ClockChủ Nhật, 09/07/2017 19:24

Sài Gòn hẻm

TTH - Trong cái nắng của Sài Gòn ngày hè, là câu chuyện những con hẻm đã bao mùa mưa nắng vẫn đón đưa, đợi chờ…

Một số hẻm trên phố Tây Phạm Ngũ Lão vẫn giữ lại hồn văn hoá Sài Gòn trong ngày cũ. Trong ảnh là một quán cà phê có kiểu bài trí như cách đây 50 năm

Hẻm, ngõ rồi cũng như con đường mòn đơn độc, hẩm hiu nếu không bao bọc, chạy quanh xóm, nhà. Ngoằn ngoèo hay thẳng tắp, bụi bặm hay gập ghềnh, hẻm ngày đêm gánh vác, sẻ chia bao nỗi nhọc nhằn, hân hoan cùng những ước mơ, hạnh phúc, chuyên chở bao câu chuyện đời, chuyện tình yêu… Từ xa xưa, hẻm là hình ảnh chốn Bùn lầy nước đọng của những mảnh đời lầm than trong Bước đường cùng, bức tranh phủ đầy những mảng màu nâu, tối buồn bã đã được các nhà văn thời Tự lực Văn đoàn tả thực vào những năm 30-40 thế kỷ trước.

Ngõ hẹp, xóm nghèo không chỉ là bóng hình của ký ức, hoài niệm khó quên, mà còn gợi nhiều cảm xúc trong sáng tác văn chương, nghệ thuật. Con hẻm của thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1943) buồn “hiu hiu” và câu thơ cuối đã lưu truyền trong dân gian như lời than thở của bi quan, yếm thế: "Mưa lùa gian gác xép. Lá rơi đầy ngõ hẹp. Đời hiu hiu xế tà… Đời tàn trong ngõ hẹp". Ngõ của nhà thơ Cung Trầm Tưởng (1959) cũng buồn, dù trong một đêm hẹn hò: "Em có nghe mơ hồ. Bước ai thao thức. Gõ nhịp hẹn hò. In dài ngõ cụt…" mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành ca khúc Bên ni bên nớ nổi tiếng một thời. Đó là ngõ của mùa thu Hà Nội, Huế.

Hẻm Sài Gòn chỉ hai mùa mưa nắng nhưng vẫn có đủ chuyện bốn mùa. Là lối đi nhỏ nhất trong hệ thống đường sá đô thị, nhưng hẻm lại chất chứa trong nó đầy ắp những hỉ, nộ, ái, ố cùng lẽ vô thường cõi nhân gian. Chuyện xóm là chuyện hẻm. Hẻm biết nhiều chuyện hơn cư dân xóm vì họ thường trò chuyện, gặp nhau ngoài ngõ. Hẻm không rộng nên người trong hẻm gần gũi, thân tình. Đi vào hẻm là đi vào không gian Việt mà lại rất riêng Sài Gòn: cảnh huyên náo, tấp nập đan xen nhiều quãng lặng. Sài Gòn đi qua quá nhiều biến động mà người trong hẻm luôn là nhân chứng cận kề nên những quãng lặng kia như người láng giềng ngồi bên nhau, nhìn hôm nay mà nghĩ chuyện hôm qua, chuyện ngày mai... Hẻm thức dậy rất sớm, rầm rì cuộc mưu sinh, chuyện hàng xóm, thế thái nhân tình… đến quá nửa đêm, lúc tiếng rao hàng dạo không còn, hẻm mới chập chờn vào giấc ngủ.

Hẻm Sài Gòn không chỉ giữ vai trò là lối đi, mà còn là không gian để cư dân sống nơi đó gặp gỡ, hàn huyên, như giếng nước đầu làng xưa...

