ClockThứ Năm, 24/01/2013 05:46

Hoa mới & người cũ

TTH - Buổi sáng, trời đầy sương mù. Cứ ngỡ rồi sẽ nhiều nắng nhưng rồi lại có mưa. Đường về làng hoa Phú Mậu rớm lạnh và khá vắng. Không thấy người, chỉ thấy những chiếc xe máy bỏ lại bên rệ cỏ. Mùi bùn ngai ngái trong se sẽ gió. Hình như bên thửa ruộng nào cũng có người đang lúi húi làm đất, chuẩn bị sạ lúa cho vụ đang tới. 

Có lẽ vì sương, mà có lẽ cũng vì chưa vào ngày bận rộn, nên những vườn hoa ở Phú Mậu đang lúc ít người. Chỉ có màu vàng của vạn thọ là bận rộn cho ngày rằm và các lễ cúng thường ngày. Nhìn những vườn cúc đã vào chậu trong các khu vườn hai bên đường, có thể thấy vụ hoa này khó mà thất bát...

Sen giấy Thanh Tiên. Ảnh: Võ Nhân

Cũng khá lâu rồi tôi mới trở lại Phú Mậu khi hoa vào vụ Tết. Làng quê bình yên trong gió. Sau mấy mùa Festival, hai biển hiệu ghi tên làng hoa giấy Thanh Tiên vẻ như đã mang lại một không khí chộn rộn hơn so với trước. Bán chạy nhất bây giờ vẫn là sen giấy. Khi chúng tôi đến, hai con trai nhà ông Hoá vẫn không ngừng tay phết phẩm màu lên giấy và kết hoa. Một bác trai chạy xe từ Huế về rổn rảng vào chọn sen. Cô gái trẻ đến từ châu Âu thì ngồi bệt xuống chiếu, vừa chăm chú vào những cánh sen hồng tía, vàng, xanh và liên tục hỏi phiên dịch về những điều với cô là lạ lẫm. Sen giấy cũng là sự trở lại vừa cũ, vừa mới và định danh một sản phẩm mới của làng hoa giấy truyền thống.

Ông Lự bên vườn lan Mokara. Ảnh: Võ Nhân

Đã quá quen với khách đến thăm hoa và gần như cũng đã nhớ mặt và thuộc tên cánh truyền thông, lão nông Lê Văn Lự cười hiền hậu đón khách bên hiên nhà. Giữa khi khách áo đơn áo kép và vẫn có vẻ co ro vì gió, ông chỉ phong phanh một chiếc sơ mi cũ. Dù cũ, nhưng câu chuyện về các loài hoa dường như vẫn bất tận. Trên vườn nhà ông, hoa ly đã có 6 mùa “định cư”, thế mà lão nông tri điền này vẫn thắc thỏm mỗi ngày để canh gió, canh trời dù ông hiểu thời tiết như lòng bàn tay. Năm nay, trời Huế có phần khác nhưng theo ông, cơ bản là thuận. Tôi nghe ông nói về độ khó trong mùa sinh nở của hoa ly, về sự cần cù chăm chút từng ngày, từng giờ cho mỗi nụ hoa, lòng cứ mường tượng về đôi tay gượng nhẹ, nâng niu của một bảo mẫu, như một cách khác về sự chu toàn cho sự sinh sôi và cái đẹp, cái có ích cho cuộc sống.

Du khách nước ngoài (giữa) ấn tượng trước sen giấy Thanh Tiên. Ảnh: Võ Nhân

Trên thửa vườn quen thuộc, màu vàng đỏ, vàng cam của hoa lan mokara làm chúng tôi hào hứng. Lần đầu tiên, mokara hiện diện ở Huế với tất cả sự quyến rũ đài các của mình. Cũng là lần đầu tiên, những gốc tuylip sẽ nở hoa trên đất Phú Mậu. Đồng nghiệp trẻ cùng đi cứ nấn ná mãi bên những chậu hoa mà có lẽ lúc mới vào, sự nhỏ bé khiêm nhường của chúng không làm anh để ý. Vài cây đã chơm chớm nụ lên. Một cánh lá trông non tơ và mỏng mảnh khi lọt trong bàn tay thô và gân guốc của người chủ vườn. “Năm trước, một gốc như ri trên chợ hoa người ta đòi bảy chục, làm tui đặt xuống liền – bác Lự bảo – Nghĩ mà tức chơ, họ làm được, răng mình không làm được? Nay thì ổn rồi. Tui đã bắt đầu nhớ tâm tính của hắn...” Nụ cười và giọng nói phấn chấn của lão nông sáng cả góc vườn nhỏ...

Cứ nghĩ, giá như mà nhiều người có cái “tức chơ” như bác Lự, hẳn cuộc sống sẽ có lắm điều thú vị đến bao nhiêu.

Gần trưa. Chút mưa nhỏ đã tan dù nắng vẫn hãy còn ngập ngừng lắm trong đợt rét lạnh. Líu ríu quanh bước chân chúng tôi là lũ hoa thược dược lùn dễ thương. Năm sau, nếu lại quay về, lũ hoa này chắc đã thuộc về loại cũ bên cạnh chủ nhân của chúng. Mấy mươi năm trồng hoa, lam lũ với hoa, cực nhọc với hoa và cũng thảnh thơi với hoa, thế mà ông trông vẫn rất nhanh nhẹn. Ừ thì có thể đã là người của nghề cũ, nhưng những ngày mới, mùa xuân mới bao giờ cũng về sớm trên đôi tay dãi dầu của những người như ông...

Thường Xuân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top