Rừng A Lưới trong sương sớm
Khám phá
Bây giờ, tour du lịch trekking (khám phá) rừng nguyên sinh A Roàng (A Lưới) đã được nhiều người biết đến. Khởi hành từ Huế, khách đi theo Quốc lộ 49 tiến sâu vào rừng Trường Sơn và qua các địa danh: Behem, Bình Điền, Pastol, suối Máu, đèo Mỏ Quạ…
Bản làng đón chào bằng những điệu múa mừng khách kết hợp với những tiếng khèn, tiếng chiêng tạo nên một không khí hết sức thân mật. Rồi già làng đưa quý khách đi tham quan bản làng, tìm hiểu cuộc sống đời thường của dân tộc Tà Ôi, như làm nông, đan lát, dệt thổ cẩm. Khách tiếp tục đến suối khoáng A Roàng để tắm khoáng, xoá đi mọi sự mệt mỏi cho một ngày hành trình. Và khi đêm xuống, bếp lửa đưa lại bữa cơm đặc sản núi rừng A Lưới với rau rừng, cá suối, heo nướng… Sau khi dùng bữa tối, khách được tham gia “Chương trình lửa trại, giao lưu cộng đồng”, cùng chung vui với những điệu múa của dân tộc Tà Ôi, cùng thưởng thức những chén rượu cần thơm nồng.
Người hướng dẫn viên cho biết, ngày mai khách sẽ thực hiện cuộc trekking rừng nguyên sinh A Roàng. Những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn mênh mông. Nơi hoang dã này, còn có nhiều thác cao, vực sâu uốn lượn quanh co với núi non, thu hút những bạn trẻ ưa khám phá, thích mạo hiểm chinh phục thiên nhiên. Những năm trước, các nhà khoa học nước ngoài đã đến để ghi âm tiếng chim rừng, với hàng trăm giọng hót của hàng trăm loài. Nơi đó, còn có một cây gõ trên 500 tuổi, là chứng nhân cổ thụ của rừng tâm linh A Lưới. Cây gỗ này đã được lập hồ sơ và bảo vệ nghiêm ngặt.
Cả hướng dẫn viên và du khách ít biết rằng, để giữ cánh rừng nguyên sinh còn đến ngày nay, người Tà Ôi đã có luật tục giữ rừng từ xưa. Bên bếp lửa, cô gái Hồ A Tul hát một câu hát, đại ý “Núi non rừng rú linh thiêng/Đi nhấc chân từng bước, nâng hơi thở từng đợt”. Đó là lời căn dặn của các già làng với con cháu khi đi qua rừng tâm linh.
Những khu rừng tâm linh này có nhiều cây lớn là nơi thần linh trú ngụ, nơi ở của loài vật hung dữ như trăn rắn lớn, thuồng luồng, hổ báo… Những khu rừng này gắn với vô số truyền thuyết, huyền thoại, khiến con người phải ngưỡng vọng hoặc kính sợ. Bên cạnh lớp vỏ tín ngưỡng ấy, đồng bào thiểu số ngày xưa đã có cách thức để giữ rừng bằng luật tục.
Vài luật tục
Với người Tà Ôi, rừng luôn có chủ, truyền từ đời này sang đời khác. Rừng Kốh Sã thuộc về quyền sở hữu của nhiều làng, được thờ cúng thường xuyên. Toàn thể người dân không được làm rẫy, phải cung kính, không được nói tục khi qua rừng, nhưng không cấm săn bắt, chặt gỗ. Ai vi phạm thì bị phạt trâu bò.
Kốh tâng kin là rừng của nhiều làng. Luật tục cấm không được phát rẫy, không được săn bắt, lấy mây, hái đót, bẻ măng, không được bẻ củi dù chỉ là một cành nhỏ, không được phóng uế. Ai vi phạm bị phạt trâu bò. Khi các làng xích mích, muốn hòa giải họ cùng nhau tổ chức cúng lớn với lễ vật gà lợn dê, xôi rượu ở khu rừng này. Khi các làng săn được hổ, cũng rủ nhau ra cúng lớn.
Rừng của từng làng gọi là Trạm Kănéa, dân làng tổ chức cúng hàng năm với lễ vật lợn, gà, dê cầu thần rừng phù hộ cho làng. Người dân quan niệm đây là rừng có ma rừng trú ngụ nên không ai được phát rẫy, săn bắt, không lấy mây, hái đót, không bẻ cành cây, không phóng uế. Ai vi phạm phạt nặng bằng trâu bò để cúng tạ tội với thần rừng.
Trong khai thác rừng, người Tà Ôi cũng quy định cụ thể. Họ rất kiêng kỵ việc chặt các cây cổ thụ, như đa, chò, kiền, sến..., cho rằng cây lâu năm đã cùng sinh tồn với rừng, có thần linh hay hồn ma trú ngụ vì thế rất thiêng. Nếu ai chặt, coi như phá ngôi nhà thần linh, thần linh sẽ bắt dân làng đau ốm, thất bát mùa màng, vì vậy phải phạt rất nặng bằng trâu bò...
Với rừng đầu nguồn, chỉ được khai thác với tư cách sử dụng vào mục đích chung của làng như cột đâm trâu, dựng nhà rông, cổng làng. Luật tục cũng cho phép một số cá nhân tài giỏi được khai thác gỗ ở rừng đầu nguồn để làm những việc lớn. Ví như người tài giỏi nghề sông nước được cho phép chặt gỗ để đóng thuyền; tuy nhiên gỗ đó chỉ để đóng thuyền mà không được bán hay cho người khác, vi phạm sẽ bị phạt nặng. Trường hợp xin làm nhà hay đóng quan tài cũng vậy, phải xin chủ làng. Khi được hội đồng già làng đồng ý, trước khi chặt gỗ phải làm lễ cúng, với ý nghĩa lễ đền bù xin thần linh tha lỗi.
Đối với rừng được phép khai thác, cá nhân có quyền chặt gỗ, săn bắt song phải chịu sự quản lý của làng, có ý thức bảo vệ cây con, vật con. Cây rừng, vật rừng đã được làm dấu nghĩa là đã có chủ, thì không được khai thác, nếu khai thác xem như đó là hành vi ăn cắp. Quy ước đó tuy giản đơn song lại được cộng đồng tuân thủ, tôn trọng tuyệt đối.
Trong các mùa, người Tà Ôi rất ít chặt cây vào mùa xuân, hạ; vì đây là mùa sinh trưởng của cây, chặt sẽ ảnh hưởng đến cây con. Hái lượm thì diễn ra trong các tháng 7, 10 và 11; không hái trụi, để cây còn lá, lấy củ xong phải trồng lại thân cây...
Và làm rượu trong rừng trên cây tà vạt, phải đục sao để cây cho nước mà không chết. Khi men rượu đã dậy, họ mang về uống với nhau bên bếp lửa, và hát:
“Chặt cây thì phải chặt vào trúng một chỗ
Đẽo cây thì phải vát cho liền mặt
Leo cây thì phải buộc cho chắc dây nài”...
Bài, ảnh: HỒ HOÀNG THẢO