ClockChủ Nhật, 06/11/2016 13:56

Thăm gốm ở bến thuyền đỗ

TTH - Hôm ấy trời Nam Sách nắng và sông Thái Bình trông như một vệt xanh trong một ngày lúa chín. Không có chiếc thuyền nào trên bến sông, nhưng làng gốm Chu Đậu đã trở thành một cái tên được nhiều người nhắc tới và tìm về...

Màu vẽ gốm

Hơn cả những câu chuyện được lưu truyền, tiếng tăm của gốm sứ Chu Đậu đã được chứng thực qua một cuộc khai quật khảo cổ học ở Chu Đậu và Mỹ Xá. Một khối lượng di tích, hiện vật đa dạng và đặc biệt ở hai địa chỉ này đã mang đến một  nhận thức mới về gốm sứ Việt Nam sau khi được kết quả được báo cáo tại hội nghị khảo cổ học vào năm 1986. Nhưng trước đó, “dấu hiệu” đầu tiên lại bắt đầu từ việc ông Makoto Anabuki – một cán bộ ngoại giao của Nhật Bản ngờ rằng, chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm ở Bảo tàng Topkapisaray (Istanbul) có nguồn gốc tại Việt Nam chứ không đến từ Trung Quốc và nhờ tỉnh Hải Dương xác minh.

Năm 1993, từ việc khai quật các con tàu bị đắm ở vùng biển Pandanan (Philippines) và năm 1997, một khối lượng hiện vật khổng lồ được phát hiện và trục vớt từ trong lòng một con tàu đắm của người Bồ Đào Nha ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) trong cuộc khai quật quy mô cả về thời gian và kinh phí (4 năm với hơn 6 triệu USD) đã trở thành một thông điệp mạnh mẽ về dấu ấn và di chỉ gốm sứ Chu Đậu khi nhiều bình, lọ, bát, đĩa, hộp trong tổng số hiện vật được cho là nhiều nhất (240.000 đơn vị) được xác định là gốm sứ Chu Đậu. Trong đó, có những hiện vật độc bản được xem là tuyệt tác hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Thợ vẽ gốm

Là tôi đã tự “update” những thông tin ấy trước khi bước vào Trung tâm gốm sứ Chu Đậu của Hapro (Công ty sản xuất, dịch vụ và xuất nhập khẩu nam Hà Nội). Nơi gần như là trung tâm của nghề gốm Chu Đậu hiện nay. Không gian ở đây khá yên tĩnh, nhưng cũng có thể do chúng tôi là những người khách đến sớm trong một ngày cuối tuần. Vừa xuống xe, đã gặp ngay lời chào từ gốm với bình, chậu... xếp thành hàng trên lối vào sảnh. Dưới những bóng cây đào tiên được trồng trong vườn là những chiếc lu nâu màu cũ. Cũng dáng vóc ấy, những chiếc tai với họa tiết mà nếu để ý sẽ nhận ra “chị em” với những chiếc lu cổ và cũ mà tôi thường gặp ở Huế. Biết đâu trong quá trình lưu chuyển để phục vụ đời sống, đã có một sự “di cư” nào đó, hoặc gặp gỡ, giao thoa nào đó để bây giờ, tôi gặp lại sự hồn hậu thân thuộc khi đến từ Cố đô.

Có đến hàng ngàn sản phẩm các loại với men lam, men xanh, men rạn... trong nhà trưng bày và giới thiệu gốm sứ Chu Đậu, cả những chiếc bình gốm nổi bật và long lanh hẳn khi được mạ vàng theo đơn đặt hàng. Chúng tôi đã dừng lại rất lâu trước nhóm sản phẩm dùng để trưng bày, trang trí. Thích những đường nét hoa văn như đã mặn mòi lặn vào thân gốm và trở nên long lanh hơn lúc xuất hiện trước mọi người sau quá trình hoàn thiện; thích đến mê mải với những sản phẩm dùng trong các bữa ăn hàng ngày với tinh thần của các bà nội trợ thuần túy. Khi tha thẩn trong không gian trưng bày, chợt nghĩ, nếu không vì sự xê dịch tiếp tục và nếu di chuyển bằng ô tô, thể nào tôi cũng phải “tha” cho bằng được một “lũ” gốm sứ ở đây về nhà, để có cơ hội thấy bữa ăn được chăm sóc bởi những sản phẩm đẹp một cách tinh tế.

Nghệ nhân của Trung tâm gốm sứ Chu Đậu

Ở phía sau khoảng lặng lẽ mà cuốn dụ ấy, là xưởng vẽ của những người thợ trẻ. Không biết có phải công đoạn này cần sự cẩn trọng và nhẹ nhàng không mà thấy họ đa phần là nữ, và cơ bản là trẻ. Những chiếc bình gốm, bát hương, hình các linh vật... chưa qua lớp nung đặt các kiểu thuận, nghịch trên bàn xoay. Không mấy tiếng chuyện trò, mọi người miệt mài và chú mục trên từng thân gốm chưa nung. Những chiếc bút vẽ trên bàn, trên tay. Những màu mực xanh, nâu, chàm, tía… trong những chiếc bát sứ lặng lẽ vơi dần khi những đường nét mỗi lúc một hiện rõ. Và cho dù các sản phẩm gần như đã được hiện đại hóa theo dây chuyền, nhưng những nét vẽ trên mỗi đơn vị gốm đều được vẽ tay một cách tỷ mỷ. Thế nên cho dù một số sản phẩm nào đó mang form và đường nét giống nhau, ít nhất thì những người thợ sẽ nhận ra những đường nét của mình, với những yêu thương, vui buồn trên từng nét vẽ. Tôi đã nghĩ thế khi quan sát những đôi mắt chăm chú, những bàn tay mềm mại mà miệt mài. Kể cả những cái bặm môi hay những lúc vươn tay xóa đi những giọt mồ hôi trên gương mặt, hay lúc ai đó ngừng tay vén gọn lại mái tóc và một ánh nhìn nào đó chợt nhiên có đôi chút xa xôi…

