ClockThứ Năm, 22/07/2010 11:20

Huế , tháng 7

TTH - Tháng 7 …Tôi thường để tâm nhiều đến chương trình thời sự. Và nghe miên man trong lòng những ngày đã xa đang trở lại. Khi ấy, sông Bến Hải còn như một lưỡi gươm đặt vào lòng người vết cắt. Thương lắm tuổi thơ của tất cả chúng tôi – những đứa trẻ miền Nam, suốt tuổi thơ chỉ biết vọng ngóng về quê nhà yêu dấu ở bên kia bờ Hiền Lương qua lời cha mẹ kể.

Nhớ như in những cái tết, chúng tôi đón giao thừa, tận hưởng “Ba ngày ngừng bắn” bằng những câu chuyện lòng bất tận của ba mạ kể về miền sông Hương núi Ngự. Lòng mơ tưởng hình bóng người thân ông bà nội ngoại, chú bác, o dì… một khi bóng quê nhà đang chìm khuất dưới chân trời rền vang tiếng súng. Bỗng tự dưng, nhớ một lời hát tự phổ nhạc hơn bốn mươi năm trước của chú Phán, người Quảng Trị, đã hát đi hát lại mỗi khi gặp mặt tôi: Bảy ngày ta dành cả bảy ngày/ Đem bé con về  miền Nam…”


Mùa sen tháng 7 - ảnh minh họa

Rồi sau đó,trong thời gian dài, chú đã bệnh thần kinh và đã mất trong một trận bom B52 vào năm 1972, tại thị xã Thanh Hóa. Và nhớ hình ảnh ba tôi, một chiều đi làm về, gọi các con xúm lại bên mình, đọc cho chúng tôi nghe bài thơ :Nhớ Huế quê tôi” của bác Thanh Tịnh :Sông núi vươn dài tiếp núi sông/ Cò bay thẳng cánh nối đồng không/ Có người bảo Huế xa, xa lắm/ Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng /Mười một năm trời mang Huế theo/ Rừng cao nắng tắt bóng cheo leo/ Giọng hò mái đẩy vờn mây núi/ Man mác sông Hương lướt đỉnh đèo…” như một món quà quê. Trải qua năm tháng, giờ ba tôi đã thành mây trắng ngang trời mà giọng Huế của ba khi đó, giờ vẫn còn trong lòng tôi, ấm mãi …
 
Tháng 7…
 
Tôi đã nhớ rất sâu bài thơ Nhớ Huế quê tôi” của nhà thơ Thanh Tịnh. Dẫu thưở xưa, sống trên miền Bắc, là đồng hương nhưng tôi chưa một lần may mắn được gặp mặt ông. Không biết tự bao giờ, có lẽ từ trong thơ ấu, qua những áng văn ngọt ngào quyến luyến trong “Tôi đi học”, qua bài thơ “ Nhớ Huế quê tôi”, được gặp một tâm hồn Huế - một Con Người của xứ Huế quê mình. Và trong cảnh sống thiếu vắng quê nhà, chúng tôi đã tự cho mình xem ông như là một người thân. Chỉ muốn gọi nhà thơ là bác, bác Thanh Tịnh, như cách tôi đã gọi bác Duyên, bác Sum của tôi. Đã nhiều lần tôi ngùi ngẫm mãi ở trong lòng, chạnh thương nỗi niềm li xa trong cuộc đời riêng của ông như thương cuộc đời quê hương vất vả đau thương mà thủy chung son sắt vô cùng […]
 
Minh họa Hương Trà
Và tim tôi lại tràn nỗi nhớ. Tôi nhớ cậu Tôn của tôi (bác sĩ quân y ), nhớ cậu Phong của tôi (phóng viên chiến trường) – Những liệt sĩ đã ngã xuống trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ ngày ấy. Nhớ cả bao người Huế không quen biết đã chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc. Nhớ mênh mông. Tự thẳm sâu trong lòng bỗng hiển hiện lên bóng dáng những câu thơ của bác Thanh Tịnh: “Có bao người Huế không về nữa/ Gửi đá ven rừng chép chiến công/ Có mồ liệt sĩ nâng lòng đất/ Buồm phá Tam Giang gió thổi lồng”...
 
