ClockThứ Sáu, 16/12/2016 05:51

Hà nội 12 ngày đêm năm ấy

TTH - Tôi có cảm giác như chưa có khi nào lại rét như ở Hà Nội vào mùa Đông 1972. Lạnh giá cắt da cắt thịt, nhưng bầu trời lại như đổ lửa trong 12 ngày đêm năm ấy. Mấy chục năm đã trôi qua nhưng trong tôi vẫn còn in đậm như ngày nào về Hà Nội, về Khâm Thiên đổ lửa…

Chiến tranh phá hoại miền Bắc bước sang giai đoạn quyết liệt. Trước khi xảy ra sự kiện B52 Mỹ ném bom miền Bắc khoảng một tuần, các khu dân cư ở Hà nội được lệnh phải khẩn cấp đi sơ tán. Khu phố nơi gia đình tôi ở trong ngõ chợ Khâm Thiên cũng được thông báo phải đi. Những ngày này, không khí trong khu phố và từng gia đình khẩn trương, hối hả, lo lắng. Trước đó ít hôm, ban bảo vệ khu vực, tổ dân phố đến từng nhà kê khai những người buộc phải đi sơ tán, nhắc nhở chằng buộc cửa nhà đề phòng trộm cắp. Chỉ những người đi làm cơ quan và những người thuộc lực lượng tự vệ được ở lại, còn tất cả phải đi sơ tán. Nhà tôi có ba mẹ đang đi làm, còn 3 anh em tôi và bà ngoại thuộc diện phải đi càng sớm càng tốt. Ngày 16/12 năm đó, chúng tôi lại đi vào Chương Mỹ, Hà Tây (cũ), nơi từng sơ tán trước đây. Hành lý mang theo chỉ vài bộ quần áo, gạo, bột mì và một ít thực phẩm mới mua từ tiêu chuẩn tem phiếu. Năm đó tôi 17 tuổi, đang học lớp 10 (miền Bắc hệ 10 năm) được ba mẹ giao cho chăm sóc các em.

Tuy ở nơi sơ tán nhưng ngày nào chúng tôi cũng phải xuống hầm, đêm lót rơm và chiếu ngủ ở dưới đó. Dù cách Hà Nội 16 cây số nhưng cả ngày lẫn đêm vẫn nghe tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom nổ, đạn bắn ở Hà nội và các vùng lân cận. Đêm 26/12 có lẽ là đêm ác liệt nhất khi mà bầu trời không một phút yên bình với đủ mọi âm thanh của bom đạn. Mới 5 giờ sáng, đã nghe đài phát thanh thông báo: B52 rải thảm bom xuống phố Khâm Thiên. Tôi không tin ở tai mình cho đến khi bản tin được nhắc lại. Chỉ kịp gọi bà và 2 em để nói vài câu rồi lấy xe đạp phóng ngay về Hà Nội vì ở đó ba mẹ tôi đang ở lại.

Về đến đầu đường Khâm Thiên, khung cảnh đổ nát suốt cả dọc phố. Biết không thể đi được, tôi phải vòng lên đê La Thành, rồi theo các ngõ tắt thường hay đi để về nhà. Mặc dù rất thông thuộc từng con ngõ, nhưng hố bom đã xóa đi tất cả khiến tôi không nhận ra đường đi dù rất quen thuộc. Nhiều chỗ vừa đạp vừa vác xe băng qua những đống nhà đổ nát. Đến đâu cũng nghe tiếng gào khóc, tiếng kêu thất thanh của ai đó tìm thấy được xác người thân. Đến ngõ Thổ Quan, bên cạnh hố bom còn bốc hơi nóng có bốn năm người đang cố moi đống gạch đổ để cứu một phụ nữ và em bé.