*

Thời gian gần đây, Đài Truyền hình Vĩnh Long thường xuyên phát sóng các cuộc thi “Solo cùng Bolero”, “Tình Bolero”, thu hút khá đông khán giả và người dự thi. Hầu hết thí sinh tuổi đời còn trẻ, có em chỉ mới 14, cho thấy dòng nhạc từng một thời bị rẻ rúng vẫn âm thầm len lỏi vào các con hẻm Sài Gòn, người trong xóm ngõ bảo bọc và hát như kể chuyện của chính mình.

Dù giữa chốn thị thành, ngõ xóm đêm sao vẫn cứ buồn hơn, mê hoặc hơn cho người nhạc sĩ gửi vào bao nỗi niềm. Những năm 50 của thế kỷ trước, khi nhạc sĩ Lam Phương viết bài “Kiếp nghèo”, những xóm nhỏ vùng Đakao, cầu Bông còn nghèo, gập ghềnh đường đi tối tăm… Thời ấy, phần lớn các xóm lao động ngay trong nội ô Sài Gòn chưa có điện. Nếu có cũng là năm, bảy gia đình câu chung một đồng hồ, như nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết trong bài “Xóm đêm”: "Đường về canh thâu. Đêm khuya ngõ sâu như không màu. Hắt hiu vàng ánh điện câu". Nhạc sĩ Huỳnh Anh viết  nhạc nền cho phim Loan mắt nhung cũng đưa vào Đèn khuya hiu hắt ánh điện câu. Giữa đêm sầu ngõ không màu, có lẽ là bên Khánh Hội - quận 4, chốn dung thân của những tay anh chị một thời Sài Gòn cũ. Những con hẻm hắt hiu ấy cũng là những con ngõ tình yêu: "Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm...". “Phố buồn” của Phạm Duy cũng là những con hẻm lặng lẽ và nghèo: "Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em. Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên...". Nhớ một chuyện tình, người ta thường nhớ về một con đường, dù là hẻm cụt, lầy lội, quanh co. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có đến ba ca khúc nhớ về ngõ xóm ấy: Lối gầy về nhà anh hoa vẫn nở (Trăng tàn trên hè phố), Tôi về qua xóm nhỏ con đò nay đã già (Những ngày xưa thân ái), Nhớ đêm nào đường về nhà em có trăng lên sáng soi lối vào (Thư về em gái thành đô).

Năm 1959, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết “Thương một người” để tặng nữ ca sĩ Thanh Thúy, (người đầu tiên hát bài Ướt mi, sáng tác đầu tay của nhạc sĩ). Điệu nhạc và ca từ buồn da diết như giọng hát của người ca sĩ kia, được cảm tác từ những đêm sau buổi hát nàng trở về con hẻm nhỏ tối tăm trên đường Cao Thắng: "Thương ai về ngõ tối. Sương rơi ướt đôi môi. Thương ai về xóm vắng. Đêm nay thiếu ánh trăng".Và nỗi lòng người hát đêm trên con đường khuya khoắt, dưới hàng cây trầm mặc: "Mưa rơi phố thưa vắng tiêu điều. Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu". Chuyện tình người ca sĩ dường như có một định mệnh khác người. Ở đó, đêm Sài Gòn vừa hoa mộng mà cũng vừa hư ảo, ngậm ngùi: "Nhưng đêm nay tiếng hát biết trao về nơi đâu. Đêm đêm qua ngõ vắng. Đường khuya em một bóng" (Biết nói gì đây). Xóm nghèo, con hẻm heo hút nhưng khi người ta yêu nhau, ngõ nào cũng đẹp, xóm nào cũng nên thơ: "Ngày mai đây trên đường phố này. Những đêm khuya có anh đưa em về xóm nhỏ. Xa lìa ánh đèn, có anh đưa em về bến mơ..." (Tình đời của Minh Kỳ). Đêm mưa ngoại ô, hẻm càng buồn hơn nơi đôi tình nhân nghèo “Giã từ đêm mưa”: "Thương mối duyên đầu. Yêu lứa đôi nghèo. Đội mưa mà đi". Những nốt nhạc như giọt mưa đêm không dứt, rơi mãi không ngừng: "Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng. Mưa cho phố nhỏ càng buồn hơn…".

