ClockThứ Bảy, 06/12/2014 07:37

Khơi nguồn “vàng trắng” - Kỳ 1: Sòng phẳng với thuỷ điện

TTH - Khoảng hơn chục năm trở lại đây, thuỷ điện là một trong những ngành công nghiệp mới của tỉnh, phát triển mạnh mẽ nhằm khai thác nguồn “vàng trắng” giàu tiềm năng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, thuỷ điện cũng để lại những hệ luỵ tiêu cực cần được khắc phục, hạn chế...

Cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết, việc xả lũ của các nhà máy thuỷ điện ở miền Trung thời gian qua làm lũ lụt khốc liệt hơn, khiến dư luận bức xúc và có cái nhìn không mấy thiện cảm với thuỷ điện. Để có đánh giá khách quan, chúng ta cần có cái nhìn sòng phẳng về công và “tội” của thuỷ điện...

Thừa Thiên Huế có tiềm năng thuỷ điện khá lớn. Năm 2007, tỉnh xác định phát triển thuỷ điện là một trong 7 chương trình trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển. Theo các quy hoạch được phê duyệt, toàn tỉnh có 21 dự án thuỷ điện với tổng công suất 459,5 MW. Trong đó, quy hoạch thuỷ điện bậc thang sông Hương gồm 4 dự án với tổng công suất khoảng 314,5 MW; quy hoạch thuỷ điện nhỏ toàn quốc của Bộ Công nghiệp phê duyệt (nay là Bộ Công thương) gồm 5 dự án với tổng công suất 33,2 MW; quy hoạch thuỷ điện nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt gồm 12 dự án với tổng công suất 111,8 MW.
 
