ClockThứ Năm, 17/04/2014 10:54

Không gian Huế xưa và Festival

TTH - Đại Nội là báu vật của Huế. Nó là điểm đến, là khát khao được chạm mặt trong đời của bao người. Với Festival, Đại Nội lại càng lung linh, huyền bí và hấp dẫn. Không còn nghi ngờ, linh hồn của Festival Huế là Đại Nội. Hầu như tất cả lễ hội chính hay những sân khấu đinh đều diễn ra ở đây. Còn nữa, sẽ không có “Đêm Hoàng cung”, “Đêm Phương Đông” hay cả những lễ hội như lễ hội Áo Dài chẳng hạn, nếu không có Kinh thành Huế làm bệ phóng, làm nền cho những ý tưởng tuyệt vời của Festival Huế.

Mấy trăm năm liền là thủ phủ của xứ đàng Trong và kinh đô thống nhất của nhà Nguyễn, Huế tự hào là chốn nguồn cội, là không gian xưa. Không chỉ có Đại Nội với tư cách là trung tâm, là điểm nhấn, Huế xưa rộng lớn về mặt không gian và bàng bạc trong lối sống và nếp nghĩ của những con người xứ Huế. Festival Huế đã biết men theo các không gian xưa đầy bí ẩn và bất ngờ kia để mở rộng và phát triển, và rồi bên cạnh Đại Nội, mùa Festival Huế trở về lại nhớ đến An Định cung, nhớ cầu ngói Thanh Toàn, làng cổ Phước Tích, hay cái làng giấy Thanh Tiên với góc nhà của gã nghệ sĩ tài hoa và nặng lòng với dấu xưa chốn cũ là Thân Văn Huy...

Tôi thích cái không gian của “Chợ quê ngày hội”. Nó nằm không xa Đại Nội, thời gian vừa đủ cho một cuốc xe ngựa của thủơ xưa ấy. Gần đó, nơi bờ nam sông Hương đã là Huế với dáng dấp hiện đại rồi, mà cái làng quê có chiếc cầu ngói này vẫn xưa đến kỳ lạ. Xưa từ con đường quanh co vào làng đi qua cánh đồng mát rượi, xưa nơi vị thế ngôi chợ quê nằm ở nơi ngã ba của con sông nhỏ. Còn nữa, xưa ơi là xưa là cái thói quen trưa hè bao người tề tựu bên trong chiếc cầu ngói thân thương để trò chuyện, nhìn ra xung quanh là những cánh đồng thẳng cánh cò bay và thưởng ngoạn ngọn gió nồm mát rượi. Cuộc sống hằng ngày nơi chốn xưa ấy đã là sự khám phá đầy hấp dẫn. “Chợ quê ngày hội”, một lễ hội làm lay động bao tâm hồn của Festival Huế đã ra đời như một sự mời gọi và tất yếu.

Hôm rồi lang thang cùng Festival, tôi đã tìm đến ngôi nhà xưa của cụ Thượng thư Trần Đình Bá ở 114 Mai Thúc Loan, giờ đã là bảo tàng tư nhân do người cháu là nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn khôi phục và tạo dựng. Festival Huế 2014 này, địa chỉ 114 Mai Thúc Loan đã hưởng ứng tham gia bằng cuộc triển lãm các bộ đại lễ phục, trang phục quan lại thời Nguyễn. Lần đầu tiên tận mắt trông thấy chiếc áo triều phục mà nghe đâu đương thời cụ Trần Đình Bá từng mặc, cùng rất nhiều hiện vật xưa quý hiếm khác nữa khiến tôi thật sự ngỡ ngàng. Tôi đã nghĩ đến không gian Huế xưa vẫn còn rất nhiều những quặng vỉa với bao bất ngờ và nó sẽ làm ngỡ ngàng khi được khám phá và phát hiện ra để đưa vào hành trình Festival Huế.  

Như một chú nhóc lên mười, tôi háo hức chờ đợi. Ngẫm nghĩ, tôi càng thấm thía về chủ đề của Festival Huế 2014 “Di sản Huế với hội nhập và phát triển”. Rõ ràng, có nhiều góc độ tiếp cận về Festival Huế. Vậy nhưng, sẽ không có một Festival Huế đã qua 8 kỳ tổ chức và ngày càng thu hút bao người nếu không có dấu xưa với những di sản mà cha ông để lại. Khi mà Festival đã trở thành thương hiệu lớn của văn hóa và du lịch Việt Nam, có người băn khoăn, tại sao nơi được chọn mà không phải là Hà Nội hay Sài Gòn có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh. Thì đó, câu trả lời là Huế với những di sản mà cha ông để lại. Festival Huế là Festival di sản, là Festival của khám phá chốn xưa. 

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top