|
Nuôi thỏ ở Lộc Điền - mô hình mới cho thu nhập ổn định |
Là hộ tiêu biểu mạnh dạn, đi đầu đưa các cây, con giống mới vào phát triển kinh tế, ông Phạm Thành Trung ở thôn Vinh Sơn, xã Lộc Sơn hiện có 60ha trồng rừng, 3ha nuôi cá nước ngọt, 22ha trồng sen lấy hạt, 6ha trồng cây ăn quả như dừa, bưởi da xanh, mít, sầu riêng, dưa lưới, đàn bò 30 con, một xưởng cưa xẻ gỗ dân dụng và các phương tiện máy móc phục vụ cho sản xuất như máy cày, xe múc, xe vận chuyển…
Ông Trung chia sẻ: Thời gian qua, tôi đã tập trung nhân lực, vật lực, nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, tổng giá trị 3 tỷ đồng để sản xuất tổng hợp và tạo điều kiện có việc làm thường xuyên cho 20 lao động và 30 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân mỗi lao động 6 triệu đồng/tháng.
Gia đình ông Trần Ngọc Minh ở thôn An Hà, xã Lộc Hòa lại chọn cách trồng rừng gỗ lớn, chứng chỉ FSC và chăn nuôi lợn. Hiện gia đình ông có 20ha trồng rừng, trong đó 10ha đăng ký trồng rừng gỗ lớn, 10ha trồng keo, thu hoạch theo chu kỳ từ 5 năm đến 8 năm. Thu nhập hàng năm, trừ chi phí nhân công, lãi ròng khoảng 250 triệu đồng/năm. Ngoài ra, thu nhập từ chăn nuôi lợn, gà, vườn khoảng 100 triệu đồng/năm.
Bà Đặng Hoàng Ái Thụy - Chủ tịch HND huyện Phú Lộc cho biết, để phong trào nông dân SXKD giỏi phát triển sâu rộng, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện, thời gian qua HND huyện tập trung vào hoạt động phối hợp dạy nghề, đào tạo nghề cho nông dân gắn với tạo việc làm, tư vấn phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật và tạo vốn cho nông dân… Giai đoạn 2019 - 2024, bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp đều tăng. Riêng năm 2023, có 8.597 hộ nông dân đăng ký hộ nông dân SXKD giỏi các cấp.
Từ kết quả của phong trào nông dân SXKD giỏi đã tác động tích cực đến tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Các hộ nông dân SXKD giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 398 lao động; giúp cây, con giống, vật tư, vốn và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho hơn 273 lượt hộ nông dân; hơn 270 hộ nông dân thoát được nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả. Qua đó, thể hiện được vai trò, vị trí của HND trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến nay, toàn huyện đã vận động và hướng dẫn thành lập 4 HTX, 22 THT, 2 chi hội nghề nghiệp, 87 tổ hội nghề nghiệp, thành lập mới 4 câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi.
Thời gian tới, HND huyện tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tạo vốn cho nông dân thông qua các kênh ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân để họ có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập...