ClockThứ Ba, 07/03/2017 05:46

Góp sức đưa phong trào phụ nữ cả nước ngày càng phát triển

TTH - Từ ngày 7 đến 9/3, tại Thủ đô Hà Nội diễn ra Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022. Đây là sự kiện chính trị quan trọng đối với hàng chục triệu phụ nữ cả nước nói chung và hội viên, phụ nữ Thừa Thiên Huế nói riêng. Dịp này, Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi nhanh với một số đại biểu về những tâm huyết gửi gắm đến đại hội.

Đại biểu Trần Thị Kim Loan, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh:

Tin tưởng công tác Hội và phong trào phụ nữ phát triển lên tầm cao mới

Bám sát tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Bình đẳng - Hội nhập” của đại hội, Đoàn đại biểu Thừa Thiên Huế sẽ đóng góp trí tuệ, công sức vào chương trình làm việc của đại hội và tham gia tích cực vào các hoạt động có ý nghĩa bên lề đại hội. Đoàn sẽ tham gia góp ý những vấn đề liên quan đến nâng cao trình độ mọi mặt, đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của phụ nữ. Sẽ đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên...

Chúng tôi tin tưởng đại hội lần này sẽ đề ra được các giải pháp chiến lược nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh trong thời kỳ có nhiều khó khăn, thách thức và bầu BCH Trung ương Hội đủ năng lực, có uy tín, đủ sức đảm đương trọng trách mà đại hội tin tưởng giao phó, lãnh đạo công tác Hội và phong trào phụ nữ cả nước phát triển lên tầm cao mới, bắt nhịp với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Ái Vân, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh:

Tiếp tục quan tâm công tác cán bộ nữ

Qua văn kiện Đại hội tôi nhận thấy, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra các định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá cũng như mục tiêu phấn đấu có nhiều điểm mới mang tính sáng tạo vừa ngắn gọn, cụ thể, vừa rõ ràng, thiết thực đối với phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực.

Tôi cũng kỳ vọng Trung ương Hội LHPN chủ động tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị chỉ đạo các cấp về tăng cường công tác cán bộ nữ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp, các ngành; định kỳ tổ chức sơ kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác cán bộ nữ nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ, nhất là người đứng đầu đối với công tác cán bộ nữ. Mặt khác, chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương có kế hoạch đào tạo cán bộ nữ mang tính chiến lược lâu dài và có tính đột phá; xây dựng chỉ tiêu cụ thể, chi tiết trong từng năm, từng nhiệm kỳ và nghiêm túc thực hiện. Trong đó, phải coi việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là khâu nền tảng. Nếu không, cán bộ nữ sẽ khó hội tụ đủ điều kiện để qui hoạch, bổ nhiệm; tránh tình trạng đủ tuổi thì không đủ bằng cấp còn đủ bằng cấp lại không đủ tuổi.

PGS.TS.Trương Thị Bích Phượng, Trưởng bộ môn Sinh học Ứng dụng, khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học; Trưởng Ban nữ công Đại học Huế:

Tạo cơ hội để nữ trí thức đóng góp công sức, trí tuệ nhiều hơn

Tôi rất mong đại hội lần này quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác cán bộ nữ, đến bình đẳng giới. Bình đẳng giới lâu nay đã nói nhiều nhưng trong công tác cán bộ nữ hiện nay vẫn còn vướng mắc ở khâu quy hoạch và bổ nhiệm. Đặc thù của nữ cán bộ Đại học Huế (ĐHH) là vừa giảng dạy, nghiên cứu vừa phải làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ nên khi có học hàm học vị cao thì đã lớn tuổi. Nếu quy hoạch hai nhiệm kỳ thì không đủ tuổi, còn một nhiệm kỳ thì chưa đóng góp được nhiều vì đã hết tuổi quản lý. Do vậy, cần quan tâm để công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ vào cấp quản lý được thực hiện tốt.

Gần đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: “Tăng tuổi nghỉ hưu đối với lực lượng lao động nữ là rất cần thiết, đây là quan điểm nhất quán của Hội LHPN Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua và điều này sẽ tạo nên bình đẳng thực chất đối với phụ nữ”. Theo tôi, đây là cơ hội để nữ trí thức có thể đóng góp nhiều hơn và thể hiện bình đẳng giới.

Thời gian qua, ĐHH và Hội LHPN tỉnh đã có sự liên kết, phối hợp lồng ghép và tổ chức tốt một số hoạt động như: triển lãm sản phẩm nhân Ngày phụ nữ sáng tạo, giao lưu tại hội nghị biểu dương nữ trí thức và công nhân lao động sản xuất giai đoạn 2011-2016... nhưng thực sự những hoạt động như vậy chưa nhiều. Theo tôi, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự phối hợp để có thể đưa ra hệ thống văn bản pháp lý cụ thể về sự gắn kết, lồng ghép hoạt động giữa hai bên, tạo điều kiện và tập hợp đội ngũ nữ trí thức tham gia và đóng góp trí tuệ trong các hoạt động. Việt Nam đang trong xu thế hội nhập và phát triển nên BCH Hội cũng cần nghiên cứu xây dựng chương trình hoạt động có thể thu hút, tập hợp được nhiều nữ trí thức tham gia, tạo điều kiện cho cán bộ nữ có trình độ cao phát huy được năng lực, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cho sự phát triển cho Thừa Thiên Huế và cả nước.

Đại biểu Hồ Thị Nga, dân tộc Cơ Tu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đông:

Giúp đời sống phụ nữ miền núi ngày càng được nâng lên

Là một trong hai đại biểu đại diện dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi của tỉnh được tham dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, tôi rất tự hào và vinh dự, xem đây là cơ hội để giao lưu, học hỏi từ các đại biểu ở nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước về những mô hình hay, cách làm hiệu quả để áp dụng xây dựng phong trào hội ngày càng phát triển.

Với cương vị là Chủ tịch Hội LHPN của một huyện miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc cùng chung sống, thời gian qua, tôi không ngừng nỗ lực cụ thể hoá các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp đến với toàn thể hội viên, phụ nữ; xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống, nhận thức cho hội viên, giúp chị em xoá đói, giảm nghèo bền vững, chung tay cùng huyện xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, ở các huyện miền núi nói chung và Nam Đông nói riêng vẫn còn một số hạn chế như: tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao, một số hủ tục lạc hậu đang hạn chế đến sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số... Vì vậy, bước vào nhiệm kỳ mới, tôi mong đại hội sẽ có những khâu đột phá, chương trình hành động cụ thể, thiết thực giúp các huyện miền núi, bà con dân tộc thiểu số hạn chế được tình trạng trên; giúp đời sống của chị em vùng miền núi, dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên về mọi mặt.

 Hải Thuận - Ngọc Hà (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Hiệu ứng từ các phong trào.

Trên nền tảng thành công trong thực hiện Ngày Chủ nhật xanh, thời gian qua TX. Hương Thủy tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động không chỉ góp phần nâng cao ý thức của người dân mà còn tạo nên không gian sống, làm việc ngày càng xanh - sạch - sáng.

Hiệu ứng từ các phong trào
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Return to top