Rải rác xung quanh mấy lò nung ở phân xưởng phía cuối là khá nhiều khuôn gốm. Trong dáng vẻ lấm lem, trông chúng cứ như mấy cậu bé tinh nghịch vừa ném bột trêu nhau rồi khanh khách cười. Có khi ngó lại, lại thấy một khuôn gốm cũ trầm tư, kiểu như đang tự vấn về những đứa con mà mình đã ấp iu có thực sự hoàn thiện để tự tin vào đời. Tôi cũng cứ nghĩ, những cảm giác mà mình có, chắc cũng chỉ bằng một phần rất nhỏ so với những người đã gắn bó đời mình với gốm, coi chúng như là một phần tất yếu trong cuộc sống của họ. Ví như vị chủ nhân tên Thắng của trung tâm này – khi rời Hà Nội trở về quê hương để gây dựng lại cơ đồ cho gốm, với cả một khoảng trống mất hút dằng dặc đến mấy trăm năm, hẳn ông không phải chỉ mang theo một trọng trách để phục hồi lại thương hiệu gốm Chu Đậu mà còn vì một điều gì đó, sâu hơn, âm ỉ và mãnh liệt hơn tình yêu của cả một đời người. Giá mà tôi có thể gặp được ông trong lần về “Bến thuyền đỗ”, hỏi dăm ba câu chuyện để có thể mường tượng kỹ hơn về hành trình và những truân chuyên cho sự trở lại – một hành trình mà cho đến bây giờ, không chỉ ông đâu, cả Hải Dương đều có thể lấy làm kiêu hãnh vì sự hiện diện của nó ở các thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, có không ít những thị trường khó tính ở châu Âu, Nga, Nhật và gần đây, đã hiện diện cả ở châu Phi. Như là một sự tiếp bước và kế thừa khác của gốm Chu Đậu xưa đã và đang được trưng bày ở gần 50 bảo tàng khác nhau trên thế giới.

Khách tham quan

Khi đã mỏi mắt vì ngước nhìn những độc bình gốm to lừng lững đang được các tay thợ ký họa lại hình ảnh của một tòa nhà nào đó, hình như là của BIDV để chuẩn bị cho một ngày lễ trọng sắp đến theo đơn đặt hàng, tôi bước vào một gian phòng nhỏ và gặp hai nghệ nhân già đang tác họa lại những hình ảnh xưa cũ trên mấy thân gốm mộc. Một thế giới khác, sống động và hồn hậu lại được tái hiện dưới nét vẽ của hai đôi tay tuổi tác. Bác Định xởi lởi kể với khách về công việc của mình, về những khuôn hình được tái tạo lại từ những bức ảnh xưa, với áo yếm, áo tứ thân, nón quai thao, kể cả việc làm thế nào bắt được phần hồn của đôi mắt lúng liếng của người phụ nữ trong một phiên hát quan họ. Bác Long thì chỉ cười nhưng cứ nhìn mái tóc và bàn tay nghệ sĩ kia, có thể biết ông cùng đồng nghiệp của mình đang giữ phần lĩnh xướng trong trung tâm gốm sứ này.

Không biết đồng nghiệp của tôi có biết về những hiện vật gốm Chu Đậu đã từng trầm mình ẩn tích dưới đáy sông Hương, rồi sau đó có dịp trở về trong vườn nhà nghiên cứu Huế - Hồ Tấn Phan nhưng tôi nhớ, bạn đã dừng lại khi phát hiện ra màu men quen thuộc khi tham quan bộ sưu tập đồ sứ men lam của nhà sưu tầm Trần Đình Sơn khi đến Huế vào dịp Festival. Và tôi cũng thấy mình lỗi quá chừng, khi đến Hải Dương mà phải để bạn nhắc, mới có cuộc thăm gốm ở Chu Đậu (Bến thuyền đỗ), rồi mãi đến bây giờ, còn hình dung mãi những mẻ gốm ríu ran kể chuyện…

Bài, ảnh: NGUYỄN HÀ CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cuộc “hội ngộ” gốm của 9 nghệ sĩ

Những sản phẩm, tác phẩm gốm với đủ hình khối lạ mắt, độc đáo đã gây tò mò với công chúng tại triển lãm gốm nghệ thuật vừa được khai mạc chiều 25/8 tại không gian Lan Viên Cố Tích 2 thuộc Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (94 – 96 – 98 Bạch Đằng, TP. Huế).

Cuộc “hội ngộ” gốm của 9 nghệ sĩ
Nhiều phát hiện từ đợt khai quật khảo cổ tháp đôi Liễu Cốc

Sau hơn 2 tháng tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc, các chuyên gia nhận định có 2 đền tháp chính trong di tích, không thấy dấu hiệu của đền tháp thứ 3. Nếu đúng như thế thì di tích tháp đôi Liễu Cốc là di tích đặc biệt, duy nhất thuộc hệ thống di tích đền tháp Champa có 2 tháp thờ chính.

Nhiều phát hiện từ đợt khai quật khảo cổ tháp đôi Liễu Cốc
Return to top