dưỡng lại tất cả giáo viên ở các trường trung học phổ thông, tiểu học, mầm non để đáp ứng yêu cầu việc đổi mới giáo dục phổ thông, tiểu học, mầm non trong thời gian tới. Các địa phương cần dành nguồn kinh phí cho việc bồi dưỡng đào tạo lại giáo viên và phải được các trường đại học sư phạm thực hiện. Bồi dưỡng hai nội dung: nội dung mới và nội dung giáo viên cần. Hai cái đó tôi nghĩ sắp tới phải làm quyết liệt; ban hành chuẩn giáo viên, từ đó có kế hoạch khảo sát đánh giá và thực hiện bồi dưỡng đạt chuẩn đối với giáo viên.

Tra từ khoá \"sinh viên sư phạm thất nghiệp\" ra 2.150.000 tin chỉ trong 0,69 giây. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên. Để giải quyết tình trạng khủng hoảng thừa giáo viên giảm chỉ tiêu hàng năm thôi đã đủ chưa? (CĐSP, ĐHSP, Sở GD, ĐH Huế) Quy mô đào tạo cần có sự điều chỉnh như thế nào cho phù hợp?

Ngọc Thu - thungochue

T.S Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Giảm chỉ tiêu chưa hẳn nâng cao chất lượng và chưa hẳn thu hút người giỏi, xuất sắc, vì giảm chỉ tiêu thường có một hệ lụy là ít người đăng kí dự tuyển hơn. Vấn đề phải giải quyết bằng một cơ chế, chính sách mạnh và đồng bộ.

Ra trường bố trí việc làm cũng khó, trước hết phải bố trí số giáo viên đã được đào tạo bằng ngân sách Nhà nước nhưng chưa có việc làm hiện nay sau đó mới tính đến số tuyển gần đây và những năm sau.

T.S Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

Thiếu thừa là cục bộ chứ không phải toàn cục. Giảm chỉ tiêu cũng là một trong những biện pháp, tuy nhiên phải có điều tra hay dự báo chính thức về số lượng thừa thiếu giáo viên. Đây là một giải pháp phải tính đến để có biện pháp thực hiện.

Th.S Nguyễn Văn Hòa - Phó phòng Đào tạo Trường ĐHSP

Đối với trường ĐH Sư phạm, trường đã có cuộc họp nhằm dự báo chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ chính quy, căn cứ vào kết quả tuyển sinh ĐH trong 5 năm.

Một phòng thi tại kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Hữu Phúc

Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay: 45-47% tỷ lệ sinh viên có việc làm.

Chúng tôi kết luận, chỉ tiêu tổng thể phải giảm dần, từ tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp hơn, do chỉ tiêu ở các cơ sở tuyển dung thấp hơn. Đặc biệt là ngành tin, khả năng tuyển dụng thấp, số lượng tiết tin trong trường THPT ít, hiện nay trường tuyển còn chỉ 1 lớp 40-50 em.

Do đó, trường có định hướng những ngành xã hội có nhu cầu như Mầm non, Tiểu học, Toán; những ngành dư thừa hạ chỉ tiêu xuống, như ngành Địa, Sử, …

Đảm bảo ra trường có việc làm không chỉ là việc của trường, mà cần chính sách hỗ trợ của địa phương, của Nhà nước.

Trong buổi làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước vừa diễn ra chiều 16/8. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết để nâng cao chất lượng đầu vào, năm 2018, Bộ sẽ có quy định điểm sàn riêng đối với các ngành sư phạm. Quan điểm của Trường ĐH Sư phạm Huế về vấn đề này?

Nguyễn Bình An - binhan123

T.S Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế

Các trường đại học sư phạm trọng điểm có đề nghị có phương án tuyển sinh riêng (có thể là có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) vì điểm chuẩn thấp chủ yếu do các trường đại học địa phương. Do đó, nên có phương án tuyển sinh riêng cho các trường sp để đảm bảo chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, các trường sư phạm phải được cấp kinh phí theo năng lực đào tạo nhằm đáp ứng tốt việc dạy và học ở các trường sư phạm, đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà.

Th.S Nguyễn Văn Hòa - Phó phòng Đào tạo Trường ĐHSP

Bộ có thể xây dựng điểm sàn, nhưng đi kèm cần những chính sách hỗ trợ, phải yêu cầu điểm đó áp dụng cho những đơn vị tuyển sinh viên sư phạm, chứ không đơn thuần đối với ĐH Sư phạm.

T.S Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Quy hoạch, sắp xếp phát triển hệ thống trường và khoa đào tạo sư phạm là đúng tuy nhiên phải làm ngay và kịp thời, chậm một năm là lỗi một thế hệ.

Nếu giao quy định điểm sàn riêng sư phạm là để “phanh” để không xuống quá thấp, để không phải tuyển sinh, đào tạo bằng mọi giá, mọi ngưỡng.

Có hay không dự báo nhân lực trong ngành sư phạm? Mới đây (16/8), trong buổi làm việc giữa Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các trường sư phạm, Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ phân khối sư phạm cũng như quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Thầy cô nghĩ như thế nào về phương án này, với thực trạng ngành SP ở Huế, có những khó khăn gì không và tâm thế chuẩn bị như thế nào?

Thành Hoa - thanhhoa1979

T.S Đặng Thị Quỳnh Lan - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Huế

Bộ GD&ĐT cần có phương án quy hoạch mạng lưới các trường Sư phạm sao cho phù hợp. Rà soát các trường không đủ điều kiện để đào tạo giáo viên thì không được đào tạo; phân cấp đào tạo để các trường Cao đẳng trọng điểm mới tồn tại được.

T.S Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Theo tôi các trường cao đẳng sư phạm đi theo hướng vệ tinh trường đại học sư phạm, bồi dưỡng giáo viên mầm non, tiểu học là đúng.

Th.S Nguyễn Văn Hòa - Phó phòng Đào tạo Trường ĐHSP

Trường rất ủng hộ việc quy hoạch này, đối với các trường thì đã chuẩn bị lâu, cả phương án, chương trình, nội dung.

Các trường sẽ đón nhận việc này với hành trang đã chuẩn bị từ đầu, chứ không phải bất ngờ hay bị động.

Khách mời chụp ảnh lưu niệm sau chương trình giao lưu

Chương trình giao lưu trực tuyến đến đây xin kết thúc, những câu hỏi gửi đến sau chúng tôi sẽ chuyển đến khách mời để trả lời cho bạn đọc.

Xin cảm ơn bạn đọc đã theo dõi và tương tác!

Báo Thừa Thiên Huế Online