Và đêm nay, dù đã 70 năm rồi nhưng nếu Saint-Exupéry - nhà văn phi công trứ danh người Pháp có dịp bay trên các xóm đêm Sài Gòn, chắc ông vẫn còn nguyên cảm xúc như chuyến bay đêm đầu tiên tại Argentina: "Trong bóng tối bao la mờ mịt, mỗi ánh đèn báo biểu mỗi hiện diện huyền diệu của mỗi tâm linh. Chốn này, người ta đang xem sách, người ta đang suy tưởng, người ta đang thổ lộ tâm tư… Chốn nọ, người ta đang yêu đương. Đó đây, lác đác những ánh lửa đang đòi hỏi được nuôi dưỡng, giữ gìn. Cho đến cả những ánh đèn kín đáo nhất của nhà thơ, của nhà giáo, của người thợ mộc. Nhưng giữa đám sao ràn rạt sống động kia còn biết bao cánh cửa kín bưng, biết bao tinh cầu tắt lịm…" (Cõi người ta, Bùi Giáng dịch).

Bên cạnh các ca khúc trữ tình lãng mạn, cùng giai đoạn này, 1945-1975, hẻm xóm Sài Gòn dưới ngòi bút một số nhà văn không còn yên tĩnh. Một tầng lớp dân cư trẻ được khắc họa như những mảnh đời vỡ vụn - do những xô đẩy dữ dội thời tao loạn - vừa cam chịu cũng vừa phản kháng. Các cô gái điếm, “me” Mỹ, những tay anh chị hết thời, đám du đãng giang hồ của Xóm âm hồn, Loan mắt nhung (Nguyễn Thụy Long), Cho trận gió kinh thiên (Nguyễn Thị Thụy Vũ), Châu Kool, Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang (Duyên Anh)… đã làm nghiêng ngả bao ngõ xóm hiền hòa. Thật ra, hình tượng một số nhân vật nhiều khi đã được tiểu thuyết hóa quá mức đến cường điệu. Đó cũng chỉ là những con thiêu thân mỏng manh, tội nghiệp.

Hẻm không nhiều hơn nhà nhưng xóm không thể thiếu hẻm. “dân Sài Gòn”, gọi đúng tên phải là “dân hẻm Sài Gòn”,vì dân mặt tiền trước đây hầu hết cũng là dân trong xóm. Đường phố, dân cư Sài Gòn bây giờ đông hơn rất nhiều các thập niên cuối thế kỷ trước, hẻm vì thế mà dài hơn, quanh co hơn. Người đi xa trở về, nhiều thị dân lớn tuổi không dễ gì nhận ra các hẻm xóm ngày xưa: Hẻm của những chuyến xe ngựa lọc cọc “dzô” Sài Gòn, “dzìa” Gia Định. Hẻm của bọn trẻ xóm đạo sáng chân không đi học để dành guốc chiều đi nhà thờ. Hẻm của những thùng xi-nê dạo, bọn trẻ con chổng mông dòm qua lỗ coi phim Charlot. Hẻm của những con rạch, bụi bình bát ộp oạp tiếng ểnh ương đêm đêm…

*

60 năm, 80 năm... đâu phải là quãng thời gian ngắn ngủi của đời người, vậy mà có những khoảnh khắc, những câu chuyện ngày xa xưa vẫn xôn xao, lay động trở về dù có đôi khi, đã nằm im đâu đó thật lâu. Không của riêng ai nhưng mỗi người đều có con hẻm riêng của mình. Người đến người đi, ai nhớ ai quên, hẻm vẫn ở bên xóm, nối tiếp những bờ vui.

Sài Gòn… đi và nhớ…

Bài, ảnh: Hà Quan San

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Return to top