Tất cả cứ thắm dần lên như những nốt son, khắc vào cõi không xanh thẳm, trôi cùng mây bay, thấp thoáng ở bên trời …
 
Cảm giác đó rất thật và cứ lớn dần lên trong tôi …
 
Tôi nuôi một niềm tin chắc chắn rằng : Ở quê mình, không có ai xây dựng được nghĩa trang liệt sĩ bằng thơ, như cách của nhà thơ Thanh Tịnh.Những vần thơ tưởng nhớ ấy rất nhẹ nhàng mà sao man mác bao buồn thương, nhung nhớ. Lời giản dị mà chứa chan tình cảm biết ơn, lòng ngưỡng mộ chân thành, thiết tha mà rất đỗi thiêng liêng. Vậy là trong nỗi nhớ Huế quê nhà, tấm lòng của bác Thanh Tịnh đã luôn hoài nhớ từng con đường, bờ đất, triền đá, cánh đồng, rặng núi quê hương, nơi đó đồng đọi mình đã âm thầm ngã xuống. Nơi đó, những chiến công gửi vào đá ven đường, lặng lẽ ngàn đời với hoang vu. Cơ hồ như, cũng nơi ấy, dưới những nầm mồ liệt sĩ, cuộc sống của những người con trung dũng của mảnh đất Thừa Thiên vẫn tiếp tục bằng sức mạnh thần kì của lòng yêu quê hương. Từ sự hi sinh của những anh hùng liệt sĩ , đất cứ lớn dần lên, núi cứ lớn dần lên bên sóng nước Tam Giang nghìn trùng sóng vỗ... Phải là bác Thanh Tịnh, phải là người sông Hương, phải là người trong cuộc, mới có thể viết về sự hi sinh đồng đội, người thân nhẹ nhàng, kín đáo, thẳm sâu một niềm bi tráng mà vẫn đượm chất thơ như thế...
 
 Trong tôi tất cả cánh đồng, dòng sông, bến nước, đều có tiếng ngày xưa vọng về. Tiếng nói của cả thế hệ cha anh một thời đã sống và đã chết trong niềm trung hiếu .Bằng sự giản dị hiến mình, chính họ đã làm nên tầm vóc kì vĩ cho mảnh đất quê nhà. Những chiến công của họ đã trở về đất, lặn vào đá, hóa thân thành ngọn gió Tam Giang thổi dịu dàng, nhân hậu, phóng khoáng, bất tận trên quê nhà yêu dấu…
 
Tháng 7…
 
 Lòng tôi bỗng nuôi một ước muốn chân thành rằng : Một ngày không xa nữa, khi kiến tạo lại những nghĩa trang liệt sĩ, sẽ có một góc nhỏ, trên một con đường nhỏ nào đấy, những vần thơ nhớ “ Những người Huế không về nữa”… của nhà thơ Thanh Tịnh sẽ được khắc nổi như một điểm nhấn giữa mênh mông những hồn liệt sĩ của mọi miền đất nước đã hi sinh trên mảnh đất Thừa Thiên Huế anh hùng .
 
Khi tôi ngồi viết những dòng chữ này, bỗng bất chợt nhìn lên tờ lịch : ngày 17 tháng 7 năm 2010 – ngày giỗ lần thứ 22 của bác Thanh Tịnh – có một cái gì đó đọng lại trong lòng tôi như một khúc ngân của tiếng chuông chùa. Tôi bước lên một tầng lầu nữa để nhìn vào bầu trời cuối Hạ . Huế sau ảnh hưởng của những cơn bão xa, cây cối đứng im lìm . Và thấy những dải mây xám bàng bạc giăng mắc khắp không gian . Phía núi Thiên Thai, nơi chôn cất di hài của nhà thơ Thanh Tịnh – Con người một đời thương nhớ Huế, đường chân trời bỗng sáng trong một cách lạ thường …
 
Ba cây hương thắp cho người đã sắp cháy hết, tôi lặng lẽ cúi đầu tưởng niệm bác Thanh Tịnh. Ước gì, từ bài viết này, rồi sẽ có nhiều người, đồng cảm và giúp chúng tôi gửi lại cho mai sau những dòng thơ đượm ân tình này trong mạch đời “ Uống nước nhớ nguồn”, ngay trên những nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim, với trang viết này, tôi hằng mong ước sẽ gặp được những tiếng lòng. Đồng vọng …
 
Nguyễn Thị Lan Phương

                                                                                                                              

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top