ClockThứ Bảy, 14/09/2019 07:15

Không để đồng phục học sinh bị lạm dụng

TTH - Ngay sau khai giảng năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện trang phục học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu trường nào có nhu cầu mặc đồng phục riêng thì chỉ quy định mẫu mã, còn gia đình học sinh tự may, sắm. Các trường tuyệt đối không được thay đổi đồng phục nhằm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Tuyệt đối không được thay đổi đồng phục của nhà trường

Học sinh Trường tiểu học Quang Trung trong ngày khai giảng (Ảnh minh họa)

Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu lên ý nghĩa của việc mặc đồng phục: “Đồng phục phải bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường”.

Đồng phục học sinh là hình ảnh quen thuộc với học trò qua bao thế hệ. Quy định mặc đồng phục khi đi học giúp các em có vẻ ngoài lịch sự, đồng bộ và đúng với tác phong mà học sinh cần có. Đây cũng là cách để tránh việc học sinh ăn mặc lòe loẹt, sặc sỡ, không phù hợp với môi trường học đường.

Chuyện về mặc đồng phục đã rõ. Điều đáng nói là đằng sau những bộ đồng phục học sinh ngày càng bị lạm dụng. Đồng phục học sinh thành phố rất đa dạng cả về màu sắc lẫn kiểu dáng. Mẫu đồng phục áo trắng, quần xanh không còn thấy ở nhiều trường, thay vào đó là rất nhiều màu sắc khác nhau. Kiểu dáng cũng khá cầu kỳ, đến mức rườm rà, như: Màu cổ áo khác màu thân áo, áo học sinh nam đính kèm cà - vạt (giả); áo học sinh nữ thắt nơ… Do nhà trường “biến tấu” đồng phục học sinh theo mẫu thiết kế riêng, phụ huynh buộc lòng phải mua cho đúng kiểu.

Hiện nay ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, đồng phục thường do nhà trường “đặt hàng” sẵn tại một số nhà may với số đo chung cho từng lớp. Song, do tầm vóc không đều nhau nên có em mặc bộ đồng phục chật căng, ngắn cũn cỡn, có em lại rộng thùng thình, nhìn không đẹp mắt. Vải để may đồng phục thường là loại vải mỏng, pha nhiều nilon nên không thấm mồ hôi, không phù hợp với độ tuổi hiếu động của trẻ. “Giá đồng phục ở các trường không đắt, song chất lượng không tốt nên mỗi khi tan học lưng áo học sinh nào cũng ướt đẫm mồ hôi”, nhiều phụ huynh than thở.

Trở lại quy định về đồng phục của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhiều phụ huynh đồng tình. Mỗi trường chỉ cần quy định về màu sắc, quy cách quần áo, phù hiệu... còn việc cắt may để các gia đình tự thực hiện theo đúng số đo của con em mình. Như vậy, các em sẽ có cảm giác được may quần áo mới với một bộ trang phục chỉn chu chứ không phải một bộ đồng phục quá rộng hay quá chật...

Vẫn còn không ít âu lo ở phía phụ huynh nếu đồng phục đơn giản như quần sẫm màu, áo trắng hoặc xanh để phân biệt thì phụ huynh dễ dàng chủ động để may cho con. Đằng này, với lý do tạo nét riêng nhiều trường còn phối màu với những màu vải khác khiến phu huynh gặp khó khăn khi chọn vải. Còn không ít nhà trường cho rằng, đồng phục sẽ không thể đồng đều khi phụ huynh tự may sẽ chỉ là tương đối so với mẫu của trường đưa ra.

Những năm trước, chuyện nhà trường thay đổi đồng phục sang mẫu mới đã từng xảy ra khiến phụ huynh bức xúc vì gây lãng phí và tốn kém. Nay đã nghiêm cấm, các trường không nên tùy tiện thay đổi kiểu dáng, màu sắc quần áo đồng phục bởi mỗi lần thay đổi rất có thể sẽ tạo thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình học sinh. Cũng vì mỗi trường mỗi kiểu đồng phục cho nên lâu nay học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể dùng lại quần áo đi học của các anh, chị để lại.

Bàn về đồng phục, nhiều người vẫn cho rằng, không có bộ đồng phục nào đẹp hơn quần xanh áo trắng cả. Đây chính là bộ đồng phục phù hợp nhất của học sinh phổ thông bởi vừa trang nhã, lịch sự, thân thiện.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top