Thừa Thiên Huế cuối tuần Cây xanh xứ Huế
Hồng Mai – Người dưng khác họ với hoàng mai
TTH - Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, bao người lại nhớ đến hoa mai. Mỗi lần nói tới mai là một lần gợi cho người ta nghĩ tới biết bao loài thực vật cùng tên, bao gồm cả tên phổ thông lẫn tên địa phương, mà trong số đó có lắm loài chẳng quan hệ họ hàng gì với mai vàng quen thuộc cả. Có thể kể như thanh mai, bạch mai, kim mai, hồng mai, mai chiếu thủy....
Qua thơ văn, lắm trường hợp, từ “mai” còn gây sự tranh luận nhiều chiều. Chẳng hạn như khi đọc hai câu thơ của Nguyễn Du “Mai cốt cách, tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” có người bảo là mai vàng, nhưng riêng tôi thì đồng tình với những người cho là bạch mai, vì như thế mới đúng ý “mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Nhưng khi đọc hai câu thơ của Cao bá Quát “Thập tải luân giao câu cổ kiếm/ Nhất sinh đệ thủ bái mai hoa” để nắm bắt xem tác giả muốn đề cập mai gì e phải tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của nó. Và có lẽ hai câu thơ nổi tiếng của Mãn Giác thiền sư “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” là trường hợp rất điển hình được nhiều người nhắc tới khi bình luận về mai. Việc nhận định mai trong hai câu thơ này cũng khó đồng nhất giữa mọi người, vẫn có người cho đó là mai vàng, và cũng nhiều người đồng tình với quan điểm nhìn nhận bạch mai. Điều trớ trêu là trong thực tế lại có một loài hoa khá phổ biến mang tên nhất chi mai, và điều này đã làm cho một số ít người hiểu nhầm ý thơ của thiền sư Mãn Giác.