Về đến đầu ngõ nhà, gặp bác Siêu ở khu tập thể. Bác nói bình thản: Bố mẹ cháu đi làm rồi! Lúc đó tôi mới thở phào. Dựa xe vào góc sân, tôi chạy ra hướng đầu chợ nhưng dân phòng ngăn lại vì xe ủi đang đẩy đống gạch cao của nhà 2 tầng bị sập để cứu người. Vòng qua các hố bom, thấy từng nhóm người đang hối hả đào bới, hy vọng tìm được người còn sống dưới đống đổ nát. Những ngõ nhỏ quen thuộc mà tôi và các bạn trong khu tập thể hay đi cắt rau nuôi thỏ không còn nhận ra được nữa. Thay vào là những hố bom nối tiếp nhau khoét sâu từng con ngõ, từng khu nhà.

Quay lại về nhà, chạy lên cầu thang tôi được bác hàng xóm đưa chìa khóa mở cửa, khung cảnh trong phòng nhà tôi cũng ngổn ngang không kém. Ngói trên mái nhà rơi vung vãi, khay chén bát cũng đổ nghiêng không còn cái nào nguyên vẹn. Tiếc nhất là cái phích nước Rạng Đông vỏ bằng mây mẹ tôi mới mua theo tiêu chuẩn, chưa kịp mang đi cũng bị vỡ vụn. Trong nhà vật dụng đổ nát, bụi bám đầy nhà và phảng phất mùi khét của cháy, của thuốc bom. Qua cửa sổ, nhìn từ tầng 2 mới thấy cảnh đổ nát của trận bom. Không còn gì nguyên vẹn trong những hố bom. Hỏi chuyện bác hàng xóm, bác chưa hết bàng hoàng kể lại rằng, bác ở nơi sơ tán về từ chiều để lấy thêm đồ vì nghe tin Mỹ ngừng ném bom dịp Noel. Khoảng 10 giờ đêm nghe báo động, mọi người chạy xuống hầm, một lúc sau thì nghe ầm ầm như sét đánh, ngồi trong hầm mà cảm giác đu đưa như đánh võng…

 Sau này đọc báo, nghe đài mới biết, đêm Khâm Thiên năm đó có 278 người chết, 290 người bị thương, có hầm bị trúng bom 41 người trú trong đó không còn ai sống sót. Số nhà 47, 49, 51 phố Khâm Thiên bị san phẳng sau đó được xây dựng Đài tưởng niệm in đậm dòng chữ: Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ.

Sau này chúng tôi vào Huế sinh sống, cuốn theo cuộc sống nên ký ức ngày nào có chút phôi phai. Lần này về thăm chốn xưa lại gợi lên trong tôi hình ảnh kinh hoàng mấy chục năm về trước. Khâm Thiên còn đó, dấu tích tang thương, đổ nát năm nào được thay vào đó là phố phường nhộn nhịp, nhà cửa to hơn, đẹp hơn. Chỉ có Đài tưởng niệm có vẻ như nhỏ lại so với những khối nhà cao tầng mọc lên. Nhưng dù gì chăng nữa trong tôi cũng không thể xóa đi được hình ảnh Khâm Thiên 44 năm về trước.

Ghi vài dòng để nhớ lại và để tưởng nhớ những người đã khuất trong 12 ngày đêm năm đó. Nhớ về một thời đạn bom để yêu quý từng phút giây được sống trong hòa bình của đất nước.

Viết tại Huế, tháng 12/2016

NGUYỄN PHƯỚC AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Ra “sông lớn” với thầy nội

Không phải ngẫu nhiên mà ông Hoàng Anh Tuấn được chọn mặt để “gửi khó”, dẫn dắt tuyển U23 Việt Nam dự Vòng chung kết U23 châu Á 2024 sau khi HLV Troussier bị cắt hợp đồng. Ông thầy người Khánh Hòa từng đưa đội U20 Việt Nam lần đầu tiên vào đến Vòng chung kết World Cup U20 năm 2017. Năm 2023, ông Tuấn cũng giúp đội U23 Việt Nam vô địch Đông Nam Á.

Ra “sông lớn” với thầy nội
Return to top