Thuỷ điện Hương Điền trong giai đoạn thi công
Công...
 Mục tiêu chung của các dự án thuỷ điện là kết hợp phát điện với điều tiết lũ mùa mưa và chống hạn mùa khô hạn. Tuỳ theo tính chất, yêu cầu cụ thể của từng dự án, các nhiệm vụ trên được xếp thứ tự ưu tiên khác nhau. Xét theo các mục tiêu đó, các công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực. Hiện với 3 công trình công trình thuỷ điện đã đi vào hoạt động, gồm thuỷ điện Bình Điền (công suất 48 MW), thuỷ điện Hương Điền (công suất 81 MW); thuỷ điện A Lưới (công suất 170 MW), mỗi năm bổ sung nguồn điện cho mạng lưới điện quốc gia trên 1 tỷ kWh. Sắp tới, thuỷ điện Tả Trạch (công suất 21 MW đi vào hoạt động cuối năm 2014), thủy điện A Roàng (công suất 7,2 MW) và thủy điện Thượng Lộ (công suất 6 MW) dự kiến đi vào vận hành cuối năm 2015, sản lượng điện sẽ tăng lên đáng kể.
Ở góc độ thu hút đầu tư, nếu tính suất đầu tư bình quân khoảng 25 tỷ đồng/MW, tổng số vốn đã đầu tư vào các công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh trong mấy năm qua khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng. Đó là nguồn lực đáng kể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhà; tạo tiền đề phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, nuôi trồng thuỷ sản trên các vùng hồ thuỷ điện.
Với mục tiêu chống lũ mùa mưa và chống hạn mùa khô, các công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh có những đóng góp đáng kể. Theo đánh giá của ông Trần kim Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, khoảng 5 năm trở lại đây, từ đầu năm, ngành nông nghiệp phối hợp với ngành công thương chủ động làm việc và thống nhất được với các nhà máy thuỷ điện kế hoạch phát điện từng tháng phù hợp với nhu cầu nước ở hạ du, trong mùa kiệt cũng như mùa mưa. Về cơ bản, các nhà máy đã thực hiện đúng quy trình vận hành và kế hoạch phát điện đã thống nhất từ đầu năm, góp phần tích cực trong điều tiết lũ trong mùa mưa và hạn chế hạn mặn trong mùa khô. Điều này thấy rõ qua việc mấy năm nay, lũ lụt lớn trên địa bàn tỉnh không còn; nước mặn không còn xâm nhập sâu trên sông Hương, sông Bồ như trước đây. Điển hình, đợt lũ cuối năm 2013, trong khi một số tỉnh miền Trung bị lũ lụt nghiêm trọng thì TP Huế lụt chưa đến mức báo động 3, nhờ công cắt lũ của các hồ thuỷ điện.
... Và những ảnh hưởng từ thủy điện
Tác động tiêu cực của thuỷ điện trước hết mất đất, mất rừng trong quá trình thi công và ngập nước hồ chứa. Theo báo cáo quy hoạch, ước tính sơ bộ, mỗi hồ chứa công trình thuỷ điện loại vừa chiếm diện tích 300-800 ha (thuỷ điện A Lưới có hồ chứa lớn nhất 820ha); các dự án thuỷ điện nhỏ, mỗi hồ chứa chiếm từ vài chục đến hàng trăm ha. Đây là diện tích không nhỏ, khi hiện nay nhu cầu về đất sản xuất của người dân ngày càng cao.
Để nhường đất cho các dự án thuỷ điện, hàng ngàn hộ dân phải di dời tái định cư hoặc mất đất sản xuất (thuỷ điện A Lưới ảnh hưởng khoảng 1 nghìn hộ dân; trong đó trên 100 hộ phải tái định cư; thuỷ điện Bình Điền có 48 hộ phải tái định cư; thuỷ điện Hương Điền có 20 hộ phải di dời...). Tôi trực tiếp khảo sát một số khu tái định cư thuỷ điện và nhận thấy, hạ tầng được đầu tư khá hoàn chỉnh, theo tiêu chí nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Các khu quy hoạch tái định cư trước khi triển khai đều lấy ý kiến của cộng đồng dân cư; thiết kế nhiều mẫu nhà để người dân có sự lựa chọn. Chẳng hạn, dự án tái định cư 46 hộ dân thôn Bồ Hòn ở Bình Thành (Hương Trà) được đầu tư 6,7 tỷ xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi (nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học...) và 46 ngôi nhà kiên cố, với điện nước được đưa vào tận từng nhà. Khu tái định cư Cân Tôm, xã Hồng Thượng được đầu tư 68 tỷ đồng xây dựng cầu, đường bê tông, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và 106 ngôi nhà với diện tích trung bình 75m2/nhà. Tuy nhiên, ở một số khu tái định cư vẫn còn tình trạng đầu tư chưa phù hợp, thiếu đồng bộ dẫn đến thiếu nguồn nước, nhà bị xuống cấp không được khắc phục kịp thời, gây bức xúc cho người dân. Mới đây, ghé thăm khu tái định cư Cân Tôm, bà Hồ Thị Ngành bức xúc dẫn tôi xuống nhà bếp để chỉ bức tường bị nứt nhìn thấy trời, dù gia đình đã nhiều lần khiếu nại đến chủ đầu tư; hệ thống nước sạch “có cũng như không”.
Thực tế, đa phần người dân bị ảnh hưởng dự án phải di dời đời sống gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, không có việc làm. Đơn cử, dự án thuỷ điện A Lưới đi vào hoạt động hơn 3 năm nay, nhưng các hộ dân bị ảnh hưởng chưa được bố trí đủ đất sản xuất. Ông Nguyễn Quốc Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất A Lưới cho biết, nhu cầu đổi đất bố trí cho 924 hộ dân bị ảnh hưởng dự án thủy điện A Lưới khoảng 400 ha, dù huyện đã nỗ lực rà soát, nhưng vẫn không tìm được quỹ đất để bố trí, khiến người dân bức xúc.
Một trong những “tội” mà thuỷ điện là “nghi can” hàng đầu là gây xói lở vùng hạ du. Theo ông Trần Kim Thành, xói lở bờ sông trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện sau cơn lũ lịch sử năm 1999, khi chưa có thuỷ điện và hiện vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định có yếu tố tác động của thuỷ điện hay không, bởi chưa có một nghiên cứu cụ thể. Đây là điều cần được làm rõ bằng các nghiên cứu khoa học cụ thể.
 
Kỳ 2:
Phát triển thủy điện bền vững
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Hương Trà, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ tổ chức trực bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tại đỉnh núi Hòn Vượn từ ngày 26/4 - 1/5.

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ
Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Return to top