ClockThứ Bảy, 13/03/2021 06:15

Không thể xuyên tạc sự kiện Gạc Ma

TTH - Sự kiện Gạc Ma xảy ra cách đây đã 33 năm, nhưng vẫn được những kẻ xấu tiếp tục gợi lại, xuyên tạc sự thật.

Tự hào gia đình người lính Gạc Ma

Ngày 25/6/2011, tại vùng biển khu vực đảo Len Đao và Gạc Ma (Quần đảo Trường Sa), cán bộ chiến sĩ tàu HQ 957 tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong trận chiến đấu năm 1988. Ảnh: TTXVN

Ngày 14/3/1988, lợi dụng tình hình căng thẳng, bất lợi cho Việt Nam trên nhiều mặt, Trung Quốc đã cho lực lượng vũ trang tấn công cụm 3 đảo: Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma của Việt Nam.

Đây là cụm đảo nằm ở vị trí án ngữ giữa các đảo trong quần đảo Trường Sa. Sự việc xảy ra khi những người lính công binh đang vận chuyển vật liệu ra xây dựng trên đảo thì bị hải quân Trung Quốc bất ngờ tấn công.

Các chiến sĩ của ta chống trả quyết liệt, quyết tâm bảo vệ lá cờ chủ quyền, người trước ngã xuống, người sau xông lên. Sau thời gian giao tranh quyết liệt, quân Trung Quốc rút ra tàu dùng pháo lớn bắn vào đảo làm 64 người hy sinh và nhiều người bị thương.

Địch chiếm được Gạc Ma và âm mưu tấn công chiếm luôn 2 đảo còn lại, nhưng đã bị bộ đội chống cự quyết liệt nên phải từ bỏ ý đồ. Gạc Ma bị chiếm đóng trái phép từ đó đến nay.

Máu của các chiến sĩ hy sinh đã hòa vào Biển Đông, tên tuổi các anh mãi mãi ở lại trên vùng biển đảo thiêng liêng của đất nước. Chúng ta có được vùng trời, vùng biển thiêng liêng như ngày hôm nay không bao giờ quên ơn những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước ghi nhận sự hy sinh dũng cảm, đã truy tặng 3 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong sự kiện Gạc Ma.

Lịch sử là như vậy, nhưng có những kẻ đã cố tình xuyên tạc, lợi dụng sự hy sinh đó để đưa ra những luận điệu vu khống, xuyên tạc sự thật. Có người giữ cấp hàm cao trong quân đội lợi dụng “Vòng tròn bất tử” về cuộc chiến ngày đó để phê phán chỉ huy cao cấp trong quân đội ra lệnh “không được nổ súng”.

Không ít các luận điệu của kẻ bồi bút, nhân danh dân chủ chỉ trích Nhà nước, quân đội thiếu cảnh giác, kém chủ động để mất một phần biển đảo. Đó là những luận điệu với ý đồ xấu nhằm mục đích chia rẽ khối đoàn kết của dân tộc, hạ thấp vai trò của Đảng và khả năng tác chiến của quân đội.

Nhìn lại lịch sử trước thời điểm năm1988 để thấy rõ hơn về tầm nhìn chiến lược của Nhà nước và quân đội.

Nhận thấy vị trí Trường Sa trong chiến lược bảo vệ đất nước, ngay khi miền Nam chưa hoàn toàn giải phóng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đưa quân đội lấy lại các đảo ở Trường Sa do quân ngụy đóng quân ngay từ đầu tháng 4/1975.

Tiếp sau đó đã giữ thêm các đảo ở Trường Sa, xây dựng hệ thống nhà giàn DK, hình thành chủ quyền rộng lớn trên vùng biển phía nam Biển Đông. Hoàng Sa, Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến cho đến nay tuyên bố chủ quyền từ những bằng chứng lịch sử và thực tế quản lý. Tuy nhiên, đây đang là khu vực trong tuyên bố chủ quyền, tranh chấp, chiếm đóng của nhiều nước và là vùng địa chính trị với lợi ích kinh tế vô cùng lớn.

Đảng, Nhà nước ta đã có tầm nhìn từ rất sớm trong bảo vệ chủ quyền, giành thế phòng thủ ở Biển Đông, không như luận điệu chỉ trích chúng ta thiếu chủ động để mất đảo.

Với sự kiện Gạc Ma, chúng ta không nổ súng trước nhưng phải nổ súng và thực tế súng đã nổ. Đó là những gì đã diễn ra ở Gạc Ma trong chiều 14/3/1988. Nổ súng trước là mắc mưu của địch tạo ra tình huống “gây chiến” có thể dẫn đến chiến tranh mà chúng ta không mong muốn.

Rút ra từ “ Sự kiện Vịnh Bắc bộ” năm 1964, Mỹ đã tạo cớ trả thù để đưa máy bay ném bom miền Bắc là bài học chúng ta không bao giờ quên. Trong chiến đấu, khi súng đã giao cho người lính thì bắn vào đâu, vào lúc nào là quyền quyết định của người chỉ huy trực tiếp, không thể chờ mệnh lệnh cấp trên, lại càng không thể chờ chỉ thị Nhà nước. Những chiến sĩ may mắn sống sót và những người chỉ huy có trách nhiệm trong sự kiện Gạc Ma đã nói rất rõ điều đó. Thực tế lịch sử và tiềm lực đất nước thời điểm đó đòi hỏi càng phải thận trọng trong nổ súng để tự vệ.

Thời điểm đó đất nước vừa ra khỏi chiến tranh chống Mỹ, lại phải đương đầu ngay với chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc. Chưa có khi nào đất nước gặp khó khăn nặng nề về kinh tế, quân đội phải dàn mỏng cho các chiến trường.

Xung đột kéo dài ở biên giới phía Bắc, giải quyết phức tạp chiến trường Campuchia, hậu quả bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây là những bất lợi của đất nước. Những yếu tố đó buộc phải tính toán kỹ càng, nếu nổ ra cuộc chiến tranh mới thì thiệt hại lớn nhất là đất nước và Nhân dân. Những kẻ chỉ biết hô hào, múa tay trên bàn phím chỉ là chiêu trò của những hoạt động chống đối.

“Không nổ súng trước” và chỉ nổ súng khi phải tự vệ là nghệ thuật trong quan điểm quân sự của Đảng và quân đội ta. Thời điểm đó với trang bị vũ khí thiếu thốn, xa đất liền hàng trăm hải lý, nhưng những chiến sĩ ở Gạc Ma đã xử lý quyết đoán và anh dũng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc là rất đáng trân trọng. Cần có cái nhìn thấu đáo theo quan điểm lịch sử, không thể vì mất Gạc Ma mà đổ lỗi cho Đảng, quân đội là thiếu khách quan với dụng ý xấu.

NGUYỄN AN HÒA  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ huy, vai trò tham mưu của cơ quan, đơn vị các cấp, trong hai ngày 4 & 5/3, Trung đoàn 6; Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3 và Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Hương Thủy đã tổ chức luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) từ thường xuyên lên cao, cao lên toàn bộ.

Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top